Vừa qua, GE Healthcare đã công bố kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng những thói quen và lối sống tiêu cực có thể khiến chi phí chữa trị ung thư tăng thêm 33,9 tỷ Đôla Mỹ mỗi năm. Nếu giảm thiểu các thói quen này, hệ thống y tế toàn cầu có thể tiết kiệm lên tới 25 tỷ Đôla Mỹ mỗi năm.

Đại diện cho GE Healthcare, Gfk Bridgehead- công ty tư vấn y tế hàng đầu Anh Quốc- đã thực hiện nghiện cứu này vào tháng 5 và tháng 6 năm 2013 trên 10 quốc gia: Braxin, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Nhật Bản, Ả Rập Xê út, Thổ Nhĩ KỲ, Vương Quốc Anh và Hoa Kỳ, nhằm tập trung vào mỗi liên hệ giữa bốn thói quen xấu, bao gồm: hút thuốc, uống rượu, chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học và ít vận động với ba loại bệnh ung thư: ung thư vú, ung thư phổi và ung thư ruột kết.
Theo đó, những người ít vận động được định nghĩa là những người chỉ luyện tập thể dục từ 1-3 lần/ tháng, thay vì 3-4 lần/ tuần theo một chế độ hợp lý, hay những người làm việc trong môi trường ít vận động và ngồi hơn 6 tiếng mỗi ngày. Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học được định nghĩa là tiêu thụ nhiều thịt đỏ, thịt chế biễn sẵn và ít chất xơ. Sử dụng các chất cồn là sử dụng đồ uống có ít nhất 60 gr cồn nguyên chất trở lên với tần suất ít nhất 1 lần/ tuần. Hút thuốc lá được định nghĩa là việc tiêu thụ một sản phẩm thuốc lá bất kỳ nào.

 

 
Cái giá mà thế giới phải trả cho những thói quen tiêu cực được công bố trong nghiên cứu này quả thực đáng kinh ngạc

Con số 33,9 tỷ đô la trong nghiên cứu là tổng số chi phí chữa trị bệnh ung thư của 10 quốc gia được nghiên cứu.Trong đó, chi phí ung thư tại My chiếm tỷ lệ cao nhất với 54%, tương đương 18,41 tỷ Đôla Mỹ; xếp thứ hai là Trung Quốc với 8,57 tỷ Đôla; Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ đều tiêu tốn khoảng 1,5 tỷ Đôla, chiếm 4,4%. Những quốc gia đang phát triển có chi phí thấp hơn hẳn những nước nói trên như Brazin với 378 triệu (1,1%) và Ả Rập Xê Út với 107 triệu Đôla (0,3%).
Việc sử dụng thuốc lá có liên quan mật thiết tới sự hình thành và phát triển của ung thư phổi, bên cạnh đó số liệu nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những thói quen tiêu cực khác như ít vận động, chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học dẫn tới hậu quả thừa cân, cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Đáng lưu ý khi kết quả nghiên cứu thể hiện rằng nam giới ít vận động sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột kết cao hơn những người năng động là 61%. Điều này cũng có nghĩa là thói quen ít vận động có thể “đóng góp” 160 triệu Đôla mỗi năm vào chi phí chữa trị ung thư trên toàn thế giới.
Một nửa những ca ung thư dẫn đến tử vong có thể được ngăn ngừa bằng cách tạo ra những thói quen lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc, ăn uống điều độ, chăm chỉ vận động và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, nghiên cứu này cùng số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chỉ ra rằng những thói quen xấu tiếp tục diễn ra rất phổ biến ở tất cả những quốc gia được nghiên cứu.25% tổng dân số của 7 trên 10 quốc gia được nghiên cứu là những người hút thuốc thường xuyên. Ở Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, số người trên 15 tuổi hút thuốc là 31%.
Số lượng phụ nữ hút thuốc cao nhất là ở Pháp với 31%, tương tự, Thổ Nhĩ Kỳ là nơi có số đàn ông sử dụng thuốc lá cao nhất với 47%.
Về vấn đề lười vận động, Ả Rập Xê Út và Vương quốc Anh đứng ở vị trí cao nhất. 68,8% người dân Ả Rập và 63,3% người dân Anh trên 18 tuổi có thói quen ngồi một chỗ, trong khi người Ấn Độ chỉ là 15,6% và người Đức là 28%.
GfK Bridgehead đã sử dụng các bằng chứng y khoa được công bố về những nguy cơ liên quan giữa sự phát triển của ung thư và những người có thói quen tiêu cực để xác định chi phí có thể tiết kiệm được từ việc chữa trị những bệnh ung thư liên quan đến những thói xấu này.

Theo An Khê – báo Gia đình Việt Nam – giadinhvn.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc