Lang thang thưởng ngoạn Trung Thanh, tôi cứ băn khoăn: Chuyện đơn giản thế này sao lâu nay mình không nghĩ ra? Thiên hạ gọi là “làng bích họa Tam Thanh” nhưng tôi thích gọi dân dã là làng tranh tường Tam Thanh. Tam Thanh là xã, thuộc TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam và Trung Thanh là một trong 7 thôn của xã này.
Trung Thanh là thôn gần như còn giữ nguyên vẹn nét đẹp làng nghề chài truyền thống qua kiến trúc và văn hóa bản địa. Đa phần các ngôi nhà trong thôn là cấp 4, đất hẹp nên nho nhỏ xinh xinh. Tường rào thường bằng trụ xi-măng. Xã chạy dài ven đường Thanh Niên hiện hữu, sau lưng là sông Trường Giang và vuông tôm, ruộng lúa; trước mặt là biển Đông mênh mông và cát trắng trải dài. Biển đẹp đến sững sờ. Ghe nhỏ và thuyền thúng tụ tập dọc bãi biển nghỉ ngơi sau những ngay lam lũ. Cảnh trí chân quê mộc mạc như con người xứ Quảng.
Tranh tường ở làng Trung Thanh Ảnh: Bình Phương
Tam Thanh sống chủ yếu nhờ biển – nghề của cánh đàn ông con trai. Số ít hơn làm vuông tôm và trồng lúa nhưng đất khô cằn nên thu nhập chẳng được bao nhiêu. Riêng Trung Thanh không có diện tích đất nông nghiệp. Đi ngang Tam Thanh, ai cũng khen biển đẹp nhưng chỉ lướt qua chứ không xuống tắm. Riêng Trung Thanh bây giờ lột xác, thay đổi đến kinh ngạc.
Trung Thanh đổi đời nhờ dự án giao lưu Mỹ thuật Cộng đồng Việt – Hàn do UBND TP Tam Kỳ và Quỹ Giao lưu quốc tế Hàn Quốc hợp tác. Công trình do Lee Gang-jun làm đạo diễn, Công ty Sơn Noroo Việt Nam tài trợ. Đoàn gồm 5 họa sĩ đến từ xứ sở kim chi cùng 20 tình nguyện viên tỉnh Gyeongbuk, Khoa Tiếng Hàn Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng và CLB Mỹ thuật Tam Kỳ. Một số dân quân và bà con cũng tự nguyện tham gia hỗ trợ. Sau 3 tuần lao động cật lực (từ ngày 7 đến 28-6-2016), dồn hết tâm huyết và tình cảm, những “phù thủy của nghệ thuật đường phố” Việt – Hàn đã đổi đời cho Trung Thanh. Làng quê nghèo như nàng lọ lem phút chốc thành mỹ nữ lịch lãm, dập dìu “tài tử giai nhân” đến làm quen, kết bạn. Du khách lúc nào cũng nhộn nhịp. Vào dịp cuối tuần là đông như trẩy hội.
Làng quê vẫn bình dị, đàn ông và trai làng vẫn chài lưới đánh cá. Phụ nữ và trẻ em, trước chỉ quanh quẩn bếp núc, giờ có thêm nghề phụ như giữ xe, bán chè, bán đồ lưu niệm, đồ ăn thức uống, cho thuê nón… Gọi là nghề phụ nhưng lại thu nhập chính. Tính sơ sơ cũng hơn trăm người tham gia các dịch vụ phục vụ du lịch. Cả thôn Trung Thanh có gần 190 nhà nhưng chỉ mới hơn 100 căn được sơn mới và 70 căn có tranh vẽ. Cái hồn của các họa sĩ và người thể hiện được truyền qua màu sơn chân chất và nét vẽ sáng tạo. Tùy vị trí và kiến trúc căn nhà, nghề nghiệp của chủ nhân đến các thành phần gia đình mà có màu và tranh phù hợp, đẹp long lanh.
Từ những nét vẽ chân dung người thợ may, thợ hớt tóc, nữ sinh, thôn nữ, lũ trẻ nô đùa, chơi banh, thuyền kéo lưới, cập bến đến tiệm tạp hóa, gánh hàng xén và các tĩnh vật như hoa lá cây cảnh, gia súc, chim muông; đặc biệt là các loại hải sản… Tất cả đều cực kỳ sống động và gần gũi. Du khách, dù lần đầu mới đến cũng được thân mật và niềm nở chào đón. Ai cũng mãn nhãn và được sống lại thời tuổi thơ dân dã, dù chỉ nghe qua chuyện kể của cha mẹ hoặc ông bà. Điều ngạc nhiên là cả thôn mở cửa đón khách. Nhà nào cũng vậy. Bất kể sáng, trưa, chiều, tối hay đang bữa ăn. Khách cứ tự nhiên vào ngắm nghía và chụp hình thoải mái mà không sợ phiền hà.
Thú vị nhất là đến Trung Thanh vào sáng sớm hoặc chiều tà. Đón bình minh và đợi hoàng hôn càng lý tưởng. Trung Thanh chưa có dịch vụ lưu trú. Có thể ngủ nhà dân, cắm trại qua đêm, tắm rửa và vệ sinh phải nhờ dân giúp. Tôi ao ước giữ nguyên được hiện trạng Trung Thanh. Điểm xuyết thêm mấy trò chơi dân dã như “nhảy lò cò”, “ô ăn quan”, “banh thẻ”, “tay không tay có”, “bịt mắt bắt dê”, “cướp cờ”, “rồng rắn lên mây”… để du khách được trải nghiệm, trở về với tuổi thơ ngày xưa đúng nghĩa thì tuyệt biết mấy. Hơn bao giờ hết, chính quyền phải cùng người dân giữ được kỷ cương để hồn xưa bền vững.
Tôi thích lang thang giữa đêm trăng, nghe từng bức tranh độc thoại kể chuyện làng, chuyện nước, chuyện những năm tháng vất vả dựng xóm và giữ đất. Ngõ hẹp lênh láng trăng và bồng bềnh sóng biển rì rào xa vắng. Lữ khách chơi vơi hư thực giữa gió đêm quấn quýt, nồng nàn như tình người xứ Quảng. Tôi ghen tị với các ngư dân và tham lam muốn ôm cả Trung Thanh về Sài Gòn.