Những tháng ngày cứ nhàn nhã trôi qua, ông hạnh phúc và không bao giờ than vãn nhưng diễm phúc to lớn nhất mà ở tuổi cổ lai hy ông vẫn còn có được là hằng đêm ông được ôm mẹ ngủ, được chăm sóc và hỏi han. Chắc chắn sẽ có nhiều người ganh tỵ với ông về diễm phúc kia, trong đó có tôi.
Hiếu là báo ơn cha mẹ… (Tranh minh họa)
Tại sao ta có thể ôm người tình, có thể động viên và chia sẻ với mọi người nhưng trước mẹ cha ta lại ngượng ngùng, bối rối? Chắc tại vì ta không đủ “dũng khí”, cho đó là “sến”, ta keo kiệt, chỉ biết bòn rút hết những tình cảm của cha mẹ dành cho ta!
“Thời gian đâu có chờ đợi ai, cha mẹ cũng đâu có thể mãi ở trên đời để ta lúc nào muốn báo ân cũng được, vô thường rồi sẽ cuốn đi tất cả, tới lúc đó hối hận đâu còn ý nghĩa gì“ |
Nhà thơ Đỗ Trung Quân nói thật đúng: “Ta làm thơ cho đời và cho bao nhiêu người con gái/ Có bao giờ thơ cho mẹ ta đâu”.
Ta có thể làm vừa lòng những: khách hàng, đối tác… nhớ răm rắp ngày sinh nhật của người yêu, bạn bè thân thuộc… Ta tặng hoa, biếu quà trong dịp lễ này lễ kia nhưng ngày sinh của cha mẹ ta có bao giờ biết đến dù chỉ một lời nói trơn tru: hôm nay là ngày sinh nhật cha, mẹ… Đôi khi vẫn biết như thế là bất công nhưng vẫn cố tình gạt gẫm mình – “chắc” cha mẹ hiểu cho con hoặc cha mẹ già rồi không cần những điều thứ thế nữa!
Ta đã lợi dụng tình yêu thương của cha mẹ mình quá đáng vì biết rằng tình thương yêu đó không có điều kiện, chỉ có cho mà không bao giờ được nhận lại, sẽ theo ta đi suốt cuộc đời này, sẽ rộng rãi đón ta về trong vòng tay bao la sau những lầm lỗi. Từ lúc tượng hình trong bụng mẹ đến lúc sinh ra, ẳm bồng, nuôi nấng, dạy dỗ cho đến ngày trưởng thành, cha mẹ chỉ biết lo lắng, dõi theo từng bước đi thành bại của con trong cuộc đời.
Đâu có cha mẹ nào sinh con ra để mong một ngày tương lai kia con sẽ trả hiếu trở lại. Những yêu thương đơn giản, chân thành như cụ ông kia không toan tính, không lừa gạt chính mình…, đó không phải là trách nhiệm hay bổn phận mà là bản tính của một người con hiếu thảo, tình cảm đó thiêng liêng không ngôn từ nào diễn tả được. Thế nên, thi sĩ Vũ Hoàng Chương nói: “Ngôn ngữ trần gian là túi rách. Đong không đầy hai tiếng mẹ cha”.
Ta yêu một người vì họ đẹp hoặc tài… tình yêu đó có sự chọn lựa mà trên đời này sự chọn lựa nào không đánh đổi bằng khổ đau. Còn cha mẹ ta chín tháng cưu mang, ba năm bú mớn có giây phút nào rời xa, đẹp, xấu, tài, mọn gì cha mẹ cũng thương không có bất kỳ điều kiện gì. Nếu phúc đức ta được sinh ra và lớn lên trong sự vẹn toàn, giỏi giang thì cha mẹ mừng vui khôn xiết; còn nếu chẳng may không được như ý thì cha mẹ càng thương hơn, như muốn bù đắp lại thiệt thòi và ngầm nhận lỗi này là do cha mẹ.
Trong kinh Báo Hiếu có nói: “Con đau ốm tức thì lo chạy. Dẫu tốn hao cách mấy cũng đành” hoặc là: “Nằm phía ướt con nằm phía ráo. Sợ cho con ướt áo ướt chăn. Hoặc khi ghẻ chóc khắp thân. Ắt con phải chịu trăm phần thảm thương ”. Công lao cha mẹ to lớn là thế nên Phật dạy: “Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật” hay “sinh ra thời không gặp Phật, kính thờ cha mẹ cũng như thờ Phật vậy”.
Ta cung kính cha mẹ nghĩ về công lao sinh – thành – dưỡng – dục mà báo hiếu ngay từ lúc ta hiểu được về nó, đừng đợi tới lúc ta đầy đủ các điều kiện vật chất rồi mới nghĩ việc báo đáp. Thời gian đâu có chờ đợi ai, cha mẹ cũng đâu có thể mãi ở trên đời để ta lúc nào muốn báo ân cũng được, vô thường rồi sẽ cuốn đi tất cả, tới lúc đó hối hận đâu còn ý nghĩa gì.
Nhân mùa Vu lan nói lại chuyện báo hiểu chỉ là để tôn vinh hai đấng sinh thành , là dịp để nhắc nhở những người còn cha mẹ diễm phúc lắm.
Báo hiếu không phải là mùa, cũng không phải ngày lễ đúng hẹn lại lên mà là đạo lý của con người, ai thiếu đạo lý đó thì không phải là người tốt.
Theo Tịnh Trí/ Giác Ngộ online