Ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ là căn bệnh có nguy cơ gây đột quỵ, việc điều trị phức tạp. Ngày 20/7 vừa qua, Bệnh viện FV phối hợp với Bệnh viện Tai Mũi Họng Cần Thơ, cùng sự cố vấn của Tập đoàn y tế Thomson (Singapore) đã tổ chức Hội thảo “Tiếp cận và điều trị toàn diện ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ” nhằm đưa ra những giải pháp điều trị toàn diện căn bệnh nguy hiểm này.
Hội thảo có sự tham dự của gần 300 bác sĩ đến từ 25 bệnh viện của 9 tỉnh thành phía Nam
Ngưng thở khi ngủ: Cần tầm soát để điều trị đúng nguyên nhân
Trong bài báo cáo trước hơn 300 bác sĩ từ 9 tỉnh thành phía Nam tham dự hội thảo, TS.BS. Võ Công Minh – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện FVcho biết, có 8,5% dân số Việt Nam mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là căn bệnh nguy hiểm, nếu không được điều trị sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy như bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tim mạch, đột quỵ, tăng tỉ lệ tai nạn lao động, tai nạn giao thông, giảm chất lượng cuộc sống và tăng tỉ lệ tử vong lên gấp 3 lần trong vòng 15 năm.
Chứng ngưng thở khi ngủ do nhiều nguyên nhân như thay đổi về lối sống, thừa cân, béo phì và các bệnh lý mạn tính khác nên việc điều trị phức tạp. Theo bác sĩ Minh, để có được hiệu quả điều trị tối ưu phải phối hợp đa chuyên khoa, đa phương pháp. Trước tiên bệnh nhân cần được các bác sĩ Tai Mũi Họng tầm soát và đánh giá đường hô hấp trên thông qua đo đa ký giấc ngủ (được thực hiện dưới 12 tháng) hoặc khám tai mũi họng toàn diện và nội soi. Trong đó, nổi bật là phương pháp nội soi DISE (Drug-induced sedation endoscopy): bệnh nhân được ngủ ở tư thế nằm ngửa bằng phương pháp gây mê, sau đó được nội soi toàn bộ vùng mũi, họng, đáy lưỡi, hạ họng – thanh quản, tìm ra chính xác chỗ hẹp gây ra tắc nghẽn đường thở. Từ kết quả tầm soát, bác sĩ sẽ dựa vào chỉ số AHI (chỉ số ngưng thở khi ngủ) để chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân hay là điều trị nội khoa.
Các phẫu thuật được tiến hành bởi bác sĩ Khoa Tai Mũi Họng có thể kể đến như: Phẫu thuật họng (Đốt lưỡi gà; Chỉnh hình màn hầu – lưỡi gà; Tạo vạt sau– trước lưỡi gà– màn hầu; Chỉnh hình thành bên họng; Đốt điện cao tần lưỡi gà– đáy lưỡi – cuốn mũi…), Phẫu thuật lưỡi (thu nhỏ lưỡi, giảm khối đáy lưỡi, treo đáy lưỡi bằng chỉ…). Đây là các kỹ thuật được Bệnh viện FV triển khai để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. “Trong thời gian tới FV sẽ đưa thêm kỹ thuật kích thích điện thần kinh hô hấp trên để điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ”, bác sĩ Minh cho biết thêm.
TS.BS. Võ Công Minh – Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện FV
Một nguyên nhân khác của hội chứng ngưng thở khi ngủ cũng có thể do cấu trúc xương hàm phát triển bất thường (lùi hàm), gây hẹp hoặc tắc đường thở khi ngủ, việc điều trị cần có thêm sự tham gia của chuyên gia phẫu thuật hàm mặt. TS.BS. Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng khoa Nha và Phẫu Thuật Hàm Mặt, Bệnh viện FV cho biết, bệnh nhân có thể được chỉ định đeo khí cụ nha khoa để giúp đẩy trượt hàm dưới ra trước khi ngủ nhằm ngăn lùi hàm dưới gây hẹp/tắc đường thở.
