Hồng Ánh là diễn viên nổi tiếng trong làng điện ảnh nhưng lại là tay ngang trong lĩnh vực kinh doanh, sản xuất phim. Với chị, trong cuộc chơi nhiều thử thách này, được làm phim và làm việc với những người cùng chí hướng quan trọng hơn mục đích kinh doanh. Đó cũng là lý do Hồng Ánh thay đổi chiến lược của Công ty Blue Productions do chị quản lý và điều hành, từ việc đầu tư những dự án lớn có rủi ro cao sang những dự án nhỏ dễ thành công, nhằm giúp công ty duy trì sự phát triển ổn định cho những dự án lớn trong tương lai.

DN627_Antrua021015_Hong-Anh

Đang thành công với vai trò diễn viên điện ảnh, lại là gương mặt ăn khách tại sân khấu kịch IDECAF, tại sao chị lại đến với việc kinh doanh, sản xuất phim vốn được coi là khá “nặng nhọc” với phụ nữ?

Tôi tham gia điện ảnh từ năm 1995, đến nay đã 20 năm. Những diễn viên thuộc thế hệ của tôi không còn mấy người trụ lại với nghề, nhưng với tôi, điện ảnh là niềm say mê lớn nhất, cho nên, để không đứng ngoài cuộc chơi điện ảnh hiện đại, tôi bắt đầu học hỏi, mày mò để chuyển sang điều hành việc sản xuất phim. Tôi làm tất cả những gì liên quan như làm phim giới thiệu cho các công ty, làm chương trình truyền hình, làm phim điện ảnh… để thấy mình vẫn gắn bó với nghề, bên cạnh vai trò diễn viên. Công việc này cũng cho tôi cơ hội để hỗ trợ các bạn trẻ và học hỏi từ chính họ.

Kinh doanh trong lĩnh vực điện ảnh tại Việt Nam có độ rủi ro khá lớn. Khi bắt đầu mở công ty, chắc hẳn chị cũng đã tích lũy được ít nhiều kinh nghiệm quản lý và kinh doanh?

Tôi hoàn toàn không có kinh nghiệm kinh doanh nên khi mở công ty, tôi chỉ bắt đầu từ quy mô nhỏ với tám nhân viên. Mục tiêu của tôi là miễn sao công ty đáp ứng được hai việc: một là công việc tôi yêu thích, hai là tạo ra công ăn việc làm cho nhân viên. Tuy điều đó cũng hạn chế công ty phát triển quy mô lớn hơn nhưng tôi vẫn kiên trì với cách làm này, giống như kiểu làm bánh trung thu truyền thống. Mặc dù có nhiều ông lớn trên thị trường nhưng những cơ sở làm bánh trung thu thủ công vẫn có khách hàng. Có thể với quy mô nhỏ, công ty tôi sẽ khó có lượng khách hàng lớn và lợi nhuận không cao nhưng tôi tin, tôi sẽ giữ chân được khách hàng vì dịch vụ và sản phẩm chất lượng.

Có vẻ chị khá cầu toàn với các sản phẩm công ty mình làm ra, giống như cách chị đã hoàn thành những vai diễn để đời trong Đời cát, Trăng nơi đáy giếng… từng giúp chị đoạt những giải thưởng lớn?

Nhiều công ty một năm có thể ra hai đến ba phim, riêng tôi đặt mục tiêu ba năm sẽ làm một bộ phim do công ty mình đầu tư, sản xuất. Phải là một tác phẩm tôi thật sự thích và tâm đắc, từ kịch bản đến ê-kíp thực hiện. Nhiều người bảo mục tiêu này quá lâu với những người làm kinh doanh. Nói thật, tôi không chú trọng đến số lượng, tôi cũng không thích phát triển công ty theo kiểu ồn ào và khuếch trương. Với tôi, đã đam mê là phải làm đến nơi đến chốn, còn để nuôi công ty, tôi sẵn sàng “cày” cật lực để tích lũy vốn liếng dần dần.

Từ một người làm nghệ thuật chuyển sang vai trò làm chủ mà chưa hề có kinh nghiệm quản lý, ắt hẳn chị đối diện với không ít khó khăn?

