Là chủ đề của buổi tọa đàm do Hội Quán Các Bà Mẹ phối hợp cùng CLB Cha Mẹ Học Sinh 218 Lý Tự Trọng tổ chức vào lúc 8g00-10g00 sáng Chủ nhật ngày 31/07/2016 tại Hội trường của trường THCS-THPT Đức Trí số 742/10 Nguyễn Kiệm, P.4, Tp.HCM do PGS. TS Lê Nguyên Phương-  Chủ tịch Liên hiệp Phát triển Học đường Thế giới chủ trì.

Nội dung sẽ được TS trao đổi trong buổi giao lưu này:

Trong nhiều thế hệ việc dạy con đối với người Việt là công việc “cha/mẹ truyền con nối,” thời xưa ông bà cha mẹ dạy con ra sao thì nay mình dạy con như vậy. Nhưng với những biến động lịch sử và xã hội của Việt Nam trong hơn thế kỷ qua, việc du nhập các nền văn hóa khác thậm chí đối chọi nhau, cụ thể là những giá trị, lối sống, và kiến thức về sự phát triển của trẻ em và phương pháp sư phạm, việc dạy con không còn là một công việc đơn giản cho các bậc phụ huynh Việt Nam.

Yếu tố đầu tiên có ảnh hưởng đến sự thành công trong học tập và hình thành nhân cách của một đứa trẻ là gia đình. Khi nói về gia đình, chúng ta nói về nhiều khía cạnh khác nhau. Từ (a) cấu trúc của gia đình như “gia đình cơ bản” chỉ có cha mẹ con cái, “đại gia đình” với ông bà cô dì, (b) chức năng của các thành viên trong gia đình, cho đến (c) tập quán giáo dục con cái của cha mẹ. Tập quán giáo dục con cái rất quan trọng trong gia đình đối với sự trưởng thành và thành công của con cái. Chúng ta có thể gọi đơn giản là “lối dạy con” (parenting styles).

Dạy Con Theo Lối Nào

Theo nghiên cứu của GS Diana Baumrind vào các năm đầu của thập niên 60 thì có 4 yếu tố cần chú ý khi nghiên cứu về lối dạy con, thứ nhất là kỷ luật (discipline), thứ hai là truyền đạt (communication), thứ ba là sự hỗ trợ (support) tinh thần và sinh hoạt của con cái, và cuối cùng là kỳ vọng (expectations) về mức độ trưởng thành và tuân phục của con cái. Quan trọng nhất trong 4 yếu tố này là 2 yếu tố kỳ vọng và sự hỗ trợ của cha mẹ. Dựa trên những yếu tố này Baumrind (1966) cho rằng chúng ta có thể có 4 lối dạy con.

Loại thứ nhất tạm dịch là li đc tài (authoritarian parenting style). Trên ma trận 4 yếu tố của Baumrind thì trong lối dạy này, cha mẹ đòi hỏi con cái rất cao nhưng sự hỗ trợ hay đáp ứng tinh thần thì thấp, cả trong chuyện học hành lẫn những nhu cầu vật chất lẫn tinh thần khác của trẻ. Với cách này, con cái phải tuân theo tất cả luật lệ đặt ra bởi cha mẹ và bị trừng phạt nếu vi phạm. Cha mẹ dạy con theo lối này ít khi giải thích lý do về những lề luật hay mệnh lệnh của mình. Thường những lề luật này được đưa ra bởi “ông bà thời xưa làm sao thì mình làm vậy,” từ những kinh nghiệm riêng tư và có thể rất đặc thù của cha mẹ, hay thậm chí là một ngẫu hứng, ba phải, bốc đồng nào đó. Thông thường khi trẻ hỏi lý do tại sao có những mệnh lệnh đó thì cha mẹ chỉ trả lời là “Tao bảo thì mày cứ làm,” “Tại tao là cha/mẹ,” “Tại tao bảo vậy thì phải vậy” (Because I said so).

Vâng lời và phục tùng là đòi hỏi chính yếu nhất của các bậc cha mẹ này. Xét về động lực tâm lý, việc vâng lời của con cái giúp củng cố bản ngã và và tín điều của loại cha mẹ này. Vì vậy, khi con cái không vâng lời, họ cảm thấy bị tức giận, mất mặt, phản bội, và thất bại trong chuyện làm cha mẹ. Những cảm xúc tiêu cực này có thể dẫn họ đến những hành động bạo hành thể xác hay tinh thần của con cái. Sự yếu kém tri thức về sự phát triển tinh thần của trẻ em khiến một số phụ huynh bất chấp nhu cầu suy nghĩ, tình cảm, và hành xử độc lập và tự do của con cái. Đối với họ, sự ổn định và trật tự về hình thức trong gia đình quan trọng hơn sự phát triển toàn diện và hạnh phúc của đứa trẻ.

Lối dạy con theo kiểu độc tài có thể hình thành những đứa con biết lễ phép và vâng lời trong gia đình, có thể học tập tốt và kỷ luật ở trường, và công dân phục tùng ngoài xã hội. Nhưng lợi không bù hại. Hậu quả tiêu cực mà chúng ta có thể thấy ngay là sự tức giận, bất mãn, và uất ức của con cái khi chúng bị áp lực hay thậm chí đàn áp để tuân phục những mệnh lệnh lề luật trong gia đình có khi rất tùy hứng và chủ quan của cha mẹ, như đã nói ở trên. Về cảm xúc, chúng thường tự ti, bất hạnh, giận dữ hay yếu đuối, thiếu tình nhân ái; về trí tuệ, chúng kém óc sáng tạo và tư duy độc lập. Trong xã hội, chúng kém khả năng ứng xử giao tiếp. Khi lãnh đạo trong công ty hãng xưởng, chúng chỉ lập lại mô hình “cai trị” của cha mẹ chúng đối với nhân viên: đòi hỏi rất nhiều nhưng hỗ trợ không bao nhiêu, thích nhân viên phục tùng không thắc mắc, và kiếm lỗi để trừng phạt nhiều hơn là kiếm công để khen thưởng. Nếu là cấp dưới, những đứa trẻ này khi lớn lên luôn sống trong sự sợ hãi sẽ thất bại, một mặt luôn muốn làm vui lòng nhưng lại ngấm ngầm bất mãn căm tức cấp trên. Chúng không biết làm việc trong quan hệ bình đẳng mà chỉ thích hợp trong những tổ chức có mô hình đẳng cấp phân biệt cứng nhắc.

Mở rộng việc đối chiếu và so sánh giữa các lý thuyết và mô hình khác trong tâm lý học. Nếu dùng mô hình phát triển luân lý của Lawrence Kohlberg (1957) để đánh giá, trẻ được dạy theo lối độc tài có nguy cơ suốt đời dừng lại ở cấp 1 “Khuynh hướng Phục tùng và Trừng phạt” của giai đoạn 1 “Luân lý Tiền Quy ước.” Ở cấp này, theo Kohlberg, cá nhân chưa hình thành được những nguyên tắc luân lý riêng của mình mà phải dựa vào những nguyên tắc luân lý của bên ngoài để hành xử, chẳng hạn những lề luật của một tổ chức, một giáo hội, hay một chính quyền. Và mục đích hành xử của các cá nhân này chỉ để tránh trừng phạt và được khen thưởng bởi kẻ nắm quyền lực trong tập thể mà họ là thành viên. Họ cũng dùng tiêu chuẩn này để đánh giá người khác trong tập thể: người nào bị lãnh đạo phạt chắc là đã làm gì sai, người nào được thưởng chắc đã làm gì đúng. Họ cũng dễ nổi giận, ganh tức và/hay công kích những người suy nghĩ độc lập, phản kháng, dám vượt rào bức phá những quy chế lề thói trong tập thể sở làm, cộng đồng, làng xã, xã hội, v.v . . vì hành động của những người này gián tiếp chỉ ra sự yếu đuối bất lực của họ. Theo mô hình của Kohlberg, đa số trẻ tiểu học trước 10 tuổi ở mức độ phát triển luân lý này. Hay nói cách khác, cá nhân có lối suy nghĩ và hành xử theo lối này có mức độ phát triển luân lý khoảng 10 tuổi?

Vậy cách lối dạy con khác sẽ giúp hình thành những “con người” ra sao?

  • Tiến sĩ Lê Nguyên Phương nhận bằng cao học Tâm lý Giáo dục và chứng chỉ hành nghề Tâm lý Học đường tại Đại học California State Long Beach và bằng Tiến sĩ Lãnh đạo Giáo dục chuyên ngành Tâm lý Giáo dục tại University of Southern California. Trước đây, ông là giảng viên bộ môn này tại Đại học California State Long Beach.

Từng là thành viên của Hội đồng điều hành của Hội Tâm lý học đường Long Beach và của Ủy ban Xét duyệt Nghiên cứu cho Giải thưởng Kỷ niệm Michael Goodman, thuộc Hiệp Hội Tâm lý học đường California; năm 2011, ông là người đầu tiên và cho tới nay là người duy nhất nhận giải Chuyên gia thực hành tâm lý học đường quốc tế kiệt xuất của tổ chức lớn về ngành này là ISPA.

Phụ Nữ Hiện Đại & Hội Quán Các Bà Mẹ  (Giới thiệu)

Bệnh viện Hạnh Phúc