TS Nguyễn Ngô Quang – Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, đến nay số lượng tình nguyện viên đăng ký nghiên cứu giai đoạn 2 đã đạt gần 1.000 người, trong đó có khoảng 400 tình nguyện viên đăng ký tại Học viện Quân y, hơn 500 người đăng ký tại Bến Lức, Long An.
TS Quang mong muốn, ngay trong đầu tuần tới, có thể sàng lọc, chọn lựa người đủ tiêu chuẩn, đáp ứng cỡ mẫu của tiến độ giai đoạn 2.
Giai đoạn 2 sẽ tiêm thử nghiệm cho trên 560 người tình nguyện từ 18 đến 65 tuổi. Trong giai đoạn 2, vắc-xin sẽ chỉ tiêm 2 nhóm người tình nguyện với 2 liều 50 mcg và 75 mcg.
Cũng theo ông Quang, các vắc-xin trong nước hiện đã làm chủ cộng nghệ mới nhất và có thể thích ứng được với những biến đổi của virus SARS-CoV-2. Các nhà tài trợ trong nước có thể tham gia xây dựng, lập quỹ tài trợ cho nghiên cứu, phát triển và sử dụng vắc-xin do Việt Nam sản xuất. Điều đó, giúp người dân sớm được tiếp cận vắc-xin
Theo khuyến cáo, để phòng dịch hiệu quả, cần khoảng 60-70% dân số được tiêm vắc-xin. Trong khi đó, hiện tại, với các cam kết tiếp cận vắc-xin từ nguồn tài và nhập khẩu, chỉ có thể khoảng 5-10 % dân số được tiêm.
Học viện Quân y là đơn vị được Bộ Y tế phê duyệt triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 do Công ty Nanogen nghiên cứu phát triển. Đây là vaccine phòng COVID-19 đầu tiên của Việt Nam được cấp phép thử nghiệm lâm sàng.
Vaccine này sản xuất bằng công nghệ protein tái tổ hợp, có ưu điểm tạo được đáp ứng miễn dịch tốt, độ an toàn cao, ít tác dụng phụ, điều kiện bảo quản thuận lợi (bảo quản ở nhiệt độ 2 – 8 độ C).
Mỗi người tình nguyện sẽ được tiêm thử nghiệm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 28 ngày. Thời gian nghiên cứu cho mỗi người khoảng 56 ngày và kéo dài theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên.
Dự kiến, giai đoạn 2 của quá trình thử nghiệm vaccine Nano Covax sẽ bắt đầu ngay sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Giai đoạn 2 sẽ cần tuyển chọn khoảng 600 tình nguyện viên tham gia. Học viện Quân y cho biết vẫn tiếp tục tuyển tình nguyện viên.
Lượng người đăng ký càng nhiều giúp việc lựa chọn được người tình nguyện đáp ứng đủ yêu cầu tham gia thử nghiệm càng nhanh, từ đó thúc đẩy tiến trình thử nghiệm lâm sàng, sớm đưa vaccine đến với người dân.
Việt Nam cũng đang nỗ lực thúc đẩy quá trình nghiên cứu, phát triển vaccine phòng COVID-19 “made in Việt Nam”.
Trước Tết Nguyên đán Tân Sửu, Việt Nam đã hoàn tất 120/120 mũi tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên 60 tình nguyện viên vaccine Nano Covax. Giai đoạn 1, nghiên cứu đánh giá độ an toàn của vaccine và bước đầu đánh giá đáp ứng sinh miễn dịch trên 3 nhóm liều 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg.
Bước đầu các chuyên gia đánh giá, vaccine Nano Covax an toàn, tạo ra phản ứng miễn dịch tốt, có tác dụng với SARS-CoV-2, kể cả chủng biến thể. Các tình nguyện viên sau tiêm hầu hết đều có sức khoẻ ổn định, một số ít trường hợp có biểu hiện đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ nhưng đều hết sau 1-2 ngày.
Học viện Quân y đang tiếp tục tổng hợp dữ liệu để báo cáo Bộ Y tế. Giai đoạn 2 sẽ thử nghiệm kéo dài trong 6 tháng. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TPHCM sẽ cùng tham gia thử nghiệm.
Giai đoạn 3 dự kiến sẽ tiêm trên 10.000 tình nguyện viên, mở rộng tại một số nước có dịch COVID-19 trong cộng đồng, hoàn tất vào đầu năm 2022.
Nguồn: Giáo Dục Thời Đại
https://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/gan-1000-nguoi-dang-ki-tiem-thu-nghiem-vaccine-covid-19-cua-vn-giai-doan-2-GlbAORyMg.html