Hiện nay, hiểm họa ma túy đang rình rập các em học sinh, bọn bán ma túy ngày càng có nhiều chiêu “rù quến” các em, nhất là khi đây lại là lứa tuổi tò mò, rất dễ lọt vào bẫy của chúng. Và rõ ràng, nếu mỗi người không tự ý thức hình thành nên sự phản kháng tự thân để nói “không” với ma túy, nếu vẫn còn những ngộ nhận. Ma túy nguy hiểm hơn ta nghĩ rất nhiều. Bởi:

Hiểm họa không trừ một ai

Đừng nghĩ: người sử dụng ma túy thường chỉ khoanh lại ở một vài đối tượng cá biệt, đối tượng hư hỏng. Không đâu! Có thể thấy, người nghiện giờ có ở nhiều thành phần, nhiều nghề. Ma túy trường học, công sở, vào giới showbiz… Có kẻ vật vờ ngoài đường, nhưng cũng có không ít người nghiện ở trong các biệt thự sang trọng, công sở hoành tráng. Thuốc lắc, ma túy vừa giúp “giải khuây, giảm cân” (do tác dụng kích thích đồng thời gây chán ăn), vừa “giúp sự tỉnh táo, giảm mỏi mệt do làm việc nhiều” (do kích thích tăng động). Giới tài xế lái xe đường dài cũng đang lạm dụng ma túy kích thích để tỉnh táo, không bị buồn ngủ. Và khi họ say thuốc, thì gây tai nạn như chơi. Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng thời gian qua, cũng đã cho thấy điều này.

Ma túy hiện nay rất đa dạng. Ma túy không chỉ đến từ biên giới, mà còn có cả những sản phẩm gây nghiện được làm từ trong nước, từ những loại thuốc trong danh mục được lưu hành của Bộ Y tế và bày bán công khai ở các nhà thuốc. Như pseudoephedrin có trong thành phần thuốc trị cảm cúm, không quản lý tốt có thể bị kẻ gian dùng để sản xuất ma túy tổng hợp.

Những loại ma túy mới xuất hiện từng ngày dưới dạng viên nén, keo, khí hít, chất lỏng, cỏ để hút như thuốc lá, miếng dán… với các hình thức hấp dẫn, bắt mắt, thường được xem như phương tiện giải trí, nhưng thực chất dẫn đến nghiện ngập dữ dội. “Tem giấy” còn gọi là “Bùa lưỡi” tẩm hóa chất LSD – một chất ma tuý gây ảo giác, đang được một bộ phận không nhỏ học sinh tại nhiều nơi trong nước ta sử dụng dán vào lưỡi. Các loại kẹo viên, keo hít, cỏ khát… có thể mua gần trường học và thanh niên dễ dàng hút shisha, mua cỏ Mỹ, bóng cười trong các quán cà phê, ngoài đường phố. Cái khó là làm sao mọi người nhận thức đúng: tất cả đều là chất gây ảo giác và gây nghiện, tác hại kinh khủng!

Một lần… và thành “nô lệ”

Rất nhiều người vẫn cho rằng ma túy tổng hợp kích thích như ma túy đá không gây nghiện như các loại ma túy khác là thuốc phiện, heroin và tác dụng kích thích của nó chỉ thoáng qua cho cuộc vui và tác hại thì không đáng ngại.

Cần xác định: Ma túy tổng hợp kích thích như ma túy đá đang được lạm dụng là thuốc gây nghiện thuộc loại nguy hiểm và gây tác hại khôn lường. Nên lưu ý, nghiện thuốc là tình trạng không ngưng bỏ mà bắt buộc (như nô lệ) phải tiếp tục dùng thuốc. Nghiện ma túy đá cũng thế, đã quen dùng sẽ có sự lệ thuộc ghê gớm là cứ muốn tiếp tục dùng, nếu không sẽ cảm thấy rất khó chịu, tìm mọi cách dùng lại ma túy tổng hợp kích thích này. Đáng buồn là chưa có phác đồ “dùng thuốc” cai nghiện ma túy đá, mà chỉ trị triệu chứng (như người bệnh được cho dùng thuốc an thần khi bị kích động, dùng thuốc chống trầm cảm khi bị trầm cảm, dùng thuốc trị tâm thần phân liệt khi bị loạn thần…). Đặc biệt, Bộ Y tế vừa ban hành phác đồ điều trị cho người dùng ma túy tổng hợp. Thực chất, đây là phác đồ hoàn toàn dựa vào các biện pháp hỗ trợ tâm lý, nâng đỡ tinh thần của người bệnh, không có dùng thuốc cai nghiện đặc hiệu. Hiệu quả cai nghiện đương nhiên phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của bệnh nhân.

Tác hại của thuốc phiện, heroin là người nghiện gây tội ác khi đói thuốc, họ làm bất cứ hành động gây hại ghê gớm nào để có tiền mua ma túy. Còn tác hại của ma túy tổng hợp kích thích là thuốc lắc, ma túy đá làm người nghiện gây tội ác khi no say thuốc. Chính hai tác dụng: kích thích tăng động và gây ảo giác của ma túy làm cho người dùng nó mất hết lý trí có thể gây tội ác có thể tày trời.

Gọi là chất gây ảo giác vì khi sử dụng đưa vào cơ thể sẽ gây nên sự hư hỏng tạm thời về mặt ý thức, liên quan đến sự nhận định sai lạc về không gian và thời gian. Chất gây ảo giác khi đưa vào cơ thể sẽ gây tác dụng như: thay đổi tâm lý (khóc cười không kềm chế), thay đổi rối loạn nhận thức, thị giác, thính giác làm cho thấy, nghe những gì không có thật. Nó cũng gây “giải thể nhân cách” như hoang tưởng, cứ tưởng mình là siêu nhân, đấng cứu thế. Dẫn đến các tác hại cho cá nhân và xã hội do các phản ứng tâm thần cấp (hoang tưởng, ảo thanh, ảo thị), có thể ở trạng thái điên loạn gây các tình huống nguy hiểm (ngã từ lầu cao, tai nạn giao thông, giết người hay tự sát).

PGS. TS. DS Nguyễn Hữu Đức

Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn

Đừng ngộ nhận về hiểm họa ma túy

Bệnh viện Hạnh Phúc