Có chăng khoa học huyền bí?
Bất cứ ngành khoa học nào cũng phải bắt đầu bằng những tiên đề (Axiom). Đó là những chân lý tự thân đúng, không cần và không thể chứng minh. Ví dụ ngành vật lý thì thừa nhận vật chất và năng lượng là bảo toàn, không tự nhiên mất đi và không tự nhiên sinh ra. Mỗi học thuyết (hay lý thuyết) cụ thể trong một ngành khoa học cũng phải xây dựng trên những tiên đề riêng (còn gọi là định đề – postulate) là những chân lý không thể chứng minh bằng chính lý thuyết đó1. Ví dụ, Thuyết Tương đối của Einstein trong vật lý coi tốc độ ánh sáng trong chân không là cực đại và bất biến theo mọi hướng. Định đề này được rút ra bằng thực nghiệm, còn lý thuyết của Einstein thì không thể chứng minh được tại sao.
Vậy nên, nếu muốn coi bói toán là một khoa học, ít nhất là Khoa học huyền bí, thì tiên đề đầu tiên của bói toán, là phải thừa nhận có một sự sắp đặt trước nào đó của tạo hóa khi một con người sinh ra. Nói theo ngôn ngữ khoa học, đó là tạo hóa đã lập trình cho mỗi sinh linh khi ra đời và việc bói toán là việc cố giải mã lập trình của tạo hóa. Trong cái gọi là Khoa học huyền bí về bói toán tồn tại nhiều thuyết huyền bí, mỗi thuyết đều phải dựa trên một hay nhiều định đề cơ sở. Ví dụ, bói vân tay thì coi vết chỉ tay là dấu hiệu của cuộc đời. Bói mai rùa (Trung Hoa), bói chân gà (Việt Nam), bói lòng lợn (châu Phi) cũng tượng tự. Bói Kiều thì coi 3.254 câu Kiều là chỉ dấu của đời người… Nói chung là rất tùy tiện, không có bài bản gì để bàn luận. Tuy nhiên, nền minh triết Đông Tây hiện nay tồn tại ba học thuyết tiên tri tương đối có bài bản đó là Chiêm tinh học (Astrology), Kinh Dịch, Tử Vi. 3.000 năm trước Công nguyên, người Lưỡng Hà (Vùng Iraq-Syria ngày nay) bắt đầu mày mò nhìn đoán sao trên trời – Chiêm tinh. Họ đã quan sát bầu trời và phát hiện ra chuyển động biểu kiến của Mặt trời tương ứng với vị trí các chòm sao nhất định, có tính chu kỳ hằng năm. Và sau đó, người Babylon tạo ra 12 ký hiệu Hoàng đạo. Người Ai Cập cải tiến nó và đến lượt người Hy Lạp thì hệ Hoàng đạo (Zodiac) đã hoàn chỉnh. Họ đã chia một chu kỳ Mặt trời ra 12 cung (độ dài khoảng 30 ngày) định vị với các chòm sao tương ứng trong một năm. Ngày sinh của một cá thể người là chỉ dấu gắn chặt với cung hoàng đạo, nên đó là cung chiếu mệnh của cá thể đó. Định đề này có thể chấp nhận được. Hơn nữa, thuyết này đã có cơ sở khoa học khá sớm, đó là thừa nhận Mặt trời là một tác nhân chủ yếu đến sự hình thành và phát triển con người. Nhưng khi đi xa hơn, mỗi cung Hoàng đạo lại được gắn cho những thuộc tính nhân tạo, cùng với những tương tác của các cung Hoàng đạo với nhau thì thật là đáng ngờ. Ví dụ, lấy gì để nói rằng Capricornus – Ma Kết (22/12 – 19/1), Virgo – Xử Nữ (23/8 – 22/9), Taurus – Kim Ngưu (20/4 – 20/5) là nhóm Đất. Những người sinh ra trong nhóm Đất rất chung thủy, cần cù, ôn hòa và khoan thai! Và khi lấy đó làm một định đề cơ sở để tiên đoán thời mệnh của con người thì đó là việc hoàn toàn tùy tiện, không thể lý giải. Nhưng đó lại chính là mảnh đất làm ăn của các nhà Chiêm tinh học cổ đại và hiện đại. Dù biết là vô lý như vậy nhưng loài người ngày nay, nhất là giới trẻ vẫn gửi niềm tin vô vọng vào đó.
