Nhưng nếu khám phá và trải nghiệm cung đường đến với Cố đô, chắc chắn bạn sẽ phải thốt lên ngỡ ngàng.
Đại nội Huế là di tích thuộc cụm quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. (Ảnh internet) |
“Một đèo, một đèo, lại một đèo…”Xin mượn câu thơ của nhà thơ Hồ Xuân Hương để phác họa cung đường tới Huế. Có nhiều du khách tới Huế bằng đường bay thẳng từ Hà Nội hay TP. HCM đến sân bay Phú Bài, hoặc đi xe ô-tô theo tuyến quen thuộc Hội An – Đà Nẵng – Huế. Nhưng đường tới Huế sẽ thú vị hơn nếu bạn thực hiện một chuyến bằng xe máy từ Đà Nẵng đến Huế.
Trên suốt cung đường, bạn sẽ cảm nhận rõ nét không khí hòa quyện giữa biển, núi và trời mây, ngửi được hương vị thiên nhiên theo từng cơn gió. Đi từ hướng Đà Nẵng, khi bắt đầu tới địa phận tỉnh Thừa Thiên – Huế, bạn nên dừng lại nghỉ ngơi và ngắm biển cả bao la từ di tích Hải Vân Quan (hay đèo Hải Vân, đèo Mây) cao 500m so với mực nước biển, được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Cổng đá vẫn sừng sững trên đỉnh đèo và được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Dừng chân nghỉ, bạn có thể chứng kiến nhiều cặp đôi ghi lại khoảnh khắc lãng mạn nơi mây núi hòa quyện giữa trời.
Tuyệt vời hơn nữa là chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đèo Hải Vân. Nếu chưa từng trải nghiệm bằng xe máy, bạn sẽ không thể cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp ấy. Từ ngày có hầm Hải Vân, lượng xe tải và xe khách chạy trên đèo giảm nhiều. Vì thế, bạn có thể dừng lại ở các khúc quanh để chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên. Là ranh giới tự nhiên phân chia rõ rệt khí hậu hai miền Nam – Bắc, đèo Hải Vân sẽ giúp bạn cảm nhận sự khác biệt rõ nét của thời tiết xứ Huế, nhất là vào sớm ban mai hay buổi chiều tà.
Sau khi vượt đèo Hải Vân đẹp như mơ, bạn sẽ thấy làng chài Lăng Cô (huyện Phú Lộc), cách thành phố Huế khoảng 70km về phía Nam. Làng chài nằm cong cong trên một bãi cát trắng xóa, mịn màng. Những chiếc thuyền nhỏ lặng lẽ giăng lưới. Bãi biển Lăng Cô xanh trong vắt mang vẻ đẹp hiền hòa nằm ngay cảng Chân Mây và khu kinh tế Chân Mây chạy dọc theo quốc lộ 1. Ở đây, bạn có thể nghỉ ngơi chụp hình, hít không khí biển và tiếp năng lượng.
Trước khi đến được xứ Huế, bạn còn đi qua đèo Phước Tượng – Phú Gia. Với đường hầm xuyên đèo Phước Tượng – Phú Gia, con đường nhìn mềm mại như dải lụa đào.
Đường hầm xuyên đèo Phước Tượng – Phú Gia. (Ảnh internet) |
Những con đường rợp bóng và các món ngonCung đình, lăng tẩm hay nghe ca trù trên dòng sông Hương là những nét đặc trưng rất Huế mà có lẽ ai cũng biết. Trải nghiệm hương vị Huế trên những đường phố rợp bóng cây, bạn sẽ thấy một cảm giác bình yên tràn về. Không có phố nhỏ và ngõ nhỏ như Hà Nội, cũng không có những con đường tít tắp như Sài Gòn, những con đường ở Huế cứ dịu dàng như cô gái. Lang thang khắp các con đường, bạn đừng quên ngắm cầu Phú Xuân và cầu Tràng Tiền bắt ngang dòng sông Hương hiền hòa.
Vẻ thanh bình của Huế. (Ảnh internet) |
Chất Huế càng đậm hơn trong giọng nói của con người nơi đây. Giọng nói của người Huế nghe ngọt ngọt như vị Hương Giang, mặn mặn vị biển và cả chút cay nồng của những món ngon. Có ai đó nói rằng, giọng Huế ban đầu khó nghe nhưng nghe hoài, thấy thương thấy nhớ. Cũng như món ngon Huế, phải ăn ở Huế mới “chất”. Lần đầu mới ăn, chẳng ai khen ngon nhưng ăn thêm vài lần, không chỉ thích mà “ghiền”. Hương vị từ chén nước mắm đến các loại rau thơm đều trở thành đặc sản khó quên.Nằm trong danh sách những món ăn ngon và cũng là loại quà phổ biến là hạt sen Huế – những hạt nhỏ, chắc, vị béo ngọt, thanh tao. Hay chuối sứ, bún bò Huế cũng là những đặc sản bạn nên thưởng thức.
Hàng quán ở Huế khá đông đúc, phong phú những món ngon, như: bánh nậm, bánh lọc, bánh bèo, hải sản, chè hẻm, chè cung đình… Dê núi cũng là đặc sản nổi tiếng khắp vùng với cách nấu khá lạ theo kiểu cay nồng, đậm đà miền Trung.
Đến và cảm nhận Huế, chắc chắn bạn sẽ yêu thành phố Cố đô dịu dàng, trầm mặc này.
Nguồn: Tạp chí Sức Khỏe