TS.BS. Nguyễn Thanh Tùng – Trưởng khoa Nha và Phẫu Thuật Hàm Mặt, Bệnh viện FV
Trường hợp nặng hơn, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật bằng phương pháp phẫu thuật cắt trượt xương hàm trên và xương hàm dưới ra trước, phương pháp này giúp ổn định thành hầu bên không bị sụp lại so với các can thiệp liên quan đến vùng vòm hầu khác. Tỷ lệ phẫu thuật thành công rất cao, giảm chỉ số AHI từ 33.9 xuống 9.5, tỷ lệ thành công khoảng 86%, tỷ lệ khỏi hoàn toàn từ 30-40%.
Các phương pháp điều trị béo phì – nguyên nhân chính gây ngưng thở khi ngủ
Tại hội thảo, Thạc sĩ, Bác sĩ CKII Nguyễn Viết Quỳnh Thư – Trưởng khoa Dinh dưỡng & Tiết chế, Bệnh viện FV mang đến các kiến thức và kinh nghiệm của chuyên khoa Dinh Dưỡng trong điều trị ngưng thở khi ngủ. Theo bác sĩ Thư, béo phì là yếu tố nguy cơ chính gây ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, cứ trọng lượng cơ thể tăng 10% thì nguy cơ tăng gấp 6 lần. Để điều trị chứng ngưng thở khi ngủ, người béo phì cần giảm cân thông qua tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý, tập luyện khoa học và kết hợp dùng thuốc khi cần.
Thạc sĩ, Bác sĩ CKII Nguyễn Viết Quỳnh Thư – Trưởng khoa Dinh dưỡng & Tiết chế, Bệnh viện FV
Trong trường hợp bệnh nhân có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao (BMI>35 hoặc BMI>30 kèm nhiều bệnh nền), việc giảm cân bằng dinh dưỡng, tập luyện và dùng thuốc không đáp ứng, có thể được đề nghị phẫu thuật thu nhỏ dạ dày hình ống – một phương được thực hiện tại Bệnh viện FV thời gian qua, mang lại kết quả cao cho bệnh nhân béo phì.
Thạc sĩ, Bác sĩ CKII Phan Văn Thái – Trưởng khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện FV
Theo Thạc sĩ, Bác sĩ CKII Phan Văn Thái – Trưởng khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện FV, từ 01.2017-12.2023, FV đã thực hiện thành công cho 31 trường hợp phẫu thuật thu nhỏ dạ dày hỉnh ống để điều trị béo phì. Số liệu theo dõi trong 12 tháng cho thấy: trước mổ BMI trung bình là 37,5, sau 12 tháng thì BMI trung bình là 25. 3 tháng sau mổ trọng lượng cơ thể giảm trung bình 20kg, 12 tháng sau mổ giảm trung bình 35kg; các bệnh nhân bị ngưng thở khi ngủ không cần dùng máy thở áp lực dương trong lúc ngủ nữa.
Với lợi thế của một bệnh viện đa chuyên khoa, Bệnh viện FV có thể phối hợp giữa Khoa Tai Mũi Họng, Khoa Dinh dưỡng & Tiết chế và Khoa khoa Ngoại tổng quát để điều trị toàn diện chứng ngủ ngáy và ngưng thở khi ngủ. Đồng là thành thành viên của Tập đoàn Y tế Thomson, FV còn có thêm sự hỗ trợ và hợp tác thường trực của đội ngũ chuyên gia – bác sĩ hàng đầu của Singapore để nâng cao năng lực điều trị các bệnh về tai mũi họng.
Bác sĩ Barrie Tan – Chuyên gia phẫu thuật Tai Mũi Họng và Đầu cổ, Bệnh viện Gleneagles, Singapore
Đến với hội thảo lần này, bác sĩ Barrie Tan – Chuyên gia phẫu thuật Tai Mũi Họng và Đầu cổ, Bệnh viện Gleneagles, Singapore trình bày về “Phẫu thuật tai và cấy ghép thính giác – công nghệ và xu hướng mới nhất”. Bác sĩ Barrie Tan đã cập nhật những kỹ thuật cao trong điều trị rối loạn khả năng nghe. Bài trình bày của ông được đánh giá cao bởi đây là một lĩnh vực điều trị còn khá mới mẻ tại Việt Nam.
Các diễn giả giải đáp những câu hỏi của khách tham dự hội thảo
K.T.M