Việt Nam đã và đang chứng kiến con số gia tăng ấn tượng phụ nữ tham gia khởi nghiệp kinh doanh, những người đang nỗ lực vượt qua rào cản để khẳng định vai trò là nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Theo một báo cáo năm 2022 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam là 22%, tương đương với các quốc gia phát triển như Thụy Điển, Singapore và Pháp.
Tuy nhiên, đại dịch toàn cầu đã cản trở những tiến bộ về bình đẳng giới. Báo cáo Khoảng cách giới tính toàn cầu năm 2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới nhấn mạnh rằng thời gian cần thiết để thu hẹp khoảng cách giới tính đã tăng thêm 36 năm chỉ trong vòng 12 tháng do COVID-19. Theo đó, ước tính sẽ mất khoảng 135,6 năm để đạt được bình đẳng giới toàn cầu. Điều này cho thấy việc thu hẹp khoảng cách giới tính vẫn cần nhiều nỗ lực đáng kể.
Để thúc đẩy văn hóa bình đẳng giới trong khởi nghiệp kinh doanh và tôn vinh thành tựu của lãnh đạo doanh nghiệp nữ, mới đây vườn ươm khởi nghiệp RMIT Activator đã phối hợp cùng chuyên ngành Khởi nghiệp kinh doanh thuộc Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT tổ chức sự kiện “Empower HERpreneurship” (tạm dịch: Trao quyền cho nữ doanh nhân khởi nghiệp).
Sự kiện gồm hội chợ triển lãm giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của 10 công ty khởi nghiệp do phụ nữ khởi dựng, cũng như một phiên thảo luận hấp dẫn với sự tham gia của các doanh nhân nữ nổi bật.
Tiến sĩ Justin Xavier, Quản lý cấp cao phụ trách Dự án và Hợp tác quốc tế tại Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam đánh giá: “Doanh nhân nữ đang ngày càng dẫn dắt tác động xã hội, phát triển bền vững về môi trường và lãnh đạo có đạo đức. Họ đang tạo ra sự khác biệt tích cực trong cộng đồng xung quanh và hơn thế nữa”.
Tiến sĩ Jung Woo Han, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị nguồn nhân lực và Khởi nghiệp kinh doanh tại RMIT, cũng cho biết: “Đã qua rồi cái thời nữ doanh nhân chỉ dừng lại ở những doanh nghiệp nhỏ hoặc siêu nhỏ. Các nhà sáng lập nữ tham gia sự kiện của chúng tôi là bằng chứng rõ ràng cho thấy các công ty khởi nghiệp sáng lập bởi nữ giới đã và đang đạt được những bước tiến đột phá về đổi mới sáng tạo, cũng như mạnh dạn ra mắt những thương hiệu mang tầm vóc quốc tế”.
Tuy nhiên, để đạt được những mốc quan trọng như vậy đòi hỏi nữ doanh nhân cam kết liên tục đổi mới và cực kỳ kiên trì.
Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Emmay – một doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm từ nấm, cô Phạm Hồng Vân nhấn mạnh: “Đổi mới sáng tạo không xảy ra ngay lập tức mà bắt đầu từ những bước nhỏ, lặp đi lặp lại mỗi ngày”.
“Chỉ có 20 công ty trên thế giới có công nghệ sợi nấm mà chúng tôi có. Công nghệ này vốn không phức tạp nhưng đòi hỏi nhiều năm cống hiến không ngừng nghỉ. Chúng tôi phải mất 1.000 lần thử nghiệm mới đạt được thành công cuối cùng”, cô chia sẻ.
Năm 2022, cô Vân lọt vào Top 30 toàn cầu trong cuộc thi thử thách công nghệ thực phẩm FoodTech Challenge do chính phủ UAE tổ chức.
Khi được hỏi về sự độc đáo của phụ nữ khởi nghiệp, cô nêu bật sự ân cần vốn có ở phụ nữ cũng như những phẩm chất khác như khả năng lắng nghe và sự quan tâm đến người khác. Theo cô, đây đều là những yếu tố khiến phụ nữ trở nên khác biệt trong lĩnh vực kinh doanh.
