Ðiều gì khiến giới trẻ dễ có khoảng cách với cha mẹ, ông bà? Tuổi tác, tính tình, công việc hay sự khác biệt về quan điểm, lối sống giữa các thế hệ? Phải chăng không có cách nào hòa hợp?
Tiếng lòng của “lớp nhỏ”
Bên ly cà phê mà màu nước chỉ còn nhàn nhạt, trong suốt câu chuyện dài về tình cảm, các mối quan hệ, khi được hỏi khoảnh khắc hạnh phúc trong gia đình, anh Nguyễn Văn Quang Huy, 25 tuổi, (Q.Thủ Ðức, TPHCM) chỉ cười nhẹ: “Rất hiếm! Nếu có ấm áp, chỉ là lúc kinh tế tàm tạm một chút. Kể cả lúc cả nhà cùng chụp hình cưới hay đi đâu đó chung, tôi cũng thấy gượng gạo”. Huy sinh ra trong gia đình hôn nhân khác đạo. Cha và mẹ luôn gặp bất đồng quan điểm. Giữa họ với nhau và với con cái ít có thời gian gần gũi, giao tiếp. Anh chia sẻ, nhiều lúc cố tình tạo ra những buổi gặp gỡ, trong sinh nhật, ngày cuối tuần hay cả dịp lễ cưới của các anh em, vẫn thấy thiếu sự nối kết giữa mọi thành viên. “Chúng tôi gần như tự lập từ nhỏ. Không, phải nói là vì tự lập nên cô đơn từ nhỏ. Cha mẹ chỉ chu cấp tiền bạc, chẳng thiếu gì, chỉ thiếu nụ cười, mấy lời thăm hỏi cũng là qua loa, đại khái. Ban ngày, cha mẹ quần quật mưu sinh, tối đến lại hay cãi vã. Sau này, khi có dâu, rể trong nhà, bầu khí mới dịu nhẹ hơn”, Huy thẳng thắn. Cũng theo anh, cách tốt nhất để tránh xung đột là hạn chế tiếp xúc hay trao đổi những vấn đề quan trọng. Các thành viên tôn trọng cuộc sống cá nhân của nhau. Sống trong gia đình có nhiều thành viên, chính anh cũng đã điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt cho phù hợp chung với cả nhà để cha mẹ không phiền lòng vì những điều nhỏ nhặt.
Bữa ăn gia đình là dịp cha mẹ – con cái trò chuyện để hiểu nhau hơn |
Ở xa gia đình, phải vào Sài Gòn lập nghiệp nên cô bạn trẻ Nguyễn Thị Thủy (27 tuổi, quê Ðăk Lăk) hay dành các buổi tối để gọi điện cho cha mẹ. Nhờ thường xuyên liên lạc như thế mà Thủy luôn nắm bắt tình hình ở nhà. Chị tâm sự: “Thật ra, có những chuyện nếu nói trực tiếp với cha mẹ ở ngoài chắc chắn tôi sẽ ngại. Nhưng nói qua điện thoại, lại ở xa, tôi dễ bày tỏ, từ những câu giản đơn như chúc cha ngủ ngon, mẹ nhớ mặc áo lạnh kẻo cảm… cho đến thể hiện quan điểm cá nhân khi gia đình muốn quyết định làm điều gì đó”. Chị khoe dù là con út trong nhà nhưng cha mẹ lại rất tôn trọng tiếng nói của mình. Thỉnh thoảng, chị cũng mua quà gởi bưu điện về cho cha mẹ. Những ngày Tết, khi có dịp ở gần nhau, Thủy cũng hay chia sẻ riêng với người lớn về công việc, tình cảm, xin ý kiến hoặc góp ý cho nhà. Cùng hoàn cảnh phải xa quê làm lụng như chị Thủy, anh Lê Văn Vinh (28 tuổi, Bạc Liêu) cũng tận dụng những phút giây gần người thân ở nhà, như lời anh kể: “Ðôi khi ngồi chơi cờ với cha suốt hai, ba tiếng mà mình không thấy chán, mà lại thấy cha vui. Ngồi chung, cha hay mang chuyện gia đình ra bàn bạc, kể cho tôi nghe. Cũng có khi là “méc” tôi về mấy vụ tranh cãi vụn vặt với mẹ, rồi cha con cười khì. Hồi trước còn nhỏ, muốn thể hiện cái tôi, mỗi khi bị cha mẹ quở trách hay hai bên không hợp ý là tôi cứ cố cãi lại cho được nhưng về sau học cách điềm tĩnh, đợi mọi thứ dịu xuống rồi nhẹ nhàng nói”. Anh cho rằng, để cha mẹ và con cái hiểu nhau hơn đòi hỏi hai phía phải cố gắng dành thời gian để tâm tình, sẻ chia và nhất là tha thứ lỗi lầm quá khứ, người lớn không nên nhắc đi nhắc lại những điều sai trái của lớp trẻ. Lúc cảm thông nhau rồi thì mọi thứ sẽ thật dễ dàng.
