Học sinh Ấn Độ định hướng du học từ rất sớm.Học sinh Ấn Độ định hướng du học từ rất sớm.

Cạnh tranh trong nước khốc liệt

Tuyển sinh đại học tại Ấn Độ là cuộc cạnh tranh tương đối khốc liệt. Không chỉ kỳ thi khó nhằn, sinh viên muốn trúng tuyển một trường đại học yêu thích tại Ấn Độ phải đạt đủ những điều kiện như thành tích ngoại khóa, thu nhập hàng năm của gia đình… Vì vậy, nhiều học sinh đạt 90% điểm thi đại học cũng chưa chắc có thể theo học chuyên ngành yêu thích.

Đặc biệt, những trường đại học hàng đầu Ấn Độ như Trường Đại học Delhi, Học viện Công nghệ Ấn Độ, Viện Kiến trúc quốc gia… có tính cạnh tranh rất cao. Nếu không trúng tuyển các trường tốp đầu, sinh viên phải chuyển hướng sang các trường đại học, cao đẳng trung bình, thấp. Những trường này có sự chênh lệch rất lớn với các trường tốp trong chất lượng đào tạo.

Trong khi đó, sinh viên có cơ hội giành được học bổng để theo học tại các trường danh tiếng tại Australia, Anh, Canada, Singapore, thậm chí là Mỹ. Không chỉ điều kiện ứng tuyển dễ thở hơn, các trường nước ngoài có chất lượng đào tạo cao hơn so với tiêu chuẩn giáo dục tại một trường trung bình ở Ấn Độ.

Hầu hết, học sinh Ấn Độ bước vào năm cuối cấp THPT đều cân nhắc đến việc du học. Các em lấy đó làm mục tiêu để phấn đấu và hoàn thiện hồ sơ trong suốt năm học. Nhiều gia đình Ấn Độ có điều kiện cũng định hướng cho con du học từ rất sớm.

Chất lượng đào tạo

Du học sinh Ấn Độ tại Vương quốc Anh.

Một lý do khác khiến nhiều sinh viên Ấn Độ chọn du học vì chuyên ngành yêu thích không được giảng dạy tại trường đại học trong nước. Hoặc chương trình đó không được dạy bài bản, chuyên sâu so với các trường nước ngoài.

Đơn cử, nếu sinh viên muốn học chuyên ngành Đạo diễn tại Ấn Độ, lựa chọn sẽ bị giới hạn trong một vài trường nghề, dù được cấp bằng. Mặt khác, nếu du học, các em có thể nhận bằng cử nhân được công nhận tại Ấn Độ. Ngoài ra, các em có cơ hội thực tập, trải nghiệm thực tế và tự tay hoàn thiện những dự án phim có chiều sâu.

Dù tiêu chuẩn giáo dục tại Ấn Độ ngày càng phát triển, các khóa học đại học tiếp cận vẫn nặng về lý thuyết, thiếu tính ứng dụng thực tế. Do đó, cử nhân thiếu các kỹ năng cần thiết trong công việc. Trong khi đó, mô hình học tập tại các nước tiên tiến cân bằng giữa lý thuyết và thực tiễn, cho phép sinh viên tham gia nghiên cứu.

Điểm thu hút là mạng lưới kết nối giữa sinh viên và các doanh nghiệp giúp người trẻ nhận được lời mời làm việc từ khi ngồi trên giảng đường. Các trường đại học cũng cung cấp cho sinh viên các cơ hội học bổng và hỗ trợ tài chính để giúp họ tận dụng tối đa các khóa học của mình.

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên quốc tế người Ấn Độ đánh giá một khóa học trong nước còn bị rập khuôn, hạn chế sinh viên được tự do sáng tạo.

Chia sẻ về quan điểm này, nữ sinh Pritha, đang học thạc sĩ chuyên ngành Người máy học tại Mỹ, cho biết: “Hệ thống chấm điểm tại Ấn Độ có một số hạn chế, không cho phép sinh viên nghĩ khác biệt. Tôi quan tâm đến lĩnh vực Người máy học nhưng nếu học trong nước, tôi sẽ bị đẩy sang học một lĩnh vực khác. Ở Mỹ, sinh viên được phép thỏa sức sáng tạo, chia sẻ mọi ý tưởng với giáo sư”.

Đối với sinh viên Ấn Độ, sự sáng tạo nằm trong khái niệm “tự do học thuật”, đồng nghĩa được tiếp cận với các phương pháp, thiết bị giảng dạy hiện đại. Họ được phép theo đuổi sở thích nghiên cứu hay được học bất kỳ lĩnh vực nào. Với một số người, tự do học thuật còn mang nghĩa “đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu của họ”.

Làm việc và sinh sống

Tính đến tháng 11/2020, với hơn 193 nghìn học sinh du dọc, Ấn Độ là quốc gia có số lượng du học sinh lớn thứ hai tại Mỹ, sau Trung Quốc. Tại Australia và Anh, Ấn Độ tiếp tục đứng thứ hai với số lượng du học sinh lần lượt là hơn 89 nghìn và gần 53 nghìn. Tại các quốc gia khác, du học sinh Ấn Độ cũng là một trong những nhóm đông đảo nhất.

Một nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy, 80% sinh viên đến từ các nước châu Á chọn tiếp tục sống và làm việc tại nước ngoài sau khi tốt nghiệp. Du học sinh Ấn Độ không nằm ngoài nhóm này.

Sinh viên Ấn Độ là một trong những nhóm rất cầu tiến. Không chỉ du học đại học, rất nhiều người tiếp tục học sau đại học. Đối với họ, được làm việc cho những công ty nước ngoài sẽ mở rộng kiến thức, có thêm kinh nghiệm bồi đắp cho việc học tập hoặc ngược lại. Lâu dần, họ có thể lấy thẻ thường trú nhân, sau đó là nhập quốc tịch.

Nhiều gia đình Ấn Độ đang chủ động tiếp cận vấn đề nhập cư thông qua tìm cách nhập quốc tịch và cư trú tại châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Từ đó, con cái họ có thể theo học các trường đại học hoặc tìm việc làm tại những quốc gia này.

Chẳng hạn, Mỹ có thị thực EB-5 cho phép các doanh nhân nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp Mỹ được cấp thẻ xanh để trở thành thường trú nhân. Con cái của họ được phép theo học trong hệ thống trường công lập Mỹ hoặc được tiếp cận dễ dàng hơn với các trường đại học, cao đẳng tại Mỹ. Rất nhiều con cái của các nhà đầu tư Ấn Độ đã được hưởng lợi từ chính sách này.

Tương tự, Bồ Đào Nha có Chương trình Golden Visa dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, cho phép họ đăng ký thường trú nhân trong Liên minh châu Âu.

 

Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/du-hoc/giai-ma-con-sot-du-hoc-o-an-do-VFIABFFng.html

Bệnh viện Hạnh Phúc