Mẹ cháu sốc vì cháu là gái rượu, mẹ kỳ vọng cháu thoát nông thôn, mẹ hình dung cháu một tấm chồng sung sướng. Vì vậy mà nên đi học nếu bố mẹ gồng mình vay mượn được…

Cô Dạ Hương kính mến!

Cháu là con gái quê nghèo, trong gia đình có anh trai trung cấp và đã có việc làm, dưới cháu nữa còn em trai nữa năm nay vào lớp 11. Kỳ thi 2 trong 1 này, cháu háo hức như mọi người và sau khi có kết quả thi cụm, cháu cùng mẹ đi nguyện vọng 1 ở một nơi cháu hằng mơ ước. Anh trai cháu làm trung cấp lâm nghiệp ở trong này, nói cố đi em, đừng đi ngược mà đi xuôi như anh, điểm của em cao mà. Cộng với ưu tiên vùng, cháu biết mình vừa điểm vào ngôi trường mình đăng ký.

Cô ơi, chắc cô cũng thấy cảnh phụ huynh cùng với con em họ chầu chực. Nhà trọ, cơm đường, đến ngày thứ 15 thì mẹ con cháu cháy túi. Anh trai nghỉ phép lên thay để mẹ quay về, nhưng nhiều thí sinh điểm cao và có hộ khẩu thành phố nên cháu thấy mình bị đẩy xuống mãi.

Cô biết không, có hai bà mẹ canh ở ngoài cổng trường để chặn người nộp mới, có cãi vã nữa đó cô, vì các bà đeo khẩu trang mà cách dò hỏi gay gắt quá khiến phụ huynh mới không hài lòng. Chỉ vì họ sợ người nộp sau có điểm chót vót, nguy cơ con của họ bị đẩy ra càng cao, vậy thôi. Cháu thiếu nửa điểm cô ạ. Tức tưởi quá phải không cô? Cháu nhớ mãi ngày anh trai đưa cháu lên tàu trở lại quê, anh biết cháu buồn, anh cứ bảo cháu phải vào đăng ký nguyện vọng 2, anh sẽ nuôi giúp. Nhưng mà em trai cháu ở thị trấn đang cần số tiền hàng tháng của anh ý, tiền học thêm và tiền ăn ở trọ của em cháu cũng phải hai triệu rưỡi mỗi tháng rồi cô.

Cháu quyết định không đăng ký gì nữa. Cháu sẽ tìm việc gì đó, lên thị trấn cùng với em trai hay là đi đâu đó tự nuôi sống bản thân mình. Nhưng bố mẹ cháu nhất quyết vay tiền cho cháu đăng ký trường ngoài công lập đó cô. Cháu biết sức của gia đình, cháu là gái, học có bằng rồi cũng lấy chồng và sinh con. Bố mẹ cháu chỉ có 2 sào ruộng, hết lúa lại màu, chỉ trông cậy có bấy nhiêu, cháu không thể đánh đổi 4 năm ăn học để rồi 2 năm nữa, em cháu lấy gì đi thi và học nếu nó đỗ cao? Cháu là chị, cháu hy sinh là đúng phải không cô? Nhưng mẹ cháu buồn tới mất ăn mất ngủ đó cô. Cô giúp lời khuyên đi cô. ——————–

Cháu thân mến!

Cô còn ám ảnh mãi những hình ảnh của dòng người xếp hàng để nộp hồ sơ nguyện vọng 1 vào những ngày qua. Có lúc cô trào nước mắt vì thấy người dân bị hành hạ như thể những bị can. Phụ huynh “lãnh đủ” nhất là những người ở xa thành phố, cơm nắm cơm gói cùng con lên đường, vạ vật như ở nhà ga, xót xa không biết để đâu cho hết. Tùy gia cảnh từng người mà các bạn trẻ quyết định mình vào đời thế nào. Cô vừa về quê chồng ở Hà Tĩnh, cô thấy các bố các mẹ sống chết với gió Lào và mưa lũ để cho các con lên đường bằng sự học.

Nhà nào cũng đi hết, nam thanh nữ tú, học nghề, học đại học, học cao đẳng, đi để đổi đời. Quả đúng, không đi thì hoàn nông như bố mẹ và ngụp lặn như bố mẹ nữa a? Nhưng đi là gia đình mang nợ, cháu của chồng cô, hai đứa đại học, bố mẹ nợ 40 triệu đồng tiền vay theo chế độ vay của sinh viên, vẫn là những món nợ “khổng lồ” với họ.

Cháu thiếu nửa điểm, nửa điểm rủi ro nhưng mà học tài thi phận xưa nay đã vậy. Cháu suy nghĩ không sai, bởi càng ngày bằng đại học càng bị ế. Xã hội mình thừa thầy thiếu thợ, sao cháu không đem hồ sơ ấy đi trung cấp, cháu quá thừa điểm để đi trung cấp như anh mình. Nên chọn nghề nào mà mình có năng khiếu, nông lâm, y dược, kế toán, du lịch… Đi đi cháu, đừng phiêu lưu đi bán cà phê thị trấn hay đi làm gì đó không xác định ở trong Nam, sa chân là sập bẫy của bọn tú bà, bọn buôn người, bọn cò mồi gái quốc tế, bọn tìm vợ giúp đàn ông ngoại quốc…

Mẹ cháu sốc vì cháu là gái rượu, mẹ kỳ vọng cháu thoát nông thôn, mẹ hình dung cháu một tấm chồng sung sướng. Vì vậy mà nên đi học nếu bố mẹ gồng mình vay mượn được. Rồi cháu sẽ đi làm thêm vào năm thứ 2 hoặc thứ ba, rồi sẽ cứng cáp với các mối quan hệ, rồi sẽ tự túc được tiền ăn tiền ở.

Nói chung là đi có định hướng chứ không nên vô định, đời chông gai nhưng đời cũng nhiều kẽ hở để mình lách vào, nhận ra người tử tế chung quanh.

Đừng buông xuôi cháu nhé.

DẠ HƯƠNG

 Theo NongNghiep.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc