Không chỉ là nơi trú ẩn, thư giãn của mỗi gia đình, nhà ở còn đáp ứng nhu cầu giao tiếp thông qua các không gian sinh hoạt chung – riêng để thắt chặt mối quan hệ giữa các thành viên với nhau.
Tùy theo tính chất từng gia đình mà không gian giao tiếp mỗi nhà sẽ rộng hẹp nhiều ít khác nhau, nhưng cơ bản là chọn lựa giải pháp bố trí sao cho hài hòa để giữ gìn sự đầm ấm, quây quần.
TỪ CÁC “CHỈ ĐỊNH” CHƯA RÕ RÀNG:
Không ít gia chủ khi đặt vấn đề thiết kế với kiến trúc sư hay nêu “nhiệm vụ” theo kiểu: có một khoảng sinh hoạt quây quần ấm cúng! Những cụm từ này sẽ khá mơ hồ nếu không được xác định cụ thể tính chất, phong cách… để tránh gây khó cho nhà thiết kế.
Cụ thể đó là một căn phòng hay chỉ là khoảng trống, là nơi xem tivi hay đọc sách, diện tích rộng hay hẹp… làm sao nhà thiết kế có thể nghĩ giúp gia chủ quy mô và mức độ đầu tư cho không gian này khi chính gia chủ chưa xác định rõ mình cần gì.
Khi được nhà thiết kế hỏi lại: anh (chị) muốn cụ thể ra sao thì thường xuất hiện một vài “chỉ định” cảm tính chung chung: à chắc kê bộ salon, hoặc nơi đặt tủ kệ tivi! Có kiến trúc sư hơi cực đoan đã từng khẳng định ngược lại với gia chủ rằng: xem tivi không phải là quây quần sum họp, đó là một dạng giải trí thụ động!
Và gia chủ đó cũng phải gật gù công nhận rằng nhiều khi cả nhà chỉ dán mắt xem ti vi xong rồi đi ngủ, tệ hơn thì tranh giành nhau chuyển kênh này, xem phim nọ, vui vẻ đâu không thấy, thấy kết quả là… mỗi phòng ngủ gắn thêm cái ti vi riêng cho biệt lập thoải mái!
Không chỉ là nơi trú ẩn, thư giãn của mỗi gia đình, nhà ở còn đáp ứng nhu cầu giao tiếp thông qua các không gian sinh hoạt chung – riêng để thắt chặt mối quan hệ giữa các thành viên với nhau.
Dĩ nhiên tivi hay tủ sách hoặc dàn karaoke vẫn là các thiết bị cần thiết, nhưng chưa đủ để hình thành và duy trì không khí, nội dung, công năng của một góc quây quần sinh hoạt gia đình. Do vậy cần xem xét bản chất việc quây quần sinh hoạt gia đình như một cách thức giao tiếp.
Ngôi nhà nào cũng song hành hai hình thức giao tiếp cơ bản là đối nội và đối ngoại. Trong từng loại cũng có thể chia nhỏ theo tính chất đặc thù. Ví dụ phòng khách thiên về đối ngoại, và cũng cần phân ra các loại, như khách thân, khách sơ, khách vãng lai hay thậm chí khách… không mời mà đến.
Thực tế những gia đình “có điều kiện” thường chia ra nơi tiếp khách tạm và nơi tiếp khách thân mật kết hợp sinh hoạt gia đình để giảm bớt sự bất tiện, tăng thoải mái cho không gian.
Tuy nhiên ở các căn hộ diện tích hạn chế thì việc chỉ định ra một không gian cụ thể chuyên dành cho tiếp khách hay sinh hoạt quây quần sẽ khó hơn là kết hợp nhiều công năng trong một không gian.
ĐẾN NHỮNG NHU CẦU VÀ GIẢI PHÁP THIẾT THỰC
Cũng bởi tính chất đa dạng của việc giao tiếp, nên ngoại trừ phòng ngủ, phòng vệ sinh và kho, đa số các không gian trong nhà đều có thể trở thành không gian sinh hoạt nếu biết linh động sử dụng.
Ví dụ một hành lang chung trên lầu nếu khéo sắp xếp có thể bố trí salon, tủ kệ, quầy bar… để làm góc hàn huyên thân mật. Hoặc phòng làm việc tại nhà vốn là nơi giao tiếp riêng, thường ngày là đối nội, vào những dịp lễ tết đông người sẽ trở thành nơi kết hợp vừa đối nội vừa đối ngoại.
Tính chất không gian sinh hoạt chung vì thế khá phong phú và linh động, không thể theo một khuôn mẫu nhất định, tùy theo từng nhà mà khối tích của không gian sinh hoạt sẽ được tính toán sao cho phù hợp với gia chủ.
Điều này thực ra không mới và luôn được các không gian nghỉ dưỡng cao cấp kế thừa từ ngôi nhà truyền thống mà biến tấu thêm: một góc quây quần, một khoảng thư giãn tồn tại ngay cạnh các không gian quen thuộc hằng ngày, miễn là chịu khó cân đối, sắp đặt và chăm chút sao cho tương xứng với số lượng người và tính chất sử dụng bên trong.
Đối với nhà ở nông thôn, nhà vườn, biệt thự rộng… có thể dễ dàng tạo một hay nhiều chỗ chuyên biệt dùng làm nơi sinh hoạt quây quần các thành viên gia đình.
Vị trí của không gian sinh hoạt dạng này thường nằm trên các khoảng trống trang trọng của khu đất (hoặc ngôi nhà) và tuân theo kiểu sắp xếp truyền thống, lấy thiên nhiên làm chủ đạo, như trông ra khoảng sân rộng, tựa vào hàng rào cây cối hoặc giả sơn, kề bên hồ nước xinh xắn…
Tuy nhiên với nhà ở trong đô thị bị khống chế diện tích (nhà ống, căn hộ chung cư…) thì cần xác định lại vị trí không gian giao tiếp theo đặc trưng cụ thể để có được sắp xếp đúng, tránh lãng phí và ảnh hưởng đến các không gian cơ bản khác vốn đã bị nén chặt.
Xét theo văn hóa truyền thống, không gian giao tiếp vốn đặc trưng bởi tính động, tính dương nhiều hơn âm (chỉ trừ khu vực bàn thờ, các góc tâm linh) và cần linh hoạt để dễ cơ động theo các thời điểm khác nhau cũng như số người sử dụng khác nhau, do vậy cần được đặt tại vị trí trung tâm của căn hộ hoặc tại các vị trí đầu mối giao thông nhà phố (như sảnh tầng, gần cầu thang) để tiện qua lại và tránh xuyên sâu vào không gian riêng.
Nếu là nhà thấp tầng hoặc do có người già không lên lầu cao được, thì không gian giao tiếp tốt nhất nên đặt dưới trệt hoặc tại vị trí thuận tiện kề cận phòng người già. Tuy nhiên cũng cần phân loại không gian giao tiếp để tránh gây ảnh hưởng giữa các thế hệ trong gia đình.
Khi nhà ống có chiều dài tương đối thì mỗi tầng đều có thể làm một khu vực sinh hoạt, tiếp khách thân mật mà không cần phải tập trung tất cả vào một chỗ (như dồn vào phòng khách dưới trệt) nhằm đảm bảo tính độc lập của các sinh hoạt khác nhau.
Không gian giao tiếp cũng có thể nằm xen kẽ, bên trong hoặc kề cận sân vườn, giếng trời để vừa thông thoáng, vừa tận dụng thêm diện tích, đồng thời tạo mối liên hệ tốt hơn giữa con người với thiên nhiên thông qua khoảng hút gió, cây xanh, hồ nước ở giếng trời…
Đây cũng là nơi hay quây quần vào dịp giỗ tết nên có thể kết hợp làm chỗ đàm đạo, thư giãn, uống trà… như một phần mở rộng của phòng sinh hoạt và phòng ăn.
Thực tế cho thấy nhiều gia đình sử dụng phòng ăn hay bàn ăn như thành phần có thể chia sẻ bớt “áp lực” về giao tiếp cho phòng khách chính. Với đặc thù văn hóa Đông phương hay hàn huyên quanh bữa ăn thì nơi ẩm thực kiêm sinh hoạt gia đình là một đặc thù đáng lưu ý.
Đối với phòng ăn trong nhà phố hoặc căn hộ, việc sử dụng những bức tranh phong cảnh hay tĩnh vật, nhạc êm dịu, bể cá thủy sinh nước chảy róc rách… giúp tạo nên không khí ôn hòa, nhẹ nhàng và được đa số gia đình ưa chuộng.
Nếu có thể thì nên sử dụng thông thoáng tự nhiên hoặc bố trí bàn ăn tại hàng hiên, sân vườn sẽ tăng thêm tính gần gũi thiên nhiên, tạo bầu không khí thân thiện, ấm cúng hơn.
Bài: KTS. KHANG HẠNH
Ảnh: MINH KIỆT, TƯ LIỆU
Theo Tạp chí Kiến Trúc Nhà Đẹp – số tháng 8.2015