Khi làm diễn viên, nói thật tôi khá thảnh thơi và nhàn hạ. Bây giờ, cứ sáng mở mắt ra là tôi phải lo nghĩ rất nhiều thứ, từ việc quản lý con người, tạo công ăn việc làm cho họ cũng như tìm kiếm khách hàng để có nguồn thu cho công ty… Cũng may là “thuyền nhỏ” nên áp lực cũng không quá lớn. Khó khăn lớn nhất của tôi là việc cân bằng giữa tính nghệ sĩ và việc kinh doanh. Hầu hết các quyết định của tôi thiên về cảm tính. Điều này rất nguy hiểm khi phải đối diện với những con số, sự tính toán, thậm chí là những chiêu trò trong kinh doanh. Trong khi đa số công ty tư nhân thường rất rạch ròi với nhân viên, tôi hơi nghệ sĩ trong việc tuyển dụng và thoáng trong quản lý nhân viên. Tôi thường chọn những người không quá tài năng nhưng phải có tâm với nghề để đào tạo, vì tôi tin, cái tâm sẽ giúp người ta hoàn thiện. Tuy nhiên, cách quản lý thoáng, chỉ dựa trên sản phẩm chứ không ràng buộc thời gian của tôi thường khiến họ trở nên trì trệ hơn. Trong những dự án kinh doanh cũng vậy, tôi thường không theo xu hướng thị trường mà chọn những dự án mình thật sự thích, bởi vậy, có những dự án tôi đặt hết tâm huyết nhưng lại không thành công…

Khó khăn lớn nhất của tôi là việc cân bằng giữa tính nghệ sĩ và việc kinh doanh. Tôi thường không theo xu hướng thị trường mà chọn những dự án mình thật sự thích, bởi vậy, có những dự án tôi đặt hết tâm huyết nhưng lại không thành công…

Dự án mà chị nhắc đến có phải là Đường đua, bộ phim điện ảnh được đầu tư lớn nhưng doanh thu phòng vé lại không cao? Chị có hối tiếc khi bỏ ra quá nhiều nhưng kết quả không như mình mong đợi?

Đường đua là dự án đầu tiên do Blue Productions bỏ tiền đầu tư và sản xuất với dàn ê-kíp trẻ, từ đạo diễn đến các diễn viên. Đây là cũng là dự án đầu tay của tôi trong vai trò nhà sản xuất nên tôi muốn thể nghiệm và tận dụng tối đa sự mới mẻ và sáng tạo của những người trẻ. Mặc dù số tiền đầu tư lên đến 10 tỉ đồng và đặt nhiều kỳ vọng, tôi cũng chuẩn bị sẵn tâm lý để nếu thất bại vẫn chấp nhận dễ dàng. Kết quả, phim không đạt doanh thu, việc mất tiền là rõ ràng rồi nhưng cái được với tôi rất nhiều. Tôi nghĩ bộ phim đã ghi dấu trong lòng khán giả về sự dấn thân, sự sáng tạo của những người trẻ… và trở thành một ví dụ điển hình cho dòng phim thoát khỏi lối mòn. Bên cạnh đó, tôi học được rất nhiều từ việc xác định nhu cầu thị trường, thực hiện khâu sản xuất. Thay vì bỏ tiền đi học, bỏ tiền làm phim rồi tự học cũng là một cách hay, dù rằng cái giá phải trả cũng hơi… đắt.

Sau thất bại của Đường đua, tôi nghĩ mình phải tìm một hướng đi khác: chọn những dự án nhỏ, vừa sức mình, dễ mang lại thành công, khi thất bại cũng dễ kham. Việc phát hành phim tài liệu Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng là một minh chứng.

Thay vì bỏ tiền đi học, bỏ tiền làm phim rồi tự học cũng là một cách hay, dù rằng cái giá phải trả cũng hơi… đắt.

Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng không chỉ thành công về mặt doanh thu mà còn góp phần thay đổi cách nhìn về hiệu ứng của phim tài liệu đối với xã hội, cũng như góp phần thay đổi cái nhìn của cộng đồng về thân phận của những người đồng tính. Chị đã nhìn thấy trước sự thành công của phim khi đầu tư hay chỉ là ăn may?

Việc lựa chọn Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng để phát hành có sự cảm tính và có cả yếu tố thị trường. Đề tài đồng tính hiện đang là đề tài hút khách, hơn nữa, bộ phim này thật sự gây xúc động cho tôi. Tôi tin bộ phim này sẽ lấy được sự đồng cảm của khán giả. Con số 35.000 vé bán ra và những hiệu ứng tốt về mặt truyền thông đã chứng minh điều đó. Quan trọng hơn cả, thành công của phim đã giúp các đạo diễn trẻ làm phim độc lập có thêm niềm tin với nghề, với những gì mà các bạn đang theo đuổi.

Hiện nay, phim thị trường đang chiếm lĩnh phòng vé nhưng bị đánh giá là dễ dãi và thiếu tính định hướng. Với một người coi trọng giá trị tinh thần và cầu toàn trong nghệ thuật như chị, chị đánh giá thế nào về hiện tượng này?

Tôi đánh giá cao những người kinh doanh điện ảnh thành công dù họ có làm phim gì đi nữa. Với tôi, thu hút được khách tới rạp là rất giỏi rồi. Thật ra, sự phát triển và thoái trào của phim thị trường là điều bình thường vì lịch sử điện ảnh Việt Nam cũng từng có những giai đoạn phát triển như vậy. Thời làm phim mì ăn liền, cứ một tuần, một nhà sản xuất có thể ra liền một bộ phim, dù công nghệ khác xa hiện nay. Cũng theo quy luật này, khi công chúng đã quá “no” với dòng phim thị trường dễ dãi, người ta sẽ tự “ngán” và quay về với những giá trị thật. Ai khôn ngoan, tận dụng được xu hướng thị trường thì người đó sẽ tồn tại. Tôi nghĩ điều quan trọng của người nghệ sĩ là chỉ cần đưa vào phim một chút giá trị chân-thiện-mỹ và nâng cao dần lên để định hướng cho khán giả. Nếu làm được điều đó, dù làm phim thị trường hay bất kỳ thể loại nào thì cũng đáng trân trọng và ghi nhận. Đừng làm hoài một thể loại mà không cải tiến, thiếu tính sáng tạo… khán giả lại chán rồi quay về với phim giải trí thôi.

Tôi không đồng ý với quan điểm những người làm nghệ thuật thường chỉ trích những người làm kinh doanh. Không phải đạo diễn cứ làm phim nặng tính triết lý, giáo dục rồi cho ra rạp, khán giả sẽ vui vẻ bỏ tiền mua vé đến xem. Khán giả cần có bước chuẩn bị trước khi đến với các tác phẩm nghệ thuật. Dù là thể loại nào, có tính giáo dục, triết lý hay không, phim phải hấp dẫn trước đã. Làm kinh doanh trăm hoa đua nở, phải hiểu thị hiếu của số đông khán giả thì mới thắng được. Nhu cầu thị trường sẽ điều chỉnh để điện ảnh tìm được xu hướng phát triển phù hợp.

Với kinh nghiệm lâu năm trong nghề diễn và kinh nghiệm của một nhà kinh doanh phim ảnh, chị có chuẩn mực riêng nào để đánh giá sự thành công của một bộ phim điện ảnh hiện nay?

Rất khó để có một chuẩn mực cho các tác phẩm nghệ thuật, với điện ảnh cũng vậy. Khán giả bình dân thích những bộ phim giải trí nhẹ nhàng, trong khi các nhà phê bình chú trọng đến kịch bản hay, yếu tố nghệ thuật, tính định hướng. Dựa vào các bộ phim thắng lớn hiện nay, những người kinh doanh phim chúng tôi có công thức cho sự thành công, chẳng hạn “nhất hài, nhì ma, thứ ba là gái đẹp”. Tôi vẫn tin một tác phẩm giải trí có sự đầu tư nội dung, có cảnh quay đẹp, mang đến tiếng cười giải trí nhẹ nhàng thì sẽ thành công.

Thế nhưng về mặt chuyên môn, người có sở trường làm thể loại này thì lại không làm tốt thể loại khác. Người làm tốt phim hài chưa chắc đã làm được các phim giàu tính nghệ thuật. Thế nên, chúng ta cần những nhà làm phim dũng cảm để làm những phim độc lập mang tính thể nghiệm, tính định hướng… Tuy nhiên, thể loại này rất khó kêu gọi đầu tư vì tính rủi ro rất cao. Đây cũng là một trong những rào cản lớn cho những đạo diễn và những nhà làm phim hiện nay.

