“Đệ nhất danh cầm” Nguyễn Phú Đẹ là người đã gần trọn cuộc đời đi theo tiếng chát, tiếng tom… để giữ “lửa” cho ca trù. 

Phải cất công về tận thôn Cao Lâu (Tứ Kỳ – Hải Dương) tôi mới gặp được huyền thoại ca trù Nguyễn Phú Đẹ (tên chữ là Đệ). Đến miền quê này, hỏi cụ Đẹ, không ai là không biết, bởi từ lâu cụ đã là niềm tự hào của miền quê ấy.

“Con nhà nòi”

Nhắc đến danh cầm Nguyễn Phú Đẹ là người ta nhớ ngay đến một trong những cây đại thụ có công gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng ca trù nước nhà. Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ở cụ vẫn có cái nhanh nhẹn và tinh anh đến lạ. Sinh năm 1923, gắn với ca trù từ khi còn là cậu bé lên 10. Bởi vậy, nói đến ca trù cụ cho rằng nó đã là cái duyên, cái nghiệp của cuộc đời mình.

May mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống đào đàn, mẹ là ca nương, cha cũng là một tay đàn có tiếng. Được tiếp xúc ngay từ những ngày tháng thơ bé như vậy nên ca trù như thể đã ăn vào máu thịt người nghệ nhân này. Bao giờ cũng vậy, có dịp nhắc lại những kỷ niệm xưa cũ, cụ lại rưng rưng. Bởi, thời của cụ là thời “hoàng kim” của ca trù một thuở.

 

Những ngón đàn của cụ Đẹ đã đạt đến độ tuyệt kỹ

Cụ bảo, ngày xưa ca trù là môn nghệ thuật được nhiều người yêu thích. Quê hương cụ cũng là một trong những cái nôi của ca trù. Những người tầm tuổi cụ hay được học, có khi không phải là sở thích nhưng do phong trào cũng dễ dàng “tung tẩy” một vài ngón nghề.

Bản thân cụ thì học ca trù từ khi còn rất nhỏ, 10 tuổi đã được cha dạy và 12 tuổi thì được học một cách bài bản. Cùng với anh trai của mình là Nguyễn Phú Đọ, cụ Đẹ đã được truyền dạy ngón đàn đáy dưới sự hướng dẫn trực tiếp của ông nội Nguyễn Phú Tằng và cha Nguyễn Phú Quỳnh.

Được tiếp xúc với ca trù ngay từ khi còn nhỏ, cụ Đẹ cũng coi đó là may mắn của mình. Cụ kể vui và nhớ nhất là khi được xem ông nội, cha và anh chị đàn hát. Tiếng đàn, tiếng phách réo rắt quện với tiếng hát nỉ non của những lối hát: Cửa đìnhhát Cô đầu, Tỳ bà hành, Hồng hồng tuyết tuyết… khiến cụ bị hút hồn, để rồi cứ đau đáu một nỗi niềm phải theo và giữa lấy nó.

Chặng đường theo đuổi nghiệp ca trù của cụ Đẹ không được liền mạch. Nên cứ nhắc đến ca trù là ông nhớ đến cái thời đau đớn và xót xa khi bị mất nghề. Đó là vào khoảng thời gian những năm 1945, khi giặc Pháp xâm lược, ca trù rút lui khỏi cuộc sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Cụ đã đau buồn mà xếp cây đàn đáy lại một chỗ. Khi nào buồn quá, nhớ quá thì đem đàn ra gảy. Cụ Đẹ bảo, cây đàn đáy như thể là một người bạn luôn được cụ nhớ đến những khi vui và cả lúc buồn. Mà theo cụ thì: Học đàn đáy không khó, nhưng để tiếng đàn có hồn thì đòi hỏi người đàn phải có niềm đam mê. Thậm trí, muốn đàn hay thì phải hiểu đàn như thể người thân của mình vậy.

Tưởng chừng như không bao giờ có thể cầm được đến cây đàn nữa, tưởng rằng ca trù sẽ chỉ còn nằm trong ký ức của… những người già. Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra, năm 1995 khi ca trù được nhà nước tìm lại với mong muốn khôi phục bộ môn nghệ thuật độc đáo này, nên những nghệ nhân “một thời” được tìm lại. Và thế là cụ Đẹ lại được cầm đàn phục vụ công chúng. Cụ bảo, ngày “gặp lại” đó sẽ là kỷ niệm mà cả cuộc đời cụ sẽ chẳng thể nào quên.

Đã đạt đến độ tuyệt kỹ

Giới chuyên môn và công chúng yêu ca trù phong ông là “Đệ nhất danh cầm”, bởi ở ông có những ngón đàn được công nhận là độc chiêu. Các ngón nhấn, chùn, rung, vấy, chụp… của đàn đáy, cụ Đẹ đã đạt đến độ tuyệt kỹ. Lối đàn “hàng huê” của cụ khiến cho nhiều ca nương phải “rung phách”.

Không những vậy, đến nay cụ Đẹ còn là người duy nhất có thể đeo đàn đứng hát trong nghi lễ hát ca trù Cửa đình, một lối hát được tổ chức vào những dịp lễ hội kỷ niệm ngày sinh, ngày hóa của các vị Thành Hoàng làng.

Gần trọn cuộc đời gắn chặt với tiếng tom, tiếng chát… thì tâm nguyện lớn nhất của cụ vẫn là lưu lại được tiếng đàn cho đời và truyền lại được cái “lửa” của ca trù cho thế hệ sau.

Đã nghĩ đến việc này từ rất lâu, cụ bảo thời của cụ không có những kỹ thuật hiện đại như bây giờ, nên để ghi lại những hình ảnh cũ là không có. Đến nay, có điều kiện hơn, cụ cũng chỉ biết toàn tâm toàn ý gửi vào những bản đàn, để sau này thế hệ sau có dịp xem lại. Nếu có muốn học thì cũng có thể dễ dàng hình dung được.

 

Cụ Đẹ biểu diễn cùng cụ Nguyễn Thị Chúc và học trò cưng Phạm Thị Huệ

Theo cụ thì, để tìm được những lứa học trò tâm huyết với nghề không phải là dễ. Khó là bởi ca trù đòi hỏi sự miệt mài, lòng say mê và năng khiếu đàn hát. Học ca trù phải học rất lâu, thậm chí phải học cả đời. Chính vì những cái khó như vậy nên phải có lòng kiên trì mới trụ vững. Như bản thân cụ dù gần 50 năm không được “hành nghề” nhưng cụ vẫn phải luyện đều. Cụ bảo, phải luôn răn mình rằng còn sống ngày nào còn phải cầm cây đàn, phải luyện, làm thế nào để tiếng đàn thật ngon, tròn vành, rõ tiếng… mới là được.

Nói vậy cụ lại chạnh lòng, cụ bảo giới trẻ bây giờ ít người thích những làn điệu này, cụ biết điều đó lắm lắm. Cụ không trách, bởi: “Tuổi trẻ mà, bắt bọn trẻ theo những ngón í a thế này cũng tội. Mà nữa là, khó sống được với ca trù lắm, chỉ có yêu thích là được thôi”.

Một điều an ủi rằng, từ khi ca trù được bảo tồn thì cụ cũng truyền dạy được cho nhiều học trò, trong đó có những học trò đã thành danh như Nguyễn Đình Hoằng, Phạm Thị Huệ. Theo cụ như thế đã là một niềm vui, cụ thấy mãn nguyện rồi. Theo cụ thì, nghệ nhân nào cũng đau đáu một điều là tìm được đệ tử chân truyền. Con cái cụ thì không ai theo, cụ cũng không bắt, nhưng có những trò đến tận nhà xin dạy, coi như là cũng được đáp đền.

Điều này nhắc tôi nhớ vào năm 2010, trong khuôn viên nhỏ của ngôi đình Giảng Võ, giáo phường ca trù Thăng Long được thành lập. Ngày ấy, có sự hiện diện của hai nghệ nhân “gạo cội” là cụ Nguyễn Thị Chúc và cụ Nguyễn Phú Đẹ. Dưới không khí trang nghiêm của ngôi đình làng, ca trù đã được tôn vinh. Bao quan khách yêu mến ca trù đã lặng theo những tiếng chát, tiếng tom… và cả giọng điệu huyền bí được cất lên từ những ca nương trẻ. Đến ngày hôm nay, giáo phường ca trù Thăng Long ngày nào đang dần lớn mạnh và hàng tuần vẫn có những buổi diễn ở 87 phố Mã Mây. Đó là hành trình miệt mài của những nghệ nhân, những ca nương trẻ nhằm đưa nghệ thuật truyền thống đến gần với công chúng.

Bản thân cụ Đẹ, giờ tuổi cao sức yếu, cụ vẫn ở Hải Dương cùng các con. Nhưng cụ quan niệm, còn sống ngày nào là cống hiến cho ca trù ngày đó. Thế nên trên chính quê hương mình, cụ vẫn truyền dạy ngón đàn đáy cho những người muốn chơi. Được sự ủng hộ của chính quyền địa phương, cụ còn có cả một câu lạc bộ ca trù. Và đến nay, dù đã ngoài 90 nhưng vì “cái máu” với nghề, thỉnh thoảng cụ vẫn lặn lội từ Hải Dương lên thủ đô dạy đàn và biểu diễn phục vụ công chúng.

Nguồn: Báo Năng Lượng Mới

Bệnh viện Hạnh Phúc