Có nhiều học sinh than phiền là mau quên quá. Học đâu quên đó. Vì thế mà học không khá được. Nhiều đã phải dùng thuốc “giúp trí nhớ” để hy vọng khá hơn, nhưng chẳng đi đến đâu!
Trí nhớ có tỉ lệ thuận với trí thông minh không?
Tôi phải nói ngay là mau quên không phải là kém thông minh. Nó cũng không phải là một “bệnh” theo đúng nghĩa của chữ này để có thể chữa trị bằng những thứ thuốc như người ta quảng cáo. Trái lại đôi khi mau quên là một đức tính cần thiết để “thuộc” bài hơn, nhất là những bài học đòi hỏi sự suy nghĩ, óc phê phán, óc sáng tạo để có thể thấu triệt ý nghĩa sâu xa. Dĩ nhiên ở bậc phổ thông, học sinh bắt buộc phải nhớ những công thức, định lý toán, những bài sử địa… để đi thi. Bạn cần có một trí nhớ dồi dào và do đó mau quên mới được coi là “bệnh” trong lứa tuổi học trò.
Có những bạn thật thông minh, nhưng ký ức kém. Thầy giáo giảng bài chưa xong đã hiểu, nghe nói một phần đã đoán ra toàn thể, nhưng lại mau quên những điều đáng nhớ. Ngược lại, có bạn nhớ rất dai, ký ức rất tốt nhưng lại… kém thông minh. Nhiều kẻ được trời phú cho một ký ức siêu việt, nhớ thuộc lòng tất cả những gì họ đọc sơ qua một lần. Nhưng có ký ức tốt không hẳn là thông minh.
Ngày nay những máy tính “nhớ” hàng triệu triệu chi tiết trong một thời gian vô hạn, cũng như máy ghi âm, thu và phát lại không sai một mảy may, nhưng các loại máy đó vẫn đặt dưới sự điều khiển của trí óc con người. Vậy trí thông minh còn cần hơn là thiên tài về ký ức. Thông minh thì sẽ có phương pháp, rồi tìm được những thuật ký ức riêng cho mình, thì dù ký ức có kém cũng sẽ khá được.
Ký ức một phần do bẩm sinh, trời cho ai “nhớ dai” thì người đó nhờ, một phần khác là do ta luyện tập mà có. Những bạn thường than phiền là trí nhớ kém, có khi nào bạn ngạc nhiên thấy bài học thì ta không nhờ mà bài hát thì… ta thuộc mau và nhớ dai không? Có khi nào bạn ngạc nhiên thấy công thức toán, lý, hóa, ngày tháng lịch sử thì mau quên mà những cái tên của ca sĩ, diễn viên hay ngày sinh của ai đó thì ta thuộc dễ dàng và không bao giờ quên cả? Có thể vì bài học kia thầy giảng không hay, làm bạn ngủ gục trong lớp, làm sao bạn nhớ nổi? Có thể bạn không ưa bài sinh vật nọ, bài sử địa này mà bạn chỉ ưa toán thôi, nên bạn thích học toán, chịu khó nghe giảng, chịu khó làm bài tập nhiều, làm sao không nhớ toán hơn?
Bạn có để ý các quảng cáo trên ti vi, radio nghe thật dễ ghét không? Vậy mà nếu bị nghe mãi bạn cũng phải thuộc, dù không muốn. Bởi nó có hai yếu tố: lặp đi lặp lại nhiều lần và gây dễ ghét- ghét tức là có xúc động rồi đó!
Vậy, điều kiện để nhớ và nhớ lâu là:
- Có sự chú ý tích cực của chủ thể (đúng hơn, phải có sự thích thú).
- Có sự kích thích mạnh của đối tượng (gây thành một xúc động nơi chủ thể).
- Những yếu tố khác: sự lặp đi lặp lại nhiều lần, sự minh mẫn của trí tuệ, sự khỏe mạnh của cơ thể, đặc biệt là của các giác quan.
Đôi khi trí nhớ kém là vì bạn bắt trí nhớ làm việc nhiều quá, đuối sức, không chứa nổi nữa, lúc đó bạn phải biết “quên”, học cách quên để nhớ nhiều hơn, nghĩa là phải biết nghỉ ngơi đúng lúc, đừng để đầu óc quá căng thẳng, mụ mị người đi!
Có nên dùng thuốc bổ óc, thuốc giúp trí nhớ?
Làm gì có thuốc bổ óc, thuốc giúp trí nhớ kia chứ! Người ta quảng cáo thật kêu bằng những cái tên thật lạ, thật oai, thật hấp dẫn, chứ thật ra toàn những món lăng nhăng! Cái đó gọi là “người khôn ăn bòn kẻ dại”, thế thôi. Kẻ uống thuốc rồi mà thi rớt thì nó lại nghĩ tại uống thuốc chưa “đủ đô”, năm sau sẽ càng bỏ tiền mua uống tiếp!
Não bộ ta như cái hộp, đã đựng cái này chật rồi thì không thể đựng cái khác nữa. Nhồi nhét vào đó đầy những games, những clips, những tưởng tượng phù phiếm… thì còn mong gì có chỗ cho chuyện học với hành, thi với cử!
Có bạn thấy đề thi dễ mà làm không được vì mấy ngày trước đó đã thức trắng đêm gạo bài, nay cơ thể phải… ngủ bù. Có bạn uống thuốc kích thích để học, đến ngày thi thấy đề dễ mà đành bỏ giấy trắng vì… đầu óc đột nhiên trống trơn!
Có bạn ngày thi mà lo chải chuốt quá, chọn bộ quần áo cực kì thời trang khiến bản thân bị mất tập trung. Thay vì nhớ bài học thì đầu óc chỉ quan tâm tới quần áo, tóc tai… và những ánh mắt, những lời khen chê xung quanh mình. Ngày thi, bạn chỉ cần ăn mặc sạch sẽ tươm tất như bình thường. Bộ óc ta kì dị lắm, khi học kĩ, học đầy đủ thì ngày thi ta có cảm giác như nó trống rỗng vậy, thấy nó như lửng lơ vậy, nhưng khi đề thi ra thì lập tức nó gom tụ lại, tập trung để giúp ta hiểu và nhớ lại, làm bài một cách dễ dàng. Còn nếu lúc đó ta tập trung qua chuyện khác thì đầu óc ta sẽ trống rỗng với đề thi. Đơn giản có vậy!
Thuốc giúp trí nhớ tốt nhất là gì?
1. Dưỡng khí: Người biết học thì kiếm nơi vắng vẻ, thoáng khí để học cho dễ tập trung. Học mỏi rồi thì vận động thể lực một chút để thay đổi không khí. Thay đổi môn học này bằng môn học khác cũng là cách… giải trí. Lớp học, góc học bài ở nhà cần thoáng khí. Bạn cũng cần học cách thở. Thở bụng là cách tốt nhất.
2. Thuốc giúp trí nhớ tốt là các món ăn nhẹ nhàng như một gói xôi đậu, một ly chè đậu, chè khoai, một tô canh bí, một cái trứng vịt hoặc trứng gà hoặc vài cái trứng cút (đã kiểm dịch). Không phải chè đậu làm cho thi đậu mà trong chè có đường, trong đậu có đạm. Đường, đạm là các chất cần thiết cho bộ óc. Cũng như không phải ăn trứng gà trứng vịt hay canh bí thì sẽ… thi rớt như những kẻ mê tín dị đoan bày đặt, trái lại trong trứng có nhiều vitamin, trong bí có acid glutamic.
3. Nước và chất điện giải: Nước không thể thiếu được, bạn có thể nhịn đói lâu được chứ không thể nhịn khát. Tuy nhiên, sự quá thừa thãi nước cũng có hại. Uống nước nhiều quá sẽ khiến bạn thấy khó chịu, nặng bụng.
Canxi: Cần thiết cho sự hoạt động của tế bào thần kinh, thiếu canxi có thể gây co giựt các cơ bắp.
Muối: Chất muối biển cũng rất cần thiết. Thiếu nó các cơ bắp mau mỏi mệt, suy yếu, hệ thần kinh làm việc cũng suy kém đi. Tuy vậy, không nên ăn mặn, sau này sẽ dễ bị cao huyết áp.
4. Axit glutamic: Các loại thuốc có axit glutamic rất nhiều và được quảng cáo như là thuốc bổ óc. Thực ra, nó không có hại gì, nhưng cũng chẳng có ích lợi bao nhiêu.
5. Axit phosphoric: cũng có ích cho sự bồi bổ thần kinh hệ, nhưng uống nhiều dễ làm chua bao tử.
Tóm lại, những ngày học thi cần ăn uống giản dị để bao tử đỡ vất vả, tập trung trí nhớ cho việc học, biết vận động thể lực, biết tổ chức việc học, nghỉ ngơi đầy đủ, không ỷ lại vào các thứ thuốc bổ, thuốc giúp trí nhớ nhảm nhí thì mới mong thi đâu đậu đó.
BS Đỗ Hồng Ngọc
“Giúp trẻ thành công trong mùa thi”
Địa điểm: Trường THCS- THPT Đức Trí số 742/10 Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận
Thời gian: 8g00-10g00 Chủ nhật ngày 26/04/2015
Chủ trì: Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
PNHĐ hợp tác truyền thông cùng Hội Quán Các bà mẹ