Được biết đến từ những mẩu chuyện hài hước hay những bức tranh “sáng tạo lời thoại” đăng tải trên Facebook, cái tên Xuân Lan dường như không còn quá xa lạ với những người yêu thích hội họa, đặc biệt là giới trẻ. Sau quyết định táo bạo từ bỏ công việc của một giảng viên đại học, cô gái trẻ trở thành nữ họa sĩ với lối đi riêng, trên con đường nghệ thuật ngày một thăng hoa.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình truyền thống tại Hà Nội, cô gái ấy từ nhỏ đã nghe rất nhiều về tư tưởng “sống trong vùng an toàn” của bố mẹ. Có lẽ vì thế, mặc dù yêu thích hội họa từ những ngày mới học mẫu giáo, nhưng cô nữ sinh ngày nào vốn chỉ nghĩ đến môn nghệ thuật này như một năng khiếu “nho nhỏ”, chưa nghĩ đến việc sẽ theo đuổi như một công việc chính thức.

Những năm trên giảng đường đại học, cô nữ sinh chỉ dành khoảng thời gian rảnh rỗi để vẽ những điều mà mình thích, hội họa đối với cô giống như một cách để thư giãn và giải tỏa áp lực.

Sau khi trở thành giảng viên Tiếng Anh gắn bó với trường đại học Ngoại ngữ, đại học Quốc gia Hà Nội trong vài năm, cô gái ấy chợt nhận ra, mình yêu hội họa nhiều hơn thế! Và có một quyết định táo bạo…

Đó là câu chuyện của nữ họa sĩ trẻ Nguyễn Vũ Xuân Lan (SN 1989), gương mặt được nhiều người biết đến qua tranh vẽ và những tác phẩm nghệ thuật ứng dụng khác.

Giống như bao bạn bè đồng trang lứa, Xuân Lan từ nhỏ đã có cho riêng mình một niềm đam mê, với cô, đó là hội họa. Nhưng trước đây, cô chưa từng nghĩ mình sẽ “sống với nghệ thuật” hay “sống bằng nghệ thuật”. Thậm chí, cô chia sẻ, mình từng rất sợ bài tập môn Mỹ thuật, vì không biết phải vẽ gì!

Ngồi bên chiếc bàn với rất nhiều họa cụ, Xuân Lan khẽ nhún vai: “Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ làm họa sĩ. Khi đứng trước cánh cửa đại học, tôi đã chọn trở thành một giảng viên Tiếng Anh. Điều đó cũng khiến tôi thích thú, bởi tôi rất thích được đứng trên bục giảng, chia sẻ những kiến thức mà mình biết cho các bạn trẻ…

Nhưng điều gì đến cũng phải đến. Tôi chợt nhận ra, mình yêu hội họa nhiều hơn thế, và biết mình phải có thời gian để tập trung làm điều mình yêu… Quyết định rời xa giảng đường đại học đối với tôi thực sự không hề đơn giản, bởi trong tôi vẫn có những phần đam mê, niềm vui khi đứng trên bục giảng… Điều đó khiến tôi phải trăn trở ròng rã cả năm trời, mà đặc biệt, bố mẹ lại không hề ủng hộ. Tôi hiểu, bố mẹ nào cũng mong con cái có nghề nghiệp ổn định, nên tôi không nhận được “phiếu đồng thuận” là đương nhiên!”.

Mặc dù yêu thích và thần tượng rất nhiều họa sĩ, nhưng Xuân Lan chủ yếu tích lũy kinh nghiệm của mình không qua trường lớp chuyên nghiệp, thuở bé, cô có tham gia học vẽ tại Cung thiếu nhi Hà Nội, giai đoạn sau này chỉ mày mò tự học theo các nguồn tài liệu trên mạng và có đôi lần tham gia những khóa đào tạo ngắn hạn. Chính vì thế, con đường theo đuổi đam mê của cô càng thêm gian nan…

“Tôi chỉ muốn mình có nhiều thời gian hơn để sáng tạo, nhưng không làm giảng viên nữa, đồng nghĩa với việc, tài chính của tôi sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là khi tôi có được cho mình một cơ hội tạo thu nhập từ hội họa… Tôi còn từng nghĩ: “Lỡ như mình thất bại, sẽ thế nào?!”. Rồi sau đó, lại gạt đi suy nghĩ ấy, mạnh dạn bước tiếp…”, Xuân Lan bộc bạch.

Một thời gian sau khi chia tay với giảng đường đại học, cô gái trẻ lại tiếp tục gắn mình với công việc giảng dạy, mở lớp chiêu sinh học viên có niềm yêu thích trải nghiệm hội họa.

Những học viên của Xuân Lan dường như không giới hạn độ tuổi, chỉ cần tìm được mạch cảm hứng là có thể “bắt nhịp”. “Mỗi học viên có cá tính khác nhau, cuộc sống khác nhau, nên tác phẩm sáng tác ra cũng có những câu chuyện khác nhau, nhân vật khác nhau… Ai cũng đưa những người quan trọng nhất hoặc điều mình quan tâm nhất vào các bức vẽ. Tôi cũng vậy, câu chuyện trong các bức vẽ của tôi thường xuyên về những người tôi yêu thương, về thú cưng hay những điều tôi quan tâm…”, nữ họa sĩ lý giải.

Cái duyên đến với những bức vẽ kể chuyện tâm hồn của Xuân Lan xuất hiện đầy ngẫu hứng: “Tôi còn nhớ, đó là một ngày suy nghĩ vẩn vơ của tôi từ năm 2013… Khi ấy, chỉ đơn giản là tôi muốn chia sẻ một trạng thái lên Facebook nhưng lại không biết mình phải viết như thế nào… Đắn đo mãi, cuối cùng, tôi lựa chọn vẽ tranh. Tôi chợt nhận thấy, không ngờ việc viết nhật ký qua tranh lại thú vị đến như vậy… Thế là, tôi bắt đầu một hành trình!”.

Những bức vẽ của Xuân Lan cứ thế ngày một nhiều hơn, đặc biệt, khi chia sẻ công khai, cô nhận được nhiều sự ủng hộ hơn từ cộng đồng mạng. Một trong những người truyền cho cô nguồn cảm hứng vô tận để “kể chuyện qua tranh” chính là họa sĩ Bút Chì. Sau khi tham gia khóa học “Vẽ kể chuyện” của họa sĩ Bút Chì, niềm đam mê của cô gái trẻ càng thêm mãnh liệt: “Thì ra vẽ không phải chỉ là tạo nên những bức tranh đẹp, mà còn là tái hiện những câu chuyện cuộc sống một cách thật sinh động!”.

Đó cũng chính là điều mà Xuân Lan đang muốn chia sẻ, truyền đạt đến các học viên của mình. “Có nhiều bạn rất thích vẽ, nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu. Chính vì vậy, tôi muốn truyền cảm hứng và giúp các bạn ấy tìm thấy “điểm xuất phát” cho riêng mình”, một niềm vui như ánh lên trong đôi mắt.

“Với tôi, được dạy đã là một niềm vui. Nhưng tuyệt hơn là khi mình gieo được niềm vui cho người khác… Tôi còn nhớ, có một học viên là bác sĩ thực tập, muốn tham gia khóa học của tôi để giảm áp lực. Bạn ấy nói với tôi, làm nghề này, bạn ấy đã phải chứng kiến nhiều câu chuyện đau lòng… nên cuộc sống cũng có vẻ bị trầm theo… Mặc dù công việc lúc nào cũng bận rộn và vội vàng, nhưng bạn ấy lại đi học rất đầy đủ. Khi kết thúc khóa học, bạn ấy vẽ tặng mỗi người một bức chân dung kèm lời chúc, thực sự rất tình cảm…”, nữ họa sĩ chia sẻ.

Cô giáo trẻ có thể nở nụ cười rạng rỡ khi nhìn thấy học viên của mình sau khi hoàn thành khóa học vẫn thường xuyên “kể chuyện qua tranh”. Thậm chí, cô có lần bật khóc khi biết khóa học đã thay đổi một phần cuộc sống cho học viên của mình…

Cô nhớ nhất về một nam học viên với khả năng vẽ rất tốt: “Bạn ấy có khả năng vẽ rất tốt, thậm chí ban đầu, tôi không dám nhận vào lớp vì vẽ đẹp hơn mình… Nhưng sau đó, bạn ấy bộc bạch, muốn đi học để được giao tiếp với mọi người… Có lẽ cuộc sống, công việc quá áp lực, bế tắc khiến bạn ấy giống như trở nên “vô cảm”, cần đi học để trao đổi, tương tác với mọi người… và tìm lại động lực để tiếp tục vẽ.

Kết thúc khóa học, bạn ấy vẽ một bức tranh kể lại câu chuyện của chính mình: Những ngày đầu “sống trong bóng tối” khép mình, chỉ đối mặt với một ô cửa sổ nhỏ… Sau khi đi học tại lớp vẽ và trò chuyện cùng mọi người, bản thân đã tìm lại được chính mình, bước ra khám phá thế giới…”.

Giúp học viên đánh thức sự tự tin, tìm lại chính mình, và gieo những “hạt giống” mang câu chuyện tâm hồn, chính là điều khiến nàng họa sĩ tự hào và yêu nhất ở công việc của mình. Chính những câu chuyện như thế đang đều đặn thắp lên ngọn lửa trong trái tim cô mỗi ngày.

Cái tên Xuân Lan không chỉ được biết đến qua những mẩu chuyện miêu tả tâm lý, khai thác góc ngộ nghĩnh với hội thoại hài hước nhẹ nhàng, thoáng một chút suy ngẫm, mà còn gắn với phương pháp ghi chú bằng hình ảnh ký họa (sketchnote).

Sketchnote cũng “bước vào” hành trang của nữ họa sĩ một cách đầy bất ngờ! Khi đang được biết đến với những giải thưởng hội họa đầu tay, Xuân Lan nhận được một lời đề nghị giảng dạy với khóa học sketchnote. “Thời điểm ấy, tôi thực sự vẫn còn là một “tay mơ”, vì bộ môn này quá mới mẻ ở Việt Nam. Tôi đã phải lật tung biết bao tài liệu để tìm hiểu trước khi bắt đầu công việc này… Cuối cùng thì cũng thành công! Mà càng tìm hiểu tôi càng thấy sự thú vị.

Cũng nhờ khóa học đó, những cơ hội việc làm mới mẻ mở ra đối với tôi. Tôi được mời tham dự những hội thảo lớn để ghi chú lại những điểm nổi bật của chương trình. Mặc dù sketchnote chưa phổ biến tại Việt Nam, nhưng tôi cũng hy vọng, trong một tương lai gần, phương pháp này có thể ứng dụng nhiều hơn, mở ra một ngành nghề triển vọng…”, Xuân Lan nở một nụ cười rạng rỡ.

Hiện tại, bên cạnh mở lớp vẽ, nữ họa sĩ cũng thường xuyên nhận vẽ theo các đơn đặt hàng, chủ yếu là vẽ sách, bìa báo hoặc các tác phẩm với chủ đề đa dạng: Giáo dục, môi trường, giới tính, phong cách sống… Xuân Lan chia sẻ, hồi mới bắt đầu, cô cứ nghĩ, nghệ thuật là phải sáng tác vào ban đêm mới có cảm hứng, nhưng sau đó, cô nhận ra, hoàn toàn không phải vậy. Mỗi ngày, cô dành 8 tiếng để vẽ, và tự cân bằng thời gian như một công việc hành chính.

Tuy nhiên, cô không thoải mái khi phải vẽ theo định hướng và chịu áp lực thời gian. “Có những cuốn sách chỉ dày khoảng 30 trang, nhưng tôi phải dành nửa năm để thực hiện, trong đó, 2-3 tháng đầu chỉ để tư duy, lên ý tưởng và lựa chọn hình tượng nhân vật phù hợp”.

Xuân Lan cũng chia sẻ, trong thời gian tới, cô sẽ thay đổi phương pháp giảng dạy để truyền đạt cho học viên một cách dễ dàng hơn: “Hiện tại, tôi vẫn đang giảng theo cách tôi tiếp nhận, và không phải học viên nào cũng có thể tự học như nhau. Chính vì vậy, tôi phải thay đổi để các học viên nắm bắt hiệu quả hơn!”.

Kết thúc buổi trò chuyện, nàng họa sĩ chia sẻ những tác phẩm đặc biệt với cô, đó là tác phẩm đầu tay, là bức tranh lần đầu tiên vẽ về mẹ, là bức tự họa đầu tiên và vô số những bức tranh, những câu chuyện khác…

Nguồn: nguoiduatin.vn

https://www.nguoiduatin.vn/e-chuyen-ve-nu-hoa-si-tai-hoa-bo-giang-duong-dai-hoc-uom-dam-me-ve-tam-hon-qua-tranh-a468052.html

Bệnh viện Hạnh Phúc