Đón trò sau lũ là lúc cần chú trọng đảm bảo an toàn cho học sinh, phòng tránh các tình huống bất thường; đồng thời ổn định tâm lý cho thầy và trò.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi vào thăm cơ sở trường học tại thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái). Ảnh: ITN
Ngày cuối tuần ý nghĩa
Những ngày cuối tuần qua, các trường học trên địa bàn TP Lào Cai (Lào Cai) đồng loạt ra quân hưởng ứng phong trào “Ngày cuối tuần ý nghĩa”, “Ngày Chủ nhật xanh” để dọn dẹp vệ sinh môi trường, giúp đỡ những gia đình bị thiệt hại sau cơn bão số 3.
Đợt lũ vừa qua, Trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Trấn Yên (Yên Bái) có 1 thầy giáo bị gãy tay, 3 cô giáo bị ngã bị thương ở chân nhưng tất cả đều trở lại trường ngày đầu tiên đón học sinh đến lớp sau bão số 3. “Đây là tinh thần tuyệt vời của các thầy cô. Hiện, nhà trường vẫn khắc phục những khó khăn để học sinh có điều kiện học tập tốt nhất sau bão lũ”, thầy Hiệu trưởng Bùi Văn Thắng nói.
Thầy và trò Trường THCS Lê Quý Đôn đã tham gia lao động công ích tại đường An Dương Vương và chung tay giúp đỡ gia đình em Vũ Bảo Châu – học sinh lớp 7C, khắc phục hậu quả do bị ngập lụt.
Cô Phạm Thị Khánh Hường – Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, TP Lào Cai cho biết: “Các hoạt động của thầy cô, nhà trường không chỉ khắc phục hậu quả mưa bão, dọn dẹp vệ sinh môi trường, mà còn giáo dục học sinh về tinh thần đoàn kết, sẻ chia với bạn bè và những người bị thiệt hại do ảnh hưởng bởi thiên tai”.
Tại Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố (Bắc Hà, Lào Cai), các thầy cô đang tích cực dọn dẹp trường lớp, phục hồi lại cơ sở vật chất để đón học sinh trở lại. Nhà trường tiến hành phun vệ sinh tiêu trùng khử độc khu vực bếp ăn, nhà bán trú, các khu vực trong và ngoài lớp học để đảm bảo môi trường sạch sẽ, tránh lây nhiễm bệnh tật sau mưa lũ.
Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố có 1 điểm trường chính và 4 điểm lẻ với 495 học sinh, trong đó có 269 em bán trú. Trong những ngày mưa lũ, ở các điểm trường lẻ giao thông đi lại khó khăn, tường rào bị nghiêng, hệ thống mái tôn có dấu hiệu hư hại, dột ẩm. Nhà trường cắt cử người luân phiên trực trường 24/24 giờ, đến ngày 11/9 mưa bắt đầu ngớt cũng là thời điểm thầy cô bắt tay vào dọn dẹp để sẵn sàng cho học sinh quay trở lại trường lớp sau bão lũ.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Lục trao đổi: “Chúng tôi đã dọn dẹp cơ sở vật chất, chỗ ăn nghỉ cho học sinh bán trú. Hiện nay còn một số chỗ bị dột phải xử lý chống thấm, sửa chữa lại hệ thống đường mạng để đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho học sinh”.
Chuẩn bị tốt công tác đón học sinh học tập trở lại sau bão lũ, trường chỉ đạo thầy, cô giáo và huy động phụ huynh khẩn trương tổ chức dọn vệ sinh trường lớp, khắc phục hậu quả của bão, có biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Đồng thời, sẵn sàng cho việc sinh hoạt, ăn, ở bảo đảm các điều kiện an toàn khi học sinh trở lại trường học.
Chia sẻ thông tin, cô Đàm Thị Minh Thắm – phụ trách công tác bán trú Trường PTDTBT Tiểu học Thải Giàng Phố nói: “Các hộ dân 2 thôn trên địa bàn xã bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 đã đến ở tại nhà trường. Chúng tôi hướng dẫn người dân ăn ở hợp vệ sinh, đồng thời vận động phụ huynh chung tay cùng nhà trường dọn dẹp sạch sẽ các lớp học, buồng bán trú để đón học sinh”.
Sáng 16/9, sau khi mưa lũ gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên địa bàn huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, 26/68 trường học đã khắc phục khó khăn, đảm bảo an toàn về con người để đưa học sinh quay trở lại trường học.
Các trường học đảm bảo đủ điều kiện an toàn để đón học sinh trở lại trường và tham gia hoạt động học tập ngay buổi đầu tiên quay trở lại lớp. Tỷ lệ chuyên cần ngày đầu tiên đi học sau bão lũ đạt khá cao (mầm non 81%, tiểu học và THCS 97%). Đặc biệt, hơn 60 học sinh khu vực Làng Nủ, xã Phúc Khánh – nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do lũ quét đã tới trường học tập trở lại.
Ổn định tinh thần cho thầy và trò
Ông Đào Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái thông tin: Sáng 16/9, 437/442 trường học trên địa bàn tỉnh đón học sinh đến lớp. Kết quả này có được nhờ sự quan tâm của các ngành chức năng, nỗ lực của thầy cô, học sinh toàn tỉnh. Tỷ lệ học sinh đến trường đạt 90%. Các em chưa đến lớp được do hoàn cảnh và thiệt hại sau lũ, cộng với những em có cung đường di chuyển giao thông bị chia cắt.
“Buổi chào cờ ngày đến lớp đầu tiên sau lũ, chúng tôi đã trao đổi, quán triệt đến lãnh đạo các nhà trường dành thời gian chia sẻ, thăm hỏi, động viên đối với các thầy, cô giáo, học sinh bị thiệt hại, ảnh hưởng trong mưa lũ những ngày vừa qua. Thời điểm này cần ổn định về tinh thần cho thầy và trò”, ông Đào Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đến thăm các điểm trường, lớp học tại địa phương trong ngày đầu tiên các em đến lớp sau mưa lũ, bà Vũ Thị Hiền Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái vui mừng khi các nhà trường đã học tập nghiêm túc dù sau những mất mát lớn; tinh thần các thầy, cô giáo và học sinh lên cao, các bếp ăn đều đảm bảo an toàn vệ sinh.
Cô Đinh Thị Thu Phương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học, TP Yên Bái cho hay, trường có 1.286 em. Buổi đầu đến lớp sau đợt lũ là 1.197 em. Nhà trường có 89 em chưa kịp đến lớp do nhà bị ngập, bị cô lập, sạt đất…
Thiệt hại của nhà trường không nhỏ, với nhiều trang thiết bị cần thiết cho việc dạy và học bị hư hỏng (khoảng hơn 400 triệu đồng). Khó khăn trước mắt của nhà trường gồm toàn bộ tầng 1 khu nhà làm việc và các lớp học không có trang thiết bị dạy học, không có bảng tương tác, máy chiếu; dụng cụ bán trú thiếu thốn, lưu mẫu thức ăn phải đi gửi nhờ tủ lạnh.
“Phòng Đội và phòng Y tế, giáo viên không có máy tính dạy học. Giải pháp của nhà trường hiện nay là chỉ đạo các thầy, cô giáo dạy học bằng hình thức truyền thống (bảng đen, phấn trắng). Nhà trường thu gom hết bàn ghế hỏng ít cho học trò ngồi tạm, ngồi ghép. Ghép phòng làm việc; thay các ổ điện, công tơ; bố trí cho các em có đủ sách vở để học tập bình thường”, cô Phương cho biết thêm.
Đảm bảo an toàn mọi mặt
Tại tỉnh Bắc Kạn, bà Hứa Hoàng Anh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chợ Đồn cho biết, sau khi xảy ra sạt lở, ngập úng, đơn vị đã chỉ đạo trường học khẩn trương khắc phục thiệt hại do mưa bão gây ra, chuẩn bị cơ sở vật chất, tăng cường phối hợp với các ban ngành, cơ quan y tế tại địa phương để khử trùng, làm vệ sinh trường lớp, phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau bão. Đồng thời, đảm bảo điều kiện an toàn trường học trước khi đón học sinh trở lại.
Với sự nỗ lực của các nhà trường, trong tuần này, 44/47 đơn vị trường học trong huyện tổ chức học tập bình thường. Các trường trên địa bàn xã Nam Cường chưa thực hiện được việc dạy học do còn ngập lụt, chưa đảm bảo giao thông đi lại cho thầy cô và học sinh.
Còn tại huyện Ba Bể, toàn huyện có 11 trường bị ảnh hưởng do bão số 3 trong đó Trường Mầm non Cao Thượng bị sạt lở taluy quanh đồi điểm trường chính với khoảng 40 m3 đất. Toàn bộ điểm trường Bản Cám thuộc Trường Tiểu học và THCS Nam Mẫu bị ngập nước.
Chia sẻ thông tin, cô Hoàng Thị Nhung – Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Nam Mẫu đồng thời cho hay: Ngay khi nước rút, nhà trường huy động toàn bộ cán bộ, giáo viên sử dụng chính nước mưa, nước lũ ứ đọng để vệ sinh nền lớp học, sân trường.
Khi được cấp nước trở lại, thầy cô dùng nước sạch để thau rửa, vệ sinh đồ dùng, trang thiết bị dạy và học. Tuy nhiên, hầu hết đồ dùng, thiết bị bị hư hỏng, không còn đủ bàn ghế để đảm bảo cho công tác dạy và học. Do đó, trường đã rà soát và thống kê các thiệt hại và báo cáo với phòng GD&ĐT cũng như UBND huyện để được hỗ trợ, giúp thầy và trò nhà trường sớm quay trở lại học tập.
Phòng GD&ĐT huyện Ba Bể đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động phối hợp với cơ quan y tế tại địa phương tiến hành vệ sinh trường lớp, phun khử khuẩn đồ dùng để phòng ngừa nguy cơ dịch bệnh bùng phát sau bão. Đồng thời, tuyệt đối đảm bảo các điều kiện và an toàn trường học, vệ sinh môi trường trước khi đón học sinh trở lại.
Tại Trường PTDTBT Tiểu học 1 Tri Lễ (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn), để đảm bảo an toàn cho học sinh khi di chuyển trên các tuyến đường, nhà trường tuyên truyền, phối hợp với các bậc phụ huynh quản lý con em trong thời gian sau mưa lũ, không đến gần các sông suối có nguy cơ sạt lở. Trong thời gian học sinh nghỉ học, thầy cô đã tổ chức dọn dẹp vệ sinh khuôn viên trường học, các phòng làm việc để đón học trò trở lại từ ngày 11/9.
Ngoài kiểm tra cơ sở vật chất, các trường còn chú trọng an toàn thực phẩm. Thầy Triệu Quốc Hưng – Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Liên Hội (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) khẳng định, đối với thực phẩm, nhà trường ký hợp đồng với nhà cung ứng uy tín và tổ chức nấu ăn cho học sinh tại trường.
Riêng nguồn nước nấu ăn, nhà trường sử dụng giếng nước khoan, được lọc qua hệ thống máy lọc để sử dụng cho công tác chế biến; còn nước uống, nhà trường ký hợp đồng với nhà cung ứng đảm bảo đủ nước uống cho học sinh ở bán trú tại trường. Đồng thời, trường kiểm tra, chuẩn bị chăn, đệm, giường ngủ, đảm bảo cho các em có đầy đủ tiện nghi nghỉ ngơi sau ngày học.
Cơn bão số 3 và hoàn lưu bão cũng gây mưa lớn, ngập úng ở nhiều nơi tại Nam Định. Ông Trần Hải Bằng – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trực Ninh cho biết, những ngày vừa qua trên địa bàn một số xã xuất hiện tình trạng ngập úng. Thực hiện chỉ đạo từ sở GD&ĐT và UBND huyện, phòng đã yêu cầu các nhà trường căn cứ tình hình thực tế để thông báo việc có cho học sinh nghỉ học hay không.
