Nhà hoạt động xã hội Benjamin Franklin đã từng nói rằng “Có những người chết ở tuổi 25 nhưng đến năm 75 tuổi mới được chôn cất”. Câu nói nhằm ngụ ý rằng giá trị của cuộc sống không nằm ở số năm chúng ta sống trên đời nhưng là chất lượng sống của mỗi ngày trong cuộc đời. Hằng năm, không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, tháng 10 được biết đến như là Tháng nâng cao nhận thức về căn bệnh ung thư vú, đây là dịp để toàn thế giới cổ vũ những giá trị sống tốt đẹp và thúc đẩy tăng cường chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư.
Một sự kiện đầy ý nghĩa hứa hẹn mang đến những cái nhìn thoáng hơn cùng những động lực về căn bệnh ung thư vú
Không nằm ngoài thông điệp đó, “SỐNG LẦN THỨ 2” là một ấn phẩm được xuất bản bởi Mạng lưới ung thư vú Việt Nam (BCNV) dưới sự đồng hành của nhà xuất bản Thái Hà Book, cho ra đời tự truyện của Nguyễn Thuỷ Tiên – một trong các sáng lập viên mạng lưới ung thư vú Việt Nam (BCNV) kể về những trích đoạn hồi kí trong hành trình chiến đấu chống lại căn bệnh ung thư vú của chị gái mình – Thương Sobey (sáng lập viên BCNV).
Buổi giao lưu là cơ hội để chúng tôi chia sẻ về ấn phẩm và mời đến giao lưu cùng với các bệnh nhân ung thư vú kể về hành trình chiến đấu chống lại căn bệnh của họ
Thông tin chương trình:
- Thời gian: 9h15 ngày chủ nhật, 29 tháng 10 năm 2017.
- Địa điểm: Soul Live Project, 214 – 216 đường Pasteur, P.6, Q.3, Hồ Chí Minh.
- Khách mời:
– Cô Karen Lanyo, Tổng lãnh sự quán Úc tại Việt Nam phát biểu (người sống sót sau UTV)
– Chị Đinh Hằng, Vlog – Traveller, Tác giả sách “Quá trẻ để chết”
– Chị Nguyễn Thủy Tiên, Tác giả sách “Sống lần thứ 2”
– Chị Trang Nguyễn (bệnh nhân UTV) – Chung Phạm (chồng)
- VỀ ẤN PHẨM “SỐNG LẦN THỨ 2” – Trích bản tóm tắt
Chân dung cuốn sách “Sống lần thứ 2” chất chứa những nỗi niềm về câu chuyện của hai chị em Thương và Tiên
Ẩn phẩm là những trích đoạn hồi kí khi Thương Sobey nhận tin mình mắc căn bệnh ung thư vú giai đoạn 4 trước lễ ăn hỏi. Câu chuyện sau đó là một hành trình dài với những dấu chấm hỏi liên tục:
- Thương đã làm gì khi biết mình mắc ung thư vú?
- Thương đã sống như thế nào sau đó?
Đứng trước những mất mát về tinh thần và sự chịu đựng đau đớn về thể xác của chị gái mình, Tiên và gia đình đã làm gì? Và bởi lẽ là một cô gái em gái rất yêu chị mình, ngày Thương nhập viện cũng là ngày Tiên đã đến một hàng cắt tóc nam trên phố Hà Nội. Khi từng mảng tóc rơi xuống và mái đầu trọc lốc dần hiện ra, cũng là khi hai hàng nước mắt tuôn rơi vì hiểu rằng chị mình sẽ trông như thế nào sau các hoá xạ trị khắc nghiệt.
Là một người em gái, một người bạn và cũng là một người đồng nghiệp – Tiên đã cùng Thuơng trải qua những ngày đầu với nhiều khó khăn khi mới thành lập BCNV, những trắc trở để mang thông tin về căn bệnh ung thư vú đến cho những người mắc bệnh và chính gia đình của họ. Về một căn bệnh, mà nếu không muốn nói là một đề tài quá nhạy cảm, quá khó và thậm chí có phần ngượng ngùng xấu hổ trong bối cảnh văn hoá Việt Nam vẫn còn khép kín và dặt dè với những chủ đề này.
Cuốn sách có lẽ là hai trạng thái cảm xúc cung bậc hoàn toàn trái ngược của hai cô gái trẻ, một nỗi đau ra đi và một nỗi đâu ở lại. Những người kém may mắn nhất có lẽ không phải là những người bệnh tật, nhưng là những người không ý thức được về cái chết và vai trò của nó trong đời sống. Đặc biệt những người ra đi đột ngột không được báo trước, không kịp cả sợ hãi, không kịp đau khổ và không kịp chuẩn bị. Và có thể họ đã từng ước – có một cơ hội SỐNG LẦN THỨ 2.
Toàn bộ lợi nhuận từ ấn phẩm sẽ được sử dụng cho các hoạt động xây dựng nâng cao nhận thức cho cộng đồng về căn bệnh ung thư vú, và hỗ trợ nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư nói chung, và bệnh nhân mắc ung thư vú nói riêng bao gồm thư viện tóc, hỗ trợ quả ngực cho bệnh nhân đoạn nhũ, lớp học yoga và lớp học trang điểm để yêu đời.
- VỀ TÁC GIẢ NGUYỄN THUỶ TIÊN VÀ BCNV
Nguyễn Thủy Tiên cùng với Nguyễn Khánh Thương (Thuơng Sobey) là đồng sáng lập và điều hành BCNV kể từ sau khi Thương nhận chuẩn đoán mắc căn bệnh ung thư vú. Quá trình tìm hiểu về bệnh tật cũng như điều tri ̣đã giúp hai chị em nhận ra rằng phụ nữ Việt Nam thiếu thốn một cách nghiêm troṇg thông tin về ung thư vú, những người đã mắc bệnh không được hỗ trợ tốt về tinh thần và thể chất. Trong khi Thương Sobey giống như linh hồn của mạng lưới, một biểu tượng lạc quan mạnh mẽ về việc chống chọi lại căn bệnh ung thư, Nguyễn Thuỷ Tiên đã đứng đằng sau, âm thầm thực hiện tất cả các công việc hỗ trợ chị mình. Cuối tháng 3/2015, Thương qua đời tại Úc, Tiên một mình tiếp tục điều hành và duy trì hoạt động của Mạng lưới cho đến tận bây giờ, bằng cách huy động nguồn lực tình nguyện viên và kêu gọi tài chính từ các tổ chức và các cá nhân có quan tâm.
Lan Đinh/ Phụ Nữ Hiện Đại & Thaihabooks