Ở tuổi hai mươi tám tươi trẻ, nữ họa sĩ Clio Newton đã có một vốn liếng nghệ thuật đáng nể với hàng chục triển lãm cá nhân và nhóm tác giả tại các bảo tàng và phòng tranh ở Mỹ, Ý, Thụy Sĩ. Triển lãm mới nhất của cô đang diễn ra tại gallery Benjamin Eck ở Munich (Đức) với tên gọi đơn giản “Chủ nghĩa hiện thực” (Realism), phản ánh chính xác những gì cô vẽ trong những năm vừa qua cũng như hiện tại và cả tương lai: chân dung người nữ và chỉ mỗi chủ đề đó.
Hàng loạt tranh chân dung người nữ đã được Clio Newton thể hiện hoàn toàn bằng thứ chất liệu mà bất kỳ sinh viên mỹ thuật nào cũng phải học, phải vẽ từ những ngày tháng đầu tiên vào trường: chì than. Song những tranh chì than của Clio có kích thước thật đáng nể: nhiều bức cao tới gần 2,5m nhưng được miêu tả thật chi tiết từ gương mặt, đôi mắt, mái tóc… cho tới các phần của cơ thể, đến độ có thể gọi đó là các tác phẩm cực thực (hyperrealism).
Lớn lên trong trang trại Barberry Hill ở Madison (bang Connecticut) với mẹ và cha dượng, song tình yêu nghệ thuật đến với Clio từ tấm bé nhờ cha ruột cô là nghệ sĩ Richard Newton: “Cha tôi là nhà điêu khắc và ông còn là một nhà minh họa nên thuở nhỏ tôi có được nhiều thời gian trong studio cùng làm việc với ông. Ngay từ lúc học mẫu giáo, khi có ai đó hỏi tôi muốn làm gì khi lớn lên, tôi luôn bảo mình muốn làm một họa sĩ”. Học mỹ thuật tại Trường Cao đẳng Cooper Union ở New York, Clio đã có được các hợp đồng vẽ tranh chân dung rất sớm. Khi Clio tốt nghiệp cử nhân, Trường Cooper Union đã đặt hàng cô vẽ chân dung toàn bộ hiệu trưởng các thời kỳ của trường, nhờ đó cô có được khoản tiền công đầu đời rất đáng kể. Mười bốn bức chân dung đó hiện được trưng bày thường xuyên trong khu campus của trường.
Năm 2011, cô nhận được học bổng của Quỹ Elizabeth Greenshield (Canada) để sang học tiếp hai năm tại Học viện Mỹ thuật Florence (Ý), tiếp đó vào tháng 6-2015, cô được mời sang Zürich (Thụy Sĩ) bảy tháng nhiệm trú sáng tác. Yêu đất nước Thụy Sĩ thanh bình và tuyệt đẹp, Clio chọn Zürich để sống và hoạt động nghệ thuật, tuy nhiên cô có những thời gian qua lại giữa New York và Florence (Ý), mỗi thành phố đem đến cho cô những trải nghiệm nghề nghiệp quan trọng. Thời gian theo học Trường Cooper Union là lúc cô được khơi mở những ý tưởng mới mẻ và những cách ngắm nhìn nghệ thuật, mặt khác đời sống ở thành phố này cũng hết sức thú vị. Những ngày ở Ý cô được trở về với cội nguồn của hội họa cổ điển, được sáng tạo những gì thật riêng biệt và đã tìm thấy hình thức đào tạo bài bản để kết hợp với sự giáo dục mang tính khái niệm và thể nghiệm ở Trường Cooper Union. Sống ở Ý còn tuyệt vời với những yếu tố: món ăn, ngôn ngữ, kiến trúc và môi trường đã bén rễ vào lịch sử và văn hóa vốn liên kết chặt chẽ với nghệ thuật. Sống và hoạt động nghệ thuật ở Zürich đem đến hạnh phúc thật sự cho Clio. Thụy Sĩ có ưu thế là ở trung tâm của châu Âu, gần gũi với nhiều nền văn hóa và lịch sử khác của châu lục. Tại đây, cô mới bắt đầu theo học chương trình cao học mỹ thuật tại Học viện Zürcher Hochschule der Künste của Zürich và sẽ tốt nghiệp vào năm 2018.
Vẽ tranh hiện thực đến chân tơ kẽ tóc, công việc khiến Clio Newton thường xuyên gắn bó với cộng đồng ở những nơi cô đến sống, bởi cô phải luôn tìm kiếm những phụ nữ có thể làm mẫu để vẽ, qua đó chia sẻ những kinh nghiệm sống của họ vốn cũng rất cần thiết để có thể vẽ họ thật sinh động. Chẳng hạn khi thực hiện loạt tranh chân dung kích thước lớn có tên “Những người tắm”, trong suốt hai tháng Clio đã đi quanh hồ Zürich để gặp gỡ những phụ nữ nhiều lứa tuổi đa quốc tịch đến đây tắm và phơi nắng (hồ Zürich rất sạch, vào mùa hè nhiệt độ vào khoảng 20oC nên là nơi thích hợp để bơi lội và tắm nắng tại Thụy Sĩ. Nước hồ còn được tinh chế, đưa vào hệ thống nước sạch của Zürich, có thể uống được từ vòi – NV). Tôi luôn thích ý tưởng sáng tác một xê-ri tranh về những người nữ, tất cả đã có những liên hệ với nhau vào một thời gian, không gian và có hoạt động đặc biệt. Dù có kinh nghiệm sống khác nhau nhưng họ lại đến với nhau ở thời điểm đó. Hiện nữ họa sĩ đang tiến hành một dự án nghệ thuật tập trung vào những vấn đề về sự phân bổ phúc lợi ở Mỹ; ý định của cô là vẽ một xê-ri tranh chân dung người nữ thuộc nhiều giai tầng kinh tế khác nhau và sẽ triển lãm từng phần bộ sưu tập chân dung, qua đó cho thấy sự phân bổ phúc lợi hiện nay tại Hoa Kỳ. Clio hy vọng bộ sưu tập tranh chân dung này sẽ đánh động sự quan tâm đối với sự bất bình đẳng đáng kể về tài sản, của cải trong xã hội, cũng qua đó thể hiện tính nhân văn của dự án này. “Tôi tin rằng tất cả chúng ta có nhiều tương đồng hơn là dị biệt, và tôi tìm kiếm điều đó trong những tranh chân dung mình vẽ”, Clio nói.
Dù hiện nay nhiều họa sĩ đã đưa các ứng dụng công nghệ cao vào sáng tác như vẽ tranh 3D, vẽ với thực tại ảo… song Clio Newton vẫn trung thành với giá vẽ, với chì than và các chất liệu, dụng cụ vẽ truyền thống: “Khá nhiều cảm hứng sáng tác đến với tôi trong xưởng vẽ từ sự tiếp xúc với các vật liệu, và tôi không hình dung nổi cách vẽ như thế sẽ thay đổi”. Một chút “bí quyết” mà nữ họa sĩ muốn chia sẻ khi làm việc suốt ngày trong xưởng vẽ: “Tôi ăn khá nhiều bánh quy. Nếu ăn nhiều bánh quy, tôi sẽ thật sự tập trung cả ngày, bởi nhờ đó mà một lượng carbohydrate sẽ thường xuyên cung cấp cho não của tôi khi làm việc”.
2007-2011: học và tốt nghiệp cử nhân nghệ thuật tại Trường Cao đẳng Cooper Union
2011-2013: học tại Học viện Mỹ thuật Florence
2016-2018: học và lấy bằng thạc sĩ tại Zürcher Hochschule der Künste, Zürich
2010-2;016: triển lãm cá nhân và nhóm tại các bảo tàng Sag Harbor và Bridgehampton ở New York, Trung tâm hội nghị Palm Springs (California), Trung tâm nghệ thuật Miami (Florida), gallery Greene và Creative Spaces ở Guilford (Connecticutt), Công viên Zellweger ở Zürich, Học viện Mỹ thuật Florence…
Giá tranh của Clio Newton đang triển lãm tại gallery Benjamin Eck ở Munich: 5.000-10.000 euro
- Lê Bản