Mỗi năm có trên 5.000 phụ nữ Việt Nam mắc ung thư cổ tử cung, trong đó có tới 50% tử vong và khoảng 7.000 chị em mắc ung thư vú (35% số này tử vong). Nhằm cung cấp kiến thức về cách phòng ngừa, phát hiện sớm hai căn bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ, bệnh viện Quốc tế Thành Đô đã tổ chức hội thảo chuyên đề “Phòng ngừa và tầm soát ung thư tử cung và ung thư vú” vào ngày 17/5/2014.

 Phòng ngừa sớm ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là loại ung thư thường gặp đứng thứ 2 trong các loại ung thư ở phụ nữ. UTCTC do virus HPV (Human Papilloma virus) gây ra. Đây là loại virus dễ lây qua đường quan hệ tình dục, chỉ cần tiếp xúc ngoài da ở bộ phận  sinh dục một lần cũng có thể lây. HPV có thể lây từ nam sang nữ, từ nữ sang nam nhưng chỉ có thể gây bệnh ở phụ nữ. Có rất nhiều chủng virus HPV, tuy nhiên chỉ có 5 loại gây ung thư là type 16, 18, 45, 31, 33… trong đó type 16 và 18 có khả năng gây bệnh cao nhất.

Theo TS.BS Võ Đăng Hùng – Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quốc tế Thành Đô, nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến UTCTC như quan hệ tình dục sớm, quan hệ với nhiều người; chưa quan tâm, ý thức về vệ sinh; thường xuyên tiếp xúc với chất bẩn (làm đồng án, tiếp xúc với bùn lầy và nước bẩn…

TS.BS Võ Đăng Hùng - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quốc tế Thành Đô tại buổi hội thảo ngày 11/5/2014
TS.BS Võ Đăng Hùng – Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quốc tế Thành Đô tại buổi hội thảo ngày 11/5/2014

 Dù là bệnh nguy hiểm nhưng UTCTC vẫn có thể phòng ngừa và điều trị tốt nếu phát hiện sớm. Để chống lại bệnh cần có chiến lược hiệu quả bao gồm chủng ngừa và tầm soát. Hiện nay đã có vắc xin ngừa bệnh như: CERVARIX (ngừa HPV 16 và 18), GARDASIL (ngừa HPV 16, 18 và UTCTC gây bệnh hoa liễu) đều tiêm 3 mũi trong 6 tháng với mức giá lần lượt là 900.000-1.300.000 đồng.

Đối với giai đoạn tiền ung thư, có thể tầm soát bằng phương pháp xét nghiệm tế bào âm đạo và cổ tử cung (Pap smear – soi tế bào qua kính hiển vi tìm tế bào bất thường gây bệnh). Đây là phương pháp đơn giản, kinh tế nhưng đem lại hiệu quả cao đang được sử dụng hầu hết ở các cơ sở điều trị ung bướu và phụ khoa. “Phụ nữ ngoài 40 tuổi nên đi khám phụ khoa và làm xét nghiệm UTCTC mỗi năm một lần để phát hiện sớm và điều trị bệnh tốt hơn”, BS.Hùng nói.

 Tự khám ung thư vú

 Theo TS.BSVõ Đăng Hùng: “So với UTCTC, ung thư vú không chỉ ác mà còn hiểm hơn rất nhiều, bệnh  không chỉ có khả năng gây tử vong  cao mà còn gây nhiều mất mát cho phụ nữ, đặc biệt về mặt tâm lý”. Bệnh thường gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi, tuy nhiên đàn ông cũng có thể mắc nhưng do tuyến vú không phát triển nên rất hiếm gặp. Người có người thân mắc bệnh ung thư vú, rối loạn nội tiết nữ, mắc bệnh lành tính ở tuyến vú, béo phì, người độc thân, sinh ít con đều là những yếu tố nguy cơ gây bệnh.

     Ung thư Vú thường gặp ở  phụ nữ trên 40 tuổi, tuy nhiên đàn ông cũng có thể mắc
Ung thư Vú thường gặp ở phụ nữ trên 40 tuổi, tuy nhiên đàn ông cũng có thể mắc

Mặc dù là bệnh nguy hiểm nhưng hiện nay vẫn chưa có vắc xin ngừa ung thư vú nên chỉ có thể phòng ngừa  bằng cách phát hiện sớm bệnh để tăng hiệu quả điều trị. Có nhiều phương pháp tầm soát ung thư vú như chụp nhũ ảnh, khám lâm sàng tuyến vú, tự khám tuyến vú, MRI, siêu âm, trong đó tầm soát bằng MRI và siêu âm chỉ nên sử dụng cho đối tượng có nguy cơ cao.

 TS.BS Hùng nói, phụ nữ có thể học cách tự khám tuyến vú nhằm phát hiện những dấu hiệu bất thường mỗi tháng một lần ở nhà trước khi tìm tới bác sĩ. Thời gian khám tốt nhất là sau thời gian hành kinh khoảng 7-10 ngày vì lúc này bầu vú mềm, dễ khám nhất.

Với phụ nữ trên 40 tuổi nên chụp nhũ ảnh 3 năm/lần, nếu có kèm các yếu tố nguy cơ nên tiến hành làm 2 năm/lần và siêu ấm tuyến vú 1 năm/lần.

 Cho đến nay, mặc dù chưa có phương pháp tầm soát ung thư vú nào nhận được sự đồng thuận cao, tuy nhiên không thể phủ nhận hiệu quả mà các phương phám tầm soát trên mang lại. Tầm soát nhằm phát hiện sớm kết hợp với phương pháp điều trị tiên tiến sẽ giúp cải thiện, giảm nguy cơ tử vong do ung thư vú ở phụ nữ như hiện nay.

 Hoàng Minh/ Nguồn: BV Quốc Tế Thành Đô

Bệnh viện Hạnh Phúc