“Chúng ta đang sống trong thời đại hàng giả, hàng nhái” đó là ý kiến của bất kỳ người dân nào khi được hỏi về chất lượng hàng hóa từ thực phẩm tới hàng tiêu dùng… hiện nay. Và với hàng giả, hàng nhái như vậy thì không những về kinh tế mà về cả năng lượng sống người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.  

Hàng giả từ A đến Z

Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol và cơ quan hải quan của các quốc gia châu Á gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam… vừa thực hiện một chiến dịch truy quét hàng giả và hàng nhập lậu ở những nước này. Theo đó, gần một triệu sản phẩm giả mạo hoặc nhập lậu đã bị bắt giữ, trong đó chủ yếu là những mặt hàng mỹ phẩm, quần áo, thuốc lá, rượu, hàng điện tử…

Liên quan đến vụ việc cũng có 660 người bị bắt hoặc để điều tra rõ nguồn hàng họ lấy từ đâu. Nặng nhất trong số những quốc gia này có thể nói là Trung Quốc bởi một nhà máy chuyên sản xuất mỹ phẩm và bao bì giả đã bị phát hiện tại đây cùng một lực lượng thực hiện “hùng hậu” gồm 589 người. Khoảng 37 triệu USD thu nhập từ hàng hóa bất hợp pháp cũng bị thu giữ.

Nhưng điều đáng nói nhất là mỹ phẩm được sản xuất tại đó đã bị cơ quan chức năng phát hiện có chứa hàm lượng thủy ngân cao gấp nhiều lần so với chỉ tiêu cho phép. Chúng được phân phối xuyên lục địa, trong đó có cả Việt Nam. Còn tại Hongkong, cảnh sát Interpol và cơ quan hải quan thu giữ 600 sản phẩm điện tử nhập lậu; Hàn Quốc bắt giữ 500 nghìn loại mặt hàng quần áo giả hiệu cùng với mỹ phẩm…

anh_bat_giu_TPCN_gia

Cơ quan Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ thực phẩm chức năng giả

Riêng Việt Nam, số lượng hàng nhái, hàng giả thu được cũng không hề “kém cạnh” so với các nước trên khi có tới 690 mặt hàng bị tịch thu từ nơi bán hàng rong đến những cửa hàng sang trọng đẹp đẽ, từ nơi bán lẻ đến bán buôn. Tính riêng hàng điện tử bất hợp pháp thì cơ quan chức năng cho biết đã thu hồi trị giá hơn 3 triệu USD.

Đánh giá về tình trạng hàng giả, hàng nhái ở trong nước, Trung tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an nhận định với báo giới: “Nếu đi ra bất cứ địa bàn nào của Hà Nội cũng có thể thấy hàng giả, hàng lậu, hàng nhái đầy rẫy với hầu hết các loại sản phẩm”. Và quả thực chuyện kinh doanh và tiêu dùng hàng giả, hàng nhái… ở trong nước không còn là chuyện “bí mật” mà công khai như “mớ rau con cá” ngoài chợ, nhất là ở những thành phố lớn. Đối với một số mặt hàng để tránh “tiếng” là hàng giả, hàng nhái thì người ta gọi một cách “lịch sự” hơn là “hàng fake”. Như thực phẩm, một mặt hàng thuộc nhu yếu phẩm của con người cũng bị làm giả một cách… không thương xót. Ruốc thịt – loại thức ăn chủ yếu dành cho con trẻ và người ốm chẳng hạn đã có cả một xưởng sản xuất ở Quốc Oai, Hà Nội chuyên làm giả. Và điều đáng buồn là nguyên liệu để làm ruốc giả ấy là bã sắn dây, nghĩa là những người sản xuất sẵn sàng đạp lên sự sống của con trẻ và người ốm để… có thể được “một vốn bốn lời”. Họ làm theo công thức cứ 10kg ruốc thì trong đó 7 phần là bã sắn dây, 3 phần là ruốc thịt thật. Ngoài ra, để tránh ẩm mốc do bã sắn dễ bị thời tiết tác động thì chính một người sản xuất ở xã Thạch Thán, huyện Quốc Oai, Hà Nội bật mí: “Khi sản xuất (ruốc bã sắn) chúng tôi đã tăng thêm hàm lượng chất bảo quản rồi”.

Không chỉ thực phẩm, sản phẩm được coi như “thần dược” có tác dụng nâng cao thể trạng, thậm chí hỗ trợ điều trị bệnh

Bác sĩ da liễu Lê Quang Lộc, Bệnh Viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội): Mỹ phẩm giả rẻ tiền thường chứa lượng axit salicylic, corticoid và màu công nghiệp lớn, nhất là những loại kem làm trắng da siêu tốc. Chúng chứa lượng lớn thủy ngân và corticoi, thậm chí cả chất cấm trong ngành y dược. Nếu sử dụng lâu dài những chất độc hại này, sẽ bào mòn da, làm giảm sắc tố trên da đồng thời làm da nhăn, rạn da. Nghiêm trọng hơn thì làm biến dạng cơ mặt, giãn mạch máu, hỏng sắc tố da, phù nề, da chảy nước, viêm cấp tính, ung thư da…

là thực phẩm chức năng cũng bị làm giả. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, mỗi năm có gần 2.000 doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này với kim ngạch hơn 300 triệu USD/năm. Nhưng qua khâu kiểm tra chất lượng thì hàm lượng thực phẩm chức năng theo tiêu chuẩn G7 chỉ đạt 3%, còn lại là hàm lượng thấp – chủ yếu nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Thậm chí, có loại thực phẩm chức năng chỉ số kiểm tra thực tế thấp hơn nhiều so với hồ sơ công bố.