Ở Phương Đông cũng thịnh hành một kiểu gần giống thuật chiêm tinh nói trên, gọi là Tử Vi. Khởi nguồn muộn hơn, có thể là thế kỷ 10 sau Công nguyên, và được quy cho Trần Đoàn, hiệu là Hi Di, đời Tống sáng tạo ra. Cũng giống như thuật Chiêm tinh Tây phương, Tử Vi cũng coi số mệnh con người được an bài từ lúc chào đời. Lấy ngôi sao ứng với thời điểm chào đời làm sao chiếu mệnh. Thời điểm chào đời tính theo lịch Mặt trăng, mà tên gọi của năm là tổ hợp của 10 can và 12 chi – tức 12 con giáp. Việc thừa nhận ảnh hưởng của vũ trụ và đặc biệt là chu kỳ Mặt trăng đến con người là có tính khoa học. Từ các thông số đó và giới tính, theo một quy trình do con người không dựa trên bất kỳ cơ sở nào để xếp các sao thành một lá số. Đó là điều thứ nhất mang tính áp đặt buộc phải thừa nhận mà không lý giải được vì sao. Cái thứ hai không thể lý giải được là hệ thống sao của Tử Vi đã không theo một quan sát thiên văn nào cả mà hoàn toàn do con người tự đặt ra (Ban đầu theo Hi Di thì có 93 sao, hậu thế thì lại an đến 118 sao). Điều vô lý thứ ba, Tử Vi cũng gán cho mỗi sao mỗi thuộc tính và quy luật tương tác không dựa trên một cơ sở nào cả. Điều này cũng hoàn toàn giống như điều phi lý của Chiêm tinh học khi quy cho mỗi cung Hoàng đạo một thuộc tính. Khi được hỏi cơ sở nào để thừa nhận thì được trả lời: theo người xưa truyền lại. Nói khác đi, tiên đề cho học thuyết Tử Vi là: Người xưa bảo thế! Vô lý chưa, vậy nhưng tin thì cứ tin, và sự thực thì bói Tử Vi vẫn tồn tại mãi mãi. Con người mà!
Phương Đông từ rất sớm đã quan niệm vạn vật từ vũ trụ đến con người là sự kết hợp của âm dương và từ hơn 5.000 năm trước Công nguyên đã xây dựng được một hệ thống biểu diễn toán học của quan niệm tổng quát đó bằng các quẻ của Kinh Dịch. Cổ nhân dùng một nét gạch liền gọi là Dương và một nét đứt đoạn gọi là Âm. Đó chính là Lưỡng nghi, theo toán học ngày nay đó là cơ số hai. Khi chồng hai gạch đó lên nhau, thì thu được bốn tổ hợp, gọi là Tứ tượng, tương ứng 22.Chồng thêm một gạch (liền hoặc đứt) nữa thi thu được tám tổ hợp, gọi là bát quái, tương ứng 23. Chồng hai tổ hợp của bát quái lên nhau, thu được tất cả 64 tổ hợp, gọi là Trùng quái, tương ứng 26. Cho đến đoạn này thì các quan niệm âm dương, xây dựng nên hệ cơ số hai là hoàn toàn khoa học. Đáng tiếc là cổ nhân phương Đông (Trung Hoa hay Việt gì đó) hơn 4.000 năm trước chỉ dừng lại ở 64 quẻ Dịch, không thể đi xa hơn để xây dựng nên Đại số học Nhị phân, cơ sở cho máy tính hiện nay! Trái lại, cổ nhân lại coi chúng như biểu trưng cho sự bí ẩn huyền diệu. Các bậc thánh hiền hậu sinh, mỗi người mỗi cách gửi gắm minh triết của mình vào mỗi quẻ Dịch một bài thuyết giảng, bắt đầu từ Chu Văn Vương viết lời Soán, con là Chu Công viết Hào từ, rồi Khổng tử giải nghĩa thêm gọi là Thập Dực, thế là bộ Kinh Dịch huyền bí hoàn thành, người đời sau cứ thế mà suy luận thoải mái, gọi là giải Dịch. Vì dựa trên hệ nhị phân, giống như đồng tiền có hai mặt quy ước Âm-Dương, nên khi gán một quẻ Dịch cho đối tượng nào thì làm thủ thuật xin quẻ, đơn giản nhất là tung đồng tiền sấp ngửa (Âm hoặc Dương), hoặc rút hay xóc thẻ làm bằng các lóng tre có đốt hay không có đốt. Sau một số lần gieo nhất định thì thu được một quẻ Dịch cho đối tượng đó. Thế là các nhà bói dịch dựa vào các lời thánh hiền viết cho mỗi quẻ mà giải thuyết, không khác gì dân Việt ta bói Kiều, đối tượng tin tuyệt đối! Nội dung của Chu Dịch gồm phần Kinh Dịch là phần về bói toán. Phần thứ hai là Truyện Dịch là giải thích Kinh Dịch đậm chất triết học, nhưng mơ hồ huyền bí lắm. Chỉ có thể bàn về phần bói dịch, rằng việc gán cho mỗi quẻ dịch mang một phần triết thuyết nào đó là không có cơ sở và việc giải đoán nó lại càng mơ hồ. Sau nữa, thủ thuật xin quẻ cho đối tượng dựa trên sự xin quẻ ngẫu nhiên, rõ ràng là thua xa việc dựa trên thời điểm sinh nhật của đối tượng như thủ thuật Chiêm tinh học hoặc Tử Vi sử dụng. Cái duy nhất khả dĩ chấp nhận được trong bói Dịch là quan niệm mọi thực thể vũ trụ, kể cả con người, là chịu ảnh hưởng của vũ trụ và là sự kết hợp âm dương mà phát triển lên [“Dịch hữu Thái cực, thị sinh Lưỡng nghi, nghi sinh Tứ tượng, Tứ tượng sinh Bát quái, Bát quái định Cát hung, Cát hung sinh Đại nghiệp”].
Như vậy, cả ba thuyết phổ biến về tiên tri bói toán này đều xuất phát từ những quan niệm (hay định đề) tương đối khoa học nhưng khi diễn dịch ra để áp dụng làm công cụ bói toán – tiên tri thì hoàn toàn khiên cưỡng, tùy tiện, phi khoa học và phi logic.2
Có thể biết trước được số phận?
Khoa học hiện nay chưa thể lý giải mọi hiện tượng. Vì vậy có lúc cũng phải viện dẫn đến niềm tin để làm cơ sở. Chẳng hạn, có linh hồn hay không? Khoa học không thể phủ định cũng không thể khẳng định. Đa số tin rằng con người bao gồm phần thực thể (Physical) và phần tinh thần (Spirit). Phần tinh thần quá cao siêu, không dám bàn về số phận tinh thần. Vậy chúng ta chỉ bàn về số phận cho phần thực thể mà thôi.
Bốn định đề chính
Nếu loại bỏ những điều phi khoa học, không logic và mang màu huyền bí thì những luận cứ của Chiêm tinh, Tử Vi, Kinh Dịch khả dĩ chấp nhận dưới góc nhìn khoa học có thể tóm tắt thành các định đề dưới đây:
1- Con người sinh ra đã được tạo hóa định mã lập trình (có thể hiểu là số phận).
2- Con người là một thực thể của vũ trụ, do âm dương kết hợp mà thành, chịu ảnh hưởng của vũ trụ trong quá trình hình thành. Mà ảnh hưởng quyết định nhất là Mặt trời và Mặt trăng.
3- Sự phát triển của đời người dựa trên cơ sở lập trình lúc hình thành và biến chuyển liên tục dưới tác động của vũ trụ.
4- Dấu ấn của vũ trụ và mã lập trình được xác định trong khoảng thời gian hình thành lấy thời điểm ra đời (ví dụ lấy ngày sinh) làm mốc.
Sử dụng định đề số 2, ta coi tác động của vũ trụ gói gọn lại gồm Trái đất Mặt trời và Mặt trăng. Mặt trời có ảnh hưởng lớn nhất, vì vậy đơn vị tính thời gian là lấy năm Mặt trời, tức một vòng quay biểu kiến của quả đất quanh Mặt trời. Mặt trăng tuy nhỏ hơn nhiều sao khác nhưng gần Trái đất nhất, nên quỹ đạo Mặt trăng (tháng Mặt trăng) cũng là thông số chính yếu.
Diễn giải định đề số 4, chúng ta coi chín tháng trong bụng mẹ và ba tháng sau ngày sinh là năm mà tạo hóa tạo nên hoàn chỉnh bộ mã lập trình, đánh dấu là tuổi số 0, là tuổi tiên thiên trời định (gần như là tuổi “mụ”của ta).
Mấu chốt để giải mã là diễn giải định đề số 3. Theo tuổi tăng lên con người sẽ thay đổi. Những tuổi mà ở đó trạng thái của vũ trụ lặp lại trạng thái ở tuổi tiên thiên (trong phạm vi sai số), thì dù có tạo nên sự biến dịch, cũng vẫn là đồng dạng với mẫu hình như hóa đã ban tặng. Nói đơn giản đó là tuổi những thay đổi đã theo một khuôn mẫu như khi tạo hóa sinh ra, không biến đổi đột xuất. Ta gọi l�tuổi Bình yên. Còn nếu ở tuổi mà trạng thái vũ trụ thay đổi so với trạng thái ở tuổi lúc sinh ra, thì con người cũng thay đổi không theo như ban sơ, ta gọi l�tuổi Biến dịch. (Lưu ý: Định đề này là mấu chốt để phát triển các tính toán tiếp sau đây. Nếu không thừa nhận nó thì các phần dưới đây vô giá trị.)
Trạng thái vũ trụ của một thời điểm, ví dụ tại điểm bắt đầu của năm hình thành nên con người (tuổi số 0) được xác định bởi ba điểm: Tâm Mặt trời (S), Tâm Trái đất trên Hoàng đạo (E) và Tâm Mặt trăng trên quỹ đạo tháng (L). Hết một năm Mặt trời, Trái đất trở về điểm E còn Mặt trăng trở lại điểm nào đó, L’ chẳng hạn (xem hình 1).
Các cơ sở khoa học về vật lý thiên văn và y sinh học
Xác định trạng thái Mặt trời – Trái đất – Mặt trăng
Mặc dù con người có thể đo đạc và tính toán chính xác đến từng giây, từng mét từng radian tọa độ vũ trụ của của Mặt trời, Mặt trăng, nhưng ở đây ta chỉ cần dùng đến các quy luật thiên văn chính xác đến ngày mặt trời (Solar day) hoặc ngày thiên văn (sidereal day) là đủ. Vị trí của Trái đất so với mặt trời được đặc trưng bởi quỹ đạo Trái đất quanh mặt trời, là năm mặt trời. Một năm mặt trời có 365,2425 ngày. Con số về ngày tháng Dương Lịch (ngày tây) là chỉ thị gần đúng vị trí của Trái đất trên quỹ đạo. Vị trí của Trái đất và mặt trăng quay quanh Trái đất so với mặt trời được xác định bởi quỹ đạo của mặt trăng quanh Trái đất (có tính đến sự dịch chuyển của Trái đất quanh mặt trời), tức là tháng mặt trăng. Một tháng mặt trăng có 29,53059 ngày. Vị trí của mặt trăng trên quỹ đạo chính là ngày tháng lịch mặt trăng (như lịch của đạo Hồi). Lịch ta là âm dương lịch, cho nên ngày ta thì không chính xác hoàn toàn vì lịch ta đã hiệu chỉnh theo lịch mặt trời bằng cách tính năm nhuận.
Quan sát bầu trời, đo đạc ngày tháng, các nhà thiên văn đã khám phá ra:
a) Chu kỳ 19: 19 năm mặt trời =235 tháng mặt trăng, sai số chỉ 0.003. Nói một cách gần đúng dễ hiểu là trạng thái của bộ ba Mặt trăng-Trái đất-Mặt trời cứ 19 năm lặp lại như cũ. Chu kỳ này khá chính xác, hơn 400 năm mới lệch một ngày, cho nên trong cõi trăm năm người đời có thể coi là trùng lặp tuyệt đối. ( Vì lý do này mà trong lịch pháp, cứ 19 năm dương lịch thì trong 19 năm âm lịch tương ứng phải có 7 năm gồm 13 tháng, tức là 7 năm nhuận). Chu kỳ này có tên là Chu kỳ Meton, đặt theo tên người Hy lạp đã khám phá ra (Meton of Athen,năm 440 trước CN). Chu kỳ Meton là do hai tiểu chu kỳ (chu kỳ con) gần đúng cộng lại:
b) Tiểu Chu kỳ 8 (octaeteris): 8 năm mặt trời = 99 tháng mặt trăng, sai số 1,5 ngày, có nghĩa là cứ 5 năm thì lệch 1 ngày. Tiểu Chu kỳ này ta đặt tên l�chu kỳ ÂM.
c) Tiểu chu kỳ 11: 11 năm mặt trời =136 tháng mặt trăng, sai số 1,5 ngày, tức là cứ 7,3 năm lêch 1 ngày. Ta đặt tên tiểu chu kỳ này l�chu kỳ DƯƠNG.
Để cho dễ hiểu, nói một cách gần đúng thô sơ, trạng thái của vũ trụ được xác định bời ba con số: Năm Dương Lich, Ngày Dương Lịch (ngày Tây) và Ngày Âm Dương Lịch (ngày Ta). Ví dụ ngày tết nguyên đán Ất Mùi (1/1) năm nay là 19/2/2015, 19 năm sau tết Giáp dần cũng là ngày 19/2/2034, còn tết Bính tí 19 năm trước cũng là ngày 19/2/1996. Có nghĩa là trạng thái vũ trụ các năm này lặp lại nhau. Nhưng mà 19/2/2014 chỉ chệch một năm so với 2015 thì lại là ngày 20/1 Giáp Ngọ. Trạng thái vũ trụ không lặp lại. (Các chu kỳ 8 và 11 thì con số không hoàn toàn trùng như vậy vì năm nhuận chỉ hiệu chỉnh theo chu kỳ 19)
Quy ước về tính tuổi: Năm gốc là tuổi số 1 gồm có 9 tháng trước ngày sinh (tuổi mụ) và ba tháng sau ngày sinh (tuổi tây) (Vì thế, hãy tính là tuổi ta cho dễ nhớ, tuy không thật chính xác).
Số phận của con người do Mặt trời định sẵn?3
Trong một nghiên cứu chưa từng có, các nhà khoa học Na Uy phát hiện, những người sinh vào các thời điểm Mặt trời bình lặng có thể sống thọ hơn khoảng năm năm so với những người chào đời lúc Mặt trời hoạt động mạnh mẽ.
Kết luận trên được rút ra khi nhóm nghiên cứu xem xét các dữ liệu nhân khẩu học của những người Na Uy sinh ra trong khoảng 1676 – 1878 cùng với các kết quả ghi nhận quan sát về hoạt động của Mặt trời.
Các chuyên gia nhận thấy, tuổi thọ của những người sinh ra trong các giai đoạn hoạt động tối đa của Mặt trời (đặc trưng bằng các trận phun trào dữ dội) tính trung bình thấp hơn 5,2 năm so với những người chào đời vào thời điểm hoạt động của Mặt trời giảm tới mức tối thiểu.
Theo báo cáo nghiên cứu trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B, hoạt động của Mặt trời lúc chào đời làm giảm khả năng sống sót tới khi trưởng thành của con người.
Mặt trời có các chu kỳ hoạt động kéo dài xấp xỉ 11 năm, bắt đầu từ một thời điểm hoạt động cực điểm này tới thời điểm hoạt động cực điểm tiếp theo (Hình 2).
Thống kê còn cho thấy, 11 tuổi là tuổi mà các trẻ nam hết thời kỳ trẻ con (trung tính), chuyển sang phát triển giới tính nam.
Vì vậy chu kỳ 11 năm được gọi là chu kỳ Dương, biểu hiện cho giới tính Nam.
Ảnh hưởng của Mặt trăng
Mặt trăng tuy nhỏ hơn Mặt trời nhưng gần Trái đất hơn nên ảnh hưởng của Mặt trăng tới Trái đất mạnh hơn Mặt trời. Ảnh hưởng của Mặt trăng tới Trái đất có tác động không nhỏ tới hoạt động sống của con người. Điều ai cũng biết là chu kỳ Mặt trăng xác định chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới.
Sự phản chiếu của ánh sáng Mặt trời lên Mặt trăng cũng thay đổi theo từng thời kỳ, gọi là các pha của Mặt trăng (Hình 3).
Tất cả những thay đổi ấy đều được phản ánh trong cơ thể sinh vật và con người. Não phản ứng rất nhạy bén trước những biến đổi đó, gây hàng loạt biểu hiện về tinh thần. Các nhà khoa học khẳng định rằng những ngày trăng non tác động khác với những ngày trăng tròn. Các nhà y học cổ Tây Tạng còn cho rằng: Các bệnh nguy hiểm như tai biến mạch máu não, bại liệt, động kinh, nhồi máu cơ tim, tâm thần kích phát thường xảy ra vào các ngày 4, 8, 11, 15, 22, 29 tháng âm lịch. Dù chưa được khẳng định đúng sai, nhưng ảnh hưởng của Mặt trăng là rất lớn và đặc biệt là phụ thuộc vào tám pha của chu kỳ Mặt trăng.
Một thống kê đã được khẳng định l�năm thứ tám, các em gái bắt đầu phát triển giới tính nữ. Vì vậy chu kỳ tám năm là dành cho Mặt trăng, cho nên gọi l�chu kỳ Âm, biểu hiện cho giới tính Nữ.
Thử giải mã sự lập trình của tạo hóa
Tạo hóa cho bạn
Vậy là con người sinh ra (năm số 0) tiếp theo tám năm biến dịch thì đến tuổi (hầu như) bình yên đầu tiên, tám tuổi, cũng là hết một chu kỳ Âm. Hai năm Biến dịch nữa (9, 10) sang năm 11 tuổi lại (hầu như) bình yên, hết một chu kỳ Dương. Năm 19 tuổi là hoàn thành chu kỳ Meton = ÂM+DƯƠNG, là tuổi (tuyệt đối) bình yên, âm dương hài hòa. Có thể xác định Tuổi Bình yên (tính chất chung cho các tuổi “hầu như” hoặc “tuyệt đối” bình yên) của đời người theo công thức :
TUỔI BÌNH YÊN= A x 8 + D x 11, trong đó A và D là những số nguyên dương.
Những tuổi còn lại, không thể khai triển được như trên l�Tuổi Biến dịch.
Khi nào thì bước vào tuổi già tự nhiên?
Trong trăm năm đời người thì có đến 66 năm là Bình yên, đó là các tuổi:
8,11,16,19, 22, 24, 27, 30, 32, 33, 35, 38, 40, 41, 43, 44, 46, 48, 49, 51, 52, 54, 55, 56, 57, 59, 60;
62, 63, 64, 65, 66, 67, 68;
70, 71, 72, 73, 74, 75, 76, 77, 78, 79, 80, 81, 82, 83, 84, 85, 86, 87, 88, 88, 89, 90, 91, 92, 93, 94, 95, 96, 97, 98, 99, 100.
Trong 66 năm bình yên này có thể chia làm ba đoạn:
8-60 có 27 năm bình yên và khá rời rạc, là đoạn tuổi trẻ và trung niên;
62-68 có bảy năm liên tục, là đoạn cao niên;
70 -100 có 32 năm (và tiếp nữa) liên tục là đoạn tuổi già.
Tuổi 69 là tuổi đặc biệt, vì đó là năm biến dịch cuối cùng. Sau đó là mãi mãi bình yên, chỉ có già dần (lão hóa) mà thôi.
Vậy khi 70 tuổi là bước vào Tuổi già trời định. Từ 69 về trước bao gồm các giai đoạn Tuổi trẻ, Trung niên và Cao niên, gọi chung là tuổi Tráng niên.
Những năm tháng đẹp của tuổi Tráng niên
Nói chung, những năm bình yên trong tuổi Tráng niên là những tuổi ít nhiều đều đẹp, ít phải lo lắng.
Tuổi Bình yên phân thành Tuổi Âm thịnh, Tuổi Dương thịnh v�Tuổi Hài hòa
D-A >0: Tuổi Dương thịnh; D-A < 0: Tuổi ÂM thịnh ; D-A=0 : Tuổi Hài hòa
Đối với cả hai giới những tuổi hài hòa đều thuận lợi: 19, 38, 57
Đối với Nữ giới các tuổi âm thịnh là thuận lợi: 8, 16, (19), 24, 27, 32, 35, (38), 40, 43, 46, 48, 51, 54, 56, (57), 59, 62, 64, 65, 67.
Tuổi Đẹp nhất cho Nữ là các tuổi thuần âm: 8,16, 24, 32, 40, 48, 56, 64.
Với Nam giới các tuổi dương thịnh là có ưu thế hơn: 11, (19), 22, 30, 33, (38), 41, 44, 52, 55, (57) 63, 66, 68.
Tuổi Nam nhi rực rỡ nhất là các năm thuần Dương: 11, 22, 33, 44, 55, 66
Tuổi nào thì cần phải cẩn thận?
Các tuổi biến dịch không phải là hoàn toàn xấu, vì không có các sự biến dịch bổ sung thêm vào sự sắp xếp của tạo hóa thì con người không phát triển đa dạng được. Tác động của môi trường, ngoại cảnh, nội lực, ý chí… cũng không thể thiếu. Tuy nhiên có sự biến đổi mạnh thì cũng phải cẩn thận hơn.
Trong các Tuổi biến dịch cũng có thể định lượng được sự Biến dịch bằng một số đo gọi l�mức biến dị. Theo quy luật Vật lý, với cùng một mức độ thay đổi, nếu chuỗi biến dịch liên tục càng dài thì độ biến dị càng thấp. Vì nếu có xảy ra ở một điểm thì sự biến dịch liền sau có thể sửa chữa lại. Vậy độ dài của chuỗi tuổi biến dịch liền nhau đặc trưng cho mức biến dị. Chuỗi càng ngắn thì tác động của mức biến dị càng lớn. Còn những tuổi biến dị đơn độc nói chung là dễ có những đột xuất đáng ngại của đời người, vì một khi có biến dị xảy ra thì không có chu trình biến dị liền kề để điều chỉnh mà phải chờ đến năm biến dịch gần nhất mới có cơ hội điều chỉnh.
Những năm đáng ngại là các năm đơn độc: 23, 31, 34, 39, 42, 45, 47, 50, 53, 58, 61, 69.
Rõ ràng là mức độ đáng ngại của năm đơn độc càng tăng lên khi mà khoảng cách tính đến năm biến dị gần nhất (gọi là khoảng cô đơn) càng dài. Theo cách đó thì có 3 năm như vây, gọi là năm hạn:
Năm hạn: 53, 61, 69. Do mức biến dị lớn nên 53 là năm hạn nặng vì là năm bắt đầu có thay đổi đột biến mạnh nhất ở tuổi trung niên. Tuổi 61 đột biến bắt đầu ở cao niên nên nguy hiểm và 69 là tuổi cuối cùng của đời người có đột biến nên là rất nguy hiểm.
Năm có nguy cơ: 31, 39, 42, 47, 50, 58
Năm lưu ý: 23, 34, 45
Ngoài ra, có thể xác định đoạn tuổi nguy cơ, đó là khoảng mà hai năm có nguy cơ cách nhau gần nhất (chỉ có hai năm).
Đoạn tuổi nguy cơ: 39-42 và 47-50.
Các cột mốc của tuổi già
Từ sau tuổi 69 là chuỗi tuổi bình yên liên tục, mọi thứ mà tạo hóa đã ban tặng sẽ suy giảm (già đi) đều đều theo khuôn mẫu trời định lúc chào đời mà không đột biến. Tuy vậy cũng có những cột mốc đáng lưu ý.
Đối với cả cụ ông và cụ bà:
Mốc người già trở thành như con trẻ, 88 tuổi là đạt điểm đặc biệt, đó là điểm đồng thời thuần ÂM (tổ hợp 11 chu kỳ Âm) hoặc thuần Dương (tổ hợp tám chu kỳ Dương), không phân biệt, giống như khi mầm sống nảy sinh.
Các mốc Âm-Dương hài hòa 76 và 95 cũng đáng chú ý.
Ở ba mốc dị thường này có thể rất tốt cũng có thể rất xấu.
Đối với cụ ông
Mốc đáng ngại đầu tiên là 72 vì là hậu quả của năm nguy hiểm 61. Tiếp sau là mốc hài hòa 76, thuần Dương 77. Mốc 80 là nguy hiểm,vì đó là hệ lụy một chu kỳ dương của tuổi nguy hiểm 69. Nếu vượt qua được các mốc dị thường 88, 95 thì hy vọng đạt 99 thuần Dương, vượt qua được thì trường thọ trên trăm tuổi.
Đối với cụ bà
Mốc 77 là nguy hiểm vì là hệ lụy của tuổi nguy hiểm 69. Nhưng 76 và 77 cũng là hai mốc dị thường, có xấu có tốt, nên 77 có thể là rất nguy hiểm cũng có thể không. Tiếp sau đó chỉ còn là các mốc dị thường, cho nên nói chung cụ bà sẽ sống thọ hơn cụ ông cũng là trời định!
Chu kỳ tâm-sinh lý
Một lẽ hiển nhiên là tâm-sinh lý cũng phát triển theo các chu kỳ phát triển của con người. Tâm-sinh lý ở chu kỳ một là trung tính. Giới tính hình thành và phát triển hoàn thiện ở chu kỳ 2, tức 8-16 tuổi ở Nữ và 11-22 tuổi ở Nam. Ở giữa chu kỳ thứ hai này, nữ thập tam (13), nam thập lục (16) đều dậy thì. Muốn có hòa hợp tâm-sinh lý thì tốt nhất là Nam-Nữ cùng chu kỳ phát triển. Ví dụ lấy nhau ở chu kỳ 3, nữ trong khoảng 17-24 mà kết hôn với nam trong khoảng 22-33 là hợp lẽ trời nhất. Theo nguyên lý đó thì:
Nữ 25-32 hợp với Nam 34-44
Nữ 33-40 hợp với Nam 45-55
Nữ 41-48 hợp với Nam 56-66
Nữ 49-56 hợp với Nam 67-77
Nữ 57-64 hợp với Nam 78-88
Cũng có vẻ buồn cười nhưng đúng là trùng với thống kê y học rằng, Nữ ở tuổi 64 còn Nam thì mãi cho đến 88, tức đến chu kỳ tám của đời người, thì hoạt động sinh dục mới dừng hẳn
Thay cho lời kết
Luận thuyết trình bày trên đây là dựa trên cơ sở tính toán khoa học, không mang chút nào tâm linh, huyền bí gì cả. Một luận thuyết khoa học có đúng không, cần phải qua kiểm chứng độc lập. Ít nhất nó cũng phải giải đoán được những điều đã biết và tiên đoán được những điều chưa biết để tiếp tục kiểm chứng.
Dân gian có câu: 49 chưa qua 53 đã tới, hay Nữ thập tam Nam thập lục. Luận thuyết nêu trên đây lý giải được tuổi cả hai khá tốt. Còn tuổi 49 dân gian cũng cho là hạn, thì tạm lý giải trong khoảng 47-50. Mà thực sự thì tuổi hạn 49 cũng du di trên thực tế.
Trong khoảng 53, 61,69 (có tính đến sai số) thì người ta nhận thấy có nhiều người từ trần ốm đau, bệnh tật nhất.
Ví dụ như biểu đồ Nghiên cứu tử vong do ung thư vú tại các tỉnh Bắc Ninh, Lâm Đồng, Bến Tre năm 20084. Ta thấy rõ tỷ lệ tử vong rất cao ở độ tuổi 50-60 là tuổi có biến dị lớn nhất.
Các tiên đoán ở các tuổi Biến dị, Cô đơn, hoặc Bình yên khác có lẽ cần được kiểm chứng bằng các số liệu thống kê khoa học, xem có đúng không. Đây chỉ là những kết quả ở cấp gần đúng thấp nhất. Khi nâng cao cấp gần đúng và độ phân giải, lưu ý cả không thời gian sinh ra của từng người, ta có thể dự đoán đến chi tiết hằng tháng, hằng ngày… của từng cá thể riêng biệt. Nhiều điều bất ngờ dự đoán quy luật tương lai từng người trên cơ sở khoa học đang được chờ đợi.
Có rất nhiều dữ kiện đã được tiên đoán, hy vọng mọi người có thể tự kiểm chứng đúng sai và phản biện lại. Tất nhiên chuyện tài lộc, hên xui thì chưa thể bàn định được ở đây.
Nhân dịp đầu xuân, góp chuyện cho vui, ai tin thì tin, không tin thì thôi, xin đừng bận tâm!
————————————-
Chú thích:
1. Theo cách hiểu kinh điển: Tiên đề (Axiom) là nguyên lí xuất phát của ngành khoa học, Định đề (Postulate) là nguyên lí xuất phát của một lí thuyết cụ thể.
2. Xem thêm Giải mã sự lập trình của tạo hóa của cùng tác giả http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=111&News=7174&CategoryID=2
3. http://m.vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/215740/so-phan-cua-con-nguoi-do-mat-troi-dinh-san-.html
4. Luận văn của bác sĩ Trần Thị Hương http://share.pdfonline.com/b02546d525354d2cafd7aefe6386b6b4/t_%20l_%20t_%20vong%20do%20ung%20th_%20v%C3%BA.in.htm#page_47
Theo tạp chí Tia Sáng/ tiasang.com.vn