Trong một gia đình ba thế hệ, vừa có những xung đột, nếu thế hệ lớn nhất nắm quyền điều khiển gia đình. Vừa có những đầm ấm khi thế hệ thứ hai cảm thông cho thế hệ thứ nhất.

gia-dinh

Hai xu hướng được thể hiện trong những phỏng vấn dưới đây.

Lê Thị Thanh Huệ, giáo viên dạy văn trường Quốc tế Mỹ Úc, quận 6

gia-dinh 2Chị Thanh Huệ

– Hiện tại bạn đang làm việc tại Sài Gòn, không biết là vợ chồng bạn ở riêng hay ở chung với ba mẹ?

– Hiện tại vợ chồng tôi đang sống với ba mẹ ruột của tôi. Ba mẹ chồng ở Gia Lai nên chúng tôi chỉ về thăm chứ sống chung sẽ không tiện cho công việc của hai đứa dưới này.

Vợ chồng bạn thích sống cùng ba mẹ chứ?

– Gia đình tôi khá đông người, tôi còn một đứa em gái và em trai nữa. Bây giờ gia đình nhỏ của tôi về ở chung nữa cũng có nhiều điều bất tiện nhưng chúng tôi an tâm khi sống với gia đình.

Hơn nữa tôi còn được các ông bà truyền đạt kinh nghiệm sống và kinh nghiệm dạy con mà những ngươi trẻ như tôi luôn thiếu.

– Bạn nghĩ ba mẹ thích sống với con cái họ đã kết hôn chứ?

– Ba mẹ nào mà chẳng muốn gần gũi để chăm sóc con. Ví dụ như trong trường hợp của tôi, mẹ tôi luôn muốn chăm sóc con gái và cháu ngoại nên bà không muốn tôi ở riêng, bà sợ tôi cực khổ vừa chăm con vừa đi làm sẽ không có thời gian cho bản thân. Một lý do tế nhị nữa là ông bà không muốn chúng tôi thuê phòng trọ, sẽ tốn kém nhiều lắm giữa đất Sài Gòn này.

– Nhưng ngược lại thì nhiều bạn trẻ không thích sống với gia đình khi họ kết hôn?

– Việc này không thể trách được. Những người trẻ họ thích tự do, họ có lối sống mở, phóng khoáng. Có một số quy tắc, nề nếp của gia đình dường như không hợp với họ.

Ví dụ nhé: nếu bạn về sống với ba mẹ ruột thì lại bất tiện cho con rể. Con rể không tự nhiên trong việc thể hiện tình cảm với vợ. Nếu bạn về sống nhà chồng thì quan hệ mẹ chồng nàng dâu, quan hệ với em chồng phức tạp. Chính vì thế cách giải quyết tốt nhất là sống riêng.

– Báo chí viết nhiều về việc ngày nay con cái đối xử tệ bạc với cha mẹ, họ đuổi cha mẹ ra đường hay chỉ nuôi ăn ba bữa, ba mẹ họ phải đi làm để kiếm tiền tiêu vặt mặc dù đã cao tuổi, bạn nghĩ thế nào về việc này?

– Không chỉ ngày nay mà giai đoạn nào cũng có tình trạng này, chẳng qua là ít hay nhiều thôi.Theo tôi, một số bạn không muốn gánh lấy trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ nên mới làm vậy. Mà nguyên nhân cốt lõi là gì bạn biết không? Là giáo dục đấy.

Ba mẹ đã sai lầm trong cách giảng dạy con cái khi họ còn nhỏ. Hoặc những người con nhìn thấy ba mẹ đối xử không tốt với ông bà nên hình ảnh đó ám ảnh cho đến khi họ trưởng thành. Nó giống như luật nhân quả ấy.

Hồ Anh Lưu, nhân viên kinh doanh, công ty bảo hiểm Prudential, Cộng Hoà, Tân Bình

gia-dinh 3

Anh Hồ Anh Lưu

– Anh cho tôi hỏi một câu mang tính chất cá nhân một chút. Anh đã kết hôn hay vẫn còn độc thân?

– Tôi vẫn còn độc thân.

– Với suy nghĩ của một người trẻ như anh thì anh muốn sống với gia đình hay sống riêng khi kết hôn?

– Tôi sẽ sống riêng để thoải mái và tự do hơn. Sống chung trong gia đình nhiều thế hệ như gia đình tôi rất dễ xảy ra những cãi vã không đáng có, mà tôi không muốn gia đình mất vui vì những chuyện đó.

