Bài viết dưới đây là chia sẻ của Khánh Linh, tiếp viên hàng không 29 tuổi quê Khánh Hòa, về cách cô vươn lên trong công việc và quản lý chi tiêu: 

Ba mẹ ly hôn, kinh tế gia đình khó khăn nên tôi đi làm từ lúc vào đại học chuyên ngành công nghệ thông tin. Do có ngoại hình khá, tôi xin làm thêm PG – người mẫu tiếp thị sản phẩm, mỗi tháng được 3-4 triệu. Số tiền này tôi dùng đóng học phí (hơn 3 triệu/một kỳ), còn lại góp cho mẹ phụ nuôi em trai nhỏ. Tôi ít khi mua quần áo mới, tiền dư để dành, khi đủ là sắm một chỉ vàng.

Vì không ngại các sự kiện ngoài trời, phải đứng phơi nắng lâu, tôi nhận được nhiều việc và 2 năm sau thì được chọn làm trưởng nhóm. Thấy tôi hiền lành mà làm việc trong môi trường hay bị trêu ghẹo, một vị khách tốt bụng đã giới thiệu tôi vào bán hàng cho một công ty thiết bị điện tử. Tại đây, vì là người trẻ nhất, tôi bị điều ra đứng ở quầy khuất, ít khách ghé tới nên mấy tháng đầu không đạt chỉ tiêu, lương chỉ 5-5,5 triệu.

Kể cả khi đã có thu nhập cao, Khánh Linh vẫn luôn chon cách sống, ăn mặc giản dị, phần lớn tiền dành dụm và để đầu tư. Ảnh: KL.

Kể cả khi đã có thu nhập cao, Khánh Linh vẫn luôn chọn cách sống, ăn mặc giản dị, phần lớn tiền dành dụm và để đầu tư. Ảnh: KL.

Về sau, để cải thiện điểm yếu vị trí xấu, tôi luôn đến sớm hơn 30 phút buổi sáng để bày biện góc bán thật đẹp. Dù công ty không yêu cầu, tôi cũng ghi lại số điện thoại của khách đã mua hàng rồi một tuần sau nhắn tin hỏi thăm việc dùng sản phẩm và hẹn họ qua tư vấn nếu cần. Ngoài ra, hôm nào chưa xong việc hoặc hết ca mà vẫn còn khách, tôi sẵn sàng ở lại 1-2 tiếng. Nhờ vậy, số lượng người mua tại quầy của tôi ngày càng đông vì nhiều khách cũ quay lại hoặc giới thiệu người thân, bạn bè tới. Dần dà, thu nhập của tôi tăng lên 9 triệu.

Năm 2014, biết có đợt tuyển tiếp viên hàng không, tôi dự thi và tự tin vào khả năng được chọn vì có đủ những điều họ cần: ngoài ngoại hình, giao tiếp là khả năng ứng xử, chăm sóc khách hàng, sự tận tâm… Tôi biết ơn thời gian làm PG cho mình cơ hội gặp đủ kiểu khách và việc tôi tận dụng cứ thấy khách nước ngoài nào là chủ động ra nói chuyện bằng tiếng Anh cũng không bị bỏ phí. Vào hãng bay, thu nhập mỗi tháng của tôi lên 35-40 triệu đồng, chưa kể các khoản công tác phí nếu chịu khó đi các vùng xa.

Trong công việc, tôi rất coi trọng mối quan hệ. Nếu mình muốn làm giàu, phải chọn nhóm ham kiếm tiền để chơi. Chơi với ai, tôi không quan tâm người đó giàu hay nghèo mà là họ có tử tế, cầu tiến không.

Cũng qua các mối quan hệ, tôi học hỏi được nhiều về đầu tư bất động sản, tiền ảo. Năm ngoái, tôi mua một mảnh đất 900 triệu đồng khi thấy khu vực này có tiềm năng phát triển. Sau vài tháng, thấy giá hời, tôi bán đi, được 1,6 tỷ đồng.

Dù thu nhập cao hơn nhiều nhưng cách chi tiêu của tôi không thay đổi mấy, kể cả sau khi tôi lập gia đình và sinh con vào năm ngoái. Mỗi tháng, tôi tiêu khoảng 7-8 triệu đồng, chủ yếu cho ăn uống, mua thuốc bổ. Khi trên máy bay dư suất ăn, tôi sẵn sàng hâm lại để dùng.

Tôi cũng là tín đồ mua hàng giảm giá. Thường tôi chọn mua đồ Tết vào đúng ngày 30 hay mua đồ hè vào cuối đông và ngược lại. Tôi không mê đồ hiệu, chỉ chọn các hãng bình dân và thường vài tháng sẽ sắm đồ một lần, viết chi tiết những thứ mình cần.

Định mua gì, tôi sẽ tìm hiểu trên mạng rồi chọn cửa hàng có món phù hợp, sau đó đến chọn trực tiếp, nếu ưng thì lấy đúng món đó rồi ra về. Thỉnh thoảng, khi đầu tư thu lợi lớn hoặc đạt được mục tiêu nào đó, tôi cũng tự thưởng cho bản thân một món mình thích như chiếc váy, thỏi son… nhưng tất cả đều theo kế hoạch, chọn lựa kỹ chứ không ngẫu hứng nhìn thấy đâu đó là rước về.

Sau 6 năm đi làm, tôi đã trả giúp mẹ món nợ hơn 300 triệu đồng và đang có trong tay hơn 2 tỷ. Số tiền này tôi đang gửi tiết kiệm và dự định sẽ mua một mảnh đất lớn, có tiềm năng phát triển tốt trong 10 năm tới. Tôi cũng trích ra một khoản tiền để lướt sóng tiền ảo, với mục tiêu đầu tư nhỏ để học hỏi là chính nên trong một năm chơi không bị lỗ nhiều.

Tôi thấy nhiều bạn trẻ quanh mình hay than phiền rằng thời nay rất khó tìm việc và vì có bằng đại học nên họ không thể chấp nhận làm những công việc lương thấp hay không liên quan tới chuyên môn. Tôi nghĩ hoàn toàn khác. Cái quan trọng để chọn việc không phải là mức lương ban đầu bao nhiêu mà công việc đó có mang lại cơ hội thăng tiến không, làm tốt có tăng lương không, mình sẽ học hỏi được gì từ đó.

Chuyên viên tư vấn tài chính cá nhân, gia đình Bội Lê, TP HCM cho rằng, thời nay, rất nhiều người rơi vào tình trạng lạm phát lối sống: Chi tiêu tăng lên tỷ lệ thuận với thu nhập. Tuy nhiên, Khánh Linh không hề vướng vào cạm bẫy này mà có cách quản lý tài chính rất tốt bên cạnh việc luôn nỗ lực tăng thu nhập. Theo ông, từ nền tảng như vậy, cô gái này sẽ sớm được tự do tài chính, không phải bận tâm chuyện kiếm tiền nhờ có nhiều nguồn thu nhập và kế hoạch tương lai rất rõ ràng.

Bảo Ngọc ghi

*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi

Theo Vnexpress.net

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc