“Vũ khí” giao tiếp
Không ít người quan niệm, ăn nói dễ nghe, giao tiếp tốt phần nhiều do năng khiếu bẩm sinh. Tuy nhiên, thực tế chúng ta gặp không ít trường hợp gây bất ngờ vì “dạo này khác hẳn” sau một thời gian gặp lại. Đó là lý do, các lớp học, khóa học giao tiếp ứng xử vẫn luôn thu hút sự quan tâm của rất nhiều người.
Đặc biệt, do nhận thấy vai trò quan trọng của kỹ năng giao tiếp trong cuộc sống mà những năm gần đây, các bậc phụ huynh rất chú ý bồi đắp kỹ năng này cho con.
Chị Thanh Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, công việc bận rộn, chị giao phó hết việc nhà, chăm sóc con cho bà ngoại nên không mấy quan tâm đến việc giáo dục thói quen chào hỏi, lễ phép cho con. Con gái chị đã 5 tuổi mà chưa hình thành thói quen chào hỏi người lớn, mời cơm ông bà, nói lời cảm ơn hay xin lỗi. Chị Thanh Hà cho rằng, con còn nhỏ chưa biết gì, khi nào lớn hơn con sẽ tự biết cần làm gì.
Nhiều cha mẹ lại có thói quen ăn nói bỗ bã ở nhà, chỉ đi ra ngoài mới ăn nói lịch sự. Chính vì suy nghĩ đó, chị Thanh Hằng (Tây Hồ, Hà Nội) làm kinh doanh có cô con gái lớn đang tuổi dậy thì nhưng chị thường bỏ qua lời ăn tiếng nói của con. Bởi vậy, con chị đã sắp học hết bậc THCS mà ăn nói không đâu vào đâu, gặp người lớn không có thói quen chào hỏi. Thậm chí, ăn nói hỗn xược và thường cãi lời bố mẹ. Chị Thanh Hằng lại chặc lưỡi đổ thừa cho việc con đang giai đoạn thay đổi tâm sinh lý.
Theo Thạc sĩ giáo dục Đào Thuý Nga – Trung tâm Giáo dục kỹ năng Cá Siêu Quậy: Những đứa trẻ biết chủ động nói lời chào hỏi, biết nói lời hay ý đẹp và thuần thục lễ nghĩa sẽ dễ gây thiện cảm với mọi người hơn và có khả năng thích nghi với xã hội sớm hơn. Cũng nhờ thế, khả năng thành công sẽ đến sớm hơn với những trẻ em này.
Vì vậy, cha mẹ nên dạy con từ nhỏ về việc tại sao nên trau dồi kỹ năng giao tiếp ứng xử cơ bản, tại sao nên chào mời và cách để tạo thiện cảm với người xung quanh ra sao. Hãy luôn nhớ rằng, dạy trẻ cách chào hỏi, biết lễ nghi là việc đòi hỏi xuất phát tự thân, trẻ cần hiểu và muốn làm điều đó. Khi những kỹ năng trở thành văn hóa, nó sẽ toát ra một cách tự nhiên và trở thành nét đẹp riêng của mỗi người.
Cùng theo Thạc sĩ Đào Thuý Nga: Việc dạy kỹ năng giao tiếp cho trẻ đóng một vai trò lớn trong việc phát triển về tâm sinh lý cho các em sau này. Cùng đó, kỹ năng giao tiếp cho trẻ tốt sẽ giúp bố mẹ và con cái hiểu nhau, gần nhau hơn. Khi giao tiếp tốt sẽ giúp cho các mối quan hệ trong cuộc sống, công việc thêm thuận lợi.
Dạy giao tiếp – mưa dầm thấm lâu
Đối với người lớn chúng ta, dù khó tính đến mấy, gặp một đứa trẻ nói năng hoạt bát, biết thưa gửi lễ phép cũng làm ta bớt khắt khe hơn. Gặp một đứa trẻ lầm lì, nói cộc lốc hoặc đứa trẻ biết “nói ngọt” nhiều người dễ buông lời khen, chê qua câu nói đơn giản “nó giống y tính mẹ”. Như vậy, để thấy hành vi nói năng, ứng xử của cha mẹ sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình hình thành kỹ năng giao tiếp của những đứa con trong gia đình.
Cô bé Thuỳ Linh, từ nhỏ đã được xóm giềng cảm mến vì thông minh, lanh lẹ, nói năng dễ nghe. Sau này trở thành sinh viên Học viện Ngoại giao, dù được học tập trong môi trường khá lý tưởng nhưng em vẫn tham gia các lớp học giao tiếp để hoàn thiện bản thân.
Thuỳ Linh cho biết: Em nhận ra lợi thế của một người luôn lịch sự, có lối giao tiếp tuân thủ phép tắc và linh hoạt trong các hoàn cảnh. Thực ra, trong mối quan hệ thông thường hay công việc, biết sử dụng lời hay ý đẹp và vận dụng linh hoạt các phép tắc, lễ nghi văn hóa truyền thống là lợi thế lớn, mở đường cho chúng ta tự tin bước vào bất kỳ cuộc giao tiếp quan trọng nào.
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, một bậc thầy về rèn kỹ năng giao tiếp, cho rằng, ngay từ khi sinh ra, chúng ta đã được “học ăn, học nói, học gói, học mở” nhưng không phải ai cũng thể hiện giống nhau. Trong xã hội thông tin hiện nay, giao tiếp là kỹ năng vô cùng quan trọng để kết nối và phát triển. Nhưng làm sao để phát triển khả năng giao tiếp tự tin, khéo léo và thu hút thì không phải ai cũng biết. Văn hóa giao tiếp, ứng xử của mỗi người phần lớn do quá trình rèn luyện mà nên.
Nói về việc rèn kỹ năng giao tiếp, kinh nghiệm của ông bà ta được đúc rút qua hàng loạt các câu ca dao, tự ngữ: “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”/ “Nói ngọt lọt đến xương”/ “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/Người khôn lời nói dịu dàng dễ nghe”…
Thuỳ Linh kể: Em là con út, được cả gia đình cưng chiều, lúc nào cũng được nghe nói ngọt. Em cũng không hiểu vì thế mà mình ngoan hơn hay nhờ ngoan nên luôn nhận được sự đối xử nhẹ nhàng từ mọi người. Em còn nhớ, bắt đầu bước vào tiểu học, khi nói chuyện em đã được bố mẹ tôn trọng quan điểm riêng. Bố mẹ luôn khuyến khích em nói ra mọi suy nghĩ, chia sẻ những ý tưởng.
“Trong những bài học giao tiếp học được từ gia đình tới những lớp rèn văn hóa ứng xử, em ấn tượng nhất bài học tôn trọng người đối diện và biết điểm dừng. Khi nghe lời góp ý của bố mẹ mà bản thân chưa dung nạp được hết ý tứ, em thường nói: “Con thấy ý kiến của bố mẹ hợp lý nhưng hiện tại con nghĩ rằng…” hoặc “Xin phép bố mẹ cho con suy nghĩ thêm”… Điều này ứng với việc lúc bé em mè nheo gì đó, bố mẹ không bao giờ quát mắng mà tìm cách hoãn binh hoặc nhẹ nhàng phân tích cho em hiểu.
“Rõ ràng, trong giao tiếp nói chung, với những câu nói như vậy sẽ khiến người nghe dễ dàng tiếp nhận ý kiến của mình hơn thay vì phản đối gay gắt ngay từ đầu. Điều này cũng tạo cơ hội để mình điều hướng suy nghĩ của người khác đúng thời điểm, theo chiến lược giao tiếp”, cựu sinh viên Học viện Ngoại giao nhận định.