– Theo anh, trong tương lai bạn trẻ Việt vẫn có xu hướng sống riêng?

– Tất nhiên rồi. Người trẻ năng động và phóng khoáng, họ sẽ tìm cho mình không gian thích hợp nhất để sống và làm việc. Yêu thương cha mẹ không nhất thiết là sống chung một nhà.

– Nhân việc anh đề cập đến việc yêu thương ba mẹ, tôi thấy ngày nay nhiều người có thể la mắng, đánh đập thậm chí là đuổi ba mẹ ra đường. Anh nghĩ thế nào về việc này?

– Còn nói gì nữa ngoài hai chữ bất hiếu. Bạn rất khó tìm được tiếng Anh mang nghĩa tương đương đâu. Bởi họ tự biết rằng yêu thương ba mẹ là trách nhiệm họ phải mang khi họ vừa sinh ra. Người Việt được tiếng là có nhiều truyền thống và nhân cách tốt đẹp như là: đoàn kết, yêu thương, đấu tranh kiên cường, hiếu học… nhưng sao đối xử tệ với cha mẹ quá.

Báo chí đưa các trường hợp ngược đãi cha mẹ ngày càng nhiều. Nó giống như một dự báo về giới trẻ Việt tương lai. Đạo đức đi xuống quá rồi. Văn hoá mà xuống thế này thì đất nước sao phát triển được.

Hồ Thị Tuyết Mai, kinh doanh, đường Phổ Quang, quận Tân Bình

gia-dinh 4

Cô Tuyết Mai

– Chào cô, hiện tại anh chị nhà mình có ai lập gia đình không ạ?

– Đứa con lớn của tôi đã lập gia đình, đứa con thứ sẽ cưới trong vài tháng nữa. Cậu út thì đang là sinh viên năm nhất.

– Vậy gia đình người con lớn có sống tại Sài Gòn với cô không ạ?

– Tụi nó ở chung với tôi cả đấy. Hai vợ chồng nó làm giờ hành chính nên con cái không ai trông nom. Tôi mới bảo ở chung để tiện bề chăm sóc.

– Việc ở chung trong gia đình đông người như vậy có khiến cô vất vả lắm không ạ?

– Cũng vất vả lắm chứ. Tôi làm nghề buôn bán mà, thức khuya dậy sớm để chuẩn bị hàng hoá còn chăm thêm cháu ngoại nữa có khi tôi không có thời gian nghỉ ngơi. Nhưng tôi vui khi giúp được con cái. Thà cha mẹ cực khổ chứ thấy con cái vất vả là đau lòng lắm. Đứa con thứ sắp cưới tôi cũng bảo là về sống chung với tôi để tôi đỡ đần phần nào.

– Đúng là cha mẹ nào cũng thương con mình hết mực, nhưng có nhiều người con không hiểu điều này, họ đối xử tệ bạc với cha mẹ mình lắm cô?

– Ai cũng có hoàn cảnh riêng, có thể con cái làm ăn túng thiếu lại phụ nuôi cha mẹ già nữa nên đôi khi sinh ra cáu gắt, nặng lời với cha mẹ thôi. Chứ tôi nghĩ họ đã mời ba mẹ về ở chung là họ đã có trách nhiệm với bậc sinh thành rồi.

– Nhưng cũng có nhiều trường hợp con cái giàu có nhưng vẫn không chu cấp cho cha mẹ, để họ phải vất vả làm việc?

– Người già là vậy đó. Họ không muốn phụ thuộc vào con cái hay bất kỳ ai. Càng già lòng tự ái càng cao. Như tôi nè, tôi đâu muốn nhận tiền hàng tháng từ con cái.

Mà tôi cũng thấy có một phần nhỏ con cái thích sống tự do, thoải mái nên sống riêng khi kết hôn. Vì đã sống chung với ba mẹ thế nào cũng bị ông bà la mắng à. Nên tụi nó không thích.

Nguyễn Hoàng Trung, công nhân, KCN Tân Bình

gia-dinh 5

Anh Hoàng Trung

– Vợ chồng anh mới cưới, giờ đã tính đến việc sống với bố mẹ hay ra ở riêng ạ?

– Tôi ở với bố mẹ thôi. Sống chung một nhà đông vui, tiện bề chăm sóc lẫn nhau. Mà ba mẹ tôi cũng muốn sống chung nên chúng tôi không phản đối.

– Anh có nghĩ đến việc xích mích hoặc không hiểu nhau khi sống trong gia đình nhiều thế hệ không?

– Anh hai tôi cưới vợ xong vẫn ở đây, đến khi có con rồi vẫn còn ở với ba mẹ tôi nhưng tôi chưa thấy có mâu thuẫn hay cãi cọ gì trong gia đình. Tôi mong vợ chồng tôi cũng được như vậy. Nhà tôi tuy nhiều thế hệ nhưng ai cũng tôn trọng quyền tự do của nhau nên không căng lắm đâu.

– Vợ anh nghĩ thế nào về việc sống trong gia đình nhiều thế hệ?

– Lúc đầu tôi nói sẽ không ở riêng cô ấy có vẻ không thích vì tôi biết vợ tôi luôn muốn có một ngôi nhà nhỏ để tự tay trang trí, mua sắm theo ý muốn. Giờ về sống chung thì phải lắng nghe ý kiến mọi người. Nhưng tôi may mắn vì vợ tôi
biết lắng nghe và hiểu những tâm sự của tôi.

– Ngày nay hiếm có những người suy nghĩ như vợ chồng anh, nhiều người chỉ muốn sống riêng để được tự do thôi?

– Còn nhiều người có suy nghĩ giống tôi chứ. Tại báo chí đăng tin con cái bất hiếu nhiều quá nên mọi người nghĩ người hiếu thảo rất ít. Thực tế là ngược lại. Có hàng triệu người yêu thương cha mẹ ngoài xã hội đấy chứ.

Có nhiều nguyên nhân khiến con cái ở riêng sau khi kết hôn, không nói đến những người có lối sống tự do, phóng khoáng hay vì hoàn cảnh công việc. Một trong những nguyên nhân không thể bỏ qua là sự vô trách nhiệm. Tính ích kỷ và sự vô cảm của con người quá lớn khiến họ trở nên tồi tệ như vậy.

Nguyễn Thị Hai, nghỉ hưu, Hóc Môn

gia-dinh 6

Bà Nguyễn Thị Hai

– Chào bà, bà cho con hỏi bà sống một mình hay với con cháu ạ?

– Bà có một đứa con gái thôi nhưng nó cũng lấy chồng rồi, cách nhà bà khoảng 7km thôi. Bà có lên sống với vợ chồng nó được hai, ba tháng gì đó rồi về.

– Ở với con cái tốt hơn chứ ạ, có người chăm sóc lúc đêm hôm chứ bà?

– Ừ thì biết vậy, nhưng con gái chưa có nhà riêng, vẫn sống chung với mẹ chồng nên bà ở lâu không tiện. Với lại ở chung gò bó lắm con, bà muốn làm cái gì cũng sợ con cháu không hài lòng. Về nhà mình ở tự do hơn.

– Thế bà ở một mình lại không còn trẻ trung gì thì lấy gì mà sống ạ?

Bà trồng rau đầy vườn, ai cần thì tới nhà mua, không thì bà đem ra chợ bán. Bà bận bịu cả ngày ấy chứ. Tối về thì xem tivi hay nghe cải lương. Khi nào buồn thì lên con gái ở mấy ngày rồi về. Cuộc sống đơn giản vậy thôi nhưng vui con à. Quan trọng là tinh thần luôn thoải mái, chứ đầy đủ vật chất mà suốt ngày buồn chán thì sống không lâu đâu (cười lớn).

– Con gái có chu cấp cho bà không ạ?

– Tháng nào tụi nó cũng đem gạo, đem tiền cho bà. Đến lúc có nhà có đám giỗ thì tụi nó xuống lo nấu nướng. Bà may mắn có một đứa con gái và ba cháu ngoại, đứa nào cũng ngoan và lễ phép.

Ai nhìn vào nhà bà đều nghĩ bà bất hạnh, sống thui thủi một mình lúc già. Nhưng thật ra cuộc sống hiện tại do bà lựa chọn và bà vui vì điều này. Bà nhìn hàng xóm xung quanh mà buồn. Cha mẹ con cái cứ lớn tiếng cãi nhau, rồi sau này hỏng cả một thế hệ cháu chắt.

 Theo Tiếp Thị Thế Giới

Bệnh viện Hạnh Phúc