Lương công nhân của chị chỉ có gần 3 triệu đồng một tháng, trong khi đó chồng chị cao gấp 7-8 lần chị. Chị một mình xoay xở cho gia đình nuôi các con ăn học, anh cũng chẳng đóng góp được mấy công sức nuôi con.
Máy điện thoại reng reng đổ chuông, tôi cầm lên đọc tin nhắn, cảm giác sung sướng vì đã có lương.Tôi dắt xe máy ra khỏi nhà và đi rút tiền luôn vì biết đầu tháng nên sẽ phải chờ đợi. Đúng như dự đoán, cả thị xã có mỗi 3 cây ATM hoạt động ngoài giờ hành chính, mà cây thì rút được cây không nên lượng người rút tiền lúc nào cũng đông, mỗi lần đi rút là phải đợi đến 20-30 phút tôi quen rồi.
Như mọi lần, tôi đứng xếp hàng ngay ngắn từ bên lề đường, khoảng 10 phút sau theo thứ tự tôi cũng đã đi được đến bên trong khu vực cửa kính của máy rút tiền. Tôi vốn quen rồi nhưng đợi cũng sốt hết cả ruột.Tôi ngó nghiêng nhìn dòng người, nhìn ảnh những cô chân dài quảng cáo dịch vụ Agribank, rồi bất chợt tôi nhìn …cái thùng rác với ý nghĩ mơ hồ sao mấy ngày họ không đổ rác mà lắm hóa đơn bỏ lại thế? Tôi quay đi nhưng người phụ nữ trước mặt tôi rút lương cho cả tổ hay sao ấy, chị cầm 6-7 cái thẻ và rút hộ tiền cho từng người, tôi bắt đầu thấy sốt ruột, trong cây ATM còn mỗi mình tôi và chị ấy.
Tôi lại liếc lên nhìn thùng rác, lần này phát hiện có một tờ giấy to. Đang rảnh nên tôi liếc mắt đọc qua: ”Giờ em có nói gì thì anh cũng chỉ coi em là một con điếm…”. Tôi giật mình với những dòng chữ ấy. Người phụ nữ trước tôi đã rút tiền xong, tôi thở phào nhẹ nhõm, cuối cùng cũng đến lượt mình.
Rút xong tiền tôi định quay đi thì nghĩ đến tờ giấy, tôi tò mò cầm lên, ra xe và ngồi đọc.
Bức thư bị ném vào thùng rác
Bức thư của một người vợ gửi chồng. Đọc qua thư tôi cũng hiểu được phần nào câu chuyện gia đình anh chị. Chị là một công nhân may có chút nhan sắc, tôi nghĩ vậy. Còn anh chồng làm sếp của một cơ đơn vị nào đó. Anh chồng vì cậy mình có tiền, có quyền nên coi vợ không ra gì, sỉ nhục chị bằng những lời lẽ cay nghiệt, có lúc còn đánh đập chị thâm tím mặt mày.
Lương công nhân của chị chỉ có gần 3 triệu đồng một tháng, trong khi đó chồng chị cao gấp 7-8 lần chị. Chị một mình xoay xở cho gia đình nuôi các con ăn học, anh cũng chẳng đóng góp được mấy công sức nuôi con. Đi làm về sớm hơn mà anh chẳng mảy may cắm cho vợ nồi cơm. Chị tan ca 7 rưỡi tối mới về đến nhà lại tất bật cơm cơm nước nước rồi tắm giặt cho con, thế mà về đến nhà anh chửi mắng chị đủ thứ chuyện: nào món ăn không ngon, nào con khóc kìa…trong nhà anh chỉ là người dưng, không động tay vào việc nhà giúp đỡ chị hay chia sẻ, thông cảm cho chị.
Chị buồn bã, thấy bọn trẻ tải zalo ầm ầm chị cũng tải về. Chị quen một người bạn qua zalo, một người chị chỉ biết tên không biết mặt, vì quá buồn chị đã trải lòng mình nhắn tin tâm sự chuyện gia đình chị chuyện chồng con. Có người tâm sự chị cũng vơi đi được phần nào. Thi thoảng buồn và có thời gian chị lại tâm sự với người bạn ấy. Cho đến một ngày chồng chị vô tình đọc được những tin nhắn ấy. Anh lấy cớ đánh đập chị, coi chị là kẻ ngoại tình mặc dù chị chưa hề biết mặt và gặp người bạn kia. Anh chửi mắng chị, bảo chị lăng nhăng, chị là một con điếm, mặc cho chị giải thích thế nào đi chăng nữa… Lại những cuộc đánh đập bạo hành.
Còn bao nhiêu những cặp vợ chồng “đũa lệch” về tiền bạc, nửa kia lép vế hơn về khả năng kiếm tiền thì dành cho vợ hoặc chồng sự khinh thường, sỉ nhục, đánh đập trong khi từ sự bùng nổ của internet một người có thể giao lưu kết bạn bốn phương chỉ qua một cái nhấn nút enter và người ta không nghĩ đến các hệ lụy là bao gia đình hạnh phúc tan vỡ nếu không có được sự chia sẻ, cảm thông từ người đầu ấp tay gối của mình.
Bức thư kết thúc ở đoạn: “Xin anh hãy để cho em được một mình. Em biết mình kém anh về nhiều mặt nhưng không vì vậy mà anh có quyền hành xử tồi tệ với em. Em sợ anh, sợ sự hoài nghi, sợ những hành động bạo lực, sợ ánh mắt coi thường của anh…”.
Tôi ra về, trên đường về nhà tôi không khỏi mông lung suy nghĩ về bức thư ấy. Thực tế ở xung quanh tôi còn rất nhiều cặp vợ chồng rơi vào hoàn cảnh như thế.