Tính từ tháng 8-2013 đến tháng 5-2014 lực lượng chức năng gồm Công an Hà Nội và Quản lý thị trường Hà Nội đã bắt giữ 5 vụ sản xuất đóng gói thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc nhưng lại đề nhãn mác của Nhật, Mỹ, Pháp… rồi tiêu thụ ra ngoài thị trường với giá “cắt cổ”, trong đó vụ lớn nhất là thu giữ hơn 2.000 sản phẩm tại “kho” nằm trong ngõ 28 Hội Vũ, Phường Hàng Bông, Hà Nội do Trương Thị Tuyết Mai, sinh năm 1982 làm chủ…

Của rẻ là của ôi

Phải nói thực sự là sử dụng thực phẩm chức năng những năm gần đây do nhu cầu nở rộ theo kiểu trào lưu và sử dụng một cách thiếu hiểu biết đã là nguyên nhân khiến cho thực phẩm chức năng giả tràn lan và dễ dàng được tiêu thụ. Người ta sử dụng chủ yếu theo “truyền khẩu” mà không cần hướng dẫn, chỉ định nào của những người có chuyên môn. Cứ nghe “mách” là mua. Nếu giá rẻ còn “đổ xô” đi mua trong khi ai cũng hiểu đây là sản phẩm tác động trực tiếp tới sức khỏe, mạng sống của con người. Đáng tiếc điều này còn trở thành xu hướng tiêu dùng của người dân ngày nay đối với tất cả các mặt hàng nói chung.

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam nói: “Một trong những nguyên nhân “khuyến khích” hàng giả, hàng nhái tràn lan là do tâm lý ham rẻ của người tiêu dùng. Chẳng hạn, một chiếc áo Lacoste chính hãng có chất lượng tốt có giá gần 2 triệu đồng/chiếc chắc chắn số người mua sẽ ít hơn so với một chiếc “nhái” với giá chỉ khoảng 100 nghìn đồng. Kể cả những người có điều kiện kinh tế đôi khi cũng lựa chọn theo hình thức tiêu dùng này. Và vô hình trung điều đó đã “dung túng” cho hàng giả, hàng nhái… phát triển mạnh”.

Phân tích kỹ hơn và mang tính “chuyên ngành”, Trung tướng Nguyễn Tiến Lực khẳng định: “Nguyên nhân dẫn đến hàng giả, hàng nhái đầy rẫy là do tội phạm này đã được xử lý nhiều nhưng theo thống kê chỉ đưa ra khởi tố được 1%, còn 99% là xử phạt hành chính…”. Còn ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường trên cơ sở công tác của mình đã nhận định: “Tình trạng cơ man hàng giả, hàng nhái là do phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng phức tạp, tinh vi. Cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ. Sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ; trình độ chuyên môn nghiệp vụ hạn chế, Sự phối hợp giữa doanh nghiệp và cơ quan thực thi chưa nhịp nhàng…”.

Do đó, để cuộc chiến chống hàng giả đạt hiệu quả, tất cả những bất cập, khó khăn trên đây phải được giải quyết bằng cách chấn chỉnh, bổ sung, thay đổi để phù hợp với thực tế. Đồng thời quan trọng nhất là phải vận động, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về văn hóa, tâm lý tiêu dùng để tẩy chay hàng “rởm”, hàng kém chất lượng. Nếu không sẽ là sự thiệt hại nặng nề về kinh tế và sự suy giảm năng lượng sống của con người do tác động của loại hàng hóa này.

GS.TS Bùi Minh Đức – Phó chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: “Bã sắn dây là một loại chất xơ, sau khi đã lấy hết bột, không còn chất dinh dưỡng, hoàn toàn không có tác dụng với sức khỏe cho con người. Trái lại, qua quá trình tẩm ướp, chế biến không đảm bảo vệ sinh, nguy cơ nhiễm khuẩn của ruốc là rất lớn. Kết quả kiểm tra mới nhất do Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế thực hiện cũng cho thấy thực trạng đáng lo ngại: mẫu ruốc thịt không đạt về hàm lượng, nhiều chất tạo ngọt hóa học, nhiễm E.coli và chất bảo quản ở mức cao – chiếm 53,3% số mẫu kiểm tra”.

Xuân Bách

Nguồn: Petrotimes.vn 

Bệnh viện Hạnh Phúc