Vừa ra trường, nhờ nỗ lực và chút may mắn, tôi có ngay việc làm với mức lương khá cao ở một công ty nước ngoài. Tôi nhanh chóng rũ bỏ những áo quần quê mùa thời sinh viên để khoác lên mình bộ cánh hàng hiệu.

Tôi cũng đổi điện thoại thời thượng, đổi xe tay ga, đổi cả căn gác trọ nóng bức để dời sang chỗ mới khang trang hơn.

Lương cao nhưng cuối tháng nào tôi cũng sống chật vật, vì tiền làm ra bao nhiêu, tôi tiêu xài hết bấy nhiêu. Tôi phải đăng ký làm thêm ngoài giờ để tăng thu nhập. Ba thấy tôi “cày” quanh năm suốt tháng thì xót xa lắm, cứ gọi điện lên bảo: “Thôi về quê với ba”. Lúc đầu nghe vậy, tôi cười xòa: “Khối người mơ được như con” nhưng dần dần, tôi gắt: “Ba đừng làm con nản chí!”.

Thấy tôi “vung tay quá trán”, ba nhẹ nhàng nhắc: “Mẹ con mất sớm. Ba một mình ráng lo cho con, dù phải làm đủ thứ nghề nhưng chưa bao giờ ba phải nói “không” với con khi con gọi về xin tiền học phí. Con biết tại sao không?”. Đó cũng là thắc mắc đầy tự hào của tôi bấy lâu nên tôi mở to mắt chờ đợi câu trả lời của ba. “Là vì ba luôn dành dụm, không tiêu hoang, con à”. Tôi nở nụ cười để giấu cái nhăn mặt của mình: “Con hiểu rồi. Nhưng hồi trước con sống khổ quá. Giờ, con phải hưởng thụ chứ”.

Điều ba dạy, Lời muốn nói, Tạp chí Sức Khỏe, khoe24h

Bài học ba dạy từ những hành động mà con cho là “vụn vặt”, nhiều năm sau, con vẫn
cảm nhận được ý nghĩa lớn lao! (Ảnh internet)

Mỗi tháng, ba lấy cớ lên thành phố khám bệnh, thật ra để “chăm” tôi trong giai đoạn chờ lương. Ba tự nấu các bữa ăn, ngay cả điểm tâm. Ba xách lên cho tôi từ quả trứng gà mới nhặt sau vườn tới mớ rau mồng tơi mọc dại ven rào. Ba đi sau tôi, tiết kiệm từng giọt nước, canh chừng tắt từng bóng đèn trong nhà. Tôi ngoài mặt bực bội nhưng trong lòng thương ba vô cùng. Tôi muốn thỉnh thoảng đưa ba đi ăn ở nhà hàng mà ba đều từ chối. Nhìn người đàn ông “gà trống nuôi con” lọ mọ cả ngày trong bếp, tôi càng quyết tâm làm ra nhiều tiền để lo cho ba và tiêu xài “bù” cho những tháng ngày khốn khổ.

Bất ngờ, công ty tôi gặp khó khăn về kinh tế. Tôi bị cắt lương rồi phải chuyển sang bộ phận không hợp chuyên môn, đến nỗi phải tự làm đơn xin nghỉ. Loay hoay mãi chưa tìm được việc mới, tôi cay đắng nhận ra, sau hơn sáu năm bám trụ ở xứ người, tôi chẳng tích cóp được gì. Thành công quá dễ dàng khiến tôi chủ quan, không lo gì cho tương lai. Đang lay lắt ăn mì gói cầm hơi thì ba xuất hiện với số tiền mà tôi từng nhét vội vào túi ba không cần đếm. Chẳng bị ba trách cứ hay giáo huấn nhưng tôi lại buồn nhiều. Run run nhận số tiền ba đưa, tôi tự hứa sẽ làm lại từ đầu…

Ba ơi, bài học ba dạy từ những hành động mà con cho là “vụn vặt”, nhiều năm sau, con vẫn cảm nhận được ý nghĩa lớn lao!

Đỗ Thái
Nguồn: Tạp chí Sức Khỏe

Bệnh viện Hạnh Phúc