“Thiên thần nhỏ – con đang ở đâu ???”.Đó là câu hỏi trong sự vô vọng của rất nhiều cặp đôi trong quá trình tìm kiếm đứa con đầy gian nan. Và đó cũng là câu hỏi mà các BS luôn nỗ lực để tìm ra được đáp án. Dù biết rằng, hành trình đi tìm thiên thần nhỏ ấy, có cả nỗi niềm, có cả những thất vọng nhưng cũng có lúc vỡ òa trong niềm hạnh phúc.
Mong ước giống nhau là có được những đứa con để kết nối hạnh phúc gia đình, mang lại niềm vui sau những bộn bề cuộc sống thường nhật hàng ngày, nhưng hành trình đi đến đích có thể khác nhau. Bởi, không phải tất cả những cặp đôi đang mong mỏi thiên thần nhỏ đều là hiếm muộn (Infertility) – nhóm khó thụ thai, mà bao gồm luôn cả những cặp đôi rất dễ thụ thai nhưng không giữ được thai, gọi là nhóm sẩy thai liên tiếp (Recurrent Pregnancy Loss).
Với nhóm hiếm muộn, nguyên nhân thường gây ra chậm con như tinh trùng dị dạng, rối loạn phóng noãn do hội chứng buồng trứng đa nang, giảm dự trữ buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, bất thường tử cung – vòi trứng và đều có thể có giải pháp để đem đến kết quả tốt nhất cho các cặp đôi. Nhưng với nhóm sẩy thai liên tiếp không dễ dàng như vậy, bởi phần lớn không tìm ra nguyên nhân, thậm chí khi tìm được nguyên nhân thì không phải lúc nào cũng có kết quả tốt như mong đợi. Đôi khi việc điều trị với chi phí cao hơn cả điều trị hiếm muộn nhưng kết quả không phải lúc nào cũng tương xứng với chi phí bỏ ra. Đó là vấn đề khó khăn cho y khoa toàn Thế Giới chứ không chỉ riêng Việt Nam.
Trên hành trình đầy chông gai này, không phải ai cũng may mắn hái được quả ngọt dù trình độ y khoa phát triển vượt bậc. Trung tâm IVF nào có được tỷ lệ thành công 55-60% đã là quá tuyệt vời. Còn đối với sẩy thai liên tiếp, việc điều trị thành công vẫn chưa có tỷ lệ công bố chính xác, nên có không ít các cặp vợ chồng vẫn chưa thể kết thúc hành trình này dù kéo dài cả chục năm trời ròng rã.
Một trường hợp để lại cho tôi ấn tượng rất sâu sắc là hành trình 12 năm của cặp vợ chồng: người vợ bị cường giáp và đã được điều trị cắt 1 phần tuyến giáp, nhưng sau đó vẫn không ổn, nên phải tiếp tục điều trị bằng thuốc uống mỗi ngày, xét nghiệm chức năng tuyến giáp thường không ổn định, nên phải uống thuốc kháng giáp liên tục. Trong 12 năm đó, người vợ đã có thai tự nhiên 6 lần nhưng cả 6 lần đều sẩy thai, dù những lần có thai đều đi khám thai từ rất sớm và cũng được sử dụng nhiều loại thuốc dự phòng sẩy thai nhưng không có hiệu quả. Suốt quãng thời gian ấy, cặp vợ chồng này đã nỗ lực rất nhiều và cũng trải qua sự khủng hoảng về tinh thần cực độ, đến mức người vợ không dám nhắc đến 2 từ “mang thai”. Nhưng rồi niềm khao khát làm mẹ trỗi dậy và họ lại tiếp tục chiến đấu tiếp. Tại phòng khám, tôi đã trực tiếp kiểm tra nguyên nhân sẩy thai liên tiếp kèm theo những điều cần thiết phải chuẩn bị để cho lần mang thai thứ 7 thành công. Đúng như những gì chúng tôi mong đợi, khi lần thứ 7 thai kỳ diễn tiến hoàn toàn bình thường. Bao nhiêu phiền muộn, bao nhiêu lo lắng cũng đã thành quá khứ để nhường chỗ cho niềm vui – hạnh phúc bất tận khi thiên thần cất tiếng khóc chào đời trong niềm hân hoan của sự chờ đợi kéo dài 12 năm.
Một ca khác cũng có hành trình gian nan không kém khi sẩy thai liên tiếp 8 lần trong vòng 5 năm. Cặp vợ chồng này rất dễ có thai, nhưng hết lần này đến lần khác, những sinh linh bé bỏng lần lượt ra đi khiến cho tâm trạng vợ chồng em chưa kịp vui đã buồn, vừa hy vọng lại thất vọng… Và tôi tin vào chữ Duyên, khi có cơ hội giúp họ giữ được thiên thần nhỏ ở lần mang thai thứ 9: một thiên thần chào đời trong niềm vui bất tận của cả gia đình.
Ngược lại với những cặp đôi sẩy thai liên tiếp là những cặp vợ chồng hiếm muộn, họ trải qua hành trình dài có thể 10 năm và ngắn cũng 1-2 năm không thể có thai. Trong những ca hiếm muộn này, người vợ luôn là người chịu nhiều thiệt thòi và áp lực nhất. Có không ít trường hợp người chồng và gia đình chồng mặc định cho mình là “bình thường” và không đi xét nghiệm tinh dịch đồ. Và nghiễm nhiên họ cũng mặc định là do người vợ “không biết đẻ”. Không ít cặp vợ chồng ở bờ vực li hôn cũng vì chuyện này. Điều đó cho thấy áp lực của việc sinh con đè nặng lên người phụ nữ. Trong khi đó, theo thống kê cho thấy 30% trường hợp hiếm muộn do người chồng, tỷ lệ này tương đương với nguyên nhân do vợ và phần còn lại do cả 2 hoặc không rõ nguyên nhân. Những nguyên nhân hiếm muộn thường gặp nhất ở nam giới do tinh trùng yếu, dị dạng hoặc không có tinh trùng. Nguyên nhân do nữ giới thường là buồng trứng đa nang, giảm dự trữ buồng trứng và bệnh lý lạc nội mạc tử cung.
Nhân đây, tôi vũng muốn quí độc giả hiểu để tránh nhầm lẫn giữa điều trị hiếm muộn và thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). IVF là một phương pháp hỗ trợ sinh sản trong nhiều phương pháp khác nhau. Điều trị hiếm muộn là điều trị theo nguyên nhân gây ra hiếm muộn, nếu chỉ bất thường phóng noãn thì cho thuốc gây phóng noãn và giao hợp tự nhiên, nếu chỉ do tinh trùng yếu có thể thực hiện bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI). Mỗi phương pháp sẽ cho tỷ lệ thụ thai khác nhau, dĩ nhiên IVF cho tỷ lệ thụ thai cao nhất có thể lên đến 50% so với 12-15 % của IUI và giao hợp tự nhiên. Nhưng bù lại, chi phí cho IVF sẽ cao hơn rất nhiều. Điều này cho thấy, điều trị hiếm muộn không có nghĩa là làm thụ tinh trong ống nghiệm. Nếu như hạn chế tối đa số ca IVF mà vẫn cho kết quả thụ thai cao thì nên làm, để giảm chi phí và giảm áp lực, stress cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Điều trị hiếm muộn gây ra stress như thế nào chỉ có những cặp vợ chồng hiếm muộn mới rõ nhất.
Tôi vẫn nhớ như in một trong những ca hiếm muộn của cặp vợ chồng ở tận miền Trung. Làm studio chụp hình cưới cho không biết bao nhiêu người, nhưng 10 năm, khát khao được có một đứa con của họ vẫn không thành hiện thực. Đi điều trị rất nhiều nơi, ai giới thiệu ở đâu cũng theo, kiểu như “phước chủ may thầy” nhưng vẫn vô vọng. Qua thăm khám, tôi xác định vấn đề của người vợ là không có phóng noãn do buồng trứng đa nang, kèm theo tử cung bất thường dạng tử cung đôi, nên khi có thai sẽ có nguy cơ sanh non tháng và khó mà giữ được thai nếu song thai. Trong trường hợp này IVF là chọn lựa hợp lí nhất và chỉ chuyển 01 phôi để giảm nguy cơ song thai. Và thật may mắn khi người vợ đã có thai ngay lần chuyển phôi đầu tiên. Niềm vui ví như cơn mưa sau nhiều năm hạn hán làm hồi sinh chồi non cho cánh rừng trụi lá. Tuy nhiên khó khăn chưa hết khi thai kỳ diễn tiến không thuận lợi, do tử cung đôi nên nhiều lần thai phụ bị động thai và doạ sanh non. Mọi nỗ lực cũng chỉ duy trì thai kỳ đến tuần 32. Em bé sanh non tháng, được chăm sóc tích cực của khoa Nhi và về với vòng tay gia đình. Đó quả thật là cả một hành trình không chỉ của thai phụ mà của cả những người bác sĩ điều trị.
Bên cạnh những khó khăn là thế, vất vả là thế, stress là thế còn có một vấn đề khá lớn trong điều trị vô sinh – hiếm muộn. Đó là gánh nặng chi phí khi trải qua hành trình này. Tôi còn nhớ cặp vợ chồng ở miền Tây, đã có thai 01 lần nhưng sẩy thai, sau đó 05 năm vẫn không có thai lại nên quyết định đi khám kiểm tra. Tôi tư vấn nhiều sự lựa chọn và tỷ lệ thành công cũng như chi phí cho những phương pháp hỗ trợ sinh sản đó và cuối cùng họ quyết định làm IVF. Người vợ có 1 thai ngay lần đầu tiên chuyển phôi, nhưng đến khi thai được 9 tuần lại sẩy thai lần thứ 2. Vài tháng sau, bắt đầu chuyển phôi lần 2 và lần này song thai do chuyển 02 phôi. Lại lo lắng, lại hồi hộp và rồi cũng vượt qua được mốc 12 tuần dài như cả thế kỷ, thai tiếp tục phát triển bình thường. Tôi nhớ mãi cuộc điện thoại của người chồng: “em biếu BS ít trái cây và trứng gà do em trồng và nuôi. Em cũng nói thật, để làm IVF, vợ chồng em phải bán nhà trên phố, sau đó mua nhà ở quê để làm vườn trồng cây và nuôi gà, mỗi lần em lên khám em đều phải thuê xe riêng cho vợ em đi vì em sợ đi xe ngoài lỡ có gì thì tội nghiệp vợ con em lắm, nên chi phí càng ngày làm em càng đuối nhưng em muốn vợ em được BS theo dõi tiếp và BS mổ sanh trên Sài Gòn em mới yên tâm”. Những lần khám thai tiếp, tôi không thu tiền đến khi sanh em bé. Tôi cũng hứa: nếu đi sanh có khó khăn tôi sẽ chia sẻ viện phí của bệnh viện để vợ chồng họ yên tâm. Cuối cùng quả ngọt cũng đến, khi 02 chàng trai chào đời sau một ca mổ lấy thai thật hoàn hảo. Sau đó, họ thường xuyên gởi hình chụp 02 thiền thần lớn lên cùng lời cảm ơn chân thành. Đó là động lực giúp tôi vượt qua khó khăn vất vả của nghề nghiệp, giúp tôi mỗi ngày hoàn thiện hơn cả kiến thức và kỹ năng để giúp ích cho xã hội trong hành trình tìm kiếm những thiên thần.
BS Thân Trọng Thạch
Giảng viên bộ môn Sản ĐH Y Dược TP.HCM
Nguồn: tcsuckhoe.com