Không muốn đóng khung mình trong bất cứ vai tuồng nào giữa cuộc đời nên sau nhiều năm vắng bóng vai trò đạo diễn các sân khấu, Đoàn Quang Anh Khanh đã chọn cho mình một lối sống trầm lặng, hòa mình về với thiên nhiên, không bị cuốn theo những trò chơi của tâm trí! Để biết thêm nhiều điều thú vị qua “cuộc dạo chơi về miền tâm thức” của anh, chúng ta hãy tìm hiểu tuyển tập thi – họa “Rỗng” của Đoàn Quang Anh Khanh, hiện đang được phát hành rộng rãi trên thị trường sách và sàn thương mại điện tử Tiki.

Tuyển tập thi – họa Rỗng của Tác giả Đoàn Quang Anh Khanh

 Tác giả Đoàn Quang Anh Khanh ngồi thiền giữa thiên nhiên

-Xin chào Tác giả Đoàn Quang Anh Khanh. Mở đầu tuyển tập thi họa Rỗng là một bài thơ mang hơi hướng “thiền” với tựa đề “Không”, có trích đoạn rất hay:

“… Sâu thẳm từ bên trong ta bỗng hóa rỗng không

Con số không đẹp lung linh lộng lẫy

Thật trọn vẹn khi ta bằng chừng ấy

Chẳng có gì đập nát khi ta bằng không.

Móng vuốt sắc nhọn chẳng cào cấu được cái không

Rỗng để chứa đựng, rỗng khởi sinh tuệ giác

Rỗng để yêu thương, rỗng quay về Phật tánh

Chốn an lành, không màu, không vị, không hương…”

“Tánh không” và sự rỗng trong thơ thiền của anh có vẻ tương đồng với câu: “Sắc tức thị không, không tức thị sắc…” trong kinh Phật “Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh” (Prajnaparamitahridaya Sutra). Như vậy, anh đã vận dụng phương pháp hành thiền nào để đưa tâm trí của mình trở về với “tánh không”, sự rỗng một cách dễ thực hành và đạt được trạng thái phúc lạc nhất từ sâu thẳm bên trong tâm thức?

 -ĐQAK: Nói về thiền thì rất nhiều phương pháp, nhiều trường phái truyền dạy cho chúng ta tu tập. Nhưng thời lượng buổi nói chuyện có hạn nên tôi không muốn bàn sâu về thiền và cách thức thực hành thiền định ở đây. Tựu chung lại chỉ hiểu đơn giản “thiền” giúp chúng ta loại bỏ các suy nghĩ vớ vẩn, những ảo tưởng, ảo ảnh viễn vong (loại bỏ những tạp niệm), làm thanh lọc tâm trí, vệ sinh và sắp xếp lại để tạo không gian trống rỗng cho tâm trí, khi ấy ta mới có cơ duyên trở về với chính mình, với những cảm nhận sâu sắc về hiện tại… Đấy là con đường đi đến sự trống không của tâm trí, bầu trời bên trong của mỗi chúng ta bắt đầu rộng mở, “tánh không” sẽ lộ diện đấy là dấu hiệu của việc “cái tôi”, “cái ngã” bị triệt tiêu, ta sẽ có được tỉnh thức, sự trưởng thành của tâm linh.

 Tranh “Rỗng” của Đoàn Quang Anh Khanh

-Trong bài thơ thiền “Chợt Ngộ” có đoạn:

“Phật trao Ca Diếp một nhành hoa

Chẳng pháp, chẳng kinh, chẳng luận đà

Chỉ chờ khoảnh khắc Ca Diếp ngộ

Hồn nhiên cười rộ giữa bao la …”.

Anh cảm nhận thế nào về câu chuyện ngài Ca Diếp chỉ mỉm cười nhìn một nhành hoa mà đã chứng ngộ? 

-ĐQAK: Sự chứng ngộ đôi khi không có ngôn lời nào diễn tả hết, khi cảnh giới của Ca Diếp chạm đến được cảnh giới của Đức Phật thì bầu trời an lạc rộng mở từ bên trong tỏa hương, các ngài gặp nhau ở sự tối thượng của vĩnh hằng, không vướng chấp, không diệt sinh, không đến không đi, có mặt trong cõi không có mặt… cảnh giới diệu vi của miền an lạc. Khi ấy mọi thứ như dừng lại, không câu từ, không lời nói, dải ngân hà của hạnh phúc diệu êm lãng đãng trôi qua… Ca Diếp chứng ngộ.

