Làm quảng cáo và dạy con có điểm gì chung? Dưới góc độ của một người mẹ và cũng là một “nữ tướng” lâu năm trong ngành, bà Lê Thị Kim Cư – Giám đốc điều hành của công ty Dentsu Vietnam có một góc nhìn rất thú vị về việc dạy con mà các bà mẹ nên tham khảo.

 PNHĐ: Xin chào bà, rất cảm ơn bà đã dành thời gian chia sẻ về chủ đề luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm của phụ nữ. Nuôi dạy con cái quả thật không dễ dàng, theo bà, khó khăn nào là lớn nhất?

Về tính chất công việc trong ngành quảng cáo mà mọi người cũng biết, khó khăn lớn nhất đối với tôi có lẽ là thời gian. Nhiều khi muốn về sớm với gia đình hay dành cuối tuần cùng con cái, mà có dự án gấp cần phải hoàn thành đúng thời gian cam kết với khách hàng thì đành lỗi hẹn với con vậy.

 PNHĐ: Như vậy bà có gặp khó khăn trong việc chia sẻ với con cái không? Tôi thấy nhiều bậc phụ huynh thường đau đầu trong việc nói chuyện với con cái vì dường như con cái càng lớn càng không muốn nói chuyện với bố mẹ.

Thực tình thì tôi cũng gặp những khó khăn như các bậc phụ huynh khác thôi. Công việc bận rộn nên nhiều lúc cứ ước mong có nhiều thời gian hơn để được gần gũi con. Nhưng một ngày,với ai cũng chỉ có 24 tiếng , thành ra dù thời gian bên con có thể chưa nhiều như mong muốn, nhưng tôi luôn cố gắng để đó phải là quãng thời gian thật chất lượng, và tìm cách nói chuyện với con sao cho cả mẹ và con đều cảm thấy chia sẻ được với nhau và hiểu nhau hơn.

PNHĐ: Bà có thể chia sẻ thêm là làm thế nào để có được điều đó không? Hiện nay việc dạy con đang ngày càng khó khăn hơn do trẻ ngày càng độc lập và có chính kiến hơn, không phải “bố mẹ đặt đâu con ngồi đó” như ngày xưa nữa.

Đúng thế. Bố mẹ bây giờ mà cứ nói “con phải thế này, phải thế kia…” là chúng không nghe nữa đâu. Ngẫm lại việc dạy con, tôi thấy thật giống như việc truyền đạt một thông điệp quảng cáo vậy. Bây giờ mà cứ quảng cáo nhan nhản một thông điệp trực diện là sản phẩm này tốt, nên dùng, thì vừa lãng phí tiền quảng cáo mà người tiêu dùng họ cũng không còn tin mấy nữa. Khi nói chuyện với con cũng vậy. Thực ra, hồi đầu tôi cũng khá là vất vả vì cứ nghĩ mình dạy bảo điều tốt thì con phải nghe. Nhưng mà hoá ra không phải vậy, việc dạy con không thể cứ là những giáo điều một chiều từ phía bố mẹ được.

Ba Le Thi Kim Cu

PNHĐ: Thật thú vị, nhưng bà có thể giải thích thêm về việc dạy con giống như truyền đạt thông điệp quảng cáo là như thế nào không?

Tôi nghĩ mấu chốt của việc nói sao cho con nghe đầu tiên là phải làm sao để con chia sẻ đã. Thông qua việc chia sẻ, mình sẽ hiểu con hơn, và con cũng tin tưởng mình hơn. Nắm bắt tâm lý của con rồi, mình sẽ có cách nói phù hợp để con tự nguyện tiếp nhận. Ví dụ như con cảm thấy tốt hơn khi mình khen ngợi, thì khi nghe một câu chuyện mình thấy có điểm chưa được, nhưng mình không trách mắng con mà khích lệ điểm tốt của con, rồi sau đó mới nói thêm là con sẽ còn tuyệt hơn khi con làm như thế này. Bằng cách ấy, con sẽ cảm thấy được thấu hiểu và tiếp nhận điều bố mẹ nói một cách vui vẻ hơn.

PNHĐ: Vâng, tôi có thể hiểu hơn về cách nói chuyện với con rồi. Tuy nhiên, làm thế nào để trẻ có thể chủ động chia sẻ với bố mẹ được?

Tôi nghĩ rằng quan trọng nhất vẫn là việc cha mẹ dành nhiều thời gian với con cái hơn. Vợ chồng tôi luôn cố gắng sắp xếp để dành thời gian buổi tối bên con cái, hay cuối tuần cùng đi chơi và có những chuyến đi du lịch xa, đặc biệt là các hoạt động thể thao cùng nhau… Qua đó, tôi cũng hiểu thêm về tâm tư, mong muốn của con. Và khi càng gần gũi con thì sự kết nối giữa con với cha mẹ cũng càng thân thiết hơn, gắn bó hơn. Như vậy con mới cảm thấy an tâm, tin tưởng cha mẹ hơn, lúc đó sẽ dễ chia sẻ, mở lòng với cha mẹ và dễ tiếp nhận ý kiến của bố mẹ hơn.

PNHĐ: Như vậy thời gian vẫn là bài toán lớn nhất trong việc dạy dỗ con cái?

Với áp lực công việc ngày nay của các bậc phụ huynh, thì theo tôi thời gian đúng là khó khăn lớn nhất. Tuy nhiên chúng ta cần phải hiểu rằng để con cái có thể phát triển tốt, thì không phải là chỉ nói lúc cần, mà phải luôn hiện diện trong các mặt đời sống của con. Như tôi đã nói vừa rồi, những sinh hoạt gắn kết đó giúp mình hiểu con hơn và con cũng tin tưởng mình hơn. Tôi tin rằng việc tạo ra sự kết nối với con, sự tương tác 2 chiều với con, chứ không phải “bố mẹ bảo, con nghe” chính là bí mật đã giúp tôi yên tâm với gia đình và nhờ vậy cũng chu toàn việc công ty.

Rất cảm ơn bà đã dành thời gian, chúc bà luôn hạnh phúc và thành công trong cuộc sống!

Chi Phạm/CLB Phụ Nữ Hiện Đại
*Nội dung được thực hiện theo ĐKKD của C.A.M Media

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc