Nhiều người những tưởng rằng làm “con một” trong gia đình là may mắn, là sung sướng. Nhưng đối với chính những đứa con độc nhất của gia đình thì nhiều khi đó lại là điều bất hạnh.
Trong bài viết “Con một” sướng hay khổ? của mục Mỗi tuần một câu hỏi trên báo Hà Nội Mới, một em học sinh trả lời rằng: “Đúng là trong mắt bạn bè, ai được làm “con một” trong gia đình cũng sung sướng vì bố mẹ yêu quý hơn, chăm sóc hơn, không phải dùng lại đồ cũ từ anh chị, cũng không phải nhường nhịn các em. Nhưng thực ra không có anh chị em cũng rất buồn, có bài toán khó em không biết nhờ ai giảng giải hộ. Những ngày cuối tuần được dịp nghỉ học, em cũng chỉ lủi thủi ở nhà một mình, không có anh chị em đi chơi cùng… Vì chỉ có mình em nên bố mẹ cũng luôn đặt nhiều áp lực, muốn em chăm ngoan, học thật giỏi. Bố chỉ muốn cấp III em thi khối A, theo học một trường đại học danh tiếng trong khi em lại rất yêu thích môn văn. Những lúc đi họp phụ huynh, nếu em học hành sút kém hay bị cô giáo nhắc nhở một chút là bố mẹ lại la mắng, áp lực rất nặng nề”.
Trong khi đó, một phụ huynh có chia sẻ rằng: “Tôi cũng chỉ có duy nhất một đứa con nên tôi rất hiểu “bệnh” của những “con một”. Các em thường suy nghĩ vì bố mẹ chỉ có một mình mình nên hay đòi hỏi, vòi vĩnh, thậm chí lâu dài còn nảy sinh tính ích kỷ vì quen sống một mình, không phải chia sẻ với anh chị em. Trong khi đó, nhiều ông bố, bà mẹ lại cưng chiều “con một” hết mực, sợ con hờn dỗi, sợ có chuyện không may xảy ra với con nên lúc nào cũng cố gắng đáp ứng mọi đòi hỏi của con, liên tục để ý quan tâm đến con một cách thái quá”.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Thực tế, những ông bố, bà mẹ dành trọn tình yêu thương hết mực cho đứa con duy nhất trong gia đình – đó là điều tất nhiên, song chính vì điều này mà vô tình những bậc phụ huynh có thể làm ảnh hướng xấu đến tâm lý, tính cách và áp lực đối với con mình.
“Con một” – cái gì cũng là nhất
Đây có lẽ là một căn bệnh dễ thấy ở những đứa trẻ là con một trong gia đình. Trong thế giới chỉ có một mình – cũng đồng nghĩa chúng được xem như “ông chúa, bà hoàng” đối với nhiều bậc phụ huynh. Thực tế, đồ chơi, quần áo, bánh kẹo hay nhiều thứ khác đều dành riêng cho chúng và đương nhiên, từ khi còn bé – trẻ con một sẽ có tâm lý bằng lòng rằng mọi thứ đều là của mình, không phải san sẻ, giành giật với ai.
Tính cách con người được hình thành từ những ngày tấm bé và chủ yếu do môi trường gia đình và cách giáo dục của bố mẹ. Nếu không có cách giáo dục phù hợp, những đứa trẻ là con một trong gia đình sẽ dễ bị rơi vào tâm lý kiêu ngạo, lớn dần theo năm tháng, chúng cũng sẽ vẫn mang trong mình tâm lý lúc nào bản thân mình cũng là nhất, bởi lẽ vốn dĩ đã không hề có một “đối thủ” nào để cạnh tranh trong cuộc sống từ thưở ấu thơ.
Ngược lại, những đứa trẻ có anh, chị, em sẽ được rèn tính sẻ chia, nhường nhịn từ khi còn tấm bé. Thậm chí, đó còn là môi trường để chúng biết đến sự cạnh tranh chứ không phải là sự mặc định rằng mình là nhất như những đứa trẻ con một.
