Mong muốn có một năm mới bình an và làm ăn may mắn, nhiều người đã không khỏi thắc mắc việc nên cúng Táo quân vào giờ nào? Hãy để Mẹ&Con giải đáp cho bạn nhé!

Theo quan niệm dân gian, ông Công là vị thần cai quản đất đai, còn Táo quân gồm 2 ông và 1 bà làm nhiệm vụ cai quản bếp núc trong gia đình. Các vị Táo này sẽ định đoạt may rủi cũng như phúc họa của gia chủ và ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ vào thổ cư, luôn giữ bình yên cho mọi người trong nhà.

Ngày 23 tháng Chạp hàng năm là ngày cúng ông Công, ông Táo. (Ảnh minh họa)

Hàng năm, vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này sẽ bay về trời, trình báo mọi việc xảy ra tại gia đình trong năm qua để Thiên đình định đoạt công tội, thưởng phạt phân minh. Thế nên, vào ngày này hầu hết các gia đình đều làm cơm cúng để tiễn ông Công, ông Táo về trời. Vậy cúng Táo quân vào giờ nào là đẹp nhất để gia đình luôn được bình an?

Thực tế, nếu không sắp xếp được thời gian, bạn có thể làm cỗ cúng Táo quân trước 1 hoặc 2 ngày. Lễ cúng ông Công ông Táo thường diễn ra vào buổi sáng, có thể cúng trong khoảng thời gian từ ngày 22 tháng Chạp đến trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp. Đây cũng chính là thời gian thích hợp để ông Công, ông Táo kịp giờ lên thiên đình.

Mâm cúng ông Táo

Lễ vật bắt buộc trong lễ cúng ông Công ông Táo phải có 3 bộ mũ, áo. Trong đó, bao gồm hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo có hai cánh chuồn, mũ Táo bà sẽ không có cánh chuồn. Những đồ vàng mã sẽ được đốt sau lễ cúng ông Táo.

Một linh vật cũng không thể thiếu trong lễ cúng ông Công ông Táo chính là cá chép. Cá chép được xem là phương tiện để ông bà về chầu trời. Mọi người thường cúng 3 con cá chép còn sống thả trong chậu nước với hàm ý “cá hóa rồng”. Sau đó, cá chép sẽ được phóng sinh, thả ra ao, hồ hoặc sông.

Bên cạnh thắc mắc nên cúng Táo quân vào giờ nào là đẹp nhất thì bạn có biết vì sao cá chép lại trở thành linh vật quý trong ngày 23 tháng Chạp không?

Mâm cúng ông Công, ông Táo tùy vào điều kiện của từng gia đình. (Ảnh minh họa)

Theo một tích truyện của Nho giáo, trong rất nhiều loài cố gắng vượt vũ môn để đạt tới ngôi vị cao hơn, có một loài cá chép vô cùng đặc biệt. Con cá này đã trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, vượt qua nhiều thử thách để rồi vượt qua Vũ Long Môn và hóa rồng. Từ đó, cá chép biểu trưng cho sự an lành và sung túc, thịnh vượng. Với giới trí thức, cá chép sẽ đem đến sự thăng tiến trong học hành, thi cử, công danh và may mắn.

Ngoài ra, còn có các loại vàng mã khác, hương, hoa, quả, cau, trầu cùng một mâm cỗ được chuẩn bị cẩn thận, đầy đủ. Những lễ vật này, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh của từng gia đình.

Địa điểm cúng ông Công ông Táo

Nếu có bàn thờ Táo Quân đặt ở gần bếp, bạn có thể làm lễ thắp hương ở bàn thờ này. Tuy nhiên, hiện nay các gia đình chủ yếu vẫn thắp hương ở bàn thờ thần linh và gia tiên chứ không cúng lễ ở bếp, bởi họ quan niệm bàn thờ chính là sợi dây kết nối giữa hai thế giới trần thế và thần linh.

Việc cúng ông Công ông Táo cũng không cần quá cầu kỳ và chi tiêu tốn kém. Điều quan trọng nhất là tấm lòng thành của gia chủ.

Khi cúng ông Công, ông Táo, quan niệm dân gian cho rằng không nên cầu xin phú quý, cũng không cầu xin no đủ, mà chỉ xin Táo công bẩm báo điều tốt, bớt nói điều không hay. Sau khi tiễn ông Công, ông Táo về trời, gia chủ có thể sắp xếp bàn thờ, lau chùi bát hương, chuẩn bị mọi thứ để chờ ngày đón giao thừa.

Sau khi đã giải đáp được thắc mắc nên cúng Táo quân vào giờ nào, Mẹ&Con hy vọng gia đình bạn sẽ có sự chuẩn bị đầy đủ cho ngày 23 tháng Chạp đang đến gần để đón một cái Tết ấm áp, hạnh phúc và vui vẻ.

 

 

Theo TC Mẹ & Con/ mevacon.com.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc