Dường như từ ngày có Facebook, con người… yêu đời hơn vì được chia sẻ? Người ta háo hức đi chơi, đi ăn, tụ tập, gặp gỡ bạn bè cốt để… khoe Facebook. Già trẻ, lớn, bé gì cũng thích!
Bạn bè lâu lâu gặp nhau, phê pháo, nhậu nhẹt thế nào cũng không quên chụp tấm hình post Facebook.Nội cái việc chụp hình “bốt phây” đã lắm vấn đề.Tiêu chí đầu tiên là phải “đẹp đều”.Bây giờ chụp một tấm hình yêu cầu cao lắm. Người mập, mặt lốm đốm bông hoa nhỏ thế nào cũng phải đạt được hai tiêu chí: “ốm và đẹp”. Lốm đốm bông hoa nhỏ hay vết thời gian thì không lo vì có “360 hân hạnh tài trợ”, thế nhưng tiêu chí “ốm” thì phải tùy vào tay nghề người chụp. Mấy chục tấm mới chọn được một tấm bụng thon, tay thon, chân dài… Chụp chung cả nhóm tất nhiên phải nhờ người lạ chụp, lại hồi hộp không biết tay nghề đến đâu. Cười mỏi miệng, bụng hóp hết mức vậy mà có khi chẳng “ra ngô ra khoai”. Căng lắm! Chọn rồi đưa lên, ngay và luôn cho nóng sốt, có “check in”, có cảm xúc… xong mới tiếp tục cuộc vui ăn uống. Đã yên đâu, có ai đó, bình luận liên quan đến cả nhóm lập tức được “nhân bản” đưa vào bàn tiệc, “cử đại diện” trả lời bình luận. Rôm rả, ồn ào.
Mọi thứ vui như vậy, vui đều, bỗng một hôm có người giăng câu trạng thái: “Tôi biết tôi nói cái này tôi bị ném đá, mà thôi kệ, coi như hy sinh nghen. Tại sao mình có can đảm chụp cái hình của mình rồi đem lên Facebook. Mình nghĩ làm sao mà dám đem hình mình bỏ lên Facebook. Khi mình nhìn cái hình người khác, mình nghĩ cái gì, tại sao mình không nghĩ ngược lại người ta nghĩ về mình cũng giống như vậy?”. Câu trạng thái còn thêm dòng p/s: “Đang chuẩn bị sẵn rổ, thúng, nia… hứng đá giùm”. Thế là thiên hạ bức xúc, trang cá nhân, ai muốn làm gì làm, miễn không phạm thuần phong mỹ tục, mắc mớ gì anh phê phán? Bỗng thấy mất vui, đâm ghét cái “thằng cha” đó, để tâm “thù” đợi hôm nào đẹp trời hủy kết bạn hay chặn luôn!
Tuy nhiên, cũng có người suy nghĩ và tự ngẫm, ừ nhỉ đưa hình cá nhân lên để làm gì mà hết album này đến album khác, người khác nhìn mãi cũng chán. Đúng là trang cá nhân muốn làm gì làm, nhưng nó lại hiện lên trang chủ chung. Có ngàn bạn ít ra cũng vướng mắt 900 bạn, chứ!
Ngoài tâm lý chưng hình còn tâm lý khoe.Có người thật thà như đếm, khoe nhà, khoe luôn số nhà, tên đường trên cái chốn phức tạp ấy. Có đủ các kiểu khoe, con cái, nhà cửa, bằng cấp, giải thưởng…
Một hôm cũng người (ở trên) lại giăng tiếp câu trạng thái: “Khoe để làm gì? Thử nghĩ xem, mình có thích nghe người khác khoe về họ không?”. Lần này thì chiều phản ứng có vẻ hơi yếu ớt, ừ thì thích khoe nhưng đa phần đều nghĩ lại, mình khoe chỉ sướng phần mình, mà không quan tâm đến phần người đối diện, vậy nghe người đối diện khoe mình có thấy dễ chịu không?
Phải hiểu rằng, ở cái chốn ảo hoàn toàn mở ấy, chức năng chia sẻ là quan trọng nhưng vẻ như “mạnh ai nấy sống”, chỉ có cá nhân quan tâm đến điều mình đưa lên, còn thiên hạ giống như tạt qua, bấm cái “like” giao hảo, rồi đi, nhiều người còn tuyên bố không biết mình đã “like” cái gì nữa. Ví dụ, phần ghi chú của Facebook có báo cho biết con số lượt đọc, nhiều khi lượt đọc chỉ có 30 mà lượt “like” đến 50. Đủ hiểu nơi đó “ảo” thế nào! Người ta ồn ào thời điểm đó, gầm lên, tưởng là long trời lở đất đến nơi vậy mà qua một đêm, đề tài khác xuất hiện, lại lao vào đợt gầm rú khác quên mất hôm qua đã có chuyện gì xảy ra.
Chưa kể Facebook bây giờ là chốn cho người ta “khai quật”, nguồn tư liệu để điều tra tội phạm cũng từ đó và tội phạm lấy tư liệu cũng từ đó để làm chuyện khuất tất… Ví dụ gần nhất, vừa đăng quang, lập tức cô hoa hậu bị cộng đồng mạng “làm mới” chuyện từ hồi nào, bới bèo ra bọ, phê phán không thương tiếc.
Cách chơi là quan trọng, đừng tin tưởng cái chốn ảo vô cùng phức tạp ấy mà vô tình ngày nào đó có những chứng cứ (rất hồn nhiên) chống lại mình!
Nguồn: Kim Duy (Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)