Màn hình sắc nét của không gian mạng xã hội vẽ ra những hình ảnh rất khác so với những gì diễn ra “thực tế” trong cuộc đời. Vô số những hình ảnh hạnh phúc, hàng ngàn “người bạn – friends”, rất nhiều người bấm “like” và nhiều fan hâm mộ như một lời hứa quyến rũ về một cuộc sống lý tưởng đã ngay trong tầm tay để ta ảo tưởng mình có thể trở thành bất kỳ điều gì mình muốn. Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác và rất đáng buồn.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trên thực tế, sự mê đắm Internet dễ khiến con người ta trở nên điên loạn, đơn độc, buồn chán, dễ ói mửa, trầm cảm, lo lắng, thô lỗ và ngớ ngẩn hơn. Họ thường có xu hướng chống đối xã hội, dễ bị ám ảnh và mắc hội chứng “Attention Deficit Disorder (ADD) – hội chứng không có khả năng tập trung.

Có bao giờ bạn dừng lại và tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu một ngày nào đó, nguồn truy cập của bạn bị biến mất? Ta có cảm giác bồn chồn và lạc lõng với cuộc đời? Rốt cuộc ta sẽ phải đối diện với chính mình vào một ngày nào đó không?

fd007_social_media_traffic_sources_200

Peter Whybrow, Giám đốc điều hành Viện Semel về khoa học thần kinh và hành vi con người tại UCLA, đã chứng minh rằng “máy tính giống như cocain điện tử”, kích động những cơn hưng cảm, kéo theo chứng trầm uất lâu dài. Larry Rosen, nhà tâm lý học tại California, đã nghiên cứu tác dụng của Internet trong nhiều thập kỷ, cho biết thêm rằng người nghiện dạng này thường bị ám ảnh, phụ thuộc và có những hành vi thiếu kiểm soát hoặc căng thẳng. Tony Dokoupil trong bản tin hàng tuần của báo The Daily Beast có viết rằng Internet thậm chí còn kích thích tính điên loạn và mất trí ở con người.

Cơ chế mạng xã hội và tương tác trực tiếp qua phương tiện truyền thông đã ăn sâu vào tâm lý của nhiều người đến mức họ không còn khả năng thoát ra. Nó đang lập trình ta thành những con người với các mối quan hệ không lành mạnh và ảo tưởng mà trong đó ta đang mất dần quyền kiểm soát bản thân. Nó đeo bám ta đến mức mặc dù ta không còn ham thích nữa, nhưng không thể cưỡng lại được.

Nếu sự ám ảnh này cứ mãi tiếp diễn ở thế hệ chúng ta, chắc hẳn con cái chúng ta sẽ phải lớn lên cùng với chiếc điện thoại trong tay. Chúng sẽ cúi gằm mặt xuống, hoàn toàn trở nên cô lập với thế giới xung quanh, mất đi các kỹ năng tương tác cá nhân và trở thành những người im hơi lặng tiếng, di chuyển như những zombie (xác chết di động!).

Nếu bạn cho rằng “tôi chẳng thể bị vướng vào căn bệnh này, thì hãy để ý đến số lần kiểm tra điện thoại di động, truy cập Internet hoặc kiểm tra e-mail trong ngày của bạn và bạn sẽ biết mình bị bệnh này hay không.

Nếu cocain điện tử này bị lấy đi khỏi bạn dù chỉ một ngày, bạn sẽ cảm thấy thế nào?

Một thử nghiệm “unplugged” – ngắt nút đã được trường Đại học Maryland thực hiện năm 2010 với 200 em sinh viên. Các sinh viên này bị buộc không truy cập Internet và sử dụng điện thoại di động trong một ngày. Mỗi em có một cuốn nhật ký để ghi lại những cảm giác của mình. Hầu hết các em ghi rằng mình không chỉ cảm thấy miễn cưỡng mà còn mất đi khả năng hoạt động nữa.

Inter (bên trong) net (mạng) lẽ ra phải là mạng đưa ta hướng vào nội tâm mình, thì lại trở thành outer (bên ngoài) net mang ta đến những góc nẻo xa rời thực tại và cốt lõi bên trong, còn gọi là bản thể thật sự của mình.

Trước khi trở thành “con nghiện” quá nặng, ta nên tỉnh ngộ đã đến lúc ta cần quay về nền tảng tái hàn gắn mối quan hệ thật sự, trước nhất với chính mình, sau đó là với các đồng nghiệp, những người cùng phòng mà không phụ thuộc vào bất cứ mạng điện tử nào!

Công nghệ điện tử, truyền thông và tương tác trực tiếp đều là những phương tiện mang đến cho ta những điều kỳ diệu. Cuộc sống của ta chắc hẳn sẽ chật vật hơn nếu không có chúng. Nhưng đã đến lúc ta cần giành lấy sức mạnh nội tâm và nhớ lại ai mới là người giữ lái thực sự cho chuyến xe cuộc đời của mình. Ai mới thực sự là người chủ điều hành? Tôi hay là iPad?

Ta nên nhớ rằng khi cục pin – nguồn năng lượng trong tâm hồn mình trở nên cạn kiệt, chẳng gì trong cuộc sống của ta còn có thể hoạt động được nữa. Nó cần được sạc lại và cần được tu bổ thường xuyên để có được nguồn sức mạnh từ bên trong và để có được những thành quả tốt nhất. Nơi duy nhất để ta nạp lại năng lượng cho mình là nguồn năng lượng nội tại. “Outernet” không làm tâm hồn ta mạnh thêm mà chỉ suy yếu đi. Truyền thông không dây mà ta đang thực sự tìm kiếm là kết nối với nguồn năng lượng nội tại như một cội nguồn tràn đầy những tia lửa của niềm hân hoan mà tâm hồn ta đang thật sự tìm kiếm.

Đã đến lúc… gặp mặt người thật ở thế giới thật và quay về với những điều cơ bản nhất. Hãy dành ra một ngày hoặc thậm chí nửa ngày không Internet, không điện thoại và không cả e-mail để tận hưởng cảm giác được đồng hành với chính mình, và cuối cùng, khi bạn đã trở nên mệt mỏi với thực tế ảo này, vẫn có một thực tế rất thật chỉ cách bạn bằng đúng một suy nghĩ!

Phạm Thị Sen dịch

(*) Bà Aruna Ladva là một diễn giả đã có hơn 30 năm nghiên cứu, luyện tập và giảng dạy các đề tài về phát triển bản thân và xây dựng một cuộc sống cân bằng, hài hòa.

Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn online 

Bệnh viện Hạnh Phúc