Ta nói gì về “Cách ly toàn xã hội”?

Cụm từ “social distancing” đã xuất hiện trên thế giới khá lâu, vừa dậy sóng tại Việt Nam khi Chính phủ đã áp dụng biện pháp “Cách ly toàn xã hội” cho hoạt động chống Covid-19.
Nói “cách ly” có vẻ hoang mang, mà đơn giản là yêu cầu “hạn chế giao tiếp xã hội”. Cụ thể là chúng ta sẽ cần hạn chế tối đa việc gặp gỡ, giao tiếp trực tiếp với tất cả đối tượng trong xã hội; nên nhớ xã hội bao gồm cả gia đình, người thân… chứ không chỉ là “người ngoài”.
docsach 1.jpg
Đọc sách là một gợi ý trong thời gian “cách ly toàn xã hội”
Trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, áp dụng cách ly xã hội khiến những ai bi quan sẽ càng thấy trầm trọng vấn đề. Tuy nhiên thực tế cách ly xã hội vốn đã tồn tại đâu đó trong từng giai đoạn, từng tình huống, từng cá nhân hoặc trong một nhóm người mà đôi khi chúng ta không để ý.
Bạn có nghe ai đó nhận xét kiểu như: “Sao mày sống xa rời/cách ly xã hội vậy!” chưa? Đó có thể là lúc bạn dường như chỉ ru rú trong nhà, không muốn gặp ai, nói chuyện với ai; lầm lũi như một chiếc bóng… Đó cũng là một ví dụ về cách ly xã hội đấy chứ; và nguyên nhân có lẽ do chính từ tâm lý chủ động của bản thân (không phải như một biện pháp phòng chống dịch).
Bản thân tôi cũng từng rơi vào một giai đoạn cách ly xã hội “bị động” và thực sự không mong muốn. Phải mất một thời gian tôi mới “hòa nhập” xã hội. Đó là khoảng gần 3 tháng đầu tiên khi đặt chân đến Pháp, bắt đầu một cuộc sống mới toanh, xa lạ, đơn độc. Xung quanh chỉ có một vài người bạn Việt Nam, ngôn ngữ thì chưa giao tiếp tốt… Nếu ai đó đã từng đi du học hoặc từng thay đổi môi trường sống, sẽ hồi tưởng được giai đoạn này. Ngoài đi học, chỉ trở về nhà, ra ngoài khi đi chợ hoặc những hoạt động bắt buộc; không hay gặp gỡ trò chuyện với ai… Giai đoạn này cũng khá “kinh khủng”, sẽ có bạn không vượt qua được và trở nên “trầm mặc” hẳn, hoặc phát sinh chứng “tự kỷ”, rụt rè với xung quanh.
Vậy làm sao để vượt qua?

Con người tồn tại và phát triển trong xã hội, và hoạt động giao tiếp liên kết là không thể thiếu. Dù chủ động hay bị động thì cách ly toàn xã hội đòi hỏi chúng ta phải thay đổi cách giao tiếp. Thay vì gặp gỡ trực tiếp (bị hạn chế) hãy tăng cường trao đổi thư tín, online; tương tác qua mạng xã hội và các hoạt động chia sẻ cộng đồng trên không gian số.
Ngày xưa khi Facebook mới chỉ vừa chớm, Yahoo! là cầu nối ưu việt nhất; chắc nhiều người sẽ nhớ. Khi không có điều kiện gặp gỡ trực tiếp, mình thường kết bạn Yahoo!, chát chít, nói chuyện với bạn bè, gọi webcam… Thời đó còn thịnh hành viết blog, các forum trực tuyến; tôi cũng là một blogger viết lách và thường xuyên chia sẻ trên những topic trong các forum và kết nối được khá nhiều bạn bè, chia sẻ được nhiều thứ… Rõ ràng chúng ta không cô đơn!
Trong giai đoạn cách ly toàn xã hội, cách tiếp cận tri thức cũng sẽ khác, thay vì gặp gỡ truyền đạt, văn hóa đọc sẽ phát huy hiệu quả. Đây cũng sẽ là lúc mà chúng ta sẽ cần đọc nhiều hơn và quen dần với nó.
Thời nay có lẽ cách ly toàn xã hội không còn gì ghê gớm khi không gian mạng cực kỳ phát triển, bạn có vô vàn công cụ, ứng dụng chia sẻ. Tuy nhiên cần dùng nó để giao tiếp với mọi người xung quanh một cách hiệu quả hơn, thay vì thể hiện hình thức đơn thuần như trước đây.
Đây sẽ là lúc xóa đi khoảng cách giữa thực và ảo vì chúng ta chỉ có một cách duy nhất để giao tiếp.
Yên tâm, bạn sẽ không hề cô đơn như cách hiểu nghĩa đen của “cách ly xã hội”.
15 ngày để thay đổi thói quen bắt đầu!
Nguồn: giacngo.vn
https://giacngo.vn/phatgiaotuoitre/2020/04/01/33D0D2/

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc