So với 15 năm trước, Chùa Khỉ đã được xây dựng lại khang trang và kiên cố hơn nhưng không vì thế mà đánh mất cảnh quan đẹp một cách thú vị và kỳ lạ thật khó lý giải. Đặc biệt, quanh chùa có những thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú.

Chúng tôi đến Chùa Khỉ (tên người dân địa phương thường gọi thay cho tên gọi Thiền Viện Trúc Lâm Chân Nguyên) tọa lạc dưới chân núi Kỳ Vân thuộc thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

16-01-22_d-du-rn-2

Ngôi chùa được xây mới khang trang nằm dưới chân núi Kỳ Vân

So với 15 năm trước, Chùa Khỉ đã được xây dựng lại khang trang và kiên cố hơn nhưng không vì thế mà đánh mất cảnh quan đẹp một cách thú vị và kỳ lạ thật khó lý giải. Đặc biệt, quanh chùa có những thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú.

16-01-22_d-du-rn-1

Tảng đá lớn hình đầu rắn ngậm ngọc.

Không ai biết tảng đá nhô lên, xuất hiện từ bao giờ và cũng chẳng rõ bằng cách nào lại có một viên đá tròn to như viên ngọc nằm lọt thỏm trong mỏm đá hình đầu rắn. Không chỉ thế, nơi đây còn có những tảng đá lớn tựa hình voi phủ phục, hình thần Quy quay đầu vào núi, hình chú khỉ như ngồi trầm ngâm dõi mắt xa xăm ra vùng biển Đông và những tảng đá lấp sấp gợi hình ảnh những chú cá vượt vũ môn.

16-01-22_d-du-rn-3

Rừng mai anh đào tuôn hoa mỗi độ xuân về

Nơi đó như một món quà mà tạo hóa, thiên nhiên ưu ái dành tặng cho người dân huyện Đất Đỏ, nơi sinh ra và lớn lên của nữ anh hùng Võ Thị Sáu với câu hát “mùa hoa lê ki ma nở, ở quê ta miền Đất Đỏ”. Thế nhưng, một điều khó lý giải là nơi đây không có nhiều hoa lê-ki-ma mà thay vào đó là những rừng mai anh đào nhuộm sắc trắng, hồng rực rỡ mọc hoang dại khoe sắc vào mỗi dịp xuân về. Mùa hè, những rừng cây ít nhiều trụi lá vươn cành khẳng khiu, nhiều cây len mình trong đá tạo nên khung cảnh nên thơ vô cùng ấn tượng. Không chỉ vậy, nơi đây còn có cả một cội bồ đề có lẽ đã vào trăm năm tuổi với gốc và rễ len lỏi trong từng vách đá hay tảng đá lớn hình đầu Phật gợi sự an nhiên, trong lành đến thú vị. Nơi đây đặc biệt còn có cả một đàn khỉ hàng trăm con mà cho đến nay, sau hàng chục năm, chưa ai có thể thống kê cụ thể số lượng con và đàn cụ thể bởi chúng sống hoang dã trên đỉnh núi Kỳ Vân ngày ngày tìm xuống sau chùa để xin ăn nơi cửa Phật. Bầy khỉ (cách đây 15 năm đã khoảng 200 con) khá dạn dĩ, lắm lúc sẵn sàng đưa tay nhận thức ăn từ du khách hoặc chơi đùa với bọn trẻ nhưng thời gian gần đây, có lẽ vì do bị tấn công, đặt bẫy trái phép trên núi nên đôi lúc chúng hơi nhát và chỉ dám đứng xa xa trên những tàng cây, tảng đá lớn và chuyền cành đùa giỡn. Hôm chúng tôi đến, nhìn thấy cảnh một chú khỉ bị cụt chi trước chỉ còn một chi đón nhận thức ăn từ du khách mà thấy xót lòng.

16-01-22_d-du-rn-5

Tảng đá lớn hình voi phủ phục quay đầu vào núi

Chị Oanh, một người dân địa phương cho biết: “Vì khung cảnh mát mẻ hữu tình nên từ lâu chùa Khỉ đã được người dân địa phương, nhất là các bạn trẻ chọn làm nơi du sơn ngoạn thủy. Bản thân tôi cũng thích đưa con cháu đến nơi này để chúng được hưởng không khí trong lành và nhất là được vui đùa với lũ khỉ. Điều tôi lo nhất là bầy khỉ sống hoang dã trong môi trường thiên nhiên dễ bị kẻ xấu rắp tâm rình mò săn bắn trái phép”.

16-01-22_d-du-rn-7

Khỉ hoang dã ở chùa Khỉ

16-01-22_d-du-rn-8

  Một chú khỉ bị cụt chi trước vì dính bẫy

Theo quan sát và tìm hiểu của chúng tôi, dù là khỉ hoang dã trong môi trường thiên nhiên nhưng chúng rất được các sư thầy và người dân nơi đây yêu thích và cho ăn khá đều đặn. Khách du lịch mỗi khi đến đây ngoạn cảnh cũng thường xuyên mua chuối, trái cây và các loại đậu phộng để khuyến dụ và chơi đùa với chúng. Những người buôn bán nhỏ dưới chân núi Kỳ Vân cũng rất yêu đàn khỉ và họ xem như chúng là “ân nhân” bởi nhờ có đàn khỉ cộng với khung cảnh hữu tình mà hằng tuần có rất nhiều đoàn khách từ khắp nơi tìm đến tham quan, ngắm cảnh ở chùa Khỉ và sử dụng dịch vụ buôn bán của họ.

Nguồn: TRƯƠNG QUỐC PHONG… | Báo Nông Nghiệp VN/ NongNghiep.vn

Bệnh viện Hạnh Phúc