Tôi tin rằng trẻ em nếu được tiếp xúc với sách văn học từ bé, thấm những giá trị của lòng cao thượng, sự cảm thông, tinh thần trách nhiệm thì nhiều khả năng lớn lên các em  sẽ chọn cách hành xử nhân văn, biết quý trọng bản thân và ít làm tổn thương người khác. Tôi nói văn chương ở đây là muốn đề cập đến các tác phẩm văn học đích thực, những tác phẩm kinh điển hàm chứa giá trị tinh thần quý giá chứ không phải bất cứ cuốn sách nào được dán nhãn “sách văn học” mà chúng ta thấy trên thị trường hiện nay.   

Tôi đọc tác phẩm Không gia đình của văn hào người Pháp Hector Malot lần đầu tiên trước khi 10 tuổi. Tôi còn nhớ khi ấy, tôi mượn cuốn sách đó từ một người bạn cùng làng, tôi đã đọc nó ngấu nghiến trong kỳ nghỉ hè và tôi đã khóc một cách rất hồn nhiên. Khi ấy, tôi chưa có đủ khả năng trí tuệ để hiểu hết ý nghĩa của từng câu văn nhưng tôi cảm nhận được những gì cuốn sách muốn nói với mình. Tôi thấy nhân vật chính còn nhỏ quá mà phải sống nay đây mai đó, không có được sự chăm sóc của cha mẹ, luôn khao khát vòng tay yêu thương của người ruột thịt. Ngay lúc bấy giờ tôi đã nhận thức được rằng thật hạnh phúc khi mình được nuôi dưỡng trong tình thương yêu của cha mẹ. Tôi biết yêu gia đình một cách có ý thức từ đó.   
Những tác phẩm kinh điển trong kho tàng văn học thế giới là những  người thầy của bạn đọc, những người thầy không cần dùng đến sức  mạnh của cây roi hay kỷ luật khắt khe mà vẫn có thể truyền cho trẻ thơ  bài học làm người sâu sắc. Những  truyện cổ tích nổi tiếng như Nghìn lẻ một đêm, truyện cổ của Andersen, truyện cổ Grimm, truyện ngụ ngôn E-dốp, các tác  phẩm tiểu thuyết Pipi tất dài, Những tấm lòng cao cả, Cuộc phiêu lưu của Tom Saywer, Đảo giấu vàng, Oliver Twist… không chỉ kích thích trí tưởng tượng mà còn giúp gieo những hạt giống quý báu về tình yêu thương dành cho con người, cho cuộc đời trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc nhỏ tuổi. Nhiều trẻ em thông qua những câu chuyện trong các cuốn sách văn học kinh điển đã sớm biết khái niệm về thiện – ác, ngay từ nhỏ đã hiểu được rằng hạnh phúc và thành công không tự nhiên đến mà là kết quả của cách sống hướng thiện, tinh thần lao động cần cù và ý chí vươn lên không ngừng. Những câu chuyện xúc động trong các tác phẩm văn học cũng giúp tâm hồn trẻ thơ hình thành bao ước mơ và khát vọng cao đẹp. Không ít nhân vật xuất sắc gầy dựng sự nghiệp thành công rực rỡ và có nhân cách được cả  thế giới ngưỡng mộ là những người có  thói quen đọc sách, nhất là sách văn học, từ khi còn nhỏ.   
Thomas Edison, người đã phát minh ra bóng đèn điện, khi còn nhỏ rất thích đọc sách, thường đọc tạp chí khoa học và tiểu thuyết văn học. Nhà văn Ernet Hemingway, người được trao giải Nobel năm 1954, có một tuổi thơ gắn với những chuyến phiêu lưu và khám phá thú vị qua các tác phẩm có sẵn trong thư viện của gia đình: Trước khi bước  vào tuổi trưởng thành, Hemingway đã đọc rất nhiều tác phẩm văn học kinh điển, từ các tác phẩm của William Shakespeare, Charlie Dickens đến tác phẩm của William Makepeace Thackeray, Walter Scott… Tỉ phú Bill Gates, người sáng lập ra hãng phần  mềm Microsoft, ham đọc sách từ nhỏ và khi ở đỉnh cao của thành công, ông vẫn giữ thói quen này. Hằng năm, qua báo  chí, ông chia sẻ với mọi người tên những cuốn sách hay mà mình đã đọc, trong  đó có nhiều cuốn sách văn học.   
Rất tiếc trong những năm gần đây, ở nước ta hệ thống giáo dục cũng như các bậc phụ huynh có xu hướng chú trọng đến việc nhồi nhét kiến thức cho trẻ em hơn là tạo điều kiện để các em được sống tuổi thơ hồn nhiên, có cơ hội phát triển tâm hồn song song với phát triển trí tuệ. Việc “chạy” hết lớp học thêm này đến lớp học thêm khác cùng với vô số bài tập khiến các em bị thiếu  thốn cả thời gian nghỉ ngơi và việc  đọc một cuốn sách văn học trở thành điều xa xỉ đối với không ít em nhỏ. Nhiều vấn đề của tuổi học trò hiện nay, trong đó có tình trạng gia tăng bạo lực học đường, cho thấy những khiếm khuyết trong cách giáo dục thiên về nhồi nhét kiến thức ở nước ta.   
Trong môi trường xã hội của chúng ta hiện nay, giáo dục nhân cách cho con trẻ có khi đã trở thành một gánh nặng thực sự đối với gia đình và nhà trường. Một phần gánh nặng đó có thể được san sẻ nếu chúng ta tạo khuyến khích trẻ em tiếp xúc thường xuyên với các tác phẩm văn học. 
Nguyễn Bích Lan

 

Theo Báo Phụ Nữ Việt Nam 

Bệnh viện Hạnh Phúc