Từ nhà khoa học đến người nông dân ai ai cũng đinh ninh rằng thuốc sâu độc hại nhưng không có nó thì sẽ mất mùa ngay. Thế nhưng có một nơi cả xã đã 10 năm nay không hề dùng đến thuốc sâu mà vẫn được mùa liên tiếp…

Những nông dân biết sám hối

Đó là một buổi chiều mùa hè năm 2013, ông Nguyễn Xuân Điện (thôn Động Giã, xã Đỗ Động, huyện Thanh Oai, Hà Nội) đi làm đồng về, quần vẫn xắn móng lợn, người mướt mải mồ hôi, nói như reo lên với vợ rằng: “Bà nó ơi, hôm nay tôi ra hái mấy mớ rau muống ở cánh đồng Sú mà có ba con đỉa bám vào chân đấy! Đỉa lại xuất hiện ở làng mình rồi!”.

Đối với lão nông này thì bất kỳ sinh vật nào trên đời đều có quyền được sống, quyền bình đẳng dưới ánh sáng mặt trời.

10-10-22_dsc_9268
Người dân cương quyết từ chối dùng bình thuốc sâu

Đã 10 năm nay dân làng ông, xã ông từ chối dùng thuốc trừ sâu. Cân bằng sinh thái trên đồng đã được tái lập mà bằng chứng là sự xuất hiện trở lại của đỉa, của bọ rùa, của chuồn chuồn kim, của xén tóc…

Đồng làng lại thơm mùi lúa chứ không còn tức ngực bởi mùi thuốc sâu sặc sụa. Đồng làng lại sáng sáng, chiều chiều từ trẻ con, người già đến các nam thanh, nữ tú quây quần ra ngồi hóng mát. Đồng làng lại có người tuốt đòng đòng để cắn chắt mà không sợ bị ngộ độc thuốc, hít hà hơi lúa mới đang lên sữa bên trong hạt mà không sợ bị ho hen vì hóa chất…

Cho đến nay, anh nông dân Nguyễn Đình Thắm ở Động Giã vẫn còn ám ảnh tội lỗi trước kia mình đã phải dùng đến chất diệt ốc bươu vàng: Thuốc vừa rời khỏi tay người là mặt nước bắt đầu nổi sóng. Các sinh vật bên dưới quằn quại và giãy giụa. Đầu tiên là tôm nổi lên, búng được vài cái rồi chết chìm. Kế đến là cá, chúng như bị thần kinh, lao đầu tứ tung, đâm cả vào bờ rồi chết rục. Lươn, chạch nằm sâu ở dưới bùn cũng phải bơi lên, giật đùng đùng rồi chết lập lờ ngang mặt nước. Cuối cùng là con ốc, gặp thuốc thì chúng chìm sau đó cả buổi mới chết nổi. Dã man quá! Diệt một con ốc bươu vàng thôi mà bao con phải chết theo…

Trước đây, nông dân dùng thuốc sâu bừa bãi theo thói quen. Gieo mạ xong thì phun phòng sâu đục thân, cấy bén rễ xong thì phun phòng sâu cuốn lá, bọ xít, lúa đứng cái thì phun phòng khô vằn, đốm sọc vi khuẩn, rầy, lúa vào hạt thì phun kích thích cho mã hạt đẹp, màu không bị rám. Tính ra mỗi vụ trung bình 4 – 5 lần đầu độc đất đai, đầu độc nước, đầu độc không khí mà thảm khốc nhất phải kể đến những buổi thuốc ốc, thuốc cỏ.

Anh Thắm cảm thấy tội lỗi khi nhớ lại cảnh rắc thuốc diệt ốc trước đây

Trong một buổi rắc thuốc như thế, anh Thắm bị chất độc ngấm vào người say lử lả. Miệng muốn nôn mà không thể nôn được, đầu váng vất như phải cảm còn khớp tay, khớp chân đau nhức như như có giòi bò ở bên trong, mãi chục ngày sau mới lại người. Hãi thuốc sâu từ dạo đấy nên hiện nay gia đình anh dù cấy đến 1,1 mẫu ruộng nhưng không hề dám phun một giọt hóa chất nào mà năng suất lúa vẫn đạt khá cao 1,5 – 1,7 tạ/sào.

Gieo mầm lành, gặp quả phúc

Vợ chồng ông Nguyễn Viết Đoạt và bà Vũ Thị Tị năm nay đã tròm trèm tuổi thất thập nhưng vẫn còn cấy tới 1,2 mẫu vì làm ruộng bây giờ nhàn quá, công đoạn nào cũng có máy móc trợ giúp lại chẳng phải dùng đến thuốc trừ sâu. Trước đây, cũng như bao vùng quê khác, mỗi khi vào vụ ông bà vẫn thường phải “tắm mình” trong chất độc.

Cho đến khi ông Đoạt trở thành học viên của lớp IPM đầu tiên của xã năm 1992, được thầy giáo giảng về tác hại của việc lạm dụng thuốc, của ích lợi do các loại thiên địch như nhện, như bọ dừa, như chuồn chuồn kim, như kiến ba khoang… đem lại. Kể từ đó, làng xóm dần dần vắng bóng bình phun thuốc và giờ đây gần như tuyệt nhiên không nhà nào còn giữ. Thỉnh thoảng cũng có một vài công ty thuốc đến tiếp thị, cho không sản phẩm nhưng dân làng cũng chỉ lịch sự cười và xua tay.

Ông Đoạt ngợi ca hạt thóc của nhà mình, nhờ cấy thưa mà lúa mọc đều, từng hạt, từng hạt vàng óng như kén tằm, năng suất đạt 1,5 – 1,7 tạ/sào với một giống rất “đỏng đảnh” như là Bắc Thơm số 7 kể cũng là một sự lạ. Mỗi vụ gia đình thu về 1,8 tấn thóc, giữ lại 8 tạ để ăn còn đâu đem bán, đút túi gọn gàng 4 triệu đồng tiền lãi để dưỡng già.

Còn bà Tị thì lại mê mẩn vẻ đẹp bình dị của cánh đồng làng. Mỗi lần ra đó là hồn bà như có muôn đợt sóng vỗ về, rào rạt ở bên trong. Bà yêu cánh đồng bằng cả tấm lòng chân thật, thủy chung từ thủa thanh nữ đến lúc về già đủ để tinh tế cảm nhận từng biến chuyển của nó theo từng ngày, từng tháng. Lúa trỗ rồi lúa uốn câu, đỏ đầu bông, dần dần vào chắc. Mùi thơm của cánh đồng chuyển từ hương cốm non thành hương cốm già, nồng nàn chứ không còn man mác nữa.

10-10-22_dsc_9264
Niềm vui trên cánh đồng sạch

Đồng sạch, tôm, cá, cua, chạch đua nhau sinh sôi, nảy nở. Những buổi mưa rào đám con cháu bà Tị lại rủ nhau mang chũm ra đồng kéo cá còn những hôm nắng lửa thì chúng đeo giỏ, mang móc ra đồng bắt cua. Tôm béo thơm, cua béo ngậy, cá béo bùi càng đẩy đưa bữa cơm canh thanh đạm, quê mùa nhưng hễ đặt vào môi là trôi ngay xuống cổ.

Anh Nguyễn Đăng Miền – cán bộ HTX Nông nghiệp Đỗ Động khẳng định với tôi rằng ở đâu phun thuốc thì vụ nào, năm nào cũng phải dùng vì cánh đồng đã mất đi thiên địch, mất đi sự cân bằng sinh thái. Thuốc độc diệt sinh vật có hại đồng thời diệt luôn cả sinh vật có lợi. Mà thói đời, “hoa thường hay héo cỏ thường tươi” thứ có hại bao giờ cũng phát triển nhanh hơn thứ có lợi, bệnh tật bùng phát là vì thế.

Phải tôn trọng thế cân bằng của cánh đồng như tôn trọng chính con người. Tổ khoa học của HTX vỏn vẹn 4 người là thành viên đại diện cho 4 thôn trong xã. Họ thường xuyên đi kiểm tra, phát hiện các ổ dịch để tuyên truyền cho dân làng biết mà phòng ngừa, nếu có dịch thì chỉ dập ở ổ chứ không bao giờ phun tràn lan, đại trà cả cánh đồng.

“Đã mấy năm nay, chưa bao giờ chứng kiến dịch nào đủ lớn để phải phun cả. Vụ này tuy là lúa bị bạc lá, khô vằn nhưng nông dân cũng quyết định không phun bởi vì bạc lá là do vi khuẩn gây ra có phun thuốc cũng vô ích còn khô vằn tuy có nhiễm nhưng mật độ không đáng kể, phun thuốc chỉ làm mất đi các thiên địch có ích. Tổ khoa học chỉ tổ chức phun thuốc duy nhất một lần để phòng khi cây mạ chuẩn bị ra ngôi (khoảng 15 ngày tuổi) còn người dân thì không bao giờ phải động đến hóa chất độc hại. Thế mà ở Đỗ Động chúng chưa bao giờ chịu cảnh mất mùa kể cả năm 2013 lụt lội khiến lúa chậm phát triển nên gặp đúng đợt dịch sâu đục thân phá hoại, năng suất giảm xuống thấp nhất nhưng vẫn đạt 1 tạ/sào”, anh Miền nói.

Còn anh Trần Đình Tuyến – Bí thư xã Đỗ Động thì xác nhận với tôi rằng với tổng số 400ha lúa, 30ha rau mỗi vụ nhưng địa phương mình không hề có một cửa hàng bán thuốc trừ sâu nào, không hề có cảnh nông dân đi phun thuốc, không có bao bì thuốc vứt trên mương máng, đường nội đồng. Bởi thế mà hạt gạo sạch được trân quý, không chỉ để ăn mà còn gửi biếu cho họ hàng ở trong Nam, cho con em trọ học ngoài nội thành.

Ở Động Giã lúc đầu cũng có anh Minh, ở rể tại làng, trước việc loại bỏ thuốc sâu vẫn luôn miệng càm ràm: “Chưa thấy ở đâu nông dân lười, cán bộ thiếu quan tâm như ở đây! Không phun thuốc sâu thì lúa bị bệnh, kém năng suất chứ còn gì nữa?”. Mặc kệ, anh vẫn vác bình đi phun thuốc nhưng cuối cùng năng suất chẳng thấy cao hơn ruộng của dân làng mà lại chỉ “gặt” về thêm những tiếng cười chê.
DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG
Nguồn: Nông Nghiệp VN/nongnghiep.vn 
Bệnh viện Hạnh Phúc