Tranh “Bông hoa trong nắng” của Đoàn Quang Anh Khanh

Trong các bài thơ của anh như: “Thoát khỏi chật chội”, “Ham muốn là tù túng”, “Mọi thứ đến rồi đi”, “Tất cả thuộc về bao la”, “Rồi sẽ trôi qua”, “Rỗng”… đều đề cao đến sự tự do vô tận của tâm thức, thoát khỏi mọi sự ràng buộc trong tâm trí hạn hẹp hay những ngoại cảnh rối xoắn đang hiện hữu ở thế gian… Vậy tư tưởng giải thoát trong các bài thơ thiền của anh có điểm tương đồng hay khác biệt với tư tưởng phá chấp, tách biệt và đoạn diệt bản ngã trong phương pháp thiền của OSHO hay không?

-ĐQAK: Không có pháp nào là ưu việt, không có hành trình nào là tối ưu cả. Nếu ta không đi thì hành trình vẫn ở đó, con đường vẫn ở đó. Pháp cũng chỉ là phương tiện, phương diện, con đường có đó nếu không đi chắc chắn sẽ không thể nào biết được, nói chi là cảm nhận hay trải nghiệm được đường đi. Có pháp mà không “tu” thì cũng khó chứng ngộ. Ta phải đi, phải nhảy vào cái chưa chắc chắn, cái mà ta chưa nếm trải, thì đấy mới là đạo của chính ta, thành trì khổ đau hay là bầu trời an lạc bất tận bên trong cũng do chính tâm ta mà ra. Nếu biết hành thiền, biết đoạt tuyệt cái tôi, cái ngã thì ấy là “Đạo” là con đường hạnh phúc. Chứng ngộ là quay về “tánh không” vui sống an nhiên trong thực tại, thong dong đường về cõi tâm linh. Nên những bài thơ kể trên tôi muốn hướng nhiều người tìm về cái “sự rỗng” để quên đi những ngày tháng khổ đau ngụp lặn trong cõi ta bà nhiều phiền muộn này và biết yêu lấy những phút giây an yên của tâm trí thế thôi.

Tác giả Đoàn Quang Anh Khanh

-Với 24 bức tranh thiền minh họa trong tuyển tập thi – họa Rỗng đầu tay của mình, phải chăng anh muốn diễn đạt cảm thức của mình với triết lý sống của các danh nhân phương Đông?

-ĐQAK: Tôi yêu trạng thái “rỗng” của tâm can nên khi vẽ tranh và làm thơ tôi chẳng có chút gì phải nỗ lực để trở thành hoạ sĩ lớn hay nhà thơ lớn cả. Tôi chẳng quan tâm đến triết lý đông, tây, nam, bắc gì ở đây! Tôi vẽ trong sự rỗng, làm thơ trong sự rỗng và thở trong sự rỗng… Tôi hạnh phúc vì tôi cứ trôi đi như thế trong dòng sông nghệ thuật, chứ không tự hào về những tác phẩm của mình tạo ra. Tôi yêu lấy an yên hơn là sự trở thành, cũng như những thứ gì đạt được. Cho nên, tôi yêu những tác phẩm của tôi hơn là sự tự hào.

    Tranh “Hồn nhiên đoạt lại” của Đoàn Quang Anh Khanh

 -NXB Phụ Nữ Việt Nam vừa xuất bản tuyển tập thi – họa Rỗng đầu tay của anh vào tháng 6/2022 rất đẹp, độc đáo, mới lạ từ hình thức trình bày bìa cho đến nội dung, tư tưởng của 41 bài thơ và 24 bức tranh. Anh muốn chia sẻ thông điệp gì đến với Quý bạn đọc và những người đang muốn đi tìm lại con người chân thật (bản lai diện mục) bên trong của mình?

-ĐQAK: Tôi muốn mọi người hãy yêu lấy không gian thoáng đãng, yêu lấy bầu trời tự do tận sâu bên trong tâm trí, tôn trọng “Mẹ Thiên Nhiên” và yêu sự nhẹ nhàng của giây phút hiện tại, nên tôi gửi đến thông điệp “rỗng” thế thôi! Có không gian cho cuộc sống, có không gian cho tầm nhìn và đặc biệt là có không gian cho tâm trí… được như thế phúc lạc sẽ nở hoa, an yên về giữa cuộc sống!

-Cảm ơn tác giả Đoàn Quang Anh Khanh đã dành thời gian cho Phụ Nữ Hiện Đại và Quý bạn đọc.

Quý vị có thể đặt mua tuyển tập thi – họa Rỗng trên Tiki tại đây: https://tiki.vn/rong-tuyen-tap-thi-hoa-p187958008.html?spid=187958009

Đỗ Thiên Hương

Photo: Master Fiap Hoàng Quốc Tuấn

(CLB Phunuhiendai)

 

 

 

Bệnh viện Hạnh Phúc