Ngay từ trong bào thai, đứa con đã gắn kết chặt chẽ với mẹ mình không chỉ ở phương diện thể chất mà còn có mối liên hệ tinh thần. Khi sinh con ra, mẹ cũng chính là người gắn bó liên tục với con qua việc chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ. Tương quan chặt chẽ tưởng chừng “bất khả phân ly” ấy cũng có lúc phải chia tách ra, để con có không gian phát triển. Đó là điều kiện quan trọng giúp cho một đứa trẻ lớn lên và trưởng thành.
Đời người và những kinh nghiệm chia ly
Tưởng rằng chia ly là chuyện của người lớn, còn trẻ em mà phải chia ly thì quả là bất hạnh. Thế nhưng ngay lúc chào đời, chúng ta đã phải đi qua kinh nghiệm chia ly đầu tiên với tử cung êm ái của mẹ mình. Trong quá trình lớn lên, chúng ta lại dần phải làm quen với nhiều sự chia ly khác như chia ly với mái nhà quen thuộc để đến nhà trẻ, chia ly với thói quen vui chơi thoải mái để bước vào chương trình giáo dục chính quy nề nếp. Khi ra đời, ai cũng vài lần phải chấp nhận chia ly với công việc cũ để chọn một môi trường làm việc tốt hơn. Đến lúc kết hôn, đôi bạn phải chia ly những tháng ngày độc thân để bước vào một cam kết có trách nhiệm với nhau. Dường như mỗi lần chia ly đi qua, đều để lại nhiều nỗi lo lắng cho khổ chủ, nhưng kết quả sẽ đem đến các yếu tố mới mẻ bất ngờ để phát triển hơn. Đó là tư tưởng của nhà tâm lý học người Áo Otto Rank khi nói về việc mỗi người cần trải qua những cuộc chia ly để tồn tại và ‘lớn lên’ trong cuộc đời.
Tốt thôi, đừng tốt quá!
Quan hệ mẹ – con cũng thế, người mẹ tốt sẽ quan tâm và đáp ứng các nhu cầu vật chất, cảm xúc cho con mình trong giai đoạn đầu đời. Mẹ là người cho con bú sữa, thay tã, tắm rửa cho con, chăm sóc con khi đau ốm. Qua đó, tình cảm yêu thương giữa mẹ con cũng dần nảy nở để làm nền tảng cho sự phát triển đời sống tinh thần của trẻ. Thế nhưng một “người mẹ tốt đủ” sẽ biết giới hạn để “dừng việc đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của trẻ” nhằm giúp con “lớn lên không phải với sự thực hiện của người mẹ”. (Winnicott*)
* DonaldWinnicott (1896 – 1971), bác sĩ nhi khoa – nhà phân tâm học người Anh, người đã đưa ra khái niệm “người mẹ tốt đủ” trong tác phẩm Sự chăm sóc cơ bản của người mẹ (1956).
Như vậy, một “người mẹ tốt đủ” phải ở vị trí trung hoà. Mẹ sẽ không ghẻ lạnh hay bỏ rơi để con phải thiếu thốn, nhưng cũng không mãi đáp ứng hết mọi nhu cầu của con. Có thể thấy, một số trường hợp khi có bất ổn trong mối quan hệ vợ chồng, nhiều bà mẹ có xu hướng dồn hết mọi tình cảm, sự quan tâm cho con qua việc chăm sóc, theo sát con đến từng “đường tơ kẽ tóc”. Nói một cách mạnh mẽ, đó không khác gì một hình thức “lạm dụng cảm xúc” đứa trẻ. Và tất nhiên, những đứa trẻ “bám dính” mẹ như thế sẽ gặp phải nhiều rất khó khăn trong cuộc sống cá nhân sau này.
Ở Việt Nam trong vài thập niên gần đây, các gia đình không còn cảnh con đàn cháu đống như ở thời trước. Mỗi cặp vợ chồng thường chỉ sinh từ một đến hai con “để nuôi dạy cho tốt”. Từ đó, hiện tượng con một, con cưng, con vàng… bắt đầu được truyền thông gọi tên ngày càng nhiều. Cha mẹ dành hết thời gian, tiền của, tâm sức đầu tư cho con mình. Trong gia đình, con cái được đặt vào vị trí trung tâm để ông bà, cha mẹ chăm sóc, phục vụ. Phải chăng đó cũng là lý do làm cho trẻ khó tách rời khỏi vòng tay mẹ hơn?
Một cách nghĩ cũng khá phổ biến là đời cha mẹ khổ sở nhiều, nên giờ có điều kiện phải bù đắp lại cho con. Sự bù đắp này đôi khi bị đẩy đến mức cực đoan, khiến cha mẹ đáp ứng mọi đòi hỏi của con. Thậm chí có mẹ còn làm bài tập giúp con, không dám để con phụ giúp công việc ở nhà. Thế nhưng, chỉ khi một đứa trẻ được tự do khám phá và có được những thành quả do mình tạo nên, trẻ mới củng cố được lòng tự tin và nâng cao ý thức về giá trị bản thân.
Cha mẹ là lá chắn?
Ở một góc độ khác, có những người mẹ “bám chặt” lấy con theo kiểu kiểm soát chặt chẽ. Cha mẹ luôn can thiệp rất sâu vào chuyện học, chuyện ở lớp của con và có xu hướng đứng ra giải quyết thay. Nhiều cha mẹ còn không cho trẻ quyền lựa chọn sở thích khi cứ ép con ăn món mình nghĩ là tốt, hay bắt con mặc bộ quần áo mình cho là đẹp. Hầu như cả ngày mẹ luôn để mắt đến con và cố gắng thu xếp mọi thứ cho trẻ. Từ năm 1969, trong tác phẩm Cha mẹ và trẻ vị thành niên, Tiến sĩ Haim Ginott đã đưa ra hình ảnh ẩn dụ “cha mẹ trực thăng” (helicopter parents) để nói về việc những bậc phụ huynh luôn kiểm soát chặt con mình như kiểu máy bay lên thẳng bay lượn giám sát bên trên. Với những trường hợp như thế, để mẹ có thể an lòng mà “chia ly” với con, quả là một thách thức không dễ dàng.
Nói tóm lại, trong mối quan hệ thiêng liêng giữa mẹ – con, gắn kết và chia ly như là hai yếu tố “vừa mâu thuẫn, vừa thống nhất” để tạo cân bằng trong sự phát triển tâm lý cá nhân của trẻ. Gắn kết cho trẻ cảm giác được yêu thương, an toàn. Chia ly mở đường giúp trẻ trở thành con người độc lập bước vào cuộc đời của mình. Vậy làm sao để người mẹ thanh thản chia ly với con? Điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào tâm lý cá nhân của mẹ, kiểu gắn bó của mẹ từ thời xa xưa với thế hệ trước và cả bối cảnh hệ thống gia đình. Trong khuôn khổ một bài viết e rằng khó có thể diễn giải cho hết. Thôi thì nhận diện được mình đang “gắn kết” với con thế nào, cũng là một bước để chia ly.
Chuyên gia Tâm lý
Vương Nguyễn Toàn Thiện
Đơn vị Tâm lý – BV Nhi đồng Thành phố
Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn