Vì gia đình phải tha phương kiếm sống nhiều nơi, tôi đã ở vừa nhà mình vừa nhà mướn, cho tới bây giờ, tất cả là sáu căn nhà. Và sung sướng nhất là có năm căn được mở cửa sau.
Có cái cửa sau mở ra khu đất trống um tùm cây cỏ, giang sơn của hai vợ chồng con ngỗng vừa to vừa dữ. Có cái cửa sau mở ra khoảng sân với giếng nước và giàn gấc, giàn bầu bí, giàn dưa tây tùy theo lúc muốn trồng cây gì, lại còn có cái cửa rào xộc xệch để đi vào xóm sau, chỉ toàn là đường đất bụi. Tôi nhớ cái nhà ở ấp Tân Trang, gần đâu đó chợ Tân Bình bây giờ, sáng sáng mở cửa sau để đi chợ. Nhớ cái nhà ở hương lộ 14, mở cửa sau ra là bước xuống đường xe cộ chạy rần rần, vì cửa trước sát ngay mặt chợ, vừa dơ vừa vướng thúng mẹt gióng gánh bày hàng. Và nhớ cái nhà ở Vũng Tàu, phía cửa sau lúc nào cũng âm u, dễ sợ vì nhà ít, cây nhiều.
Tám tuổi, nhiệm vụ buổi tối trước khi đi ngủ của tôi là đi đóng cửa sau. Gài chốt cho chắc, bấm khóa, đừng quên cái nào. Rồi theo má cầm đèn dầu soi từng cái gầm giường. Má tôi nói làm vậy để phát hiện kẻ trộm (nếu có), lén núp chờ sẵn trong đó chờ cả nhà ngủ say sẽ ra tay lục lọi lấy hết tiền bạc, đồ đạc. Má tôi cũng luôn căn dặn, nếu chỉ có một mình ở nhà, thì phải nhớ không được mở cửa sau.
Không hiểu sao, gió lùa ở cửa sau luôn mát hơn gió thổi ở cửa trước. Có lẽ thế mà cửa sau thường là chỗ để thổ lộ những riêng tư lén lút, giận vui buồn tức… Ăn vụng bánh trái… ra cửa sau mà ngồi cho kín. Vì ra vô bằng cửa sau, nên bếp cũng là nơi tiếp khách quen thân tình. Người ta thích đi bằng cửa sau để tránh làm dơ nhà trước, phòng khách, hay là đỡ mất công mở đóng tới hai cái cửa nặng nề chốt khóa. Nhưng thích nhất là có tới hai lối vào nhà. Có khách, con người lớn đi bằng cửa sau cho êm. Khỏi làm phiền, khỏi chào, tránh người không thích gặp… Tiện lợi đôi đường.
Có cửa sau, có thêm hàng xóm láng giềng, sáng trưa chiều tối, mở cửa ra cười một cái. Nhớ đừng quét rác hất ra cửa sau là được.
Thời nay, có cửa sau là có thêm nỗi sợ kẻ xấu rình mò đục cửa. Hồi xưa, hình như nhà nào cũng có cửa sau. Trong xóm tôi ở hiện giờ vẫn còn mấy căn nhà lầu mặt tiền có cửa sau mở ra hẻm nhỏ.
Cửa sau ở những ngôi nhà thành phố hiếm đến độ không thể đếm trên đầu ngón tay. Nếu có cũng đóng kín mít, ít dám xài vì hàng xóm phía sau kiêng kỵ cái cửa đó cứ như ngó thẳng vô mặt nhà mình, soi mói, ảnh hưởng phong thủy, của tiền, vượng khí…
Cái cửa sau nhà luôn mở ra một thế giới khác, hấp dẫn. Như căn nhà tuổi thơ ở xứ cao nguyên, có những buổi trưa, vừa đi vừa ngó lấm lét những cái lá đựng cháo cúng cô hồn cắm dọc đường u tịch và rùng rợn. Nhưng tôi vẫn ra đó để hái hoa đậu ma, mút giọt mật ngọt ngon hơn tất cả những cục kẹo tôi từng biết.
Lớn hơn chút nữa, tôi dắt thằng em, tất nhiên là đi bằng cửa sau cho gần, xuống nhà người quen chơi. Đầu tiên là chui vô bếp, coi bà chủ làm bún bằng gạo đỏ bằng cái ống lon sữa bò. Sau đó, giả bộ kêu chán quá, mò lên nhà trên, xin ông chủ cho mượn cái vỏ ốc lớn bằng trái bưởi, áp sát lỗ tai để nghe tiếng sóng biển rì rào mơ hồ, quyến rũ.
Với căn nhà cuối cùng của đời mình, ban đầu, cũng tính cắt bớt chiều dài căn nhà để làm cửa sau cho thỏa lòng mong ước. Nhưng cũng tỉnh táo để nhận ra rằng, mở cửa sau chỉ để bước ra bước vào, chỉ có cách leo tường mới lọt qua hẻm phía sau đầy nhóc nhà lớn, nhà nhỏ nằm ngang dọc. Vậy là đành xén một miếng gian bếp nở hậu, trổ cái cửa hông ở trong nhà. Thì cũng được hưởng cái thú vị, bước ra khoảng trống dưới giếng trời ngang 7 tấc, dài 2m để gọi nó là cái sau hè, để cất cái giỏ đi chợ, để ngồi lặt rau, để dựng cây lau nhà cho ráo, để múc nước rửa mặt, xối nước rửa chân. Và chiều chiều ngồi hóng gió…
Bấy nhiêu thôi, cũng thỏa lòng…
Bài: LƯU THỊ LƯƠNG
Theo TẠP CHÍ KIẾN TRÚC NHÀ ĐẸP – SỐ 3.2015