Nhà biên kịch Vũ Mạnh Tư (Gia Vũ) thường hay vào rừng quay phim và quan sát quá trình phát triển của các loài nấm. Hơn mười năm lặn lội trong rừng, gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, thiếu thốn vật chất và trang bị kỹ thuật quay phim nhưng vượt lên tất cả, ông có được hơn 700 video về nấm rừng.
Mỗi video dài chừng hai phút, trong đó có nhiều loại nấm quý hiếm có dược lý cao, là tư liệu quý. Ông mong những tư liệu này được phổ biến rộng đến mọi người, cùng cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên, từ đó cộng đồng góp tay, ra sức bảo vệ rừng.
Đam mê mãnh liệt với nấm rừng
Nhà biên kịch Vũ Mạnh Tư được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập là “Người quay phim video về các loài nấm rừng Việt Nam nhiều nhất”. Cho chúng tôi xem những bức hình về nấm trích từ video, ông kể duyên nợ với nấm thật giản đơn. Vốn mê quay phim, từng ròng rã nhiều năm quay phim động vật hoang dã ở khu Bàu Sấu (Vườn quốc gia Cát Tiên), ông đã ghi hình gần như tất cả các loại động vật hoang dã trong rừng, từ con thằn lằn đến voi rừng.
Nhà biên kịch Vũ Ngọc Tư – Ảnh: NVCC
Duyên nợ với thiên nhiên đã cho ông gặp một vị phó giáo sư chuyên về nấm. Cả năm trời theo vị phó giáo sư vào rừng nghiên cứu nấm rồi ông mê nấm lúc nào không hay. Ông hồ hởi kể: “Lúc ấy vị phó giáo sư nói đã phát hiện được khoảng 100 loài nấm, tôi ngưỡng mộ lắm. Rồi công việc của vị ấy đã xong, tự mình tôi chạy xe gắn máy vào rừng tìm nấm để quay. Quay được loài này lại muốn tìm quay tiếp loài khác, có khi chiều tối mới ra khỏi rừng. Đến hôm nay tuổi đã cao nhưng tôi vẫn mê quay phim nấm trong rừng”.
Hơn mười năm lăn lộn với rừng, ban lãnh đạo và anh em kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên và văn hóa Ðồng Nai, Vườn quốc gia Cát Tiên, Vườn quốc gia Tam Ðảo (Vĩnh Phú), rừng đảo Cát Bà – Hải Phòng đã không còn xa lạ với nhà biên kịch Vũ Mạnh Tư. Trung bình mỗi tháng ông đi rừng hai lần, mỗi lần đi 2-3 ngày. Có nhiều đợt để quay phim và theo dõi sinh trưởng của nấm, ông ở trong rừng cả tuần lễ. Có tiền nhiều thì ông thuê người đi phụ quay, chạy xe, cầm đèn, mang vác dụng cụ. Lúc tiền hạn hẹp, chỉ cần có trong túi năm trăm ngàn, một mình ông cũng đi.
Để chụp được loài nấm mới, ông chẳng ngại đi vào rừng sâu rậm rạp – những nơi thiếu ánh mặt trời là rắn, vắt và muỗi tấn công ngay, nhất là ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai). Người bạn đồng hành cùng ông kể: “Có lần xe máy chở theo máy quay và thiết bị quay phim của ông bị ong vò vẽ bao vây đen cả xe suốt 3 tiếng đồng hồ mà không dám động đậy để lấy xe. Rất may trời đổ mưa, ong bay về tổ, ông Tư mới lấy xe ra được”. Hỏi ông không sợ sao, ông bảo “vào rừng không sợ gì cả, chỉ sợ không gặp được nấm”.
Nhìn những dụng cụ đồ nghề ông tự mua sắm, chế tạo để quay nấm phần nào cảm nhận được ông yêu nấm như thế nào. Để có được chân máy quay phù hợp, ông mày mò mua “chân máy” này ghép “đầu dầu kia”, rồi mày mò các thiết bị ánh sáng. Tất cả trang thiết bị đều tinh gọn nhỏ nhất có thể, cái gì cũng nhỏ xíu nhưng số tiền ông đầu tư thì không nhỏ.
Ông kể: “Toàn bộ số tiền có được từ viết kịch bản phim, tôi đầu tư hết vào quay phim nấm. Có những ngày phải ăn ngủ trong rừng, chỉ để canh quay được những khoảnh khắc từ lúc nấm vừa nhú lên, và nở xòe xinh đẹp là thỏa mãn và kiêu hãnh lắm”. Đầu tư và dành tâm huyết, chính vì thế mà những video nấm của ông luôn đem đến cho người xem cảm giác thích thú, cũng từ đó người xem cảm nhận được thiên nhiên hoang dã đẹp và đáng gìn giữ biết nhường nào.
Hỏi ông có suy nghĩ gì về nấm rừng? Ông cười bảo: “Nhiều loài nấm rừng có hình sắc đẹp như hoa làm tôi say mê nhưng cũng có nhiều loại nấm có hình dáng xấu xí, có nhiều loại có độc tố. Chúng có hình dáng như vậy chỉ để bảo vệ mình chứ không hại ai. Nấm luôn sống hết mình. Có nhiều loại nấm mặc dù thời gian sống rất ngắn ngủi chỉ khoảng một ngày nhưng trong một ngày đó, chúng hết mình khoe sắc, làm đẹp cho đời. Trước khi tàn lụi, nấm phát bào tử, để gió cuốn đi, gieo mầm sống cho thế hệ sau. Khoảnh khắc đó làm tôi liên tưởng đến đời người. Nếu trong chúng ta ai cũng sống hiền hòa như nấm, sống chỉ để cho đi thôi thì cuộc sống này hạnh phúc lắm”.
Góp tay truyền đi thông điệp “đừng ác với rừng”
Trò chuyện cùng ông, chúng tôi nhận ra, quay phim về nấm chỉ là một phần trong sở thích của ông, sâu sắc hơn trong ông chính là yêu rừng. Mà như ông trải lòng thì “muốn nhờ những bức ảnh lung linh, rực rỡ sắc màu của nấm chuyển tải đến mọi người về sắc đẹp của loài nấm sống trong rừng. Nếu rừng không còn thì những loài nấm xinh đẹp cũng không còn. Nguy hại hơn, nếu rừng không còn thì đời sống của con người sẽ bị ảnh hưởng rất lớn”.
Các loài nấm rừng được cắt từ video – Ảnh: NVCC
Nhìn những bức ảnh rực rỡ sắc màu của nấm, đôi lúc ông rơm rớm nước mắt: “Cầm máy vào rừng từ lúc tóc còn đen, bây giờ tóc gần bạc trắng, điều khiến tôi trăn trở nhất hiện nay là cứ mùa mưa sau là nấm rừng ít đi. Có thể so sánh năm 2016 với năm 2010, nấm rừng đã giảm 70%. Tôi cho nguyên nhân chính là những người sống ở xung quanh rừng dùng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Các loại thuốc này phát tán trong không khí, gặp bào tử nấm là hủy diệt. Mà bào tử không còn thì không có nấm. Đi rừng mà không gặp nấm thì rừng xanh cũng đang bị ô nhiễm”.
Ông góp tay vào việc bảo vệ rừng. Những năm gần đây, ngoài việc vào rừng chụp ảnh, quay phim đưa clip lên mạng xã hội, với hy vọng người xem thấy được sự phong phú, kỳ diệu của đại ngàn mà ra sức bảo vệ rừng, ông còn liên lạc nhiều nơi để tìm nhà tài trợ nhằm thực hiện bộ sách chuyên về ảnh nấm rừng (ảnh trích từ video) và giới thiệu quá trình sinh trưởng của khoảng hơn 700 loài nấm rừng. Nhưng dường như, nhân duyên đó vẫn chưa đến với ông.
Ông trải lòng: “Để in thành sách ảnh cần phải đầu tư kinh phí in ấn phát hành khá lớn mà bản thân tôi lại không có khả năng để thực hiện. Tôi quan niệm, in thành sách, ngoài truyền cảm hứng cho người xem chung tay bảo vệ rừng thì sách còn là tài liệu sống động để thế hệ học sinh, sinh viên có thể nghiên cứu, tham khảo. Vào đầu thế kỷ XX, người Pháp đã tìm thấy khoảng 800 loài nấm hoang dại ở Việt Nam nhưng chủ yếu họ ghi chép và vẽ lại. Mình có nguồn ảnh mà “bỏ” thì rất uổng phí”. Vì thế, mấy năm nay, cứ có thời gian là ông đi tìm nhà tài trợ cho sách ảnh “Nấm rừng Việt Nam”.
Với Vũ Mạnh Tư, nói đến nấm và rừng là mắt ông sáng ngời. Tình yêu ông dành cho thiên nhiên như mạch nước ngầm cứ âm ỉ, mong muốn chảy về rừng để tưới mát, nuôi dưỡng những cánh rừng. Mặc dù tuổi bước sang 68, di chuyển có nhiều khó khăn nhưng khi hỏi ông “đến bao giờ ý niệm chụp ảnh về nấm, gửi thông điệp bảo vệ rừng dừng lại”, không đắn đo suy nghĩ, ông trả lời ngay “chừng nào đi không nổi thì thôi”.
Nhà biên kịch Vũ Mạnh Tư sinh năm 1949, quê miền Bắc. Năm 1967, ông đi bộ đội, rồi trở thành lính trinh sát bảo vệ các đoàn vận tải dọc ngang miền Đông Nam Bộ. Tiếp xúc nhiều với những cánh rừng già của đất nước, Vũ Mạnh Tư thấu hiểu về sự sống đang diễn ra bên trong những cánh rừng. Đó cũng chính là chất liệu để ông viết thành công kịch bản bộ phim “Gấu cổ trắng”. Với thông điệp đừng bắn giết động vật hoang dã, đừng phá rừng do Hãng phim Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (TFS) sản xuất, tác phẩm này đã được trao tặng bằng khen cho Biên kịch xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13 (tại TP.Vinh – Nghệ An). Yêu rừng, ông viết kịch bản “Những người gác rừng” kể về những người chiến sĩ Rừng Sác năm xưa, hòa bình vẫn bám đất, trồng rừng tại rừng Sác, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Tác phẩm được Liên hiệp Các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM đầu tư in sách, phổ biến toàn quốc. |
Hạnh Ý