Bài thơ của Thiếu úy công an Đậu Thị Huyền Trâm viết trước khi từ giã thế giới này để lại nỗi xúc động khôn nguôi trong lòng người đọc.

Chắc Trâm không nghĩ mình làm thơ. Chị chỉ ghi lại những dòng nhắn gửi chắt từ trái tim và nước mắt dặn lại người chồng thân yêu, con gái mới 15 ngày tuổi và gia đình, bè bạn. Đọc thơ của Trâm tôi nhớ đến câu nói của một nhà thơ Ba Lan: “Phần lớn các loài chim chỉ hót hay nhất vào mùa sinh nở. Riêng loài thiên nga chỉ hót hay vào lúc biết mình sắp chết”.

Và Huyền Trâm, con thiên nga ấy đã về trời!

Mở đầu bài thơ, sau tiếng gọi “Anh”, người vợ, người mẹ trẻ viết: “15 ngày được làm mẹ/Hạnh phúc mỏng manh nhưng ấm áp vô ngần”. Hạnh phúc của người mẹ sinh con, niềm hạnh phúc đầm đìa ấy, Trâm bảo rằng sao nó mỏng manh đến thế, nhưng vô cùng ấm áp! Hẳn người mẹ ấy đã đếm từng đêm, từng ban mai của bé Gấu yêu thương. Thương con quá mà em không sao làm được nữa, em dặn anh mấy việc nhỏ này: “Thay lót cho con, anh nhẹ nhàng thôi nhé/Và nhớ trở mình cho con ngủ được ngon/Cái mũ len em đan xong chưa giặt/Nhớ giặt rồi hẵng mặc vào con”. Người mẹ không may mắc bệnh hiểm nghèo, quyết không dùng thuốc, để đứa con ra đời khỏe mạnh. Chị đã đan tấm áo ấy vào lúc nào? Có thể giữa những cơn đau đớn. Có thể lúc đêm khuya khi thức giấc… Vừa đan vừa thầm nói với con gái yêu về ngày mai khi mẹ không còn bên con, để nâng con như nâng trứng, trở mình cho con được ngủ ngon.

den gio roi em di anh nhe

Các cụ xưa thường mong khi sinh con thì “mẹ tròn, con vuông”. Bây giờ bé Gấu đã trong vòng tay yêu thương của cha, của cả nhà thì mẹ đã hóa thân vào cây cỏ, trăng sao: “Đến giờ rồi em đi anh nhé/Muốn ôm anh nhưng không thể được nữa rồi”. Không ôm được anh trong vòng tay cuộn siết, nhưng linh hồn chị đã hòa vào anh. Chị mong anh gắng vượt lên, làm hộ chị những việc nhỏ vì con gái yêu: “Trưa làm về qua chợ mua đồ ăn/Bỏ vào tủ, chia làm các túi nhỏ/Để đủ ăn các bữa trong tuần/Thời gian còn anh để lại cho con”. Những lời dặn của một bộ óc tỉnh táo, một trái tin nhân hậu. Ta như đọc nơi ánh mắt của một người vợ đảm đang, chu đáo trước khi đi đâu đó mấy hôm. Nhưng càng đọc, càng suy ngẫm càng rưng rưng, thấm thía! Tại sao phải chia ra các túi nhỏ, là vì để đủ cho cả các bữa trong tuần. Vì anh cũng bận nhiều công việc. Vì đồng lương công chức chúng mình mỏng tang, anh biết xoay sở ra sao?! Và rồi chị dặn, dù bận tới đâu vẫn cố dành thời gian còn lại cho con.

Dặn con rồi dặn chồng. Trâm dặn, mùa xuân qua, mùa hè đến, thu sang… Anh không thể một mình đứng vậy. Ở những thời khắc đau đớn nhất về thể xác, tinh thần, ta bỗng thấy người thơ nhân hậu và minh triết lạ lùng: “Hãy tìm cho mình một bến đỗ/Em không trách, hờn giận anh gì cả/Để có người chăm sóc Gấu cùng anh”. Không trách, không hờn, chính là chị đặt niềm tin nơi anh. Khi anh tục huyền, sẽ có người mẹ thay em chăm sóc con của chúng ta. Ở thế giới bên kia em sẽ được nghe những lời ru của người mẹ ấy. Em tin anh, tin người bạn mới làm điểm tựa cho anh những mùa sau. Đến đây Huyền Trâm của anh đã thấy con tim mách bảo những điều kỳ diệu. Trâm thấy rằng thời gian nhanh quá, khắc nghiệt quá, gấp gáp quá. Chị dặn chồng lời cuối “biệt li” và : “Phương trời xa, em luôn dõi theo anh”.

Trâm đã lặng lẽ vào cõi mộng!

Đọc thơ chị, nhiều người không cầm được nước mắt. Một nhà văn gọi điện cho tôi bảo: “Đọc bài thơ của Thiếu úy Huyền Trâm trên báo Công an nhân dân và PetroTimes, tôi đã khóc. Trâm không phải nhà thơ, nhưng bài thơ này của chị có lẽ nên xếp vào hàng những bài thơ tình hay nhất. Cụ thể hơn là những bài thơ rất hiếm hoi của người vợ trước lúc mất viết cho chồng!”.

Nghe anh nói tôi nhớ đến những bài thơ Núi Đôi của Vũ Cao, Quê hương của Giang Nam, Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Giấc ngủ của nàng tiên dũng sĩ của Dương Hương Ly, và nhiều bài thơ khác. Nhưng đó đều là những bài thơ chia li mất mát của những người trai tiễn người yêu, người vợ… Còn đây là Huyền Trâm tác giả, Huyền Trâm người vợ, Huyền Trâm người ra đi!

Nữ sĩ Xuân Quỳnh có một linh tính về một điều chẳng lành một mai nào đó. Và chị viết trong bài thơ Tự hát: “Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em /Là máu thịt, đời thường ai chẳng có /Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa /Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi”. Không thể nói điều gì hay hơn về tình yêu sắt son, chung thủy. Bài thơ của Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm lay động trái tim chúng ta bằng chính những điều máu thịt ấy!

Đêm 4-8-2016

Nguồn: Nhà thơ Hải Đường/ Petrotimes.vn 

Bệnh viện Hạnh Phúc