Đầu xuân năm ngoái, lần đầu tiên, Hội Quán Các Bà Mẹ nhận lời mời của Hội “Phong trào của những công dân Pháp gốc Việt” (MCFV) tại Pháp với chương trình: “Áo dài theo dòng thời gian”. Và đầu thu năm nay, đoàn tiếp tục trở lại Pháp với chương trình giới thiệu quyển sách mới: “Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại”, kết hợp trưng bày áo dài theo chủ đề: ’Hoàng hậu Nam Phương – sứ giả áo dài thập niên 30, 40 và 50”.

Ngoài hai chương trình phối hợp cùng MCFV tại Paris và Trung tâm Liên văn hóa Việt Nam – Thái Bình Dương tại Bỉ, chúng tôi cùng các anh chị em ở Montpellier – thành phố miền Nam nước Pháp cùng tổ chức chương trình giao lưu giới thiệu văn hóa Việt đến các gia đình người nước ngoài và người gốc Việt tại đây.
Chương trình diễn ra trọn một ngày và kết thúc với những giọt mồ hôi, những nụ cười và cả nước mắt trong niềm vui vỡ òa giữa trời Tây. Chương trình thành công ngoài mong đợi của cả nhóm và mọi sự bắt đầu bằng tình thương và mong muốn được làm một việc nhỏ bé có thể duy nhất trong đời.

Khi Ngọc Trân đề xuất ý tưởng, chúng tôi bắt đầu lên kế hoạch thực hiện, chỉ vỏn vẹn có một tháng mà ai nấy cũng bận rộn chuyện sở làm, chuyện con nhỏ, chuyện thay đổi địa điểm, tìm kiếm tình nguyện viên hỗ trợ và cả kinh phí nữa.

Anh Thắng Bùi – nhạc sĩ và là người anh lớn nâng đỡ chúng tôi, có những lúc nản lắm nhưng rồi, anh động viên để mấy chị em không bỏ cuộc. Tận dụng những ngày nghỉ phép, anh ráp nhạc cho các ca sĩ, nhạc công và làm hết các việc của một sự kiện. Tôi nghĩ, nhờ tình thương mà ước nguyện giới thiệu âm nhạc truyền thống, trang phục áo dài, món trà – bánh mùa lễ hội và cả những món để trẻ em học, trẻ em chơi đều được kết nối.

Uyên – người mẹ trẻ của hai bé con, người từng chơi đàn Tranh trong Câu lạc bộ Tiếng hát quê hương của Thầy Trần Văn Khê và cô Thúy Hoan năm nào, nay lại xuất hiện ở ngay chương trình này. Uyên cùng chồng người Pháp còn góp thêm cho sân chơi theo chủ đề đón trăng rằm tháng tám với việc hướng dẫn trẻ em làm lồng đèn giấy đủ màu sắc.

Các sản phẩm đầu lân làm bằng giấy bồi, quạt mo cau, dĩa lá bàng vuông được dùng để trang trí. Bánh nướng, bánh phục linh làm thủ công cũng được đem từ Việt Nam qua.

Khách đến đây, được thưởng thức một bữa tiệc tinh thần với dàn đờn ca mang âm hưởng của những giai điệu quê hương đậm chất dân ca cùng dàn nhạc truyền thống với sự góp mặt của các nghệ sĩ nghiệp dư. Chương trình còn có sự đóng góp nhiệt tình của ca sĩ Marie, cô ca sĩ chỉ nói tiếng Việt tới lúc 3 tuổi, vậy mà hôm đó, cô tập và hát luôn cả bài chủ đề mùa thu bằng tiếng Việt, nghe thiệt là hay.

Tranh khắc gỗ Đông Hồ cũng được Cường – một tình nguyện viên mới từ Hà Nam qua học tập ở thành phố này đảm nhận việc cho trẻ trải nghiệm làm tranh.

Địa điểm của buổi giao lưu thật đẹp và thuận tiện nhờ sự hỗ trợ của vị linh mục tại Paroisse Saint Augustin De L’ Aqueduc Montpellier.
Không thể kể hết tình thân của các gia đình, các tình nguyện viên đã chung sức cùng chúng tôi.
TS Vĩnh Đào, tác giả sách “Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại” chia sẻ: “Buổi gặp gỡ độc giả Việt và Pháp tại Montpellier và những câu chuyện về Hoàng hậu Nam Phương những năm sống ở Cannes làm sứ giả cho áo dài Việt Nam giữa xã hội quí tộc và thượng lưu Âu châu. Các bạn Việt Nam ở Montpellier vui vẻ cộng tác hết sức nhiệt tình để buổi gặp mặt thành công. Các bạn Pháp cũng có mặt rất đông và bày tỏ những tình cảm thân thiện rất cảm động. Thành thật cảm ơn ban tổ chức và tất cả các bạn tại Montpellier”.

Vài hình ảnh của buổi giao lưu sách:

Ảnh: Ảnh: Duc Vianney, Lê Minh Tú

Nguyễn Thị Thanh Thúy 

(Hội trưởng Hội Quán Các Bà Mẹ – TV CLB Phụ Nữ Hiện Đại)

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc