Khi đời sống phố thị ngày càng hiện đại, chúng ta đôi lúc vẫn nhớ cái thân quen kỳ lạ của những cửa hàng tạp hóa, nơi không có điều hoà mát lạnh, cửa kính sáng bóng hay những món đồ sang chảnh… chỉ có câu chuyện, tình cảm và tiếng cười là miễn phí.

Cửa hiệu tạp hóa: Một nét văn hóa, một trời kỷ niệm - Ảnh 1.

Đi qua phố sầm uất giờ tan tầm, chợt thèm mấy gói bim bim xanh đỏ thời ngày xưa: bim bim cua trứ danh, bim bim pho mát thân thuộc, bim bim ngô ngậy thơm đậm đà… tôi tạt vào hàng tạp hóa ven đường. Trong khi chờ chú bán hàng gỡ những gói bim bim từ dây treo ngoài cửa, tôi nhận ra hình ảnh này thân quen quá đỗi!

“Tạp” vốn nghĩa là nhiều, đa dạng; tạp hóa chỉ một cửa hàng bán thật nhiều những món hàng nhỏ cần thiết cho cuộc sống thường ngày. Phàm sinh ra thuộc thế hệ 8x, 9x hay là những “2000 đời đầu”, ai cũng sẽ nhớ mãi trải nghiệm mua hàng ở những tiệm tạp hóa. Nơi mà cái gì cũng có, mua lâu sẽ trở thành khách quen: được nhớ tên, được mua “chịu”.

Tạp hóa – vừa gần, vừa thân 

Khác với siêu thị hay cửa hàng tiện ích, những tiệm tạp hóa luôn có tên riêng, thường là tên của chủ cửa hàng hay một “nickname” được đặt bởi những gia đình lân cận. Bởi thói quen mua hàng độc đáo của người Việt – thường nảy sinh bất chợt và thích mua gần – các hàng tạp hóa lúc nào cũng có một đội ngũ khách quen thường xuyên và đông đảo.

Ba sẽ đưa tiền lẻ, nhờ anh em ra cửa hàng “cô Nhung” mua pin mới để thay vào điều khiển tivi, mẹ sẽ tiện thể rút ví nhờ sắm thêm gói muối cho bữa cơm chiều. Còn tiền thừa, những đứa trẻ sẽ lịm đi vì sung sướng nếu được tranh thủ mua gói khô bò, lon nước ngọt. Mỗi chuyến mua hàng đều giống như một cuộc dạo chơi đến xứ sở kỳ diệu, nơi mà cái gì cũng có.

Cửa hiệu tạp hóa: Một nét văn hóa, một trời kỷ niệm - Ảnh 2.

Tiệm tạp hoá hầu như cái gì cũng có cho những sinh hoạt đời sống hàng ngày của một gia đình

Cửa hàng tạp hóa thường được kinh doanh bởi gia đình, nên danh sách sản phẩm nhập về cũng chẳng giống nhau. Trong ký ức của một 9x, tôi đã từng ghi nhớ những hàng tạp hóa có loại bim bim mà tôi mê, hay mẹ tôi cũng có cửa hiệu ưa thích vì họ bán đúng loại dầu gội mẹ hay dùng, còn các loại bánh kẹo lúc nào cũng được cập nhật liên tục và toàn những loại thơm ngon. Chỉ ở hàng tạp hóa, người mua mới có thói quen chỉ cần nói “Cho cháu chai dầu gội đầu” là người chủ tiệm đã tự khắc nhớ người đó hay dùng loại gì, của hãng nào. Ở những siêu thị sầm uất, chắc sẽ hơi… kỳ nếu ta đề nghị những câu tương tự và mong chờ một hành động thân thuộc, đúng ý như vậy.

Một nét văn hoá, một trời kỷ niệm

Khi được điểm 9, 10 cho một bài kiểm tra khó, ba từng dẫn tôi đến hiệu tạp hóa gần nhà và cho phép mua những món đồ ăn vặt đủ loại, miễn là tổng tiền không quá 10.000 đồng. Tôi đã háo hức chọn lựa giữa rất nhiều món hàng: kem hay bim bim, socola hay mì tôm trẻ em. Mỗi lần như vậy, cô Hồng chủ tiệm cũng đều cười hỏi: “Cu Thóc (tên gọi ở nhà của tôi) hôm nay lại được ba thưởng à? Thích nhé!”… Dù siêu thị cũng có rất nhiều hàng hóa và thật hiện đại, tôi tin rằng trải nghiệm ngày đó là không thể bị thay thế bởi người thu ngân ở siêu thị sẽ chẳng biết bạn là ai, không biết bạn có những niềm vui nho nhỏ như thế để hỏi thăm, để tặng bạn một nụ cười thật ấm áp. Sự hân hoan xen lẫn với niềm trọn vẹn khó tả, cùng với sự đa dạng rất riêng chỉ tìm thấy ở những cửa hàng tạp hóa truyền thống, ấy là một nét mua sắm rất đỗi bình dị của người Việt Nam.

Cửa hiệu tạp hóa: Một nét văn hóa, một trời kỷ niệm - Ảnh 3.

“Lớn nhanh quá, sắp cao hơn cả anh Nam nhà bà rồi” – ở siêu thị, chắc chắn sẽ không ai biết bạn tên gì? Con cái nhà ai? Dạo này gầy béo thế nào

Giống như những mô hình tí hon rất được yêu thích trong những năm gần đây, những cửa hàng tạp hóa với biển hiệu kinh điển, bày biện trù phú là một dấu ấn rất đỗi đặc trưng của đường phố Việt. Rất hiếm khi ta đi qua siêu thị và chợt dừng lại để mua ngẫu nhiên một món đồ. Nhưng với những tiệm bách hóa kiểu cũ, tôi thường bị cuốn hút để bất giác muốn tạt qua sắm bịch bánh, gói trà, thỏi kẹo cao su hay một món hàng vặt. Trong từ “tạp” cũng vốn mang ý nghĩa “nhỏ, vặt”. Sự hiện diện bình dị của cửa hàng tạp hóa cũng như vậy: tưởng nhỏ mà to, một sự tiện lợi thân thương trong dòng chảy xô bồ của cuộc sống.

Cửa hiệu tạp hóa: Một nét văn hóa, một trời kỷ niệm - Ảnh 4.

Những nụ cười gần gũi, thân thuộc như thế này bạn đã từng gặp chưa?

Trong quá khứ, những cửa hàng mậu dịch quốc doanh, sau là Bách hoá Hà Nội, từng đại diện cho ước mong phát triển của một đất nước hội nhập. Khi chất lượng cuộc sống được nâng cao, những siêu thị trở thành điều “bình thường mới”, nhiều người lo rằng sẽ không có chỗ cho những cửa hàng tạp hóa trong xã hội hiện đại.

Ấy vậy, nhìn qua một lăng kính khác, có lẽ hiệu tạp hóa, siêu thị và cửa hàng tiện ích đều có thể song hành và phục vụ những nhu cầu khác nhau. Đều là đi mua hàng, duy có sự thân quen và kết nối gần gũi là không thể mua được bằng tiền. Ai thì cũng sẽ thích sự tiện lợi, xã hội ngày càng phát triển, những cửa tiệm tạp hoá cũng sẽ dần hiện đại hơn, công nghệ hơn song cái nét riêng chỉ có ở tiệm tạp hóa đó là người ta mới được nhớ tên, được hỏi thăm, được mua thiếu tiền. Và nhất là được nghe câu:

“Lâu lâu lại qua mua hàng của cô nhé!”.

 

Nguồn: Trí Thức Trẻ

http://ttvn.toquoc.vn/cua-hieu-tap-hoa-mot-net-van-hoa-mot-troi-ky-niem-2202011910514485.htm

Bệnh viện Hạnh Phúc
Bệnh viện Hạnh Phúc