Nói vậy không có nghĩa trẻ con một nào cũng trở thành những đứa trẻ hư hỏng, nhưng với những “yếu tố” của gia đình một con, thì những tính chất tạo thành sự “hư hỏng” của trẻ có nhiều thuận lợi để hình thành hơn là ở một gia đình có nhiều con. Rõ ràng, nếu trẻ có anh, chị hay em thì nó sẽ có người để mà bắt chước, so sánh, chia sẻ, tranh giành hay bảo vệ… nghĩa là trẻ phải biết quan tâm, “ nhìn” thấy ngoài bản thân ra, còn nhiều người khác cũng có được tình thương và sự chăm sóc của cha mẹ. Từ đó, trẻ sẽ có những động lực để hoàn thiện các năng lực và tìm cách xác định “ vị trí” của mình trong gia đình. Chính những nỗ lực muốn “ vượt qua” anh chị sẽ giúp trẻ ổn định về tâm lý, biết người – biết ta.
Dễ bị biến thành “gà công nghiệp”
Việc nhiều ông bố, bà mẹ chiều chuộng con cái quá mức không phải là chuyện xa lạ, và với gia đình có con một thì điều này quả thật rất có hại.
Trong bài viết “Những mặt trái của “gia đình con một”” của tác giả Thùy Dương đăng trên báo Pháp Luật Việt Nam về một gia đình mà cả vợ và chồng đều là con một trong gia đình: “Vì là con một, từ nhỏ Nga đã quen được bố mẹ “hầu đến tận răng”. Thế nên khi có bầu, hơi nghén một chút là Nga khóc lóc kêu mệt, không động chân động tay bất cứ việc gì trong nhà. Mọi việc trong gia đình Nga đều “trút” cho Hùng. Cũng như Nga, Hùng là “ông hoàng” của bố mẹ nên khi được vợ giao nhiệm vụ “cơm nước, giặt giũ”, Hùng đùng đùng quắc mắt: “25 năm nay, bố mẹ tôi chưa bắt tôi phải sờ vào việc gì ở nhà, thế mà bây giờ cô lại bắt tôi làm à? Tôi có phải người hầu của cô đâu”.
Đó là sự minh chứng cho tính cao ngạo do vẫn luôn được chiều chuộng, được coi như “ông chúa, bà hoàng” từ khi còn tấm bé, cho nên khi bước vào cuộc sống chung đụng của gia đình, họ đã lúng túng do không có được những bản tính nền tảng mà lẽ ra đã được rèn dũa từ tấm bé: nhường nhịn, sẻ chia và tự lập.
Thiết nghĩ yêu thương con cái là chuyện đương nhiên, nhưng với cách dạy con theo kiểu “hầu đến tận răng” như vậy không chỉ khiến chúng trở thành những “chú gà công nghiệp” – theo cách nói nôm na tức là “không biết gì”. Cha mẹ cần dạy cho con cái biết tự lập từ trong cuộc sống gia đình trước khi chúng bước vào môi trường cạnh tranh ngoài xã hội.
Con một – đó là sự cô đơn, khép kín
Trong trường hợp cha mẹ là người biết cách chăm sóc và quan tâm đến con cái một cách chừng mực, thì điều đáng buồn vẫn có thể xẩy ra cho trẻ con một, đó là sự cô độc ! Trẻ có thể có nhiều bạn bè, có nhiều mối quan hệ, được hưởng nhiều thú vu khi ra ngoài xã hội. Nhưng, chúng vẫn luôn luôn phải đối diện với sự cô độc mỗi khi đêm về, những khi buồn chán… Chúng thường sẽ phải vùi mình vào thế giới ảo của các trò chơi hay sách vở, học hành… hay trò chuyện một mình với những thứ đồ chơi vô tri vô giác…
Sự thiếu vắng người để sẻ chia từ những ngày ấu thơ, và nếu như bố mẹ không hiểu và quan tâm con cái đúng cách thì có thể sẽ rất dễ khiến con mình hình thành nên cách sống khép kín.
Một thực tế nữa đó là trong các gia đình có con một, cha mẹ thường Đặt lên vai đứa trẻ những trọng trách nặng nề trong việc thể hiện những ước vọng mà cha mẹ đã không thực hiện nổi thời trai trẻ. Chuyện học hành rồi công việc, tương lai – những áp lực phải làm bố mẹ vui lòng, chiều theo nguyện vọng của những đấng sinh thành sẽ khiến những đứa con một càng thêm mệt mỏi.
Yêu thương, chiều chuộng con cái là lẽ thường tình, song với những bậc cha mẹ có con một, hãy đặc biệt chú ý hơn tới cách quan tâm, giáo dục đối với con trẻ để giúp chúng tránh khỏi những thiên hướng tiêu cực.
Nguồn: Nông Thị Thuyết/Gia Đình Việt Nam