“Các nhà trường chỉ đón học sinh khi đảm bảo các điều kiện an toàn trường học. Với những em ở khu vực bị ngập sâu, không thuận lợi trong di chuyển thì cho nghỉ ở nhà và tổ chức học trực tuyến. Sau khi nước rút, các trường tiến hành dọn dẹp vệ sinh trường lớp, rà soát các trang thiết bị hư hại để báo cáo UBND huyện có phương án bổ sung, hỗ trợ. Công tác đảm bảo an toàn bán trú thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của phòng”, ông Bằng nói.
Gửi học sinh đi học nhờ
Nằm ở khu vực “rốn lũ” của Hà Nội, cô Kiều Thị Minh Hoa – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A (huyện Chương Mỹ) không khỏi lo lắng khi nhà trường gặp muôn vàn khó khăn sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3. Đợt lũ vừa qua, nhiều nơi bị cắt điện, mất mạng Internet, học sinh phải ở nhờ nhà người thân hoặc di tản tới nhà văn hóa vì nhà bị ngập nước.
Năm học mới đã bắt đầu cách đây hơn 1 tuần nhưng hiện mực nước chưa rút được nhiều. Thời gian nghỉ của học sinh kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục cũng như khung thời gian năm học. Trước tình thế vô cùng khó khăn này, nhà trường đề xuất phương án đưa học sinh đi học nhờ tại các trường trong địa phương để phần nào khắc phục khó khăn trước mắt khi chờ nước rút. Trường đang có phương án tổ chức dạy học cho học sinh do ngập lụt sau cơn bão số 3.
Cùng đó, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Nam Phương Tiến A đã báo cáo lãnh đạo địa phương, xin ý kiến chỉ đạo của Phòng GD&ĐT Chương Mỹ và mượn được 4 phòng học gồm: 1 phòng của Trường Tiểu học Nam Phương Tiến B, 3 phòng của Trường THCS Nam Phương Tiến B với các trang thiết bị tối thiểu đã có sẵn để 255 học sinh tới học nhờ bắt đầu từ ngày 18/9.
Trong thời gian tới, các tổ chuyên môn phân công, giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm, giáo viên phụ trách môn học xây dựng kế hoạch bài học để tổ chức, hướng dẫn học sinh học tập theo các bài học được đầy đủ, chất lượng. Thông báo thời khóa biểu cho giáo viên, học sinh, gia đình để phối hợp tổ chức cho các em theo học các bài học. Quản lý, giám sát, đánh giá, công nhận kết quả học tập của học sinh theo quy định.
“Các thầy cô xây dựng và lựa chọn học liệu; sử dụng công nghệ thông tin để có thể tổ chức dạy học qua Internet nếu cần; tổ chức các hoạt động học cho học sinh bao gồm tiếp thu lĩnh hội kiến thức mới, thực hiện nhiệm vụ học tập, trao đổi, thảo luận giữa học sinh với giáo viên. Đối với học sinh lớp 1, giáo viên có hình thức giúp các em thích nghi, tiếp cận, làm quen, không gây áp lực”, cô Minh Hoa nhấn mạnh thêm.
Ông Bùi Minh Tuân – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bảo Yên (Lào Cai) chia sẻ, đơn vị cùng chính quyền các cấp quyết tâm trong việc chỉ đạo khắc phục hậu quả sau mưa lũ, nhằm đảm bảo các trường học trên địa bàn có thể đón học sinh quay trở lại sớm nhất. Các biện pháp được triển khai đồng bộ, bao gồm huy động lực lượng tại chỗ để dọn dẹp bùn đất, khắc phục cơ sở hạ tầng trường lớp bị hư hỏng, đảm bảo an toàn về con người và an toàn hệ thống giao thông xung quanh khu vực trường học.
Tác Giả: Nhóm PV
Đăng Ngày : 17/09/2024
Link Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/dung-day-sau-bao-lu-no-luc-dua-tro-ra-lop-post701171.html