(Phunuhiendai.vn)-“Tất nhiên là con người ta vẫn bắn nhau bằng tiếng súng, nhưng chính những cơn đại dịch mới là thứ tạo nên sự bùng nổ, tạo nên những tiếng gầm đinh tai, mới là thứ tàn phá thực sự. Những đại dịch cực kỳ bất ngờ xuất hiện và lây lan trong nháy mắt. Kinh hoàng, đúng thế đấy!”…

Những lời trên được trích từ cuốn tiểu thuyết “Vùng cách ly” của tác giả Lorenzo Angeloni – cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh đại dịch SARS tại Việt Nam những năm đầu thiên niên kỷ mới. Chúng ta có thể gọi những lời này là những lời tiên tri.

Cách đây 17 năm, đại dịch SARS hoành hành trên khắp thế giới, cướp đi sinh mạng của hơn 700 người. Sau đó hơn 10 năm, tức là vào năm 2014, đại dịch Ebola được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức ban bố là “trường hợp khẩn cấp y tế công cộng cần được quốc tế quan tâm” khi đã ghi nhận 28.646 trường hợp lây nhiễm và 11.323 trường hợp tử vong.

Những đại dịch không hề có dấu hiệu biến mất mà ngược lại, chúng ngày càng khẳng định sức tàn phá của mình. Theo số liệu cập nhật 11h00 ngày 1/4/2020, 854.612 ca nhiễm nCoV và 42.044 người chết tại 202 quốc gia và vùng lãnh thổ, và đây chưa phải là con số cuối cùng.Đáng nói, đây vẫn chưa phải những con số cuối cùng. Sẽ có thêm bao nhiêu ca bệnh nữa? Sẽ có thêm bao nhiêu nạn nhân nữa? Chúng ta đều không biết trước. Chỉ biết rằng những đại dịch mới sẽ xuất hiện sớm thôi, có thể là vào cái lúc mà chúng ta không ngờ đến nhất.

Vẫn trong cuốn “Vùng cách ly” có đoạn viết: “Rất có thể ở những chỗ không thể lần ra, nhưng cũng có thể ngay ở tầng hầm nào đấy đang có những nghiên cứu về chủng virus ban đầu được biết đến như virus cúm gia cầm, rồi biến đổi chúng, bổ sung những chuỗi gen đã biết, quan sát và tạo ra thông qua thử nghiệm trên chuột đã được chủng ngừa bằng loại vắc xin chống được virus đời đầu”.

Thế giới của virus là một vũ trụ thu nhỏ. Không ai có thể thống kê được số lượng virus đã, đang và sẽ tồn tại, bởi ngoài việc được sinh ra bởi Mẹ Thiên nhiên, không ít virus còn do con người tạo ra. Số lượng virus nhiều gấp hàng triệu lần số lượng các vì sao trên bầu trời. Nhưng không giống với các vì sao, virus có một ánh sáng riêng của mình, không nhìn thấy được bằng mắt thường nhưng có thực, tồn tại vô hình trong số phận mỗi con người.

Trong thiên niên kỷ mới này, nhiều loại virus xuất hiện trên thế giới: cúm gia cầm, các virus gây viêm màng não mới, rồi SARS, Ebola, và gần đây nhất là COVID-19. Điều này buộc chúng ta phải đặt ra câu hỏi: Chuyện gì đang xảy ra với địa cầu của chúng ta? Chúng ta đã quá quen thuộc với việc này, hay chỉ đơn giản là chúng ta đã trở nên quá giỏi trong việc phát hiện bệnh, rồi sau đó là kiểm soát chúng (dù người chết thì nhiều nhưng để dẫn tới diệt vong thì chưa thể)? Mà nếu chúng ta thực sự giỏi thì tại sao vẫn có đến cả triệu người chết như thế? Sự thờ ơ, thiếu hiểu biết, tham vọng kinh tế, những hợp đồng dược phẩm béo bở, sự vô cảm với những tiếng kêu gào của thiên nhiên. Hoặc có thể chúng ta đang đánh giá thấp những dấu hiệu đầu tiên về việc dân số đã tăng quá nhanh so với mức đảm bảo sức khỏe cộng đồng.

Cuộc chiến với COVID-19 sẽ còn diễn ra trong một thời gian dài nữa. Những con số sẽ còn tăng lên, chưa ai biết thời điểm chính xác những con số đó được đóng khung trang trọng trong một tờ báo cáo, chấm hết. Và trong khi chiến đấu với COVID-19, chúng ta nên chuẩn bị tinh thần để sống còn trong những cuộc chiến mới – những cuộc chiến có thể còn tàn khốc hơn COVID-19 nhiều lần!

Tham khảo sách Vùng cách ly của tác giả Loeno Angeloni để biết thêm điều sẽ đợi chúng ta sau COVID-19.

Lorenzo Angeloni, nhà ngoại giao và cây bút người Ý, là tác giả của nhiều bài luận, phóng sự, tiểu thuyết xoay quanh các chủ đề về đối thoại giữa các nền văn hóa, những xung đột mâu thuẫn trong chiến tranh và về quá trình phát triển, hoàn thiện của mỗi cá nhân.

Trong nhiệm kỳ làm Đại sứ Italia tại Việt Nam từ tháng 10/2010 đến tháng 3/2015, ông đã ấp ủ và cho ra đời “Vùng cách ly”, cuốn tiểu thuyết thứ tư của ông. Những tác phẩm của ông là sự kết hợp giữa nghiệp ngoại giao và đam mê cầm bút. Angeloni coi đây là hai hoạt động bổ trợ cho nhau, giống như “những lăng kính khác nhau để có thể quan sát và thấu hiểu những sự việc, những hoàn cảnh xung quanh – một sự kết hợp giữa nỗ lực hoàn thành các trọng trách ngoại giao và sự khiêm tốn cần có để cảm nhận bản chất đa dạng của con người.” Trong sự nghiệp của mình, Angeloni đã trải qua các nhiệm kỳ công tác ở Uruguay, Đức, Algeria…  Trước khi đến Hà Nội ông đã từng là Đại sứ Italia tại Sudan, chính trong những năm tháng cuối của cuộc nội chiến Sudan lần thứ hai. Hiện tại ông đang là Đại sứ Italia tại Ấn Độ.

Những kinh nghiệm thực tế ở những vùng đất khác nhau và những vấn đề phức tạp từng phải đối mặt chắc chắn đã cung cấp cho ông kho chất liệu và cảm xúc phong phú để đưa vào những tác phẩm của mình. Và ngược lại đam mê cầm bút cùng cái nhìn nhân văn chắc cũng đã góp phần giúp ông đạt được những kết quả xuất sắc trong sự nghiệp ngoại giao. Tháng 2/2016, ông đã được phong hàm Đại sứ bậc cao nhất của Nhà nước Italia.

Hiền Tâm/ THB

*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media 

 

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc