Một tinh thần đam mê, nhiệt huyết, vừa là giảng viên, vừa là giám đốc một trung tâm nghiên cứu trong trường đại học có được một số thành tựu bước đầu, Tạ Hải Tùng – Một PGS. TS một tiến sỹ đã khởi nghiệp, đã học hỏi và thành công. anh đã chia sẻ những kinh nghiệm quý giá của mình. Thành viên Hoalink đã chia sẻ bài viết này từ TC Tia Sáng với các thành viên CLB Phụ Nữ Hiện Đại.
Tôi luôn tâm niệm việc hòa nhập với môi trường trong nước của những người được đào tạo ở nước ngoài phụ thuộc vào bản thân họ cũng như nhiều yếu tố ngoại cảnh, nên thực sự khó khái quát hóa để thành một câu trả lời, một giải pháp chung cho mọi trường hợp. Nhưng tựu trung, với chúng tôi, công thức thành công là sự pha trộn của: đam mê, sự kiên định, và một tinh thần “positive”.
Trong bài viết dưới đây, tôi chỉ muốn trình bày góc nhìn của riêng tôi, với tư cách vừa là giảng viên, vừa là giám đốc một trung tâm nghiên cứu trong trường đại học có được một số thành tựu bước đầu, với một mong muốn không gì khác là chia sẻ kinh nghiệm của mình – những kinh nghiệm còn nóng hổi trên hành trình từ một tiến sỹ trẻ khởi đầu với những băn khoăn về hay ở, đến những nỗi đau đáu làm sao phát triển đơn vị của mình một cách bền vững. Hãy cùng tôi chia sẻ hành trình của mình qua những câu hỏi, cũng chính là những vấn đề mà không chỉ riêng tôi, mà còn nhiều nhà khoa học trẻ khác, những con người nhiều hoài bão và đam mê đã và đang đối mặt hằng ngày.
Tại sao quyết định về nước?
Nếu giữ được đam mê, có định hướng nghiên cứu tốt, và năng lực chuyên môn cao, thì với môi trường NCKH ngày càng thông thoáng của Nhà nước, việc sống được với NCKH không còn là giấc mơ với mỗi nhà khoa học. |
Đã sáu năm kể từ khi tôi bắt đầu đặt câu hỏi này cho chính mình, và đến tận bây giờ, đây vẫn là câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất khi gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp, và cả truyền thông. Thực sự nó làm tôi phát ngấy, và tự nhiên trong tôi đã hình thành một mô-típ trả lời rất an toàn, và đúng với nhiều ngữ cảnh. Tuy nhiên, thành thực mà nói, tôi đã khá may mắn khi không phải phân vân nhiều cho câu trả lời, khá đơn giản, nó xuất phát từ việc định vị mình là ai và mình có thể làm được gì. Nếu ở nước ngoài, trong lĩnh vực hẹp “Định vị sử dụng vệ tinh” mà tôi theo đuổi, có đến hàng nghìn nhà khoa học đang ngày đêm cạnh tranh khốc liệt với những nghiên cứu mà chỉ một số không nhiều trong đó có khả năng ứng dụng vào thực tiễn và tạo ra bước ngoặt thay đổi cuộc sống hiện tại của con người. Còn ở trong nước, lĩnh vực này còn quá mới mẻ, những kiến thức tôi tích lũy được sẽ thực sự có ích, và vấn đề chỉ còn lại: Tôi có thể làm được gì?! Đến giờ phút này, tôi có đôi chút tự hào: Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS – ĐH Bách khoa Hà Nội) của chúng tôi, đã có một số thành tựu không nhỏ trong việc phát triển lĩnh vực này tại Việt Nam. Từ việc đóng góp ý kiến giải thích cho cộng đồng: không đáng lo ngại khi BPhone được trang bị định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc, đến việc phát triển các hệ thống bộ thu đa hệ thống, cũng như hệ thống định vị độ chính xác cao cỡ cm với giá thành hạ, đáp ứng nhu cầu trong nước. Từ việc chủ trì hàng chục hội nghị, hội thảo, trường hè, seminar quốc tế thu hút hàng trăm lượt nhà khoa học quốc tế tham dự, đến việc được chứng nhận là một trong 50 đơn vị đầu tiên trên thế giới chế tạo thành công bộ thu Hệ thống Galileo, hay trở thành đơn vị đối tác được ghi nhận của Liên Hiệp Quốc trong lĩnh vực định vị vệ tinh tại Đông Nam Á. Những điều đó có thể tôi vẫn đạt được khi làm việc ở nước ngoài, nhưng ý nghĩa của nó có lẽ sẽ không bằng khi làm việc, và cống hiến trên quê hương mình.
Có sống được bằng nghiên cứu khoa học không?
Với tư cách là những người được đào tạo bài bản, có năng lực, và đã được tiếp cận với ưu việt của nền hành chính mang tính phục vụ ở nước ngoài, chúng ta có trách nhiệm tham gia một cách thực sự và nghiêm túc vào mọi khâu của quá trình, để qua đó nhận thấy những điểm được và chưa được, và, trong khả năng của mình, tìm cách phù hợp dần dần thay đổi hệ thống quản lý khoa học theo chiều hướng tốt đẹp hơn. |
Đây là câu hỏi thường gặp thứ hai và thực sự khó trả lời, vì tại thời điểm này, ở Việt Nam, câu trả lời là không chắc chắn và có nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động, cũng như rất phụ thuộc vào sự kiên định và hoàn cảnh của từng người. Nói một cách thực tế, với thu nhập bao gồm cả lương và phụ cấp xấp xỉ năm-sáu triệu/tháng cho một tiến sỹ khi về nước thì không đủ cho nhu cầu tối thiểu, chứ chưa nói đến việc tạo cho họ động lực để nghĩ xa hơn trong sự nghiệp. Vì vậy, một lời khuyên thực tế: nếu muốn về nước, khi còn học tập và công tác tại nước ngoài, chúng ta cần phải biết tích lũy từ học bổng và thù lao nghiên cứu; hoặc tuyệt vời hơn, chuẩn bị thiết lập trước một số dự án nghiên cứu với lab hiện tại (ở nước ngoài), cũng như liên hệ với lab trong nước, xin trước một số nguồn kinh phí đề tài / dự án để khi về nước có nguồn kinh phí ít nhất giúp bạn “sống sót” qua năm đầu tiên. Và trong năm đầu tiên đó, có mấy việc rất quan trọng cần phải làm: (i) “setup” một nhóm nghiên cứu (có thể từ các đồng nghiệp trong bộ môn, hoặc từ những sinh viên đầu tiên mà bạn được giao hướng dẫn); (ii) trong năng lực của nhóm, viết các đề xuất thuyết minh dự án / đề tài, càng nhiều càng tốt, nhưng phải có trọng tâm và định hướng rõ ràng: ứng dụng hay lý thuyết. Nếu là ứng dụng thì cần phải giải quyết các bài toán của đời sống, còn nếu lý thuyết phải xác định được tính mới về mặt học thuật để vươn tới công bố quốc tế chất lượng cao. Sự kiên định của năm đầu tiên hết sức quan trọng, khi đã lựa chọn môi trường đại học, cũng như các đồng nghiệp trên thế giới, mỗi tiến sĩ – nhà khoa học trẻ- cần xác định rõ cuộc sống của họ phải gắn với sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH). Nếu đồng lương giảng dạy không đủ sống, thì phải xác định hoạt động chuyên môn gắn với NCKH, và chuyển giao công nghệ là lựa chọn duy nhất, nếu vẫn muốn gắn mình với đam mê khoa học. Nếu giữ được đam mê, có định hướng nghiên cứu tốt, và năng lực chuyên môn cao, thì với môi trường NCKH ngày càng thông thoáng của Nhà nước, việc sống được với NCKH không còn là giấc mơ với mỗi nhà khoa học.
Đương đầu với thủ tục hành chính ra sao?
Đây là vấn đề mà nhiều người lo ngại nhất khi trở về công tác tại Việt Nam, không ít người đã từng tâm sự: vấn đề vật chất có thể thiếu thốn một chút, nhưng các thủ tục phiền hà, các cơ chế không đồng bộ, nhũng nhiễu và thiếu công bằng mới là cái họ lo ngại nhất. Tuy nhiên, qua một thời gian công tác đủ dài, tôi thấy rằng vấn đề không hoàn toàn như vậy. Rõ ràng, chúng ta không thể phủ nhận những bất cập của một xã hội đang chuyển mình về mọi mặt, tuy nhiên, thay vì đứng ngoài và phán xét, với tư cách là những người được đào tạo bài bản, có năng lực, và đã được tiếp cận với ưu việt của nền hành chính mang tính phục vụ ở nước ngoài, chúng ta có trách nhiệm tham gia một cách thực sự và nghiêm túc vào mọi khâu của quá trình, để qua đó nhận thấy những điểm được và chưa được, và, trong khả năng của mình, tìm cách phù hợp dần dần thay đổi hệ thống quản lý khoa học theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Tôi gọi đó là cách tiếp cận “positive”, với cách tiếp cận này, ít ra chúng ta cũng giữ được sự kiên định với mục tiêu ban đầu, và đó đã là nửa quãng đường tiến đến thành công.
Những gì đã trải qua và hiện có đã giúp tôi chứng minh, ít ra cho chính mình, là với cách tiếp cận “positive”, cùng năng lực của nhóm nghiên cứu, cũng như việc đề xuất và thuyết minh các chủ đề đúng và trúng với định hướng đầu tư của các cơ quan, bộ, ngành, chúng tôi đã được tiếp cận các nguồn đề tài, dự án các cấp, qua đó, đủ kinh phí để phát triển nghiên cứu, và xây dựng đội ngũ.
Để phát triển bền vững
Sự đam mê, cùng với năng lực là công thức của thành công. Điều đó không có gì mới, thế giới cũng có công thức chung như vậy, có chăng ở Việt Nam phải bổ sung nhiều hơn về lòng kiên định, sự tìm tòi, và nhẫn nại của bản thân. |
Ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, và đặc biệt trong môi trường phát triển hối hả và nhiều biến động như ở Việt Nam, thành công bước đầu đã khó, nhưng duy trì thành công đó, hướng tới sự phát triển bền vững là cả một câu hỏi không dễ tìm được câu trả lời. Trong tương lai không xa, Trung tâm non trẻ của chúng tôi sẽ đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn: tiếp nhận và tạo công việc với thu nhập đủ sống cho các tiến sĩ trẻ mà NAVIS gửi đi đào tạo tại nước ngoài khi họ trở về; hay làm thế nào để đưa công nghệ và sản phẩm dày công phát triển đi vào đời sống một cách hiệu quả, tránh tình trạng “cất tủ, lưu kho”… Đối mặt với các thách thức này, chúng tôi xác định: hợp tác quốc tế; cùng với thương mại hóa kết quả NCKH là chìa khóa cho sự phát triển bền vững. Muốn phát triển nhanh và lành mạnh, không cách nào khác, các nhóm nghiên cứu phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế, gắn mình vào dòng chảy tri thức nhân loại, qua đó, nâng cao năng lực của đơn vị, và cuối cùng, góp phần vào sự phát triển của lĩnh vực mình đảm nhiệm tại Việt Nam. Tuy nhiên, về lâu dài, để tránh lệ thuộc vào các nguồn dự án/đề tài không ổn định, các nhóm nghiên cứu phải nỗ lực thương mại hóa các sản phẩm NCKH của mình. Muốn vậy, ngay từ khâu định hướng, các nhóm nghiên cứu cần xác định các bài toán thiết thực cho đời sống, và trong mọi hoàn cảnh, cần gắn liền nghiên cứu với tiềm năng chuyển giao công nghệ.
***
Trên đây là những vấn đề cơ bản nhất, cùng với giải pháp mà cá nhân tôi và các cộng sự đã làm để phát triển và tạo lập được sự nghiệp NCKH bước đầu cho bản thân và đơn vị, và có thể chỉ có ý nghĩa trong giai đoạn hiện tại. Nhưng tựu trung, với chúng tôi, công thức thành công là sự pha trộn của: đam mê, sự kiên định, và một tinh thần “positive”. Hy vọng, cùng với sự phát triển của xã hội, việc NCKH sẽ không còn là sự dấn thân hay hy sinh của mỗi cá nhân, mà thực sự trở thành một công việc đầy đam mê và đem lại cuộc sống ổn định, nhiều sắc màu cho các nhà khoa học-giảng viên.
——————————————————
* PGS. TS, Giám đốc Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (NAVIS – ĐH Bách khoa Hà Nội)
Bài đăng trên TC Tia Sáng/tiasang.com.vn