Đau khi chuyển dạ thường gặp
Đau khi chuyển dạ hay còn gọi là đau bụng sinh, là tình trạng mà bất kỳ người mẹ nào cũng từng trải qua, khi cơn co thắt tử cung ngày càng nhiều nhằm mở cổ tử cung giúp thai nhi có “đường” để chào đời. Ngoài ra, đau khi chuyển dạ còn do áp lực của phần thai tì đè lên cổ tử cung, bàng quang và ruột và do kéo dài ống âm đạo.
Đau khi chuyển dạ có đặc điểm như thế nào?
Mỗi người phụ nữ trải qua cuộc chuyển dạ với những đặc điểm khác nhau. Kiểu của cơn co thắt tử cung khi chuyển dạ khác nhau ở từng người phụ nữ và bản thân mỗi phụ nữ cũng có thể cảm thấy khác nhau giữa các lần sinh. Các cơn co thắt chuyển dạ gây khó chịu hoặc đau ở nhiều mức độ, âm ỉ hay từng cơn, ở vùng lưng hay vùng bụng dưới. Một số phụ nữ cũng có thể cảm thấy đau ở hai bên vùng đùi. Tuy nhiên, một số trường hợp người phụ nữ trải qua cuộc sinh mà không có cảm giác đau chút nào. Họ chỉ cảm giác bụng gò cứng từng cơn, mắc rặn… và thai nhi chào đời.
Phương pháp giảm đau sản khoa lý tưởng là gì?
Không có phương pháp giảm đau sản khoa lý tưởng cho tất cả mọi người. Mục đích của giảm đau sản khoa là giúp cho mẹ bầu có trải qua giai đoạn sinh nở một cách tích cực nhất có thể. Giảm đau sản khoa không cản trở việc người phụ nữ cảm nhận thời điểm chào đời của bé yêu. Người phụ nữ có thể cho con bú mẹ sớm khi thực hiện giảm đau sản khoa.
Giảm đau sản khoa khác với bất kỳ loại giảm đau nào khác ở chỗ có hai con người liên quan đến thủ thuật này, đó là người mẹ và em bé. Điều quan trọng là người Bác sĩ phải quan tâm đến cả hai con người khi xem xét và tư vấn cho người mẹ lựa chọn phương pháp giảm đau sản khoa cho phù hợp.
Khi mẹ bầu bước vào cuộc chuyển dạ và sinh nở, phần lớn họ thuộc một trong 3 nhóm sau:
- Những người chắc chắn họ sẽ muốn giảm đau.
- Những người không chắc chắn lựa chọn giảm đau sản khoa vì không biết giảm đau sản khoa có ảnh hưởng đến cuộc chuyển dạ và sinh hay không.
- Những người muốn trải qua cuộc sinh nở mà không có bất kỳ sử dụng phương pháp giảm đau sản khoa nào.
Bất kể mẹ bầu thuộc nhóm nào, điều quan trọng là mẹ bầu phải biết rằng các phương pháp giảm đau sản khoa đã được sử dụng nhiều nơi trên thế giới. Mọi phụ nữ nên chuẩn bị cho khả năng có thể cần sử dụng giảm đau sản khoa trong lúc chuyển dạ hoặc sinh.
Các phương pháp giảm đau sản khoa
Có vài phương pháp, có thể sử dụng độc lập hay kết hợp với nhau.
- Gây tê tại chỗ
Được sử dụng khi sinh ngả âm đạo có cắt may tầng sinh môn. Phương pháp gây tê tại chỗ không giúp giảm đau do cơ gò tử cung.
- Gây tê vùng
- Gây tê ngoài màng cứng
Gây tê ngoài màng cứng là một phương pháp đưa thuốc tê qua một ống thông vào khoang ngoài màng cứng. Ưu điểm của phương pháp gây tê ngoài màng cứng là nó cho phép hầu hết mẹ bầu có thể rặn sinh trong khi các cơn đau khi chuyển dạ hết gần hoàn toàn.
Trong hầu hết các trường hợp, Bác sĩ chuyên khoa gây mê sẽ bắt đầu gây tê ngoài màng cứng khi cổ tử cung mở từ 4-5 cm. Trong một số trường hợp nhất định, có thể thực hiện gây tê ngoài màng cứng sớm hơn.
- Gây tê tủy sống: Cách này tương tự như gây tê ngoài màng cứng, nhưng do thuốc tê được tiêm bằng kim vào ống sống, nên tác dụng giảm đau nhanh hơn nhiều. Mẹ bầu có thể cảm thấy tê và mất khả năng vận động tự chủ các cơ vùng thân dưới. Gây tê tủy sống được sử dụng khi mổ sinh.
- Phối hợp gây tê tủy sống và gây tê ngoài màng cứng: Thường được áp dụng khi mẹ bầu cần giảm đau sau mổ sinh.
Gây tê tủy sống hoặc gây tê ngoài màng cứng không được sử dụng khi mẹ bầu đang sử dụng chất kháng đông, đang bị xuất huyết hoặc sốc, bị nhiễm trùng ở lưng hoặc có tình trạng bất thường vùng lưng hoặc cột sống.
3.Gây mê toàn thân
Gây mê toàn thân có thể thực hiện bằng cách gây mê nội khí quản hoặc gây mê tĩnh mạch. Gây mê toàn thân thường được thực hiện khi thai phụ phải mổ sinh và phương pháp gây tê tủy sống không thể thực hiện được.
Phương pháp giảm đau sản khoa nào tốt nhất
Để xác định loại phương pháp giảm đau nào là tốt nhất cho mẹ bầu và em bé, điều quan trọng là mẹ bầu phải thông báo cho Bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức về những thức ăn và đồ uống mà mẹ bầu đã sử dụng trong vài giờ qua, tiền sử khó thở sau khi thực hiện giảm đau ở những lần sinh hoặc mổ trước đây, tiền sử dị ứng, tiền sử bị các vấn đề về hô hấp như hen suyễn, viêm phế quản, viêm phổi, hoặc nếu mẹ bầu bị cảm lạnh, đau họng hoặc cảm, tiền sử bị các bệnh nội khoa như bệnh tim, tiểu đường, hen suyễn… Điều đặc biệt quan trọng là mẹ bầu phải được khám bởi một Bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức trước khi vào chuyển dạ.
Nguồn:khoe24h.vn