Mới đây nghệ nhân người H’Mông – Vàng Thị Mai (Quản Bạ, Hà Giang) đã được Tạp chí Forbes Việt Nam chọn là 1 trong 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017.
Bà Vàng Thị Mai (người dân tộc Mông, xã Lùng Tám, Quản Bạ, Hà Giang) là người sáng lập ra hợp tác xã dệt lanh, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người với mức thu nhập từ 3 đến 9 triệu một tháng.
Gặp gỡ bà Mai sau khi được vinh danh, bà cho biết: “Gần 200 đồng bào Mông ở xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ giờ rất vui và yên tâm vì đã khôi phục và phát triển thành công nghề dệt thổ cẩm truyền thống, góp phần giới thiệu, quảng bá một nét văn hóa của dân tộc tới người tiêu dùng cũng như du khách trong và ngoài nước. Hiện xưởng của chúng tôi giải quyết công ăn việc làm cho rất nhiều người chưa có việc, đặc biệt là phụ nữ.
Nghệ nhân Vàng Thị Mai. |
Chúng tôi được nhiều nhà thiết kế thời trang quan tâm và đưa sản phẩm của mình sang nhiều nước trên thế giới như Singapore, Nhật, Pháp. Một lần, khi được đi cùng Nhà thiết kế Minh Hạnh sang Pháp, tôi đã rất hồi hộp. Để chuẩn bị những sản phẩm mang sang bên Âu châu, tôi đã cùng với các nghệ nhân của HTX chuẩn bị rất lâu. Những sản phẩm được chuẩn bị kỹ lưỡng, vì cô Hạnh nói khách Tây khó tính lắm!”.
“Cũng may, lần đó sang Pháp được khách bên đó rất ưng ý và sản phẩm nhận được nhiều lời khen”, bà Mai nói.
Tôi đưa tay cầm một bộ sản phẩm của người Mông lên xem, bà Mai tiếp tục nói: “Để có một bộ trang phục dân tộc Mông hoàn chỉnh từ cây lanh phải trải qua 41 công đoạn bằng phương pháp thủ công truyền thống. Đầu tiên là gieo hạt lanh trên những đám nương tốt nhất rồi chăm sóc cho cây phát triển. Sau hơn hai tháng, lanh được thu hoạch về, rồi đập dập, phơi nắng vài tuần, tước vỏ, ngâm nước tro, hong khô… Đến công đoạn nối sợi lanh thành những cuộn lanh to, người ta đem ngâm nước tro, kéo go, dệt vải… Phải trải qua rất nhiều công đoạn, với biết bao nhiêu mồ hôi, công sức của người lao động mới sản xuất ra được một tấm vải lanh. Vải lanh tiếp tục được ngâm nước tro cho đến khi trở nên trắng óng mới thôi. Sau đó mới đến công đoạn cắt, may, thêu hoa văn trang trí…”.
Bà Mai kể rằng, với đồng bào Mông, cây lanh chiếm một vị trí hết sức quan trọng trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Lanh làm nên bộ trang phục truyền thống độc đáo của họ nhờ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Mông. Sử dụng trang phục chất liệu vải lanh hết sức tuyệt vời, thường ấm áp vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè. Người Mông đánh giá tài năng, vẻ đẹp và đức hạnh của người phụ nữ qua khả năng thêu, dệt được thể hiện trên những bộ trang phục mà họ mặc trong ngày hội. Trai bản kén vợ cũng dựa vào đó mà có sự lựa chọn.
Nghệ nhân Vàng Thị Mai là một trong những phụ nữ Mông biết dệt lanh, thêu thùa từ năm 13 tuổi do mẹ truyền cho. Thông thường, người phụ nữ Mông nào trước khi đi làm dâu cũng phải có vài bộ váy áo do mình tự may để làm của hồi môn. Tuy nhiên, khoảng cuối những năm 90 của thế kỷ XX, ngành công nghiệp may phát triển, quần áo may sẵn tràn ngập các bản làng.
Những chiếc váy, áo bắt mắt của phụ nữ Mông cứ thưa dần trong những buổi chợ phiên, trên nương rẫy. Các cô gái trẻ không còn thói quen ngày ngày ngồi bên khung dệt với những đường kim thêu. Nghề dệt thổ cẩm của người Mông vì thế dần bị mai một. Trước thực trạng đó, bà Mai rất đau lòng. Bà luôn day dứt, nghĩ rằng, phải làm một việc gì đó để giữ lại cái nghề truyền thống đã gắn bó lâu đời với người Mông, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Các sản phẩm của bà Mai được đưa ra nhiều nước. |
Năm 2000, bà tiếp cận được với “Dự án duy trì và phát triển làng nghề truyền thống” giúp phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm trong “Chương trình hợp tác Việt Nam-Thụy Điển”. Cũng vào thời điểm này, Ủy ban nhân dân xã Lùng Tám cấp đất xây dựng nhà xưởng, tạo điều kiện cho cơ sở này đi vào ổn định sản xuất. Năm 2001, hợp tác xã Hợp Tiến chính thức ra đời, đánh dấu bước phát triển mới trong việc sản xuất hàng thổ cẩm Lùng Tám. Từ đó, nhiều người phụ nữ Mông tin tưởng xin vào làm việc, số lượng xã viên lên đến hơn 100 người.
Nói về thành công từ những sự cố gắng của mình, bà Mai cho hay, gần 200 con người đang ngày đêm làm việc tại HTX nhưng cũng không đủ sản phẩm để bán cho khách du lịch. Mỗi ngày, có khoảng chục xe chở khách du lịch tới HTX thăm quan và mua sắm. Đó là chưa kể những đơn hàng được gửi từ các nơi về.
“Tính trung bình mỗi người làm việc tại HTX có thu nhập khoảng 3 triệu một tháng. Đó không phải là số tiền lớn với người miền xuôi, nhưng đối với đồng bào, đó là số tiền lớn. Ngoài việc có thu nhập, có việc, họ còn được trò chuyện với khách du lịch, từ đó tăng thêm nhận thức và trau dồi văn hóa. Tuy nhiên, thành công lớn nhất trong lòng tôi nghĩ, đó là đưa được sản phẩm của dân tộc đi rộng rãi. Những tinh hoa được duy trì và phát triển”, bà Mai cho biết.
Mặc dù rất bận bịu nhưng bà Mai cho hay, bà vẫn phải làm nương, làm vườn để “giữ lửa” trong gia đình: “Trừ những lúc phải đi xa, còn khi ở xưởng tôi vẫn dành thời gian trồng rau, nuôi gà, chăn lợn để có nguồn thực phẩm sạch cho gia đình. Tôi vẫn luôn cùng chồng chăm sóc gia đình, con cháu. Gia đình luôn là chỗ dựa cho những công việc mà tôi làm vì cộng đồng”.
Nói về dự định trong tương lai, bà Mai bộc bạch: “Tôi sẽ cố gắng đưa sản phẩm của mình tới nhiều nơi hơn, điều quan trọng nữa là giúp những người phụ nữ trẻ trong làng giữ được nghề truyền thống của dân tộc mình”.
Nguồn: Công Luân/ Người Đưa Tin