Hồn lụa – bộ phim Việt 42 tập được SCTV14 chọn mua độc quyền đang phát sóng mỗi ngày vào lúc 18g45 phút. Phim cuốn hút khán giả Việt không chỉ về nội dung hấp dẫn, mà còn vì những góc máy quay rất chuẩn. Đọc lời bình luận của một số khán giả đang xem Hồn lụa, một số bạn khen: Chắc quay phim này đi học từ hàn về nè, nên cảnh phim nhìn đẹp, ổn không thua phim Hàn. Những ai trong nghề đều biết, D.O.P của phim là một tay máy kỳ cựu của Việt Nam. Người đã ghi dấu ấn trong lòng khán giả bởi những cảnh quay nên thơ lãng mạn cho bộ phim đoạt giải thưởng Văn học nghệ thuật điện ảnh TP.HCM năm 1998 với tác phẩm phim truyền hình 78 tập “Dưới cờ đại nghĩa” của hai đạo diễn tài hoa Nguyễn Tường Phương và Lê Phương Nam. CLB Phụ nữ hiện đại dành vài phút trò chuyện cùng D.O.P Võ Chiêu Dũng, Võ Chiêu Dũng, một trong những nhà quay phim kỳ cựu của TP.HCM.
Là nhà quay phim từ những năm phim Việt chiếu rạp khá thịnh, anh có thể chia sẻ về những khó khăn gì của nghề quay phim thời đó?
Với hơn 35 năm theo nghề, tôi có may mắn tham gia thực hiện rất nhiều thể loại từ phim nhựa chiếu rạp những năm đầu sau giải phóng, phim truyện cải lương, ca nhạc, karaoke, phim tài liệu, phim truyền hình… Ngày xưa chúng tôi quay phim nhựa 36 hoặc 16 ly. Phần lớn nguồn phim liệu của Đức, độ nhạy ánh sáng và màu sắc của phim giảm theo ngày tháng. Quay xong nếu in tráng không đạt yêu cầu là hỏng, phải quay lại. Mỗi lần không đạt là cả mớ tiền. Mà nào có nhanh. Sau khi tráng phim, nửa tháng sau mới yên tâm về cảnh mình đã quay. Ngày nay nhờ kỹ thuật số, quay xong là hiệu quả phim thấy liền.
Hoàn cảnh là yếu tố tạo nên thế hệ quay phim của tôi hầu hết rất kỹ trong từng khuôn hình. Đến giờ phút này, tôi vẫn trân trọng nghề. Thấy buồn khi gặp nhiều em trẻ, được học hành tử tế, vào nghề dễ dàng nên thiếu trân trọng nghề, cẩu thả khi chọn góc máy khung quay.
Anh nhớ kỷ niệm nào nhất trong gần trăm phim các thể loại mình đã thực hiện?
Cực nhất là phim Dưới cờ đại nghĩa nói về cuộc đấu tranh của lực lượng Bình Xuyên do 2 đạo diễn Nguyễn Tường Phương và Phương Nam. Phim quay trong rừng núi và phải đi rất nhiều nơi, hết 2 năm ròng rã mới hoàn thành. Đặc biệt cảnh quay ở Gáo Dồng (Đồng Tháp) khi đó chưa là khu sinh thái. Chim bay trên trời, dưới là sông nước – cảnh rất đẹp nhưng đoàn phim chúng tôi phải ngâm mình làm việc trong nước, triền miên đến… thúi cả móng chân. Thời đó làm phim vì tâm nhiều hơn vì tiền. Hay lần đầu ra Thái Bình thực hiện phim “Người lang thang không cô đơn”. Tôi luôn lần đầu cảm nhận về một văn hóa làng với nét đẹp từ đường làng cổ kính rêu phong đến cung cách chợ quê… nét đẹp văn hóa miền Bắc mà tôi không bao giờ quên được.
Trải qua hơn 35 năm trong nghề, điều gì khiến anh tâm đắc nhất?
Tính đến nay, tôi đã làm việc với 3 thế hệ đạo diễn. Mỗi thế hệ đều có những cái hay của mình. Nhưng, với kẻ ban đầu đến với nghề chỉ là tìm một công việc sinh sống thì cơ hội được làm việc với những bậc thầy, những tên tuổi như chú Lê Dân, chú Hữu Mai, đạo diễn Hồ Ngọc Xum… không chỉ có cơ hội học hỏi. Được các ông tin tưởng tay máy, tôi thật sự hãnh diện và vinh dự được thấy tên mình đứng cùng tên các ông trong phim.
Phim Việt thời gian qua đang bị kêu rêu nhiều. là người trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của nghề làm phim, theo anh người làm phim hiện nay cần chú ý gì ?
(Tủm tỉm): Một thời phim “mì ăn liền”, phim video… cũng giúp chúng tôi sống được với nghề. Tuy nhiên, không chăm chút chất lượng, nội dung thì bị khán giả tẩy chay. Do vậy, tôi thật sự mong, các em làm phim hiện nay, may mắn được tiến bộ kỹ thuật hỗ trợ không nên lạm dụng nhiều quá bởi dùng không đúng thì hình ảnh không tài được mục đích.
Hồn Lụa được thực hiện khi anh đã lớn tuổi, trong công nghệ quay phim mới, anh có gặp khó khăn gì không – nhất là áp lực thời gian?
Như tôi đã nói, tham gia quay nhiều loại hình nghệt thuật chính là cơ hội cho tôi rèn luyện kỹ năng làm việc. Máy móc hiện đại giúp chúng tôi nhẹ nhàng hơn. Tiến độ phim phụ thuộc nhiều vào cả ê kíp tập thể.
Cảm ơn anh và chúc anh luôn mạnh khỏe, tiếp tục cống hiến nhiều khung hình đẹp cho khán giả.
Thụy Lâm/ CLB Phụ Nữ Hiện Đại