Sự nỗ lực từ cha mẹ
Một số phụ huynh ngày nay, đặc biệt là bậc cao niên thường hay lắc đầu và chung câu ngán ngẩm: “Tuổi trẻ bây giờ khó hiểu quá!”. Ông Cao Khải (70 tuổi, Hóc Môn, TPHCM) cho rằng giới trẻ ngày nay khá thực dụng: “Người trẻ giờ dường như chỉ kiếm tiền là chính, còn vấn đề đạo giáo, nhân sinh quan… thì có vẻ không quan tâm. Chính nền giáo dục và cuộc sống hiện đại lôi kéo họ vào vòng xoay cơm áo gạo tiền…”. Từ kinh nghiệm cá nhân, theo ông Khải, trong một gia đình có nhiều thế hệ sống chung, muốn thuận hòa thì mỗi người phải biết “nhịn một chút”. Người già tìm cách thấu hiểu người trẻ và người trẻ cũng cần thông cảm cho tuổi già. “Trong những bữa ăn, lúc có mặt đông đủ cũng là lúc dễ nói việc chung, góp ý cho nhau. Nhưng với các con đã lớn, tôi cũng chỉ góp ý, vẫn phải tôn trọng ý kiến riêng của các con”, ông nói. Ðồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Minh, (Q.4, TPHCM) bày tỏ thêm: “Muốn hiểu con thì nên để ý kín đáo đến sinh hoạt của chúng hằng ngày, điểm nào không hay thì tìm lúc thuận tiện tâm sự nhẹ nhàng với con, tạo những cơ hội ở gần để dễ dàng khuyên dạy. Tôi phê phán việc sử dụng thói quen gia trưởng, áp đặt. Nói tóm lại, trong giai đoạn nào thì cha mẹ cũng phải chủ động cư xử với con trừ khi sau này bệnh tật, già yếu”.
Làm bạn với con, các bậc cha mẹ sẽ phần nào rút ngắn được khoảng cách thế hệ |
Những năm gần đây, internet phát triển mạnh. Nhiều trào lưu mới lôi cuốn giới trẻ. Ðể hiểu được con mình nghĩ gì, sống ra sao, có các mối quan hệ lành mạnh không, các bậc cha mẹ còn phải tự “chiến” với công nghệ, vốn là thứ xa lạ và có vẻ với phần đông còn chung tình trạng mù tịt. Bà Lê Thị Phương (53 tuổi, Cần Thơ) cho biết dù bận rộn nhưng cũng đã dành thời gian các buổi tối chỉ để mò mẫm mạng xã hội, tập làm quen rồi kết nối với các con: “Nếu mù công nghệ thì mình chẳng biết gì về con mình cả. Dù chúng lớn rồi, vẫn cần sự quan tâm của gia đình. Nhưng phải cẩn thận và tế nhị, tránh để con mình hiểu là cha mẹ đang điều tra, thăm dò chúng thì lại hỏng việc”. Bên cạnh đó, bà cùng với ông xã tạo điều kiện để cả gia đình tham gia các sinh hoạt nhà đạo, gần gũi với con cái.
Việc lên mạng, tham gia các kênh truyền thông dường như dễ dàng hơn đối với các bà mẹ trẻ. Bà Ðỗ Quyên (40 tuổi, TPHCM) thừa nhận, nhờ vậy mà chính bà biết thêm nhiều thứ thú vị, nhưng bản thân cũng từng bị sốc khi phát hiện con trai của mình có dấu hiệu lệch lạc giới tính. “Vô tình phát hiện con mình có sự thân mật với một cậu con trai khác cùng trường đại học từ ở ngoài, cho đến trên mạng, mình sinh nghi, hỏi thăm bạn bè chúng và bắt đầu đặt nghi vấn. Sau khi mình và ông xã nói chuyện trực tiếp với con, mình đã yêu cầu phải xác định lại mối quan hệ này, chỉ là tình bạn thông thường và nên hạn chế gặp gỡ riêng”, bà nói.
Mỗi người một kiểu quan tâm, xem ra để hai thế hệ trong gia đình hiểu nhau dường như rất cần sự đối thoại, tế nhị và cả tôn trọng nhau để tránh những thương tổn tinh thần không đáng có.
THU HUYỀN
“Theo Báo Công giáo và Dân tộc, website: cgvdt.vn”
http://www.cgvdt.vn/xa-hoi/doi-thoai-voi-nguoi-tre-trong-gia-dinh_a10330