Có phải vì thế mà chị dành khá nhiều thời gian và tâm huyết trong việc hỗ trợ cho các đạo diễn trẻ? Gần đây, chị tham gia nhiều liên hoan phim quốc tế trong vai trò người dẫn dắt các đạo diễn trẻ giới thiệu phim của họ.

Cũng là một nghệ sĩ, lại có kinh nghiệm hơn, tôi xem việc đào tạo và hỗ trợ các đạo diễn trẻ là trách nhiệm với xã hội và với thế hệ trẻ. Do đó, Blue Productions sẵn sàng đầu tư và hỗ trợ các đạo diễn trẻ khi nhận thấy họ có tiềm năng và đam mê, đặc biệt là những dự án cộng đồng, môi trường. Nói chung, ngoài nghề diễn và kinh doanh, tôi mất nhiều thời gian và năng lượng cho hoạt động cộng đồng. Hiện nay, tôi là giám khảo trong hội đồng duyệt phim của Quỹ hỗ trợ văn hóa Đan Mạch, tôi cũng là đối tác của tiệc phim YxineFF về thủ tục hành chính và kêu gọi tài trợ, tôi cũng khởi động và tài trợ dự án để các bạn trẻ làm phim về đề tài giao thông, rồi phát hành phim dịch vụ, phim tài liệu, phim độc lập của các đạo diễn trẻ… Tôi nghĩ, nếu chưa đủ lực để làm những dự án lớn, mình có thể bắt đầu từ những việc nhỏ, như giúp vốn, thiết bị, mối quan hệ… cho các đạo diễn trẻ khi cần. Những thứ đó tuy nhỏ nhưng sẽ là động lực để các bạn có niềm tin trụ với nghề và tiếp tục sáng tạo.

Người ta nói người làm nghệ thuật rất cô đơn, nhất là những đạo diễn làm phim độc lập, thể loại vốn dĩ kén người xem và cả nhà đầu tư. Theo chị, làm thế nào để họ có thể kiên trì đến cùng để trụ lại với nghề này?

Phim ảnh là nơi để thể hiện cá tính của người làm ra nó và tôi nghĩ cũng như diễn viên, đạo diễn trẻ cần đất diễn để được thể hiện và thể nghiệm. Nếu đã tìm được thế mạnh của mình, phải tìm hiểu thật sâu sắc để làm đến nơi đến chốn. Điều quan trọng nhất, dù có bị cuốn theo áp lực kinh tế và phải làm lan man nhiều thể loại khác nhau thì cũng phải ấp ủ mơước và quyết liệt thực hiện đến cùng. Việc giữ được cá tính, màu sắc riêng là điều quan trọng nhất đối với các nghệ sĩ.

Với phim độc lập, thể loại này rất dễ đứt gánh giữa đường vì các đạo diễn trẻ thường bỏ cuộc khi không vượt qua được áp lực kinh tế, do đó, người nghệ sĩ phải tự hoạch định những cột mốc cho bản thân để có thể hoàn thành. Đôi lúc, nên sống thiếu thực tế một chút và biết mơ mộng. Vốn dĩ nghệ sĩ khác biệt so với những người bình thường. Tôi tin rằng, cứ mơ mộng chính đáng rồi họ sẽ làm được những bộ phim thật sự cho chính mình.

Nhiều phụ nữở lứa tuổi chị chọn cách sống an nhàn, hoặc lui về hậu trường để chăm lo cho gia đình, hoặc kinh doanh mỹ phẩm, thời trang… vốn là thế mạnh của phụ nữ. Có vẻ chị đi ngược với xu hướng này?

Khi còn nhỏ, tính tôi vốn hiếu động và không thích ngồi yên một chỗ. Bây giờ cũng vậy, sống an nhàn là tôi không chịu được. Tôi thích cảm giác được lang bạt khắp nơi cùng đoàn làm phim, có thể mệt về thể xác nhưng đời sống tinh thần phong phú. Đối với tôi, bận rộn là một niềm vui, nhất là khi được làm công việc mình thích.

Lúc sản xuất phim Đường đua, tuy danh nghĩa là Giám đốc công ty nhưng tôi kiêm luôn cả công việc của Phó đạo diễn, Biên tập… Giờ giấc quay phim của đoàn khá khắc nghiệt, có những cảnh quay trong rừng, chúng tôi thường bắt đầu lúc bốn giờ sáng và chỉ được nghỉ lúc ăn trưa. Thế nhưng tôi hầu như phải làm việc suốt để xem lại các khâu chuẩn bị, giao việc cho nhân viên, chu toàn việc hậu cần và ăn uống cho anh em trong đoàn. Có những ngày, tôi chỉ ngủ được hai tiếng đồng hồ, thậm chí không có thời gian quan tâm đến nhan sắc. Nói thật, nghề này bào sức và bào nhan sắc ghê gớm, nhưng vì yêu, cực thế nào tôi cũng chịu được.

Phụ nữ giỏi việc xã hội thì việc gia đình thường khó chu toàn. Với Hồng Ánh thì sao?

Tôi cố gắng cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc. Nói thật, tôi thấy mình may mắn vì được gia đình ủng hộ và tạo mọi điều kiện để tôi được sống hết mình với đam mê điện ảnh, thế nên, buông công việc ra là tôi muốn dành hết thời gian cho họ. Trừ những lúc đi diễn kịch, đi quay phim, tôi thường cùng chồng nấu ăn, đọc sách, có khi chúng tôi lái xe về Trà Vinh thăm ông bà. Nhà tôi có quy định, dù bận rộn cỡ nào, bữa cơm chiều tất cả các thành viên phải có mặt. Đó là cách chúng tôi gắn kết hơn với nhau. Những ngày cuối tuần, tôi thường nấu những món ngon cho cả nhà. Tôi có sở trường đặc biệt với các món ăn miền Tây như canh chua, cá kho, gỏi… Gần đây, tôi đang thay đổi thực đơn hằng ngày sang những món chay hoặc các món ăn có nhiều rau xanh. Tôi nghĩ đó cũng là cách để mình khỏe mạnh hơn và góp phần bảo vệ môi trường.

Facebook của chị thường cập nhật thông tin và hình ảnh các điểm du lịch và nhiều sách hay. Chắc đây cũng là hai sở thích lớn của chị?

Ngoài điện ảnh, ước mơ của tôi là có sức khỏe và làm có tiền để đi… du lịch. Tôi không có ý tưởng làm nhiều để tích lũy nhiều tiền. Còn thói quen đọc sách đã có từ khi tôi còn nhỏ xíu, khi đó ba tôi làm ở bưu điện. Thời đó, bưu điện là nơi phát hành, ký gửi sách báo nên tôi có cơ hội tiếp xúc với sách báo từ sớm. Khi biết đọc, tôi say sưa sách tiểu thuyết, văn học nhưĐất vỡ hoang, Thép đã tôi thế đấy… Tôi nghĩ chính sách đã nuôi dưỡng tâm hồn và trí trưởng tượng của tôi để tôi có thể thành công trong lĩnh vực phim ảnh như hiện nay. Bây giờ, có thể do tuổi tác, tôi thích vừa đọc sách, vừa nghiền ngẫm như là một thói quen khó bỏ mỗi buổi tối.

Ngoài điện ảnh, ước mơ của tôi là có sức khỏe và làm có tiền để đi… du lịch. Tôi không có ý tưởng làm nhiều để tích lũy nhiều tiền.

Chị có thể chia sẻ một chút về kế hoạch của chị trong thời gian tới?

Tôi đặt mục tiêu cứ ba năm làm một bộ phim và một vở kịch trên sân khấu. Đầu tư phim ảnh mất thời gian nhất ở khâu tìm kịch bản, xây dựng ê-kíp và tìm nhà đầu tư, còn việc sản xuất và làm hậu kỳ thật ra có thể chủ động được. Điện ảnh Việt Nam đang thiếu những người tài, do đó, đối tác của tôi vẫn là ẩn số.

Tôi cũng đang ấp ủ dự án về giáo dục cho các bạn nhỏ về nghệ thuật, kỹ năng sống… Tôi nghĩ, với thế mạnh về nghề diễn và kinh nghiệm làm phim, tôi có thể đảm nhận về nội dung và chương trình học, về mặt kinh doanh, tôi nghĩ cần một đối tác có kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch kinh doanh bài bản.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Theo Bích Tuyền
Tranh Hoàng Tường / DNSGCT

Bệnh viện Hạnh Phúc