Còn theo cô Xuân Nguyễn, cựu sinh viên RMIT, đồng sáng lập và Giám đốc vận hành của Công ty sách nói Fonos, một lợi thế khác của phụ nữ là họ chiếm đa số người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Cô nói: “Với cách tiếp cận đồng cảm và chu đáo, doanh nhân nữ có thể hiểu rõ và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng nữ, một điểm mà nam giới khó có thể nắm bắt được”.
“Điều này giúp phụ nữ có tiềm năng lớn để thành lập doanh nghiệp thành công bằng cách xác định nhu cầu của phụ nữ và giải quyết vấn đề của họ một cách hiệu quả”.
Cô Xuân khuyên các nữ doanh nhân tương lai hãy phát huy thế mạnh vốn có của nữ giới thay vì cố gắng đứng ngang bằng với các đồng nghiệp nam.
Cô Xuân kể lại: “Ở tuổi đôi mươi, tôi đã cố gắng thay đổi bản thân để trở nên nam tính hơn. Khi đó tôi nghĩ rằng mình cần phải lấn át và mạnh mẽ thì mới có thể hòa nhập khi làm việc với nam giới. Tuy nhiên, tôi sớm nhận ra đây là hướng tiếp cận sai lầm”.
“Tôi học cách thành thật với chính mình, tìm sự cân bằng và điều đó mang lại cho tôi niềm hạnh phúc lớn lao hơn nhiều. Hơn nữa, tôi nhận ra những lợi thế độc đáo mà tôi, với tư cách là một phụ nữ, có thể mang lại”, cô nói.
Các nhà sáng lập nữ cũng ghi nhận những thách thức đặc biệt mà nhiều doanh nhân nữ phải đối mặt trên hành trình khởi nghiệp. Dù đã có những bước tiến rõ nét, phụ nữ vẫn gặp phải thành kiến xã hội và định kiến giới đáng kể.
Cô Vân nhớ lại những ngày đầu tham gia kinh doanh: “Hằng ngày, tôi bước vào một căn phòng đầy nam giới nhìn tôi với vẻ bối rối như thể tôi là người ngoài cuộc. Đôi mắt dò hỏi của họ dường như ngụ ý: Tại sao bạn không vào bếp? Bạn là ai mà dám bàn luận về công nghệ hay xây dựng một thương hiệu được công nhận trên toàn cầu dựa trên sự tinh tế của người Việt?”.
Các diễn giả nhấn mạnh rằng một trong những rào cản đáng kể với doanh nhân nữ là nguy cơ tự coi mình là nạn nhân và vật lộn với sự nghi ngờ bản thân. Các doanh nhân nữ phải đối mặt với những thách thức kép – họ không chỉ phải thuyết phục người khác về năng lực kinh doanh của mình mà còn phải tin vào chính mình.
Để vượt qua những trở ngại này, các nữ lãnh đạo nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tự mình nhận ra những rào cản đến từ bên trong và nâng cao sự tự tin thông qua việc không ngừng học tập và trau dồi kiến thức.
Cô Xuân chia sẻ về hành trình lên ý tưởng xây dựng chuỗi cửa hàng bánh mì đầu tiên của mình được lấy cảm hứng từ bà của cô, với tham vọng tạo ra một doanh nghiệp có quy mô tương đương với KFC.
“Khi đó tôi biết cách làm ra một sản phẩm tốt nhưng lại không biết cách xây dựng và điều hành một doanh nghiệp, như cách đọc báo cáo tài chính, xây dựng trang web, quản lý logistics, v.v.”, cô Xuân nói. Cô chia sẻ thêm rằng, sau này nhờ các môn học về khởi nghiệp tại RMIT, cô được trang bị những kỹ năng quan trọng và tư duy đúng đắn để xây dựng và phát triển doanh nghiệp thành công.
Tiến sĩ Jung Woo Han bổ sung: “60% sinh viên theo học ngành Khởi nghiệp kinh doanh tại RMIT Việt Nam là nữ giới. Tỉ lệ này cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ phụ nữ sáng lập và làm chủ doanh nghiệp tại Việt Nam (22%). Tôi hoàn toàn tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn cho nữ doanh nhân tại Việt Nam và trong khu vực”.
Độc giả quan tâm đến các chương trình đào tạo về kinh doanh hay chuyên ngành Khởi nghiệp kinh doanh tại RMIT vui lòng truy cập trang web của Khoa Kinh doanh.
Thiên Anh
(CLB Phụ Nữ Hiện Đại)
*Nội dung được thực hiệ